28/04/2020 06:26 GMT+7

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục

DUY LINH - L.ANH - NGUYÊN HẠNH
DUY LINH - L.ANH - NGUYÊN HẠNH

TTO - Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca khỏi bệnh trên toàn thế giới đang tiến dần đến con số 1 triệu. Lãnh đạo WHO lo ngại dịch COVID-19 'còn lâu mới kết thúc' và đang làm gián đoạn các dịch vụ y tế thông thường khác.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo thống kê của Hãng thông tấn AFP, tính tới 7h sáng 28-4 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 3.059.081 ca nhiễm, trong đó có 211.202 ca tử vong. 

Hiện Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới với 1.008.043 trường hợp trong đó có 56.649 trường hợp tử vong.

Tổng giám đốc WHO: Cảm ơn Việt Nam!

Chia sẻ lại bài đăng của Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam (VGP), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 27-4 gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc chống lại COVID-19.

"Cảm ơn #ViệtNam vì đóng góp của các bạn vào công cuộc phản ứng lại đại dịch #Covid19 toàn cầu. Hãy cùng chung tay!", ông Tedros viết.

Hôm 24-4, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trao tượng trưng khoản đóng góp 50.000 USD của Việt Nam cho Quỹ ứng phó với COVID-19 của WHO.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 2.

Lời cảm ơn trên Twitter của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gửi đến Việt Nam hôm 27-4 - Ảnh chụp màn hình

Việt Nam: 12 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng

Theo cập nhật lúc 6h ngày 28-4 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến sáng nay Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 nào. Hiện đã có 6 ca bệnh có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với virus SARS-CoV-2 và 8 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tính từ 6h sáng ngày 16-4 đến nay, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc đến nay vẫn là 270, trong đó 130 ca là từ nước ngoài. 

Tổng số trường hợp được điều trị khỏi bệnh, ra viện là 222, còn lại 48 người đang điều trị tại 8 cơ sở khám chữa bệnh.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Không ca nhiễm mới, công chức Hong Kong đi làm lại từ 4-5

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam ngày 28-4 thông báo đa số giới công chức sẽ dần quay lại làm việc từ ngày 4-5. Tuy vậy, chính quyền thành phố này chưa đưa ra quyết định nới lỏng hoạt động đi lại hay các biện pháp giãn cách xã hội theo kế hoạch sẽ hết hạn vào tuần sau.

Ngày 27-4 là ngày thứ 2 liên tiếp Hong Kong không ghi nhận ca nhiễm mới. Hong Kong đã ghi nhận 1.038 ca nhiễm và 4 ca tử vong kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu tháng 1-2020.

Chỉ 19 bang ở Mỹ sẵn sàng mở cửa kinh tế sau ngày 1-5

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard vừa hoàn tất một phân tích về mức độ sẵn sàng mở cửa của các tiểu bang Mỹ. Kết quả cho thấy chỉ có 19 bang đủ điều kiện, dựa trên số lượng người được xét nghiệm. 31 bang còn lại và thủ đô Washington vẫn chưa thực sự an toàn để nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 1-5.

Chẳng hạn tâm dịch New York sẽ cần xét nghiệm từ 135.000 đến 155.000 người mỗi ngày nếu muốn mở cửa vào ngày 1-5. Tuy nhiên trung bình hiện tại bang này chỉ xét nghiệm được khoảng 20.000 trường hợp mỗi ngày. Nhóm chuyên gia Harvard tính toán nếu Mỹ muốn nối lại các hoạt động kinh tế trên toàn quốc, cần thiết phải xét nghiệm ít nhất 500.000 người mỗi ngày.

Thái Lan: Số ca nhiễm mới giảm

Thái Lan ngày 28-4 ghi nhận thêm 7 ca COVID-19 và 2 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 2.938 cùng 54 ca tử vong. Các số liệu cập nhật gần đây được đánh giá là giảm so với hơn 100 ca/ngày trong những tuần trước tại Thái Lan. 

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, 2.652 bệnh nhân tại Thái đã hồi phục và được xuất viện.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 28-4 thông báo tính đến hết ngày 27-4 Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 6 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so với 3 ca của ngày hôm trước. Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 40 ca nhiễm không triệu chứng trong cùng thời gian, tăng 15 ca so với ngày 27-4.

Tổng số ca tử vong tại Trung Quốc vẫn ở nguyên con số 4.633 do không có ca tử vong mới trong ngày 27-4.

WHO: Đại dịch "còn lâu mới kết thúc"

Phát biểu trong cuộc họp báo cuối ngày 27-4 (giờ VN), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lo ngại đại dịch COVID-19 "còn lâu mới kết thúc" và đang làm gián đoạn các dịch vụ y tế thông thường khác.

"Chúng ta vẫn còn một con đường dài và nhiều thứ phải làm phía trước". Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng thế giới có thể ngăn chặn đợt bùng phát dịch thứ hai bằng các hành động đúng đắn.

Người đứng đầu WHO cũng lo lắng dịch bệnh đang khiến trẻ em trở thành đối tượng bị thiệt thòi nhất. Dù tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 và tử vong rất thấp nhưng đại dịch đã làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng thông thường.

"Điều đó khiến các em đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn vì những căn bệnh đã có thể phòng ngừa bằng vắcxin", ông Tedros lập luận.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 4.

Nhân viên y tế Brazil vỗ tay chúc mừng một bệnh nhân COVID-19 ra viện ngày 27-4 - Ảnh: REUTERS

Anh hỗ trợ 60.000 bảng cho mỗi nhân viên y tế tử vong khi làm nhiệm vụ

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo trong nỗ lực chia sẻ khó khăn và ổn định cuộc sống sau đại dịch, mỗi gia đình của nhân viên y tế chết vì COVID-19 sẽ nhận được ít nhất 60.000 bảng Anh hỗ trợ (khoảng 74.400 USD). 

Các nhân viên y tế ở đây bao gồm cả những y bác sĩ tuyến đầu, điều dưỡng và những người làm việc dọn dẹp, khuân vác trong các bệnh viện điều trị COVID-19 nhưng chẳng may nhiễm bệnh rồi qua đời. Có ít nhất 98 trường hợp như vậy đã được ghi nhận tại Anh.

Theo ông Hancock, quy định này chỉ áp dụng tại riêng Vương quốc Anh. Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales sẽ nhận được các khoản hỗ trợ khác tương tự. Chính phủ Anh đã huy động hàng ngàn nhân viên y tế về hưu và sinh viên ngành y năm cuối cho cuộc chiến chống COVID-19.

Pháp phát 27 triệu khẩu trang/tuần cho người dân

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Pháp Agnes-Pannier Runacher, tình trạng thiếu hụt khẩu trang tại nước này về cơ bản đã được giải quyết nhờ vào việc tăng cường nhập khẩu và đẩy mạnh sản xuất.

Bà Runacher đặt mục tiêu sẽ phát được ít nhất 27 triệu khẩu trang mỗi tuần cho người dân. Những chiếc khẩu trang này sẽ ghi rõ số lần có thể giặt và tái sử dụng. Hiện Pháp đang đặt mục tiêu sản xuất 20 triệu khẩu trang mỗi tuần trước cuối tháng 5, trong đó tập trung vào những loại cần cho nhân viên y tế như N95.

Argentina cấm bay thương mại tới hết tháng 9

Cục Hàng không dân dụng quốc gia Argentina ngày 27-4 đã yêu cầu các hãng bay ngừng bán mọi loại vé đến và đi từ nước này từ nay cho đến hết tháng 9. Lệnh cấm cũng áp dụng với cả các chuyến bay nội địa. Cơ quan này khẳng định lệnh cấm là dễ hiểu và hợp lý để đối phó với COVID-19.

Theo Hãng tin Reuters, nhiều quốc gia ở Nam Mỹ như Ecuador, Peru và Colombia, đã cấm tất cả các chuyến bay thương mại trong thời điểm hiện tại, nhưng không có quốc gia nào kéo dài lệnh cấm xa như Argentina.

Yêu cầu mới đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các hãng hàng không Argentina, đặc biệt là những hãng giá rẻ quy mô nhỏ.

Nhà chức trách Nga xác nhận số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã lên tới 87.147 người, cao hơn con số 82.830 do Trung Quốc công bố chính thức. Mặc dù vậy số ca tử vong tại Nga lại ít hơn với 794 người tính đến ngày 27-4 so với 4.633 người ở Trung Quốc.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại hơn 1.000 nhà máy điện ở Nga, bao gồm cả các nhà máy hạt nhân, hơn 200.000 nhân viên đã được xét nghiệm virus corona, theo Bộ Năng lượng Nga.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 6.

Một trung tâm triển lãm ở thành phố Saint Petersburg (Nga) được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến - Ảnh: REUTERS

Theo số liệu cập nhật hằng ngày được Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 27-4, nước này đã có 100.875 bệnh nhân bình phục, tăng 2.144 người. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng 331 ca, lên 23.521 ca. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng phát hiện 1.831 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 209.465. 

Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngày 26-4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. 

Trong khi đó, Iran - một "điểm nóng" dịch COVID-19 tại Trung Đông, Bộ Y tế thông báo nước này đã ghi nhận 5.806 ca tử vong, tăng 96 ca so ngày trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm mới được ghi nhận là 991 trường hợp, lần đầu tiên tăng dưới 1.000 ca trong hơn 1 tháng qua. Hiện tổng số ca được chẩn đoán mắc COVID-19 ở Iran là 91.472 người.

Hiện Iran đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, như cho phép việc từng bước mở cửa các cửa hàng và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại trong đất nước từ ngày 11-4. Tuy nhiên, các trường học, đền thờ, rạp chiếu phim cũng như các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa.

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 7.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 sáng 28-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, toàn cầu gần 1 triệu ca hồi phục - Ảnh 8.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Trung Quốc và COVID-19 thành công cụ kiếm phiếu bầu ở Mỹ Trung Quốc và COVID-19 thành công cụ kiếm phiếu bầu ở Mỹ

TTO - Công kích Trung Quốc đang trở thành mồi câu phiếu của các chính trị gia Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ. Phe ủng hộ ông Trump đã truyền tải đi thông điệp khá mạnh và rõ ràng: "Muốn ngăn Trung Quốc trỗi dậy, phải ngăn Joe Biden".

DUY LINH - L.ANH - NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp