08/07/2021 10:04 GMT+7

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Tỉnh Khánh Hòa vừa có công điện, thông báo kết luận của. chủ tịch UBND tỉnh Nguyên Tấn Tuân, từ 0h ngày 9-7 sẽ bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên bàn toàn TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 1.

Khu vực dân cư tại Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã thực hiện cách ly y tế do dịch bệnh COVID-19 từ chiều ngày 3-7 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân vừa trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, việc giãn cách xã hội 3 huyện, thị xã, TP kể trên sẽ áp dụng theo quy định tại chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân phải thực hiện giãn cách xã hội các địa phương trên, theo ông Tuân, là do tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thị xã Ninh Hòa đã thuộc địa bàn "nguy cơ rất cao", TP Nha Trang cũng đã chuyển từ địa bàn "nguy cơ cao" thành "nguy cơ rất cao".

Còn huyện Vạn Ninh tuy hiện tại có "nguy cơ cao" nhưng là địa bàn nằm giữa thị xã Ninh Hòa và tỉnh Phú Yên nên tỉnh Khánh Hòa cũng quyết định thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa, hạn chế lây lan dịch bệnh COVID-19.

Ông Tuân cho biết, việc giãn cách xã hội đối với các địa bàn kể trên đã được tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương đó chủ động, chuẩn bị tinh thần từ hai ngày trước đây nên cũng sẽ không có bất ngờ, lung túng khi triển khai.

Còn khi giãn cách xã hội, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương phải đảm bảo các hoạt động, dịch vụ thiết yếu cho dân và các hoạt động sản xuất bình thường theo đúng chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi các địa phương còn lại của tỉnh này áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ

PHAN SÔNG NGÂN

70% công chức không đến Trung tâm hành chính Bình Dương do COVID-19

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 2.

Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương là nơi làm việc của hầu hết các sở, ngành cấp tỉnh - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 8-7, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh điều tiết giảm 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan và phải đảm bảo không gây ách tắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Tòa tháp đôi trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương cao 22 tầng, là nơi đặt trụ sở của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hầu hết các sở, ngành (khoảng 60 đơn vị) với hàng ngàn người làm việc.

Trước đó, toàn bộ các quầy dịch vụ công của các sở, ngành tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh (tầng trệt tòa nhà) cũng đã ngưng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các dịch vụ công được chuyển từ hình thức phục vụ trực tiếp sang hình thức trực tuyến và giao dịch qua bưu điện.

Các cơ quan, đơn vị trong tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương được yêu cầu xây dựng ngay các kế hoạch, kịch bản ứng phó với từng trường hợp khi xuất hiện F0, F1 là người của cơ quan, đơn vị mình để chủ động phòng chống dịch từ sớm.

Để truy vết, phát hiện COVID-19, trong ngày 8-7, các cán bộ, công chức làm việc tại tòa nhà hành chính Bình Dương cũng đã được lấy mẫu kiểm tra.

Theo công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), tới chiều 8-7 ghi nhận thêm 55 ca mắc COVID-19 mới, trong đó chưa nêu ca nào liên quan Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương.

Bình Dương có số ca mắc COVID-19 vượt 1.000 ca

Lũy kế, Bình Dương đã có tới 1.053 ca mắc COVID-19 kể từ đợt bùng phát dịch thứ tư tới nay. Theo CDC Bình Dương, các ca mắc mới ghi nhận hầu hết liên quan các doanh nghiệp: có 2 ca liên quan đến Công ty Wanek 2; 11 ca liên quan đến Công ty Việt Nam Housewares; 6 ca liên quan đến Công ty Hansol Vina; 1 ca liên quan Công ty II-VI; 2 ca ở Công ty Spartronic.

Ngoài ra, còn có một số ca trong cộng đồng gồm: 14 ca liên quan đến khu vực Chánh Nghĩa (TP Thủ Dầu Một); 8 ca liên quan khu vực Thuận Giao (TP Thuận An) và 11 ca có nguồn lây nhiễm từ TP.HCM....

Từ ngày 9-7, tất cả cán bộ, công chức làm việc trong trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương sẽ phải tự chuẩn bị cơm trưa vì căn tin của tòa nhà sẽ tạm ngưng phục vụ để phòng chống COVID-19.

BÁ SƠN

TP Bắc Giang thiết lập vùng cách ly y tế, dừng sự kiện đông người

Ngày 8-7, TP Bắc Giang quyết định thiết lập vùng cách ly y tế với nhiều phường, xã để truy vết các ca mắc COVID-19 trên địa bàn và tiếp tục dừng sự kiện đông người.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 4.

Nhiều khu vực tại TP Bắc Giang nằm trong vùng cách ly y tế để khoanh vùng F0 - Ảnh: HÀ QUÂN

Cụ thể, TP Bắc Giang thiết lập cách ly y tế với tổ dân phố Giáp Hải, phường Dĩnh Kế; tổ dân phố 2B, phường Trần Nguyên Hãn; thôn An Phú, xã Song Mai; thôn Trước, xã Tân Tiến và thôn Lò, xã Tân Mỹ từ 12h ngày 8-7 đến khi có thông báo mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch UBND TP Bắc Giang Đặng Đình Hoan cho biết: "Việc cách ly một số địa điểm liên quan đến ca F0 để thực hiện điều tra, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm".

Tối 8-7, TP Bắc Giang cũng có công văn hỏa tốc tiếp tục dừng hoạt động các khu di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, gym, game online… Các sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết cũng chưa được cho phép. 

Hàng quán trên vỉa hè tiếp tục bị cấm. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát được bán hàng nhưng chỉ phục vụ khách mang về, không phục vụ tại chỗ.

Sáng 8-7, UBND tỉnh Bắc Giang có công điện khẩn về tổ chức khai báo y tế, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm (có thu phí) theo quy định. Các trường hợp thực hiện khai báo y tế không rõ ràng hoặc có yếu tố dịch tễ thì phải cách ly tự trả phí đủ 21 ngày, còn lại cách ly tại nhà 14 ngày. Người dân ở lại TP. HCM và các vùng có dịch chưa tự di chuyển về Bắc Giang vào thời điểm này.

Tỉnh Bắc Giang nhận định: "Vì thời gian cách ly xã hội được TP. HCM thông báo trước 2 ngày (9-7) nên có thể sẽ có những công dân tỉnh Bắc Giang hoặc tỉnh, thành phố khác từ TP. HCM di chuyển về Bắc Giang trong những ngày gần đây và một vài ngày tới".

HÀ QUÂN

Đắk Lắk buộc nhiều cơ sở y tế ngưng dịch vụ cấp "giấy thông hành COVID-19"

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 6.

Đắk Lắk không yêu cầu các tài xế phải có giấy thông hành COVID-19 nhưng tại chốt kiểm dịch tại đèo Phượng Hoàng nối Đắk Lắk - Khánh Hoà lại thực hiên ngược lại - Ảnh: THẾ THẾ

Chiều 8-7, ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho biết đã có văn bản yêu cầu các cơ sở y tế chưa được cấp phép tạm ngưng việc tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cho người dân.

Sở yêu cầu các cơ sở y tế trên toàn tỉnh khi tổ chức dịch vụ này phải được Sở Y tế tổ chức thẩm định, có văn bản chấp thuận trước khi triển khai.

Trước đó, ngày 5-7, Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo và Bệnh viện Nhi Đức Tâm (TP Buôn Ma Thuột) có văn bản xin tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2.

Đến ngày 6-7, phó giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nguyễn Văn Hùng ký văn bản chấp thuận cho hai đơn vị này thực hiện dịch vụ "cấp giấy thông hành COVID-19" khi chưa thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định theo quy định của Bộ Y tế.

Trong các ngày qua, rất nhiều người dân đã đến 2 cơ sở này để tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 để sử dụng cho đi lại, công việc.

Đánh giá về việc này, ông Nay Phi La cho rằng việc cho phép 2 cơ sở này tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 về cơ sở pháp lý là hơi vội vàng nên đã yêu cầu tạm ngưng.

Theo ông Nay Phi La, việc các cơ sở treo băng rôn quảng cáo và tập trung để tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của địa phương và gây lãng phí cho người dân.

Sở sẽ thành lập đoàn có nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên rà soát tất cả các quy trình xét nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn mới cho các đơn vị có điều kiện mở dịch vụ.

TRUNG TÂN

Thái Bình bác thông tin có thêm ca COVID-19

Ngày 8-7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết thông tin về ca dương tính với SARS-CoV-2 mới được ghi nhận tại huyện Tiền Hải như lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 7.

Thái Bình bác bỏ thông tin về việc ghi nhận thêm ca COVID-19 - Ảnh: KHÁNH LINH

Trước đó ngày 7-7, ông V.C.T. (57 tuổi, quê tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh - làm nghề lái xe dịch vụ) chở 4 người khởi hành từ phường Cẩm Sơn về huyện Kiến Xương và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Sau khi trả vị khách cuối cùng tại xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, ông T. vào Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải để khám sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện.

Kết quả test nhanh kháng nguyên 3 lần với SARS-CoV-2 của ông T. đều là dương tính. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm khẳng định vào ngày 8-7, bằng phương pháp Realtime PCR của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, xác định âm tính với SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế Thái Bình, tính từ ngày 26-6 đến nay, địa phương này không ghi nhận thêm ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện còn 15 bệnh nhân mắc COVID-19 đang cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

KHÁNH LINH

Bình Phước tạm dừng kinh doanh xổ số kiết thiết và xe buýt 15 ngày

Tối 8-7, thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay chiều cùng ngày đã ra công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp liên quan tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7 .

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 8.

Tỉnh Bình Phước đã tạm dừng hoạt động kinh doanh xe buýt nội tỉnh của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước để phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: BÙI LIÊM

Tối cùng ngày, thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho hay đã yêu cầu tạm dừng hoạt động xe buýt nội tỉnh của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, tạm dừng các tuyến gồm: Đồng Xoài - Chơn Thành và ngược lại; Chơn Thành - Bình Long và ngược lại; Bình Long - Lộc Ninh và ngược lại. Thời gian tạm dừng từ ngày 8-7 cho đến khi tình hình dịch bệnh lắng xuống ổn định.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước tối cùng ngày, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 10 ca dương tính COVID-19 (9 ở huyện Chơn Thành và 1 ở huyện Lộc Ninh).

BÙI LIÊM

Nghệ An tăng cường 200 nhân viên y tế vô TP.HCM chống dịch

Đây là lần thứ 3 Nghệ An cử các y, bác sĩ đến các địa phương có dịch COVID-19 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 9.

Cán bộ y tế Nghệ An xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: DOÃN HÒA

Chiều 8-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Dương Đình Chỉnh - giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã đăng ký cử 200 nhân viên y tế chi viện cho TP.HCM hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bác sĩ Phạm Đình Tùng - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An - sẽ làm trưởng đoàn nhân viên y tế vào TP.HCM trong những ngày tới.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh Nghệ An trong đoàn đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính và đảm bảo sức khỏe khi lên đường. Họ được lựa chọn từ hàng ngàn cán bộ y tế, sinh viên y khoa đăng ký tình nguyện đi chống dịch của tỉnh.

"Đây là việc làm thể hiện tinh thần của người thầy thuốc, là tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Nghệ An hỗ trợ cho TP.HCM sớm khống chế dịch COVID-19 đang bùng phát", ông Chỉnh nói.

Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế được tăng cường lần này tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.

Trước đó, tỉnh Nghệ An là địa phương tích cử các đoàn y bác sĩ tăng cường chi viện cho TP Đà Nẵng, Hà Tĩnh chống dịch được các tỉnh, thành bạn đánh giá hiệu quả cao.

Sở Y tế Nghệ An tiếp tục phát động lời kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành y, sinh viên y khoa tạm gác lại công việc gia đình, cá nhân để sẵn sàng lên đường tình nguyện tham gia chi viện cho các địa phương phòng, chống dịch COVID-19.

Sau khi TP Vinh phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn vào ngày 13-6, tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai các biện pháp kịp thời, chủ động ứng phó với khả năng lây lan. Đến nay tỉnh Nghệ An đang kiểm soát được diễn biến của dịch bệnh.

DOÃN HÒA

Đà Nẵng chuẩn bị 34 khách sạn cách ly người về từ vùng dịch

Chiều 8-7, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết đã có 34 khách sạn với 3.005 phòng và 5.155 giường đã được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng thiết lập là cơ sở cách ly tập trung có thu phí.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 10.

Một khách sạn cách ly có thu phí ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Trước đó, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã thống nhất đề xuất thực hiện cách ly 21 ngày tại khách sạn có thu phí đối với những trường hợp đến, về từ địa phương có dịch.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết để tránh trường hợp người thực hiện cách ly đăng ký dàn trải tại nhiều cơ sở lưu trú, sở đề xuất nhóm 3 khách sạn sử dụng để cách ly tất cả trường hợp đến, về Đà Nẵng từ địa phương có dịch. 

Việc đăng ký cách ly tại khách sạn sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: sử dụng hết công suất lưu trú của từng đợt (nhóm 3 khách sạn) sẽ tiếp tục giới thiệu bổ sung 3 cơ sở khác.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết sẽ cập nhật hằng ngày tình hình phục vụ gồm năng lực buồng phòng, giá thành của các khách sạn và đăng tải nhóm 3 khách sạn bổ sung tại trang thông tin của Sở tourism.danang.gov.vn để các đơn vị biết và thông tin cho khách.

Theo ghi nhận giá phòng đã bao gồm dịch vụ ăn uống quanh mức 1 triệu đồng/ngày đối với phòng đơn và 1,2 triệu đồng/ngày đối với phòng đôi.

Vào chiều 8-7, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này Đà Nẵng vẫn thực hiện cách ly 21 ngày đối với người từ vùng dịch trở về. Việc cách ly này áp dụng chung cho người về từ các địa phương có dịch chứ không riêng gì người về từ TP. HCM. Ngoài việc cách ly tại điểm cách ly tập trung, người dân có thể lựa chọn cách ly tại tại khách sạn có thu phí. 

Trước đó trong sáng 7-7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành trên cả nước tiếp nhận người về từ TP.HCM, yêu cầu người từ TP.HCM đi 62 tỉnh thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần. 

Theo bác sĩ Hồng, liên quan đến nội dung này thì Bộ Y tế có hướng dẫn UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP.HCM về các tỉnh, thành phố khác. Cũng như thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định. 

TRƯỜNG TRUNG

TP Biên Hòa đề nghị giãn cách xã hội ở 6 phường

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 11.

Phong tỏa chợ Hóa An để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm đêm 7-7 - Ảnh: H.M

Theo UBND TP Biên Hòa, hiện TP đã có 33 người mắc COVID-19 tại các phường Tân Biên, Trảng Dài, Hố Nai, Phước Tân, Tân Hạnh, Bửu Hòa, Hóa An, Long Bình Tân, Tân Hòa.

Các trường hợp nhiễm đều có liên quan đến các chợ đầu mối tại TP.HCM vì đến lấy hàng và buôn bán tại các khu vực chợ ở Biên Hòa cũng như làm việc ở các công ty TP.HCM, Bình Dương. Người mắc thuộc khu vực có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao như khu vực chợ khu phố 2 phường Long Bình Tân, khu vực chợ Tân Biên, chợ Hóa An và các khu vực chợ tạm khác... 

Việc những người nhiễm đã tiếp xúc và di chuyển ở các nơi trên là rất phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều tra dịch tễ. Dự báo thời gian tới còn phát sinh các trường hợp dương tính và số lượng F1, F2 tăng cao.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 12.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính tại chốt cầu Đồng Nai, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa - Ảnh: ĐÌNH TRỌNG

Vì vậy, UBND TP Biên Hòa đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai quyết định cho TP áp dụng Chỉ thị 16  ở 6 phường của TP từ 0h ngày 9-7, thời gian áp dụng 15 ngày, gồm các phường Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và Phước Tân.

Theo đó, UBND TP Biên Hòa chỉ cho phép các nhà hàng, quán ăn và các chợ truyền thống bán hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ. Chợ tạm, chợ tự phát tạm thời ngưng hoạt động.

H.MI

Vĩnh Long sẵn sàng đón người về từ TP.HCM

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 13.

Chiều 8-7, các cơ sở kinh doanh ăn uống dọc quốc lộ 1 qua Vĩnh Long đã căng dây đóng cửa - Ảnh: CHÍ HẠNH

Chiều 8-7, ông Lữ Quang Ngời - chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - đã ký công điện khẩn số 3657 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị tiếp nhận người về từ TP.HCM và tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.

Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ vùng dịch theo quy định đối với tất cả những người từ TP.HCM vào Vĩnh Long. Trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ...

Các trường hợp nêu trên được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh đã xác định. Buộc phải khai báo y tế bắt buộc, chính quyền địa phương phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ.

Thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Chính quyền địa phương sẽ theo dõi, vận động các trường hợp nêu trên thực hiện cách ly tập trung nếu việc cách ly tại nhà không đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM vào Vĩnh Long phải ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch…

Vĩnh Long cũng đề nghị tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, bắt đầu từ 0 ngày 9-7 cho đến khi có thông báo mới.

CHÍ HẠNH

Người đi chữa bệnh, học sinh thi tốt nghiệp về Lâm Đồng không bắt cách l‎y trong khách sạn

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 14.

Thực hiện xét nghiệm với các ca F1 tại huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nơi phát hiện 3 ca nhiễm SARS-CoV-2 là người đến từ TP.HCM - Ảnh: M.V

Chiều 8-7, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản điều chỉnh chỉ đạo trước đó về việc cho người dân Lâm Đồng về lại địa phương. Theo đó, các trường hợp là người dân Lâm Đồng, gồm học sinh đi thi tốt nghiệp THPT (kèm 1 người nhà và lái xe - nếu có; có giấy báo dự thi), người đi công tác (và lái xe - nếu có; có công lệnh hoặc giấy đi đường) và người đi chữa bệnh (và lái xe - nếu có, kèm 1 người nhà; có giấy ra viện hoặc đơn thuốc) từ TP.HCM và các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 về Lâm Đồng không phải cách ly tập trung tại cơ sở lưu trú. 

Các trường hợp này phải có giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định; phải khai báo y tế đầy đủ, làm bản cam kết cách ly y tế tại nhà theo hướng dẫn của cơ quan y tế (tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19) và thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.

Các trường hợp khác khi về tỉnh Lâm Đồng thực hiện cách ly 21 ngày tại cơ sở lưu trú có tính phí. Người cách ly phải tự trả phí, kể cả phí xét nghiệm SARS-CoV-2.

Như vậy, theo chỉ đạo mới của tỉnh Lâm Đồng, 2 nhóm người đi chữa bệnh, học sinh thi tốt nghiệp THPT về từ TP.HCM và các tỉnh khác không áp dụng Chỉ thị 16 được về địa phương, thực hiện cách ly tại nhà.

M.VINH

Trung tâm y tế huyện làm sai

Mấy ngày gần đây, hàng loạt tài chạy tuyến Khánh Hoà - Đắk Lắk khi đến chốt kiểm dịch của tỉnh Đắk Lắk phải ‘đổ đèo’ quay đầu. 

Trước đó, UBND huyện M’Đrắk đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo tạm dừng vận chuyển hành khách từ tỉnh Khánh Hòa về huyện M'Đrắk. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông, tuy nhiên phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Chốt kiểm dịch quốc lộ 26 - VIDEO: THẾ THẾ

Anh Hồ Bá Hội - TP Nha Trang, Khánh Hoà - cho biết rất bất ngờ khi được thông báo tỉnh Đắk Lắk cấm người từ các vùng có dịch, muốn vào huyện M'Đrắk phải có giấy xác nhận âm tính với COVID-19, trong khi nhu cầu chỉ có đi lại trong ngày. "Giờ chỉ còn cách là quay về lại thôi", anh Hội nói.

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Trọng Phúc - phó giám đốc Trung tâm y tế huyện M'Đrắk - cho biết khi người dân đến chốt kiểm dịch, người dân sẽ được hướng dẫn khai báo y tế để phân loại. Đối với những người không có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 tùy theo từng đối tượng sẽ thực hiện test nhanh và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

"Nhận được chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã thông báo mấy ngày nay rồi, khi các phương tiện vận tải qua chốt phải giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Việc test nhanh tại chốt chỉ dùng cho các tài xế ở xa hoặc người qua lại có biểu hiện ho, sốt, khó thở và là biện pháp dự phòng..." - ông Phúc thông tin.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 16.

Theo giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, tài xế có giấy xét nghiệm là tốt nhưng vẫn phải test nhanh khi qua chốt - Ảnh: THẾ THÊ

Trong khi đó, ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - khẳng định tỉnh không có chủ trương buộc các tài xế, người dân ở những địa phương đang có dịch phải có "giấy thông hành COVID-19".  

Theo đó, tất cả người dân, tài xế từ vùng có dịch (Phú Yên, Khánh Hoà) qua các chốt trên quốc lộ 26 và 29 phải thực hiện khai báo y tế và được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sàng lọc tại chỗ. 

Trong trường hợp không test nhanh được thì sau khi khai báo y tế tại chốt thì về cơ sở y tế nơi đến để thực hiện test nhanh, nếu âm tính thì thực hiện cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, nếu dương tính thì cách ly tập trung.

Đối với các tài xế cũng không buộc phải có ‘giấy thông hành COVID-19" vì giấy này chỉ mang tính sàng lọc và có giá trị 24 giờ đồng hồ. 

"Tôi khẳng định, nếu ai có giấy xét nghiệm âm tính là tốt nhưng đều phải được test nhanh tại chốt. Giấy đó chỉ gây phiền phức, phức tạp thêm cho người dân. Việc Trung tâm y tế huyện M’Đrắk buộc tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính là chưa đúng, chúng tôi sẽ gọi chỉ đạo lại ngay, giải toả những bức xúc." - ông Nay Phi La nói.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 17.

Giao thông ùn ứ trên quốc lộ 14 đoạn tiếp giáp giữa 2 tỉnh Đắk Nông - Bình Phước - Ảnh: CHÍ THIỆN

Ùn ứ trên quốc lộ 14

Chiều cùng ngày, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết vừa liên hệ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước về giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc ùn tắc giao thông trên quốc lộ 14, nơi tiếp giữa 2 tỉnh.

Theo vị này, tại các chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Bình Phước tài xế phải có giấy xét nghiệm test nhanh âm tính. 

Trong khi tại chốt kiểm dịch của Bình Phước không có dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19 nên hầu tài xế đã đổ về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông để được lấy mẫu xét nghiệm khiến nơi đây quá tải còn lượng xe cộ trên quốc lộ thì ùn ứ. 

Đắk Nông đề nghị Bình Phước nên nới lỏng quy định kiểm soát mọi người dân đi qua tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính.

Trả lời về thực trạng trên tại Đắk Nông, bà Trần Tuệ Hiền - chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - xác nhận đã nhận được thông tin trao đổi từ phía tỉnh Đắk Nông và sẽ phối hợp với tỉnh bạn để giải quyết. Tuy nhiên khi được yêu cầu trả lời cụ thể thì bà Hiền từ chối trả lời thêm.

TRUNG TÂN - ĐÌNH CƯƠNG - THẾ THẾ

Người dân Phan Thiết tấp nập gửi hàng tiếp tế vào TP.HCM trước giờ 'G'

Ngày 8-7, người dân tấp nập đến các nhà xe ký gửi hàng hóa từ TP Phan Thiết, Bình Thuận vào TP.HCM trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 18.

Người dân TP Phan Thiết, Bình Thuận gửi hàng vào tiếp tế cho người thân trong TP.HCM - Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo ghi nhận, bắt đầu từ sáng cùng ngày, người dân từ khắp nơi chở đồ đạc cồng kềnh đến các nhà xe ký gửi. Nhiều nơi chật kín, nhân viên nhà xe không kịp nhận hàng.

Phần lớn hàng hóa gửi vào TP.HCM là nhu yếu phẩm, rau củ quả… Những thùng hàng liên tục được mọi người chở đến gửi để kịp chuyến xe trong ngày.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 19.

Chiếc xe chất đầy hàng hóa từ TP Phan Thiết chuẩn bị chở vào TP.HCM - Ảnh: ĐỨC TRONG

Nhiều nhà xe cho biết sẽ liên tục nhận hàng ký gửi vào TP.HCM trong những ngày tới và cũng có nơi không chắc chắn điều này.

Tại một nhà xe ở đường Tôn Đức Thắng, anh Phong cho biết người thân của mình đang làm việc tại TP.HCM. Thời gian qua ở Bình Thuận khuyến cáo người dân không có việc thật sự cần thiết thì hạn chế về nên người thân anh Phong ở lại.

Khi tiếp tục nghe thông tin TP.HCM sẽ giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ ngày mai, anh Phong lo ngại người thân của mình gặp khó trong những ngày sắp tới nên tranh thủ đi chợ từ buổi sáng, gom một chút quà quê gửi vào.

Phần lớn mọi người đến gửi hàng vào TP.HCM cũng tương tự anh Phong. Do đông đúc nên cơ quan chức năng Bình Thuận liên tục đến giữ trật tự, kêu gọi mọi người đứng giãn cách.

Ngoài gửi đồ tiếp tế cho người thân ở TP.HCM, nhiều tiểu thương ở Bình Thuận cũng tranh thủ cung cấp hải sản vào bán. Các loại cá, mực, tôm… được đóng trong thùng xốp kỹ lưỡng để tiếp tế cho các mối quen ở TP.HCM.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 20.

Thanh tra Sở GTVT Bình Thuận lập biển bản xử phạt một xe khách chở hàng hóa không đúng quy định - Ảnh: ĐỨC TRONG

Xử phạt nhiều xe khách chở hàng hóa không đúng quy định

Cùng ngày, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cho biết đã lập biển bản xử lý vi phạm nhiều xe khách chở hàng hóa không đúng quy định.

Cụ thể, khi đến điều tiết tại một nhà xe ở đường Tôn Đức Thắng, lực lượng thanh tra phát hiện môt chiếc xe loại 16 chỗ chất đầy hàng hóa trong khoang hành khách.

Trước đó, vào lúc 15h30 ngày 7-7, tại chốt kiểm soát y tế liên ngành ở huyện Hàm Tân, lực lượng thanh tra phát hiện chiếc xe giường nằm mang biển số TP.HCM với hành vi tương tự.

ĐỨC TRONG

Chủ tịch Bạc Liêu viết tâm thư kêu gọi người dân hạn chế di chuyển về tỉnh nhà

Trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 và ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng từ người lao động trở về từ TP.HCM, chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đã có thư kêu gọi người dân hạn chế di chuyển về tỉnh nhà.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 22.

Ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: CHÍ QUỐC

Chiều 8-7, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã có thư gửi "Bà con nhân dân Bạc Liêu sống xa quê hương".

Thư nêu: "Đối với bà con Bạc Liêu sống xa quê hương, mặc dù không có điều kiện gặp trực tiếp, song tôi vẫn biết và cảm nhận được còn một bộ phận bà con đang gặp nhiều khó khăn, hàng ngày phải lao động vất vả để mưu sinh, nay gặp đại dịch thì càng khó khăn hơn, cảnh sống xa quê phải ở trọ, lại thêm không có việc làm, tiền bạc cạn dần, túng thiếu, cực khổ đủ bề. Tôi hết  sức cảm thông và chia sẻ với bà con."

Chủ tịch Bạc Liêu cũng nêu tình hình trong tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, các ca lây nhiễm đều đã được phát hiện, khoanh vùng, cách ly và các lực lực chức năng đang tập trung tối đa kiểm soát các nguồn lây từ bên ngoài với hơn 72 chốt kiểm soát. 

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chính quyền và lực lượng chức năng phải căng mình để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời còn phải cố gắng phòng, chống các loại tội phạm.

"Sự cố gắng này dường như đã ở giới hạn cao nhất có thể, mà có những lúc tôi thực sự cảm thấy lo lắng cho các lực lượng chức năng tỉnh nhà, họ đang phải tham gia trên nhiều mặt trận với rất nhiều công sức bỏ ra, trong đó có nhiều đồng chí phải trở thành F1, phải chịu cách ly, chấp nhận đứng nhìn các đồng đội thay mình gánh vác công việc còn rất bộn bề và ngày càng gian khổ hơn.

Từ tình hình thực tế đó, tôi thật sự mong bà con Bạc Liêu sống xa quê hương hãy chia sẻ, thấu hiểu và hạn chế di chuyển về tỉnh nhà, để không tạo thêm gánh nặng cho cuộc chiến phòng, chống dịch đang còn rất cam go trên địa bàn tỉnh.

Trường hợp nếu quá khó khăn, hoặc vì điều kiện nào đó bắt buộc phải trở vệ tỉnh, thì bà con hãy khai báo y tế đầy đủ, chấp hành tốt việc cách ly theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Tỉnh Bạc Liêu sẵn sàng giang tay chào đón những người con Bạc Liêu trong lúc khó khăn, hoạn nạn, song vì sự an toàn chung của cộng đồng, các lực lượng chức năng buộc phải thực hiện các ly đối với bà con theo quy định.

Mong bà con chia sẻ, đồng thuận, và chấp hành tốt các quy định này, đó cũng chính là bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và cho cộng đồng", chủ tịch Bạc Liêu kêu gọi trong thư.

Trong ngày 8-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết ghi nhận 2 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1 tại huyện Phước Long và 1 tại thành phố Bạc Liêu.

Cả hai ca nhiễm này đều có yếu tố dịch tễ là đến chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), trong đó ca ở Phước Long có lịch trình di chuyển phức tạp, còn ca ở thành phố Bạc Liêu được nhận định là ít có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng vì khi về địa phương là được đưa đi cách ly ngay.

CHÍ QUỐC

Tăng số ca, Đồng Tháp kêu gọi y bác sĩ về hưu tham gia chống dịch

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đồng Tháp tiếp tục phức tạp, Sở Y tế tỉnh này đã có thư ngỏ mời các y, bác sĩ về hưu, y dược tư nhân cùng tham gia chống dịch.

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 24.

Thư ngỏ của giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp kêu gọi tham gia chống dịch - Ảnh: AN LONG

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 16h ngày 7-7 đến 12h ngày 8-7, tỉnh này tiếp tục phát hiện 75 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm PCR, chủ yếu trong các khu cách ly, phong tỏa tại TP.Sa Đéc, huyện Châu Thành và huyện Lai Vung.

Tính từ ngày 24-4 đến nay, tỉnh này đã phát hiện 437 trường hợp dương tính. Trong đó Bộ Y tế đã cấp mã số cho 422 bệnh nhân.

Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã có thư ngỏ kêu gọi các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, y dược tư nhân tại tỉnh này tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nội dung thư ngỏ viết: "Nhận định trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp hơn, dự báo nguy cơ dịch bệnh có thể tăng cao ở địa bàn tỉnh ở địa bàn tỉnh là rất lớn.

Ban giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp xin được bày tỏ lòng trân trọng và rất hoan nghênh Quý cô, chú, bác, anh, chị là cán bộ y tế đã nghỉ hưu, y dược tư nhân tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch để được cùng chung tay góp sức, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".

Theo đó, Sở Y tế Đồng Tháp sẽ tiếp nhận thông tin của những người tham gia qua mẫu "Đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19", gửi về Sở Y tế Đồng Tháp (Số 5, Võ Trường Toản, Phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) hoặc liên hệ số điện thoại phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế : 02773.851609.

SƠN LÂM

Dịch COVID ngày 8-7: Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị 16 ở TP Nha Trang và 2 huyện từ ngày mai - Ảnh 25.

Bệnh viện Ung bướu TP. đang đóng cửa một phần để phun xịt khử khuẩn - Ảnh: T. LŨY

An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Kiên Giang ghi nhận thêm 24 ca nghi mắc COVID-19

Cập nhật đến sáng nay, 8-7, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các tỉnh như An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Kiên Giang ghi nhận thêm tổng cộng 24 ca mắc COVID-19 mới. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kêu gọi cần bình tĩnh phòng chống dịch.

Tại Vĩnh Long, tính từ 18h ngày 7-7 đến 7h ngày 8-7 tỉnh này đã phát hiện thêm 7 ca nghi mắc COVID-19. Trong đó có 6 bệnh nhân là F1, đều là công nhân tại xưởng A8, liên quan đến ổ lây nhiễm dịch tại Công ty TNHH Tỷ Xuân, đóng tại Khu công nghiệp Hoà Phú, huyện Long Hồ. Các ca ghi nhận nhiễm mới này đều đã được cách ly tại cơ sở 1, UBND huyện Long Hồ cũ.

Trường hợp còn lại là ca F0 phát hiện trong cộng đồng, bệnh nhân tên P.V.L. (29 tuổi, ngụ xã Tân Thành, huyện Bình Tân, Vĩnh Long). Bệnh nhân có đến chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM vào ngày 6-7, kết quả xét nghiệm tối 7-7 có kết quả dương tính.

Tính đến hôm nay, riêng ổ dịch trong Công ty TNHH Tỷ Xuân ghi nhận tổng cộng 22 ca COVID-19. Trong đó có trường hợp là nữ công nhân đã lây cho 4 người trong gia đình, gồm chồng và 2 con nhỏ và một người thân khác.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời kêu gọi các cơ quan ban ngành cần bình tĩnh, khoanh vùng, truy vết, cách ly các trường hợp nghi nhiễm, kêu gọi người dân chung tay như "một pháo đài" trong phòng chống dịch. Ông cũng yêu cầu nếu cần thiết sẽ xem xét giãn cách xã hội TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Tại An Giang, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng cho biết vừa ghi nhận thêm 15 ca COVID-19. Cụ thể, tại huyện An Phú có 13 ca, là chuỗi lây nhiễm của ca bệnh nhân16.660, huyện Tịnh Biên 1 ca, thị xã Tân Châu 1 ca được cách ly sau khi nhập cảnh.

Tổng số ca COVID-19 ghi nhận từ ngày 15-4 đến nay tại An Giang là 96 trường hợp, trong đó có 1 ca tái dương tính.

Tại Bạc Liêu, sáng nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19 trên địa bàn huyện Phước Long. Bệnh nhân là ông T.V.Đ.E. (32 tuổi), có yếu tố dịch tễ từng đến một vựa tôm ở chợ Bình Điền (TP.HCM). Sau đó, ông E. về huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang vào tối 2-7.

Trong thời gian từ 2 đến 7-7, ông E. thường xuyên qua lại giữa hai địa phương là huyện Vĩnh Thuận và huyện Phước Long.

Đến trưa 7-7, sau khi thấy sốt, nghẹt mũi nên đã ghé Trung tâm Y tế huyện Phước Long khai báo y tế và test nhanh dương tính. Sáng 8-7, kết quả xét nghiệm RT-PCR cũng cho ra kết quả dương tính như trên.

Tại Kiên Giang, bác sĩ Cao Thành Nam - giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh - cho biết, tối 7-7, một bệnh nhân ở đường Châu Văn Liêm, TP Rạch Giá có kết quả xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19.

Qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân có đi lại nhiều trên địa bàn tỉnh, đến nay có 3 địa phương là TP Rạch Giá, huyện Châu Thành và U Minh Thượng đang truy vết những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đến sáng nay, có 23 trường hợp F1 được xét nghiệm kết quả âm tính lần 1.

Tất cả các ca nhiễm trên đều đang chờ Bộ Y tế ghi nhận và công bố.

C.HẠNH - B.ĐẤU - C.QUỐC - K.NAM

Cần Thơ: 5 trường hợp nghi mắc COVID-19 đến từ vùng dịch

Ngày 8-7, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID- 19 TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có 5 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các trường hợp này là người về từ vùng dịch, và người đến khám tại bệnh viện.

Ngày 8-7, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID- 19 TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có 5 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các trường hợp này là người về từ vùng dịch, và người đến khám tại bệnh viện.

Trong 5 trường hợp, có người thân của bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, một trường hợp là tài xế xe chở hàng tuyến TP. HCM - Cần Thơ (quê quận Thốt Nốt), đến bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt để làm xét nghiệm làm giấy thông hành đi đường. Ba trường hợp còn lại là người về từ vùng dịch có địa chỉ tại huyện Vĩnh Thạnh và Phong Điền.

Hiện cả 5 trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Cần Thơ thực hiện, kết quả nghi dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đã được chuyển viện đến điều trị theo dõi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP. Cần Thơ ngay trong ngày 8-7, tình trạng các bệnh nhân ổn định.

Ngay sau đó, ngành Y tế Cần Thơ đã truy vết, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm các F1, F2, F3 liên quan, tiến hành phun khử khuẩn theo quy định, các trường hợp F1 được đưa cách ly tập trung.

Riêng tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt, đã kích hoạt các phương án dự phòng để phòng chống COVID- 19. Hai bệnh viện này tạm phong tỏa một phần khu khám bệnh, ngưng tiếp nhận bệnh mới để tiến hành phun khử khuẩn toàn bệnh viện.

Ông Phạm Phú Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - cho biết, ngay sau khi tiến hành phun khử khuẩn xong các bệnh viện này sẽ trở lại hoạt động bình thường, đồng thời các F1, F2 tại bệnh viện cũng được cách ly; thông báo về CDC các tỉnh để tiếp tục truy vết người tiếp xúc.

Theo thông báo của Sở Y tế, các trường hợp người dân cần có nhu cầu đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện, đề nghị chủ động liên hệ với bệnh viện cần đến để được hướng dẫn và tiếp nhận cụ thể.

T. LŨY

Một bác sĩ phòng chống dịch COVID-19 ở Phú Yên mắc COVID-19

Nam bác sĩ tham gia công tác vận chuyển bệnh nhân F0, người thuộc diện F1 tại Phú Yên vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Theo báo cáo sáng 8-7 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, bác sĩ này tên L.V.M. (53 tuổi, ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), là người tham gia công tác vận chuyển bệnh nhân F0 từ nhà, khu cách ly tập trung về khu điều trị bệnh nhân dương tính và các F1 từ nhà đến khu cách ly tập trung, khu điều trị bệnh nhân nghi ngờ.

Từ ngày 23-6 đến 5-7, bác sĩ M. tham gia công tác phòng chống dịch tại huyện Phú Hòa. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, vị bác sĩ này có mặc trang phục bảo hộ, khẩu trang N95 và kính chắn. Thời gian còn lại ông ở cơ quan và chỉ tiếp xúc với các đồng nghiệp, không về nhà.

Ông M. có tham gia một số cuộc họp tại cơ quan nhưng không nhớ rõ ngày, lúc họp đều đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Ông thường ăn sáng, trưa, tối ở căngtin của trung tâm y tế huyện, không ăn uống ở ngoài.

Ngày 4-7, ông M. được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, ngày 6-7 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bác sĩ M. không có triệu chứng bệnh.

Tổng số người bác sĩ M. tiếp xúc gần được cơ quan chức năng tạm ghi nhận là 19 người. Thông tin dịch tễ và tiếp xúc của ông M. đang tiếp tục được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị điều tra bổ sung.

Phú Yên thêm 21 ca COVID-19, tổng số ca mắc 380

Từ 17h ngày 7-7 đến 8h ngày 8-7, tại tỉnh Phú Yên ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19 (đều ở TP Tuy Hòa), nâng tổng số ca mắc trong cộng đồng tại tỉnh này từ ngày 23-6 đến nay lên 380 ca. Hiện đã có 8/9 huyện, thị xã, TP ở Phú Yên có người mắc dịch bệnh này, trong đó nhiều nhất là TP Tuy Hòa với 225 ca.

Đã có 1 bệnh nhân COVID-19 ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) tử vong, là người lớn tuổi, bị tai biến 7 năm trước. Trong số bệnh nhân F0 còn lại, hiện có 2 người nguy kịch, thở máy, lọc máu liên tục; 4 người viêm phổi nặng, nguy cơ phải thở máy; 2 người tiên lượng nặng; 15 người viêm phổi mức trung bình và nhẹ; 356 người có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

DUY THANH

Phú Yên hủy 2 điểm thi tốt nghiệp do 151 thí sinh, 15 cán bộ nghi nhiễm COVID-19 Phú Yên hủy 2 điểm thi tốt nghiệp do 151 thí sinh, 15 cán bộ nghi nhiễm COVID-19

TTO - Theo Sở Giáo dục và đào tạo Phú Yên, kết quả xét nghiệm thí sinh và cán bộ làm công tác thi ở tỉnh này cho thấy có 166 người nghi mắc COVID-19 nên phải hủy 2 điểm thi.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp