Nhân viên bệnh viện mặc trang phục chống dịch (ảnh chụp tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai) - Ảnh: VIỆT DŨNG
Đây có thể không phải là những "bệnh nhân đặc biệt" cuối cùng bởi số lượng bệnh nhân đang điều trị còn nhiều, mùa dịch còn dài, nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện còn rất cao.
Bác sĩ ở bệnh viện suốt 2 tháng qua
Bệnh nhân thứ 116 là nam bác sĩ 29 tuổi, bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đã bị lây bệnh.
Theo thông tin từ bệnh viện, bác sĩ này đã tham gia chống dịch từ ngày 31-1, làm nhiệm vụ khám sàng lọc bệnh nhân nghi COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính, tham gia cấp cứu bệnh nhân nặng, trong suốt gần 2 tháng qua bác sĩ làm việc, nghỉ, sinh hoạt hoàn toàn tại bệnh viện.
Ngày 19-3, bác sĩ này xuất hiện triệu chứng đau họng, đau mỏi cơ, ho, sốt. Từ 21-3 bắt đầu tự cách ly tại khu vực đệm của khoa cấp cứu. Đến nay 2 kết quả xét nghiệm tại bệnh viện và tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đều dương tính với virus corona.
Các nhân viên y tế làm việc cùng bác sĩ này đã được đưa vào diện giám sát, xét nghiệm lần đầu ngày 21-3 cho kết quả âm tính.
Cũng giống như các cán bộ y tế của Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (nơi có 2 điều dưỡng mắc bệnh, 150 cán bộ nhân viên toàn trung tâm đang được cách ly, trung tâm tạm đóng cửa), các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với vị bác sĩ này tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng phải cách ly.
Riêng Bệnh viện Bạch Mai phải tạm ngưng khám theo yêu cầu và tái khám tại khoa sau sự cố này.
Ảnh hưởng của COVID-19 lên thầy thuốc rất nghiêm trọng, bởi 2 đơn vị đầu ngành điều trị COVID-19 tại miền Bắc là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai đều đang bị ảnh hưởng.
Nếu có thêm ca nhiễm, thêm người bị cách ly, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn bởi thầy thuốc lúc này đang phải làm nhiệm vụ quan trọng là chữa bệnh. Nếu bác sĩ bị cách ly, bệnh viện bị đóng cửa, bệnh nhân sẽ khó khăn.
Những nhân viên y tế luôn phải có mặt ở tuyến đầu phòng dịch, kiểm dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Làm gì để bảo vệ nhân viên y tế?
Ông Nguyễn Viện Hùng - trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ bệnh viện đã mua khẩu trang, trang phục đặc biệt để dự trữ từ cuối năm 2019 và số còn lại cho đến nay được khoảng 1 triệu khẩu trang. Bệnh viện đang sử dụng mỗi ngày 10.000 chiếc.
Như vậy số lượng khẩu trang có đủ cho đến tháng 7, nhưng bệnh viện vẫn đang mua thêm và có các nhà tài trợ hỗ trợ để đủ cho mỗi nhân viên y tế 2-3 cái/ngày.
Tại các khu vực nguy cơ cao, như phòng khám khoa hô hấp, khoa cấp cứu, khu vực khám ban đầu cho người nghi nhiễm COVID-19, nhân viên y tế sẽ bỏ khẩu trang lại khu cách ly và dùng khẩu trang mới khi ra ngoài.
Yêu cầu dùng găng tay, khẩu trang, mũ, bốt bọc giày dép toàn bộ thời gian trong bệnh viện đang được áp dụng nghiêm, vì vậy số lượng sử dụng những vật tư này đang tăng nhanh trong những ngày dịch này.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - rất lo lắng khi đã có những bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên nhiễm bệnh trong mùa dịch này. Ông Khuê cho biết tại Trung Quốc đã có đến 3.000 nhân viên y tế bị lây bệnh COVID-19. Tại Tây Ban Nha, Ý, Pháp... đều có bác sĩ nhiễm bệnh.
"Tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện mới ngừa được nguy cơ. Tôi cũng đã đề nghị nhân viên y tế tạm dừng đi du lịch trong mùa dịch, các hội thảo, hội nghị trực tiếp cũng cần hạn chế để thay bằng họp trực tuyến" - ông Khuê cho biết.
Những người "ra trận"
Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là nơi điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất: 36 bệnh nhân gồm 22 người Việt Nam và 14 người nước ngoài. Những ngày tới có thể sẽ có thêm bệnh nhân, nhưng nếu bác sĩ mắc bệnh, bệnh nhân sẽ gặp khó.
Ông Phạm Ngọc Thạch, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, ví ông và các đồng nghiệp như đang "ra trận".
Theo ông Thạch, nguy cơ là có, chỉ cần một lúc nào đó vô thức bàn tay có đeo găng, có dính virus lại gãi lên mắt, mũi, hoặc một động tác nào đó trong vô thức tại khu cách ly, thì điều đó lại là nguy hiểm. Do đó phải hết sức cẩn trọng.
Thăm dò ý kiến
Với những trường hợp cách ly, nhà nước đã cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho sinh hoạt, vậy gia đình có cần/nên tiếp tế, theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận