Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo thống kê của trang Worldometers, toàn cầu đã có hơn 24 triệu ca nhiễm, bao gồm hơn 16,5 triệu ca đã hồi phục và hơn 820.000 ca tử vong. Trong đó, Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm nhất với gần 6 triệu ca, kế đến là Brazil với hơn 3,6 triệu ca và Ấn Độ là 3,2 triệu ca.
Châu Âu có 2 ca tái nhiễm
Truyền thông châu Âu ngày 25-8 đưa tin về các ca tái nhiễm, trong đó có một ca tại Hà Lan và một ca tại Bỉ. Đài truyền hình Bỉ VRT dẫn lời nhà virus học Marc Van Ranst xác nhận ca tái nhiễm ở nước này, nói rằng "đó không phải là tin tốt".
Ông Van Ranst cho biết ca tái nhiễm là một người phụ nữ ở thành phố Leuven, mắc bệnh trở lại 3 tháng sau lần nhiễm COVID-19 đầu tiên của mình.
Trong khi đó, bác sĩ Isaac Bogoch, chuyên về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học, nói với Euronews rằng không nhất thiết phải lo lắng trước tin tức này. Ông Bogoch cho rằng cần quan sát thêm các trường hợp khác trước khi kết luận.
Giới chuyên gia y tế nhìn chung đã phản ứng thận trọng trước các phát hiện về các ca tái nhiễm mới, vì vẫn xem đây có phải là những trường hợp hiếm gặp hay không.
Tin tức được đưa ra sau khi Đại học Hong Kong ngày 24-8 xác nhận ca tái nhiễm đầu tiên trên thế giới tại thành phố này. Bệnh nhân là một người đàn ông 33 tuổi, từng nhiễm COVID-19 cách đây 4 tháng rưỡi và vừa dương tính với virus corona lần nữa hôm 15-8.
Một tình nguyện viên nhận vắc xin COVID-19 thử nghiệm tại Tuebingen, Đức - Ảnh: REUTERS
PAHO cảnh báo nguồn lây từ giới trẻ
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo những người trẻ tuổi đang trở thành một trong những nguồn lây lan chính của dịch COVID-19 tại châu Mỹ, nhưng những nạn nhân tử vong lại tập trung chủ yếu ở nhóm người cao tuổi.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne ngày 25-8 thông báo phần lớn các ca COVID-19 tại châu Mỹ là những người trong độ tuổi từ 19 đến 59, nhưng gần 70% ca tử vong là những người trên 60 tuổi.
"Điều này cho thấy những người trẻ tuổi đang là nguồn lây lan của căn bệnh này trong khu vực của chúng ta" - bà Etienne nhận định.
Giám đốc Etienne cho biết 6 trên 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trên thế giới thuộc châu Mỹ, bao gồm Mỹ, Brazil, Mexico, Colombia, Peru và Argentina.
Bà Etienne cũng chỉ trích chính phủ các nước đã vội vàng tái mở cửa nền kinh tế bất chấp các dữ liệu cho thấy đại dịch đang tồi tệ hơn, theo Reuters.
PAHO là chi nhánh tại châu Mỹ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục kể từ giữa tháng 6
Dữ liệu từ Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục kể từ giữa tháng 6 là 1.502 ca trong ngày 25-8, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp ngăn dịch lây lan, theo Reuters.
Tổng thống Tayyip Erdogan thông báo tất cả các cơ quan nhà nước có thể áp dụng các phương pháp "làm việc linh động" ở ngoài văn phòng làm việc để hạn chế sự lây nhiễm. Trước đó, Bộ Nội vụ cũng cấm các lễ kỷ niệm và các sự kiện tập trung đông người tại 14 tỉnh, bao gồm thủ đô Ankara.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận hơn 261.000 ca nhiễm và 6.163 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận