Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã được đưa vào hoạt động - Ảnh: B.A.
Ngày 23-7, ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - cho biết toàn tỉnh ghi nhận thêm 214 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đợt dịch thứ 4 đến nay lên 2.006 ca.
Trong đó, có 69 ca phát hiện qua khám sàng lọc và 145 ca khác trong các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn.
Biên Hòa là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 1.025 ca. Tiếp đến là các huyện Vĩnh Cửu với 290 ca, Nhơn Trạch 186 ca, Thống Nhất 157 ca, Trảng Bom 118 ca…
Theo Sở Y tế Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 6 khu bệnh viện dã chiến cùng nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 với quy mô 4.000 giường bệnh, bao gồm 100 giường điều trị bệnh nhân nặng tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh.
Đồng Nai: Cá nhân cố tình vi phạm giãn cách xã hội có thể bị xử lý hình sự
Nhân viên CDC Đồng Nai lấy mẫu tầm soát cho người dân tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa liên quan chùm ổ dịch tại Công ty Changshin - Ảnh: HOÀN LÊ
Chủ tịch tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc thực hiện giãn cách xã hội; các cá nhân cố tình vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành có thể bị xử lý hình sự.
Trong văn bản UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành tối 23-7, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo các huyện, thành phố chấn chỉnh lại các hoạt động trên địa bàn trong thời gian giãn cách.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện về giãn cách, nhất là giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người. Thực hiện cưỡng chế, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Chủ tịch các địa phương chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Giao công an chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, đối với các cá nhân cố tình vi phạm nếu đủ yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật hình sự thì xử lý ngay để đảm bảo sự nghiêm minh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện quyết định của UBND tỉnh, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Sáng cùng ngày, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Qua kiểm tra thực tế, phó thủ tướng đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TP Biên Hòa chưa nghiêm.
Phó thủ tướng nhắc Đồng Nai quán triệt, thực hiện nghiêm việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", thực hiện nghiêm quy định giãn cách, bởi nếu để xảy ra dịch bệnh như TP.HCM thì Đồng Nai với tiềm lực hiện có sẽ không "đỡ" nổi.
Tối 23-7, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định tiếp tục cách ly y tế toàn bộ 5 phường Hóa An, Tân Hạnh, Tân Hòa, Tân Biên, Hố Nai và một phần phường Phước Tân, bao gồm 55.037 hộ dân với 255.497 nhân khẩu, từ 0h ngày 25-7 đến hết ngày 1-8.
Cùng ngày, UBND TP Biên Hòa ban hành quyết định phong tỏa toàn bộ hoặc một phần đối với 12 khu phố của phường Long Bình, không bao gồm các đơn vị quân đội; các khu công nghiệp Amata, Agtex, Lotecco; khu công nghiệp Bộ Quốc phòng và Tân cảng ICD, gồm 41.870 hộ dân với 123.839 nhân khẩu (bao gồm 40.000 người ở trọ), trong thời gian 14 ngày kể từ 0h ngày 24-7.
Đóng cửa cảng cá La Gi từ 0h ngày 24-7
Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá La Gi, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Chiều 23-7, UBND thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận quyết định đóng cửa, tạm dừng các hoạt động tại cảng cá La Gi (trên bến, trên sông, cửa biển) kể từ 0h ngày 24-7 cho đến khi có thông báo mới.
Kể từ ngày 12-7 đến nay, thị xã La Gi đã ghi nhận 140 ca mắc và nghi mắc COVID-19, đang là điểm "nóng" nhất tại Bình Thuận về tình hình dịch bệnh, dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Đặc biệt, qua việc xét nghiệm giám sát cộng đồng, địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp F0 làm việc tại cảng cá La Gi.
Địa phương đã chỉ đạo đồn biên phòng Phước Lộc chủ trì, phối hợp trạm kiểm ngư, ban quản lý cảng thông báo đến tất cả các chủ phương tiện tàu thuyền, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... được biết và chấp hành nghiêm.
Các đơn vị trên phải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không cho tàu thuyền, xuồng, thúng chai hoạt động, vận chuyển người và hàng hóa ở khu vực cảng.
Ngoài ra, Ban Quản lý cảng cá La Gi phối hợp với UBND phường Phước Lộc bổ sung lực lượng tại chốt kiểm soát cổng ra vào.
Cảng cá La Gi là một trong những cảng cá lớn, tập trung rất đông các tàu thuyền đánh bắt tại ngư trường phía Nam tỉnh Bình Thuận.
Sóc Trăng cấm xe chở hàng hóa đưa, rước người từ TP.HCM về tỉnh
Một thanh niên ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên từng theo xe tải về Sóc Trăng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng - Ảnh: T.L
Chiều 23-7, ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã ký công văn hỏa tốc đề nghị Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thông báo đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phương tiện vận chuyển hàng hóa đường dài (ngoài tỉnh) không tổ chức đưa, rước người từ TP.HCM về tỉnh Sóc Trăng.
"Nếu phát hiện có trường hợp đưa, rước người từ TP.HCM về Sóc Trăng, làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", nội dung công văn nhấn mạnh.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lâu cho biết biện pháp này nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.
"Đã có vài trường hợp theo xe tải chở hàng từ Sóc Trăng đi TP.HCM và từ TP.HCM về Sóc Trăng làm lây lan dịch bệnh. Ngoài tài xế và phụ xe đi cùng, xe tải chở hàng hóa không được đưa, rước người. Trường hợp đặc biệt, phải báo cáo cơ quan chức năng và khai báo y tế theo quy định", ông Lâu nhấn mạnh.
Sóc Trăng tận dụng trường học, khách sạn làm chỗ ở cho công nhân '3 tại chỗ'
Một trường Mầm non trên đường Lê Lợi (phường 6, TP Sóc Trăng) cũng được trưng dụng làm nơi lưu trú của công nhân thủy sản - Ảnh: KHẮC TÂM
Ngày 23-7, ông Nguyễn Thanh Trong - trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Sóc Trăng - cho biết đến nay đã có 11 doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" với 6.800 công nhân. Ngoài ra, còn có 21 cơ sở ngoài KCN đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" với khoảng 3.500 công nhân.
Theo ông Trong, thời điểm này nông dân Sóc Trăng đang bước vào vụ thu hoạch tôm. Do vậy, nếu các nhà máy chế biến ngừng hoạt động hoặc thu hẹp qui mô sản xuất, tôm của nông dân sẽ khó tiêu thụ.
"Trong khi đó, do thực hiện giãn cách tại chỗ ở, không ít doanh nghiệp thiếu mặt bằng nên tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ bằng cách tận dụng trường học, khách sạn làm nơi lưu trú cho công nhân", ông Trong cho biết.
Bà Dương Thị Ngọc Diễm - phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) - cho biết trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp, TP tạo điều kiện bố trí một số trường học, nhiều khách sạn trên địa bàn đủ điều kiện để làm nơi lưu trú cho công nhân.
Theo bà Diễm, thời gian này nghỉ hè và đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 nên một số trường được bố trí cho công nhân lưu trú.
Toàn bộ F1, F2 liên quan đến ca nhiễm ở Phú Quốc đều âm tính
Tài xế Đ. đang được cách ly điều trị tại Trung tâm y tế TP Phú Quốc - Ảnh: K.NAM.
Sáng 23-7, ông Huỳnh Quang Hưng, chủ tịch UBND TP Phú Quốc (Kiên Giang) công bố kết quả test nhanh và xét nghiệm RT-PCR toàn bộ F1, F2 liên quan tới ca dương tính là tài xế xe tải chở hàng ra đảo đều đã âm tính.
Theo ông Hưng, chiều 22-7, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 2 khẳng định tài xế N.T.Đ dương tính với virus SARS-CoV-2, chính quyền TP Phú Quốc khẩn trương truy vết, xác định được 10 trường hợp F1, 30 trường hợp F2. Tới sáng nay, toàn bộ các F1, F2 liên quan tới tài xế Đ. đều có kết quả xác nhận RT-PCR âm tính.
Hiện TP Phú Quốc đã tạm thời cho tạm dừng chiếc phà chở xe tải của tài xế Đ. và tạm dừng hoạt động xét nghiệm tại phòng khám S.O.S.
Tạm đóng cửa siêu thị GO! Cần Thơ 7 ngày
Siêu thị GO! Cần Thơ tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 23-7 để khử khuẩn - Ảnh: V.V
Sáng 23-7, ông Hà Vũ Sơn - giám đốc Sở Công thương Cần Thơ - cho biết siêu thị GO! Cần Thơ (Q.Cái Răng) phải tạm đóng cửa 7 ngày từ 0h hôm nay để khử khuẩn do có nhân viên mắc COVID-19.
Theo ông Sơn, sau khi xử lý các công việc vệ sinh, khử khuẩn, sẽ thay đổi nhân sự mới từ địa điểm khác về để siêu thị hoạt động trở lại.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh Cần thơ (CDC Cần Thơ), Công ty TNHH EB Cần Thơ (đơn vị chủ quản của siêu thị GO! Cần Thơ) có trụ sở tại lô số 1, Khu dân cư Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng với 260 nhân viên làm việc.
Tính đến ngày 22-7, công ty đã có 3 trường hợp mắc COVID-19, tổng số trường hợp gồm: 44 ca F1 và 111 ca F2.
Các ca mắc là nhân viên bảo vệ và nhân viên vệ sinh của công ty. Qua nhận định, các nhân viên trên có tầm hoạt động khá rộng, tiếp xúc nhiều đối tượng và khách hàng nguy cơ lây nhiễm cao.
CDC Cần Thơ đề nghị Công ty TNHH EB Cần Thơ tạm ngừng hoạt động tạm thời 7 ngày để phục vụ phòng chống dịch kể từ 0h ngày 23-7. Cách ly nhân viên cách ly bên ngoài siêu thị 14 ngày.
Hà Tĩnh ghi nhận 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, 25 hộ dân bị phong tỏa
Một chốt kiểm soát vào khu vực phong tỏa tại Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH
Trưa 23-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết vừa ghi nhận 2 trường hợp mắc COVID-19 tại huyện Hương Khê, là hai vợ chồng trong gia đình.
Bệnh nhân V.T.H (59 tuổi) và chồng là bệnh nhân N.M.H (61 tuổi), ngụ tại thôn Tân Hương, xã Hương Trà, huyện Hương Khê.
Trước đó, vào lúc 2 giờ ngày 18-7, bệnh nhân nữ V.T.H đi trên tàu SE8 từ Đà Nẵng về Hương Khê (trên tàu có bệnh nhân dương tính). Ngay sau khi xuống ga Hương Phố được chồng đón về đến khai báo tại Trạm y tế xã Hương Trà và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và tự cách ly tại nhà.
Thời gian theo dõi tại nhà bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với chồng và con trai. Sáng ngày 23-7, Trung tâm y tế huyện Hương Khê tiến hành làm test nhanh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm PR-PCR khẳng định 2 người có kết quả dương tính.
Sáng cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngô Xuân Ninh - chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - xác nhận đã ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tạm thời tại khu vực tổ liên gia số 3, thôn Tân Hương, xã Hương Trà. Có 25 hộ dân với 81 nhân khẩu nằm trong khu vực cách ly.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận