22/07/2021 09:16 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Ngày 22-7, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu triển khai lấy mẫu sàng lọc cho người dân các vùng có nguy cơ cao để sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp nhiễm COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 1.

Người dân đi xét nghiệm tại TP Cao Lãnh - Ảnh: AN LONG

Ngày 22-7, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp bắt đầu triển khai lấy mẫu sàng lọc cho người dân các vùng có nguy cơ cao để sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp mắc COVID-19. 

Để có đủ nhân lực cho việc sàng lọc này, ông Lê Quốc Phong - bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp - đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh phối hợp với lực lượng y tế địa phương, đoàn y bác sĩ hỗ trợ từ tỉnh Bắc Giang và các nhân viên y tế huyện Tháp Mười tiếp ứng đến TP Sa Đéc. 

Ông Phong cũng đã yêu cầu việc lấy mẫu phải nhanh, gọn, hiệu quả và đưa yếu tố an toàn lên hàng đầu. Khi phát hiện có ca dương tính phải tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng và truy vết nhanh nhất có thể để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan. 

Mục tiêu của đợt sàng lọc này là trong vòng 3 ngày, TP Sa Đéc có thể test nhanh tầm soát tất cả các vùng có nguy cơ cao. Cùng ngày, thành phố Sa Đéc đã triển khai test nhanh cho tiểu thương các chợ: Sa Đéc, Bà Châu, Ông Quế, Tân Quy, Phú Long. 

Nhiều nhất là chợ Sa Đéc vói hơn 1.000 tiểu thương được test nhanh, chợ Bà Châu hơn 300 test, các chợ còn lại khoảng 100 test.

Trong chiều nay, TP Sa Đéc sẽ lấy mẫu xét nghiệm PCR với hơn 970 trường hợp ở Khóm 3, Phường 3, hiện đã gần hết 14 ngày phong toả. Tiếp tục tầm soát lần 2 đối với khu vực phong toả tại khóm Hoà Khánh, Phường 2 (khoảng 500 trường hợp) và ấp Phú Hoà, xã Tân Phú Đông (khoảng 1.000 trường hợp).

Đồng thời, thành phố Sa Đéc phối hợp với lực lượng quân sự tổ chức phun xịt khử khuẩn ở khu vực phong toả, tính toán phun diện rộng toàn thành phố. 

UBND TP Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng bắt đầu triển khai việc xét nghiệm sàng lọc cho hơn 192.000 người dân tại thành phố này. Việc xét nghiệm được TP Cao Lãnh thực hiện cho đến ngày 31-8, với nguồn kinh phí từ ngân sách và các nguồn xã hội hoá. 

Tính từ ngày 24-6 đến nay, Đồng Tháp đã ghi nhận 1.667 trường hợp nhiễm COVID-19. 

SƠN LÂM

Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép xây dựng nhưng phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường"

Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có công văn hướng dẫn cho công trình xây dựng được tiếp tục thi công trong thời gian tỉnh này áp dụng Chỉ thỉ 16 nhưng phải đảm bảo "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường".

Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi UBND các địa phương các ban quản lý, các DN xây dựng, chủ đầu tư thì các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh này tiếp tục được hoạt động nhưng phải đảm bảo các yêu cầu của phòng chống dịch COVID-19. 

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 2.

Một công trình xây dựng trên địa bàn TP Vũng Tàu trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đó là chủ đầu tư, nhà thầu phải bố trí cho người lao động ăn, ở lại tại công trình theo phương án "3 tại chỗ" hoặc đưa đón công nhân từ nơi ở tập trung đến công trường theo phương án "1 cung đường, 2 điểm đến". 

Ngoài ra, để được tiếp tục, sở này yêu cầu công nhân xây dựng phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt vào đầu và cuối mỗi ca.

Văn bản hướng dẫn trên thay thế cho văn bản số 3087 ký ngày 18-7. Tại văn bản 3087 thì Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cho phép những công trình thuộc dự án quan trọng của quốc gia, tỉnh và phục vụ phòng chống dịch, thiên tai khẩn cấp được tiếp tục nhưng cũng phải đảm bảo "3 tại chỗ, 1 cung đường". Còn lại tất cả các công trình xây dựng khác phải tạm dừng. 

Việc tạm dừng này khiến cho hàng chục nhà máy, nhà xưởng đang được xây dựng tại các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều công trình xây dựng khác trên có nguy cơ chậm tiến độ.

Sau khi có ý kiến phản ánh của Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn cho phép toàn bộ các công trình xây dựng trên địa bàn được phép xây dựng nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch như đã nói ở trên.

Được biết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều cho phép các công trình xây dựng được phép tiếp tục hoạt động.

ĐÔNG HÀ

Phong tỏa 3 khu phố ở phường Long Bình, TP Thủ Đức với gần 12.000 dân

Các khu phố Vĩnh Thuận, Long Bửu, Bến Đò, Phước Thiện thuộc phường Long Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM chính thức phong tỏa từ 12h ngày 22-7 để phòng chống COVID-19.

Ngày 22-7, chủ tịch UBND phường Long Bình, TP Thủ Đức cho biết, 3.075 hộ dân với 11.739 nhân khẩu thuộc 4 khu phố: Vĩnh Thuận, Long Bửu, Bến Đò, Phước Thiện chính thức phong tỏa tạm thời để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn phường. Thời gian từ 12h cho đến khi có thông báo mới.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 3.

Một phường trên địa bàn TP Thủ Đức bị phong tỏa trước đó - Ảnh: MINH HÒA

Thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, người dân không được ra khỏi khu vực phong tỏa, trừ các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và trường hợp đặc biệt khác. Nếu người dân không chấp hành sẽ bị lực lượng chức năng cưỡng chế và xử lý theo quy định.

Hiện trên địa bàn phường Long Bình ghi nhận 120 ca mắc COVID-19, trong đó có một số ca mắc trong cộng đồng. Vì vậy, quyết định phong tỏa nhằm bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, trên địa bàn TP Thủ Đức đã có 12/34 phường thuộc diện cách ly, phong tỏa để triển khai công tác phòng chống COVID-19.

MINH HÒA

Đề nghị phạt một cơ sở bánh mì 15 triệu đồng do vi phạm phòng chống dịch

Một cơ sở sản xuất bánh mì ở TP Đồng Xoài, tình Bình Phước đã bị đề nghị xử phạt hành chính 15 triệu đồng do vi phạm về phòng chống dịch COVID-19.

Trưa 22-7, thông tin từ UBND phường Tân Thiện, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho hay UBND phường đã có tờ trình đề nghị UBND TP Đồng Xoài ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất bánh mì Hoa Sao do vi phạm về phòng chống dịch COVID-19.

Lý do đề nghị xử phạt căn cứ điểm c, khoản 3, Điều 12. Nghị định 117/NĐ-CP, ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 4.

Thời điểm Tổ công tác tuần tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19 của phường Tân Thiện kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh mỳ Hoa Sao đang tụ tập khá đông người đến mua bánh mì - Ảnh: N.N.

Theo hồ sơ, sáng cùng ngày, Tổ công tác tuần tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19 phường Tân Thiện đã kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mỳ Hoa Sao do bà D.T.H.H. và ông V.S. làm chủ tại địa chỉ số 352, đường Lê Quý Đôn, tổ 1, khu phố Phước Thiện, phường Tân Thiện.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ kiểm tra đã phát hiện cơ sở trên tập trung đông người (hơn 10 người), đã không tuân thủ trong việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ kiểm tra đã mời đại diện cơ sở bánh mỳ lên UBND phường làm việc. Ông V.S., đại diện cơ sở đã thừa nhận hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổ kiểm tra đã yêu cầu cơ sở chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 trong việc phòng chống dịch.

Cơ sở sản xuất bánh mì Hoa Sao đã ra đời hơn 20 năm qua. Cơ sở này khá nổi tiếng, hằng ngày có rất đông người dân từ khắp nơi đến đây mua bánh mì.

Bình Phước đã thực hiện giãn cách toàn xã hội trong 14 ngày, từ 0h ngày 19-7 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, tính đến trưa nay (22-7), tỉnh đã có 114 ca COVID-19.

BÙI LIÊM

Người TP.HCM có thể mua rau, củ, thịt với giá tốt ở hơn 1.000 tiệm tạp hóa

Thông tin từ Sở Công thương TP.HCM cho biết dự kiến mỗi ngày sẽ có hơn 100 tấn rau, củ, quả, thịt được bán tại 1.000 tạp hóa trên địa bàn TP với mức giá tốt để phục vụ người dân.

Cụ thể, hiện người dân tại TP.HCM có thể mua sắm rau, củ, quả tại hơn 100 tạp hóa, và dự kiến 1 tuần sau đó 900 tạp hóa còn lại sẽ triển bán rau, củ, quả để phục vụ người dân. Đây là những tạp hóa liên kết VinShop và cửa hàng VinMart.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 5.

Rau, củ được VinShop nhập về để phân phối đến các tạp hóa - ẢNH: DUY PHÚ

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết chương trình này được sở phối hợp triển khai. Theo đó, nguồn hàng được hệ thống tạp hóa này nhập về từ các nhà cung cấp uy tín được sở hỗ trợ kết nối. Giá bán trong chương trình cũng được sở đề nghị ở mức bình ổn để hỗ trợ người dân.

Đại diện One Mount (công ty sở hữu hai sản phẩm VinShop, VinID) cam kết đơn vị cung cấp hàng cho tạp hóa dưới dạng không lợi nhuận, nên sẽ đề nghị các tạp hóa tham gia chương trình bán lại cho người dân với mức giá phù hợp, nếu vi phạm sẽ ngưng hỗ trợ.

Theo đơn vị này, mạng lưới hơn 1.000 tạp hóa liên kết VinShop phân bổ khắp TP.HCM, để tìm mua, người dân có thể tham khảo danh sách các tạp hóa liên kết VinShop đang cung cấp nhu yếu phẩm tại website: https://vinshop.vn/nhu-yeu-pham.

Ngoài mua trực tiếp, đơn vị đang thí nghiệm giải pháp mua bán online ứng dụng di động VinID, theo đó người dân đặt mua qua nền tảng này và đơn vị sẽ có đội ngũ giao hàng thay cho tạp hóa. Bên cạnh hàng nông sản, thịt cũng được bán ra tại nhiều tạp hóa.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 6.

Nhiều tạp hóa liên kết với VinShop đã chứng bán mặt hàng rau, củ, quả - Ảnh: DUY PHÚ

Theo VinShop, trong ngày đầu tiên 20-7, 100 tạp hóa đã bán gần 10 tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm. Đơn vị kỳ vọng 1.000 điểm bán này sẽ cung ứng ra thị trường 100 tấn lương thực, thực phẩm mỗi ngày.

Theo Sở Công thương TP.HCM, trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống (bao gồm 3 chợ đầu mối), sở đã định hướng tăng thêm các kênh bán hàng phục vụ cho nhu cầu người dân TP.HCM đang được đẩy mạnh.

Ngoài tạp hóa, đơn vị đã liên kết để tăng các chuyến hàng lưu động, bình ổn với hàng nghìn điểm bán được các đối tác tham gia triển khai. Nhờ đó, nguồn cung tại TP.HCM hiện đã tăng dần và giá bán dần ổn định, trong đó đặt biệt là mặt hàng rau, củ, quả.

Theo Sở Công thương, tính đến ngày 21-7, TP còn 32 chợ hoạt động và 205 chợ đã tạm ngưng hoạt động (bao gồm 3 chợ đầu mối).

NGUYỄN TRÍ

Châu Đốc xử phạt 1 người và cho làm cam kết 1 người tung tin sai sự thật dịch COVID-19

Công an TP Châu Đốc đã mời làm việc 2 người phụ nữ đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 người với số tiền 7,5 triệu đồng và cho làm cam kết không tái phạm với 1 người.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 7.

Công an TP Châu Đốc đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T.M.H. về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật - Ảnh: MINH KHANG

Ngày 22-7, trung tá Phạm Thành Lợi - phó trưởng Công an TP Châu Đốc, An Giang - cho biết đơn vị đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với T.M.H. (32 tuổi, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc) vì đã "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật" liên quan đến bệnh COVID-19 trên mạng xã hội.

Ngoài ra, Công an TP Châu Đốc cũng làm việc với bà L.T.K.D. (27 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang Facebook cá nhân và yêu cầu bà D. làm cam kết không tái phạm.

Trước đó, ngày 13-7, tài khoản facebook bà H. đã đăng tải thông tin, hình ảnh trên trang cá nhân với nội dung: "Test nhanh 2 lần âm tính, xét nghiệp PCR là dương tính… mọi người cẩn thận nha… kèm theo nội dung đăng tải là hình ảnh của báo cáo nhanh về một trường hợp có kết quả dương tính COVID-19 do Trung tâm Y tế TP Châu Đốc soạn thảo nhưng chưa có số phát hành, chưa có chữ ký.

Còn bà D., khoảng 14h ngày 4-7, đã đăng tải thông tin, với nội dung là xin quyên góp sữa cho các bé ở khu cách ly gần nhà và kèm theo 2 hình ảnh lấy từ Facebook "Quán cơm từ thiện 2.000 đồng tự tâm" không đúng với sự thật tại khu cách ly địa phương.

BỬU ĐẤU

Trưa 22-7, Hà Nội thêm 41 ca COVID-19 mới, đình chỉ nhà thuốc Đức Tâm

Trưa 22-7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội cho biết, TP vừa ghi nhận thêm 24 ca COVID-19 mới. Cụ thể các ca mắc mới tại: Hoàng Mai (8); Tây Hồ (4); Hoài Đức (4); Hoàn Kiếm (3); Quốc Oai (2); Hai Bà Trưng (1); Thạch Thất (1); Đống Đa (1).

Ca bệnh 1 - 4 là V.H.D., nam, sinh năm 2008, ở 40 Thuỵ Khuê; N.C.L., nam, sinh năm 1978, ở 4/46 Thuỵ Khuê; L.H.Y., nữ, sinh nǎm 1978, ở 42 Thuỵ Khuê; P.X.B.Đ., nam, sinh nam 1962, ở 1/51 Thuỵ Khuê, Tây Hồ.4 trường hợp trên đều là F1 của F0 N.T.T.H., (có đi mua thuốc tại nhà thuốc Đức Tâm ngày 15-7, có triệu chúng sốt, ho từ 19-7). Ngày 19-7, cả 4 trường hợp trên có gặp nhau và ăn trưa tại nhà bệnh nhân H. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 5, 6 là N.T.H., nữ, sinh năm 1995, ở Đại Kim, Hoàng Mai và  B.T.N., nữ, sinh năm 1980, ở An Khánh, Hoài Đức. 2 trường hợp trên là F1 của F0 N.T.C., (bán thuốc tại 95 Láng Hạ và 64 Ngô Sĩ Liên), có tiếp xúc với chị C. khi cùng bán thuốc tại nhà thuốc 64 Ngô Sĩ Liên. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 7 là T.T.M.H., nữ, sinh năm 1962, ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa. Chị H. đến mua thuốc tại nhà thuốc 95 Láng Hạ ngày 16-7, ngày 21-7 bệnh nhân có xuất hiện ho, đau họng, xét nghiệm cho kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 8 là N.T.H., nữ, sinh năm 1999, ở Du Nghệ, Quốc Oai. Chị H. là F1 của F0 V.T.L., chở F0 L. đi phun thuốc lúa. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 9 là L.T.N., nữ ,sinh nǎm 1994, ở Du Nghệ, Quốc Oai. Chị N. là F1 (con) của F0 V.T.L. Ngày 21-7, được lấy mẫu, kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 10 là L.T.P., nam, sinh nǎm 1988, ở Yên Sở, Hoài Đức. Anh P. là F1 V.T.L., giao hàng cho F0 L. ngày 19-7. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 11 là N.T.S., nữ, sinh năm 1953, ở Phùng Xá, Thạch Thất. Chị S là F0 liên quan đến ca COVID-19 tại chợ Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19. 

Ca bệnh thứ 12 là Đ.T.H., nữ, sinh năm 1998, ở An Thưọng, Hoài Đức. Chị H. F1 của C.T.T., bán hàng cho F0 T. ngày 17-7. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 13-16 là N.T.Q., nữ, sinh năm 1946; N.K.V., nữ, sinh năm 2009; P.H.T.P., nam, sinh năm 2010; L.P.T.N., nữ, sinh nǎm 2014. Các ca bệnh này thuộc khu vực phong tỏa tại ngõ 9 Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.Ca bệnh thứ 17 là N.V.L., nam, sinh năm 1965, ở Tương Mai, Hoàng Mai. Anh L. là F1 (thuê nhà) F0 N.T.T.H. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 18, 19 là H.T.M., nữ, sinh năm 1987 và N.Đ.T., nam, sinh nǎm 2018, ở Tương Mai, Hoàng Mai. Cả 2 là F1(vợ, con) của F0 N.V., ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 20, 21 là H.T.P., nam, sinh năm 1960 và  N.P.H., ở Hàng Bông, Hoàn Kiếm. Cả 2 là F1 (bố, mẹ vợ) của F0 N.V.T., ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 22 là N.C.Q., nam, sinh năm 1988, ở An Thượng, Hoài Đức. Anh Q. F1 của F0 H.V.Q., tiếp xúc với F0 ngày 17-7. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 23 là T.N.L., nữ, sinh nǎm 2015, ở Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng. Chị L. là F1 (con) của F0 K.M. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 24 là T.V.Q., nam, sinh năm 1993, ở Hàng Bạc, Hoàn Kiếm. Anh Q. là F1 của F0 P.X.T.,(132 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng). Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Tính đến 12h trưa 22-7, Hà Nội có 595 ca COVID-19, ghi nhận từ ngày 27-4. Trong đó, có 326 ca ghi nhân trong vòng 14 ngày qua , từ sáng đến trưa cùng ngày, có thêm 41 ca mắc mới.

Trước đó, sáng cùng ngày, CDC Hà Nội ghi nhận 17 ca COVID-19 mới.  Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ kinh doanh nhà thuốc Đức Tâm (95 Láng Hạ) do không đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 8.

Phun khử khuẩn COVID-19 tại thị trấn Quốc Oai, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 22-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội thông tin TP vừa ghi nhận thêm 17 ca COVID-19 mới tại Quốc Oai (3), Tây Hồ (3), Thanh Trì (3), Thạch Thất (2), Đông Anh (2), Hà Đông (1), Đống Đa (1), Hai Bà Trưng (1), Hoàng Mai (1). Cụ thể:

Ca bệnh đầu tiên là N.T.K.T., nữ, sinh năm 1955, ở Dương Nội, Hà Đông. Ngày 19-7, có triệu chứng ho sốt, ngày 20-7 có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 2, 3 là L.V.T., nam, sinh năm 1963; N.A.M., nam, sinh năm 2015, ở Du Nghệ, Quốc Oai. Cả 2 trường hợp trên là chồng và cháu của F0 V.T.L., ngày 20-7 có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 4-6 là V.T.H., nữ, sinh năm 1979, ở Du Nghệ, Quốc Oai; P.T.Đ., nữ, sinh năm 1958, ở Thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất; P.T.H., nữ, sinh năm 1972, ở thôn 8, Phùng Xá, Thạch Thất.

Cả 3 trường hợp trên đều là người bán hàng tại chợ Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (cùng F0 V.T.L.). Ngày 21-7, lấy mẫu có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 7, 8 là N.T.T.H., nữ sinh năm 1976 và V.N.H.N., nữ, sinh năm 2004, ở 40 Thụy Khuê, Tây Hồ. Đây là 2 mẹ con, chị H. có tiền sử đến mua thuốc tại nhà thuốc Tâm Đức (Láng Hạ). Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh 9, 10 là L.T.M., nữ, sinh năm 1981 ở Kim Chung, Đông Anh, làm việc tại phòng nhân sự Công ty SEI; L.A.T., nam, sinh năm 1999, ở Kim Chung, Đông Anh. Ngày 5-7, 2 trường hợp trên được cách ly tại công ty tới ngày 9-7, sau đó được chuyển cách ly tại khu nhà CT2 cho công nhân. Tại đây có tiếp xúc với F0, sau đó có kết quả mắc COVID-19 ngày 21-7.

Ca bệnh 11 là Đ.X.M., nam sinh năm 1937, ở Quang Trung, Đống Đa. Ông M. là F1 của F0 H.T.T. (Công ty vận tải Hà Nội). Ngày 17-7, được lấy mẫu âm tính và chuyển tới cách ly tập trung tại khu cách ly Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 21-7, có kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 12 là H.H.L., nữ, sinh năm 1991, ở Xuân La, Tây Hồ. Bệnh nhân là F1 của F0 T.T.M.. Ngày 18-7 được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính và chuyển tới cách ly tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 21-7, xét nghiệm cho kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 13 là D.T.N.T., nữ, sinh năm 1961, ở Trại Găng, Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng. Chị T. là F1 của F0 Đ.T.S.. Ngày 18-7 được lấy mẫu xét nghiệm âm tính, chuyển đi cách ly tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 21-7, xét nghiệm cho kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 14 là P.Đ.M., nữ, sinh năm 2007, ở Thịnh Liệt, Hoàng Mai. M. là F1 của F0 P.V.T.. Ngày 18-7, xét nghiệm cho kết quả âm tính, chuyển đi cách ly tại Tứ Hiệp, Hoàng Mai. Ngày 21-7, xét nghiệm cho kết quả mắc COVID-19.

Ca bệnh thứ 15 - 17 là Đ.T.K., nam, sinh năm 1980; Đ.M.A., nữ, sinh năm 2009; Đ.T.B., nam, sinh năm 2019, ở Tân Triều, Thanh Trì. 3 trường hợp trên là F1 của vợ và mẹ N.T.H.N.. Ngày 21-7, cả 3 được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả mắc COVID-19.

Như vậy tính tới sáng 22-7, Hà Nội có 571 ca COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 này, trong đó có 302 ca ghi nhận trong 14 ngày qua.

PHẠM TUẤN

Đình chỉ hoạt động nhà thuốc Đức Tâm

Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ kinh doanh nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ, do không đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 9.

Một khu vực tại Hà Nội bị phong tỏa do có bệnh nhân COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN

Nhà thuốc Đức Tâm, tại địa chỉ số 95 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa đã bị Sở Y tế Hà Nội ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh. 

Lý do bị đình chỉ, theo Sở Y tế Hà Nội, là do "nhà thuốc Đức Tâm không đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế". Sở Y tế yêu cầu nhà thuốc Đức Tâm không được kinh doanh thuốc tại địa điểm nói trên.

Nhà thuốc Đức Tâm là 1 trong 5 địa điểm có chùm ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng chưa xác định rõ nguồn lây tại Hà Nội. 

Tính đến thời điểm tối 21-7, số ca bệnh COVID-19 được ghi nhận liên quan đến nhà thuốc Đức Tâm là 15 bệnh nhân có địa chỉ ở 7 quận huyện khác nhau trên địa bàn thành phố, trong đó quận Đống Đa có nhiều nhất là 7 bệnh nhân.

THANH HÀ

Bạc Liêu bố trí nơi lưu trú dành riêng cho tài xế, người theo xe hàng hóa

Bạc Liêu ra quy định tạo điều kiện cho tài xế, người theo xe vận chuyển hàng hóa vào địa bàn tỉnh này có nhu cầu ở lại theo nhiều hình thức khác nhau.

Ngày 22-7, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều có chỉ đạo về quản lý sinh hoạt tập trung, lưu trú tạm thời đối với người lái xe, phụ xe của các phương tiện vận tải hàng hóa khi vào địa bàn tỉnh này có nhu cầu ở lại.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 10.

Kiểm tra y tế đối với tài xế xe vận chuyển hàng hóa trước khi vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: NGỌC HÂN

Theo đó, chủ tịch Bạc Liêu giao UBND cấp huyện thực hiện hai phương án:

- Thứ nhất, thiết lập, bổ sung thêm khu cách ly tập trung cấp huyện dành riêng cho nhóm đối tượng là tài xế, người theo xe vận tải hàng hóa. Trong đó cho phép những người này ăn nghỉ tại khu (quản lý như cách ly y tế tập trung), đến khi có nhu cầu điều khiển phương tiện thì được rời đi. 

Chi phí những người này tự trả theo quy định, riêng chi phí cho các lực lượng chức năng quản lý thì do ngân sách nhà nước đảm bảo.

- Thứ hai, rà soát, lựa chọn các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ) trên địa bàn có đủ điều kiện sinh hoạt, phòng chống dịch COVID-19 để bố trí họ vào lưu trú như cách ly y tế tạm thời đến khi có nhu cầu vận chuyển thì rời đi, chi phí do họ tự chi trả theo sự thỏa thuận với chủ cơ sở lưu trú, có sự chứng nhận của chính quyền địa phương.

Ngoài 2 phương án nêu trên, tỉnh Bạc Liêu cũng "mở" cho doanh nghiệp tự quản lý như trường hợp lái xe, phụ xe của doanh nghiệp có nhiều phương tiện vận tải (trên 10 phương tiện) thì áp dụng cơ chế quản lý sinh hoạt tập trung, lưu trú tạm thời tại khu lưu trú của doanh nghiệp đó tự bố trí có kèm điều kiện đặt dưới sự giám sát của chính quyền cấp huyện.

Ngoài ra nếu một số doanh nghiệp thống nhất hợp tác với nhau để lập 1 khu lưu trú tập trung cho từ 10 lái xe, người theo xe trở lên cũng được áp dụng cơ chế tương tự.

Trường hợp lái xe riêng lẻ hoặc các doanh nghiệp không thống nhất được với nhau để lập khu lưu trú và nếu người lái xe có địa chỉ cư trú rõ ràng trên địa bàn thì cho phép thực hiện cách ly y tế tại nhà tạm thời và chịu sự quản lý như đối tượng F1 trong thời gian lưu trú tại địa phương, đến khi có nhu cầu vận chuyển phương tiện thì được rời đi.

Theo chỉ đạo này, điều kiện đầu tiên là tất cả người lái xe, người theo xe vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Bạc Liêu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp test nhanh hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ.

CHÍ QUỐC

Đà Nẵng: Thịt cá, rau củ đầy chợ, siêu thị, người dân không nên mua tích trữ

Trước thông tin TP Đà Nẵng siết chặt thêm biện pháp chống dịch như hạn chế ra đường, áp dụng lại phiếu đi chợ, một số người dân đã đổ dồn vào siêu thị mua thực phẩm tích trữ.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 11.

Người dân mua sắm tại quầy thịt ở siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng sáng 22-7 - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 22-7, khảo sát của Tuổi Trẻ Online tại một số chợ và siêu thị ở TP Đà Nẵng cho thấy các mặt hàng thực phẩm như rau củ quả, thịt cá, thực phẩm khô, đóng hộp… vẫn rất dồi dào. Các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh cũng cho biết nguồn hàng về hằng ngày thừa sức đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Thống - giám đốc siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng - cho hay ghi nhận tối 21-7, lượng khách hàng đến siêu thị đông gấp 2 ngày thường, sức mua cũng tăng đột biến.

Dù một số thời điểm hụt hàng cục bộ nhưng ông Thống khẳng định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu không đứt đoạn, liên tục được bổ sung. Do đó, người dân không cần phải tích trữ thực phẩm dài ngày.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 12.

Các siêu thị khẳng định nguồn hàng thiết yếu được bổ sung kịp thời, không để thiếu hụt - Ảnh: TẤN LỰC

Một số siêu thị, trung tâm thương mại khác tại Đà Nẵng cũng ghi nhận tình trạng người dân ồ ạt mua sắm trong tối 21-7. Tuy nhiên, theo các siêu thị, số lượng gia tăng lần này là rất thấp so với các lần trước do đa số người dân đã ý thức được các chợ, siêu thị không gián đoạn hoạt động trong dịch.

Tại chợ Cồn sáng 22-7, lượng người đến mua sắm ở mức bình thường. Bà Lê Thị Thanh Tâm, tiểu thương bán thịt tại chợ, cho biết sức mua có tăng lên một chút nhưng không đáng ngại. Không diễn ra cảnh vét sạch thịt trong chợ như đợt dịch trước đây. Theo bà Tâm, hiện lượng thịt cung ứng về chợ hằng ngày rất nhiều, không lo thiếu hàng để bán.

Theo bà Lê Thị Kim Phương - giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, lượng hàng hóa về các siêu thị, các chợ hiện vẫn dồi dào và phong phú, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá cả cũng không có biến động. Lượng rau củ, trái cây nhập về chợ đầu mối Hòa Cường hằng ngày vẫn đảm bảo ở mức 300 tấn, không ít hơn so với ngày thường.

Tại một số thời điểm, người dân mua sắm tích trữ dẫn tới thiếu hàng cục bộ nhưng nay thị trường đã bình ổn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, Sở Công thương khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa, chỉ mua sắm đủ dùng để tránh gia tăng nhu cầu đột biến và gây tâm lý hoang mang.

TẤN LỰC

Lái taxi dương tính, Quảng Bình ‘đóng băng' Đồng Hới trong đêm

Tỉnh Quảng Bình đã khẩn cấp thiết lập vùng cách ly và giãn cách xã hội trên toàn TP Đồng Hới sau khi phát hiện có 5 ca dương tính trên địa bàn, đặc biệt trong đó có một ca là tài xế taxi.

Dịch COVID-19 ngày 22-7: Đồng Tháp test sàng lọc diện rộng ở Sa Đéc và toàn bộ người TP Cao Lãnh - Ảnh 13.

Ngay trong đêm, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã lấy mẫu xét nghiệm những người có liên quan đến tài xế taxi - Ảnh: QUỐC NAM

Đêm 21-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình cho biết đã khẩn cấp thiết lập vùng cách ly và giãn cách xã hội trên toàn TP Đồng Hới, sau khi phát hiện có 5 ca dương tính với COVID-19 trên địa bàn, đặc biệt trong đó có một ca là tài xế taxi.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định thiết lập vùng cách ly xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ ở các khu vực:

- Từ bùng binh đường Hoàng Diệu giao đường Trần Hưng Đạo; từ ngã ba đường Hoàng Diệu giao đường Nguyễn Hữu Dật; 

- Từ bùng binh đường Hoàng Diệu giao đường Hà Huy Tập; 

- Cuối ngõ 33, đường Hoàng Diệu (phạm vi bao gồm: tổ dân phố 5, tổ dân phố 15; cụm 4 và 5 của tổ dân phố 4; 

- Cụm 1, 2 và 7 của tổ dân phố 6) thuộc địa bàn phường Nam Lý, TP Đồng Hới.

Tỉnh này cũng quyết định khẩn cấp thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn TP Đồng Hới, trừ khu vực đã áp dụng cách ly xã hội theo chỉ thị số 16.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày, kể từ 0h ngày 22-7.

Được biết, tính đến 6h sáng 22-7, ngành y tế Quảng Bình đã truy vết được 100 F1 tại TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch liên quan đến tài xế taxi dương tính với COVID-19. Những trường hợp này đã được đưa vào khu cách ly tập trung.

Trước đó, sau gần 2 năm không có ca dương tính với COVID-19, đến ngày 20-7 tỉnh này đã ghi nhận 3 ca dương tính đầu tiên trong cộng đồng. Sau 3 ca này một ngày, 2 ca khác là F1 của 3 ca này cũng có kết quả xét nghiệm dương tính.

QUỐC NAM

Từ 22-7: Hà Nội cách ly tập trung người về từ vùng đang giãn cách xã hội Từ 22-7: Hà Nội cách ly tập trung người về từ vùng đang giãn cách xã hội

TTO - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký công điện 16 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trên toàn TP. Theo đó, TP cách ly tập trung toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp