26/07/2020 06:18 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm

NGUYÊN HẠNH - DUY LINH - HỒNG VÂN
NGUYÊN HẠNH - DUY LINH - HỒNG VÂN

TTO - Hơn 150 chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, trong khi Triều Tiên ghi nhận trường hợp nghi nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên - một người vượt biên trái phép về nước từ Hàn Quốc ngày 19-7, theo Hãng tin KCNA ngày 26-7.

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm - Ảnh 1.

Tình hình dịch bệnh ở các nước có nhiều ca nhiễm (tính đến 6h sáng 26-7) - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Số ca tử vong toàn cầu tiếp tục tăng

Tính đến 13h ngày 26-7, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu là hơn 16,2 triệu người, trong đó có 648.477 trường hợp tử vong. Trong số ca nhiễm, hơn một nửa là ở châu Mỹ và vùng Caribbean.

Theo hãng tin AFP, sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục tăng tốc. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, thế giới đã có thêm hơn 5 triệu ca nhiễm mới, chiếm gần 1/3 so với tổng số ca nhiễm kể từ khi dịch mới xuất hiện.

Mỹ là nước có số người nhiễm và tử vong lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tính theo tỉ lệ tử vong trên dân số, Bỉ là nước có tỉ lệ tử vong cao nhất do dịch bệnh này, với 85 ca tử vong trên 100.000 dân, sau đó là Anh (67 ca/100.000 dân), Tây Ban Nha (61 ca/100.000 dân), Ý (58 ca/100.000 dân) và Thụy Điển (56 ca/100.000 dân).

Philippines đã ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm  

Theo Bộ Y tế Philippines, ngày 26-7, nước này có 2.110 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 của cả nước lên 80.448 trường hợp. Ngoài ra có thêm 39 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.932 trường hợp.

Báo Phil Star của Philippines cho biết đã 131 ngày kể từ khi các biện pháp tăng cường cách ly được áp dụng nhưng nước này mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm virus corona mới.

Philippines hiện là nước thực hiện các biện pháp hạn chế lâu nhất thế giới.

Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc

Theo đài CNN, hơn 150 chuyên gia y tế, nhà khoa học và một số thành phần xã hội khác đã cùng ký vào một lá thư kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ áp lệnh phong tỏa toàn quốc để chống dịch. Lá thư được gởi đến chính phủ và quốc hội Mỹ nhấn mạnh điều tốt nhất hiện nay có thể làm là "đừng mở cửa đất nước quá vội vã".

Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đến sáng 26-7 (giờ Việt Nam) cho thấy trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 68.212 ca mắc COVID-19 mới, số ca tử vong cũng tăng thêm 1.067 ca.

Việc số ca tử vong mới mỗi ngày cao hơn mức 1.000 đã khiến nhiều người lo lắng tình hình đang tệ trở lại.

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm - Ảnh 2.

Trong vòng 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 68.212 ca mắc COVID-19 mới - Ảnh: REUTERS

Úc ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất

Ngày 26-7, Úc thông báo ghi nhận thêm 10 ca tử vong và 453 trường hợp nhiễm virus corona mới. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất tính từ khi dịch xuất hiện tại đây. 

Tất cả trường hợp tử vong mới đều sống ở bang Victoria, trong độ tuổi từ 40 đến 80. Trong số đó, có 7 người liên quan tới ổ dịch ở các nhà dưỡng lão của bang.

Theo báo News của Úc, tổng số ca tử vong của Úc hiện là 155 trường hợp, tổng số ca nhiễm virus corona là 14.403 người.

Số ca lây nhiễm cộng đồng tại Trung Quốc tăng

Theo Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc, trong ngày 25-7 đã ghi nhận 46 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này, tăng từ 34 trường hợp của ngày 24-7.

Trong số các ca nhiễm mới, có 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tập trung chủ yếu tại khu vực Tân Cương. 11 người còn lại là các ca nhiễm vừa nhập cảnh Trung Quốc.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đại lục đã có 83.830 trường hợp mắc COVID-19. Số người chết vẫn ở mức 4.634 người.

Triều Tiên có ca nghi mắc COVID-19 đầu tiên

Theo KCNA, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì cuộc họp khẩn của Bộ chính trị nước này hôm 25-7, nhằm bàn bạc về "một sự kiện khẩn cấp tại thành phố Kaesong".

Cụ thể, hãng tin của Triều Tiên cho biết ca nghi nhiễm là một người đào tẩu sang Hàn Quốc từ 3 năm trước. Người này đã vượt biên trái phép ngược trở về Triều Tiên từ này 19-7, theo KCNA.

Phía Triều Tiên cho biết đã thực hiện một số xét nghiệm máu và hô hấp bí mật đối với trường hợp trên. Người này hiện đang bị cách ly.

Tất cả những người tại Kaesong đã có tiếp xúc với trường hợp trên trong vòng 5 ngày qua hiện đang được điều tra, xét nghiệm và cách ly.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thông báo có trường hợp nghi mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh công tác xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng nhằm nâng cao khả năng chiến đấu chống dịch bệnh.

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm - Ảnh 3.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp khẩn về ca nghi mắc COVID-19 đầu tiên tại đây - Ảnh: REUTERS

Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 25-7, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thông qua "hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa" để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn phát biểu của ông Kim tại cuộc họp trên nhấn mạnh đến quyết định triển khai "biện pháp ưu tiên phong tỏa toàn bộ Kaesong".

KCNA thông báo: "Để giải quyết tình hình hiện nay, Ngài (Kim Jong Un) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại khu vực liên quan và nêu rõ quyết tâm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc chuyển từ hệ thống chống đại dịch khẩn cấp quốc gia sang hệ thống tình trạng khẩn cấp tối đa và ban hành cảnh báo cấp độ cao nhất".

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm - Ảnh 4.

Người dân Bình Nhưỡng đeo khẩu trang khi ra ngoài phố - Ảnh: REUTERS

Israel có 60.000 ca nhiễm

Số ca dương tính với COVID-19 tại Israel đã lên đến 60.000 trong ngày 25-7, giữa lúc chính quyền nước này đang cố gắng kiểm soát tình trạng ca nhiễm mới tăng trở lại.

Báo cáo theo ngày mới nhất của Israel ghi nhận thêm 1.770 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên thành 60.496, theo Bộ Y tế Israel.

Với dân số hơn 9 triệu dân, Israel đã ghi nhận 455 ca tử vong vì bệnh dịch này.

Israel là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện phong tỏa toàn quốc và bước đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Số ca nhiễm theo ngày của nước này đã giảm từ 3 con số còn 2 con số.

Lo sợ các ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế, chính quyền tại đây được cho là đã nới lỏng giới hạn quá sớm, khiến số ca nhiễm tăng trở lại.

Dịch COVID-19 ngày 26-7: Chuyên gia Mỹ kêu gọi phong tỏa toàn quốc, Triều Tiên có ca nghi nhiễm - Ảnh 5.

Tình hình dịch bệnh ở Đông Nam Á tính đến 6h sáng 26-7 - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thị trưởng Lombardy bị tố tham nhũng thiết bị y tế

Thị trưởng thành phố Lombardy, tâm dịch COVID-19 của Ý, hôm 25-7 tuyên bố bản thân vô tội, sau khi bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng cùng công ty của em rể trong việc cung cấp thiết bị y tế.

Tính tới nay, khoảng ½ trong số 35.000 ca từ vong vì dịch COVID-19 của Ý đều ở Lombardy.

Theo Hãng tin Reuters, ông Attilio Fontana, 68 tuổi, đang bị điều tra vì khoản thanh toán trị giá 250.000 euro, tương đương hơn 290.000 USD, cho công ty của em rể.

Luật sư riêng của ông Fontana, Jacopo Pensa, xác nhận vợ của thị trưởng này có 10% cổ phần tại công ty trên.

Ông Fontana đã chỉ đạo một ngân hàng chuyển khoản tiền trên từ tài khoản cá nhân của mình ở Thụy Sĩ sang cho em rể.

Khoản tiền này đã bị một trong hai nhà băng đóng băng và thông báo với cảnh sát kinh tế.

Luật sư Pensa cho biết ông Fontana muốn đền bù thiệt hại cho em rể sau khi ông này chịu thiệt hại để quyên góp thiết bị y tế.

Anh cách ly du khách Tây Ban Nha

Anh đột ngột yêu cầu tất cả du khách đến từ Tây Ban Nha phải cách ly 2 tuần sau khi quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng trở lại.

Động thái bất ngờ trên được đưa ra hôm 25-7 giữa lúc châu Âu đang rục rịch mở cửa lại ngành du lịch sau nhiều tháng phong tỏa.

Yêu cầu cách ly của Anh có hiệu lực từ nửa đêm ngày 25-7, theo giờ địa phương, khiến du khách gần như không thể tranh thủ quay về nhà.

Bộ Ngoại giao Anh cũng kêu gọi người dân không đến Tây Ban Nha nếu như không có việc khẩn cấp.

Thời COVID, kháng thể nào cho những khát khao được học? Thời COVID, kháng thể nào cho những khát khao được học?

TTO - Trong nghiên cứu "Ảnh hưởng của COVID-19 tới sự lo âu của sinh viên đại học tại Trung Quốc" trên tạp chí Frontiers in Psychology hồi tháng 5 vừa qua, hai tác giả Chongying Wang và Hong Zhao đã hỏi các sinh viên về điều mà các em lo ngại nhất.

NGUYÊN HẠNH - DUY LINH - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp