19/07/2020 06:16 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 19-7: Gần 260.000 ca nhiễm mới, Mỹ vẫn nhiều nhất

NGUYÊN HẠNH - HỒNG VÂN
NGUYÊN HẠNH - HỒNG VÂN

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận số ca COVID-19 mới cao kỷ lục trên toàn cầu trong ngày 18-7, với tổng cộng 259.848 ca. Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới, chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính.

Dịch COVID-19 ngày 19-7: Gần 260.000 ca nhiễm mới, Mỹ vẫn nhiều nhất - Ảnh 1.

Trước đấy một ngày, WHO hôm 17-7 ghi nhận 237.743 ca COVID-19 mới.

Ngoài ra, WHO cho biết số ca tử vong trên toàn cầu cũng tăng thêm 7.360 ca, lượt tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 10-5.

Theo tổ chức này, các quốc gia có số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày 18-7 là Mỹ (71.484), Brazil (45.403), Ấn Độ (34.884) và Nam Phi (13.373).

Làn sóng dịch thứ 3 ở Hong Kong

Theo báo South China Morning Post, chính quyền Hong Kong ngày 19-7 vừa thông báo những biện pháp mới để hạn chế sự lây lan của làn sóng nhiễm virus corona thứ 3 ở đặc khu này. 

Theo đó, phần lớn trong số 180.000 viên chức ở Hong Kong sẽ làm việc ở nhà kể từ tuần tới do số ca nhiễm lên mức 3 con số. Chỉ những dịch vụ cần thiết và khẩn cấp được duy trì. 

Ngoài ra, tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, kể cả không gian trong nhà. Trước đó người dân chỉ buộc phải đeo khẩu trang khi dùng phương tiện công cộng.

Thay vì đến trường lấy kết quả như mọi năm, khoảng 52.000 thí sinh dự thi kỳ thi đại học vừa qua sẽ nhận kết quả vào ngày 22-7 tới theo hình thức trực tuyến.

Tính đến hết ngày 18-7, Hong Kong có 64 được xác nhận dương tính với virus corona và hơn 60 trường hợp khác, được cho là nhiễm virus nhưng chưa có kết luận cuối cùng.

Số liệu chính thức cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tính đến hết ngày 18-7 là 1.777, vượt qua con số  1.755 người nhiễm SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 ở đặc khu này.

Người dân Melbourne giành giật mua khẩu trang 

11h59 ngày 22-7 tới là thời hạn chính quyền Melbourne, bang Victoria, Úc buộc người dân phải đeo khẩu trang hoặc trang phục có thể dùng che mặt ở nơi công cộng hoặc khi đi ra đường. Theo đó, khăn choàng hoặc khẩu trang tự may đều có thể được sử dụng thay thế khẩu trang dù hiệu quả phòng ngừa virus của chúng còn chưa rõ ràng.

Quyết định của Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews còn có nội dung phạt người không đeo khẩu trang 200 đô la Úc. 

Theo ghi nhận của báo News, quy định này đã khiến người dân thiếu điều giẫm đạp lên nhau để giành giật những cái khẩu trang trong những ngày cuối tuần. 

Các cửa hàng ở Melbourne và Mitchell Shire tràn ngập khách mua khẩu trang. 

Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người đã đăng nội dung phàn nàn về cảnh lộn xộn, hỗn loạn vì cái khẩu trang. Các bãi đậu xe không còn chỗ, hàng người chờ bên ngoài các cửa hàng lên đến tầm 50 người, thời gian xếp hàng lên đến 30 phút. Máy may gia đình được bán sạch. Cả vải vóc cũng hết sạch vì nhu cầu tự may khẩu trang.

Một người dùng viết: "Một hộp khẩu trang dùng một lần 50 cái được bán với giá 50 đô la Úc nhưng trở thành mặt hàng không thể thiếu, mạnh ai nấy vơ vét thật nhiều". Một người dùng khác cho biết mua được hộp khẩu trang 3 lớp với giá 44 đô la Úc nhưng được sản xuất chính ở Vũ Hán, nơi virus được ghi nhận là xuất hiện lần đầu tiên. 

Một số người lo ngại việc đổ xô đi mua khẩu trang trước hạn chót của chính quyền có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm và khuyên mọi người nên bình tĩnh.

Hiện nay, người dân ở khu vực Metropolitan Melbourne chỉ được ra khỏi nhà để mua sắm sử dụng hàng hóa hoặc dịch vụ cần thiết, đi làm và đi học nếu cần thiết, đi khám bệnh hoặc lý do nhân đạo. Ngoại lệ chỉ dành cho việc thăm người thân thiết như bạn đời không sống chung nhà, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc con cái. Người dân không được ra khỏi khu vực hạn chế để tập thể dục hoặc giải trí. Đám cưới cho phép tối đa 5 người gồm 2 vợ chồng, hai nhân chứng và người chủ hôn. Tang lễ cho phéo tối đa 10 người.

Hôm 17-7, Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 3 của thế giới ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), chỉ sau Mỹ và Brazil. Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng Ấn Độ có thể vẫn cách đỉnh dịch nhiều tháng.

Số ca nhiễm của Brazil đã vượt mốc 2 triệu từ ngày 16-7, tăng gấp đôi chỉ sau một tháng và có thêm hơn 40.000 ca mỗi ngày.

Trong khi đó, Mỹ, quốc gia đứng đầu thế giới với hơn 3,7 triệu ca, vẫn đang cố gắng kiềm hãm dịch bệnh ở cả cấp bang và địa phương nhưng chưa mấy thành công.

Theo Bộ y tế Cộng hòa Czech ngày 19-7, tổng số ca nhiễm virus corona hiện đang được điều trị ở nước này là 4.764 trường hợp, cao hơn cao nhất từ trước tới nay. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Cộng hòa Czech, đất nước chỉ có 10,7 triệu dân, số ca nhiễm virus corona đã lên tới 13.885 ca với 348 trường hợp tử vong.

Theo Reuters, hiện nay số ca nhiễm mới trong một ngày ở Cộng hòa Czech trung bình là trên 100 ca, vượt xa số người bệnh hồi phục và xuất viện. Các trường hợp nhiễm mới đa số ở một ổ dịch tại khu công nghiệp phía đông bắc đất nước.

Trong ngày 18-7, số người nhập viện vì COVID-19 là 135 người, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn cao điểm tháng 4 với 446 người/ngày. 

Kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa công bố vào tháng 3-2020, Cộng hòa Czech cam kết sẽ tránh việc phong tỏa cả nước trong tương lai. Thay vào đó, họ sẽ xử lý ổ dịch theo cụm.

Tính đến hết ngày 18-7, Bộ Y tế Mexico thông báo nước này có thêm 7.615 ca COVID-19 và thêm 578 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Mexico kể từ khi dịch bùng phát tại nước này.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở Mexico đến nay là 338.913 ca với 38.888 trường hợp tử vong.

Bản tin sáng 19-7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam cho biết không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Hiện Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính. Cả nước đang có hơn 12.700 người được cách ly phòng dịch.

Dịch COVID-19 ngày 19-7: Gần 260.000 ca nhiễm mới, Mỹ vẫn nhiều nhất - Ảnh 3.

4 triệu dân Barcelona được kêu gọi ở nhà

Ngày 18-7, chính quyền Tây Ban Nha đã kêu gọi 4 triệu dân tại thành phố Barcelona, thủ phủ của xứ Catalonia, ở nhà giữa bối cảnh số ca COVID-19 tại đây tăng vọt.

Tổng số bệnh nhân qua đời vì COVID-19 của Tây Ban Nha là 28.400. Quốc gia này là một trong những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Tây Ban Nha đã xác định hơn 150 ổ dịch mới trên khắp đất nước.

Barcelona, một trong những thành phố thu hút nhiều du khách nhất châu Âu, đã quay trở lại lệnh phong tỏa. Chính quyền Catalonia đã kêu gọi gần 4 triệu dân Barcelona ở nhà và chỉ đi ra đường khi cần thiết, đồng thời cấm tụ tập trên 10 người và đóng của các địa điểm công cộng như rạp phim, nhà hát và quán rượu.

Theo Hãng tin AFP, số ca nhiễm tại thành phố này đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng một tuần. Bên cạnh Barcelona, ngày càng nhiều quốc gia và thành phố tái thiết lập các giới hạn để chống dịch COVID-19.

Mở trung tâm xét nghiệm tại "bãi biển" giữa lòng Paris

Người dân Paris đã bắt đầu kéo đến Paris Plages - chương trình thường niên nhằm biến một số đoạn sông Seine thành "bãi biển nghỉ mát" ở thủ đô Pháp. Nhưng năm nay, người dân Paris tập trung tại địa điểm mới của Paris Plages: các trung tâm xét nghiệm virus corona.

Số liệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đã quay trở lại tại nhiều nơi trên khắp nước Pháp, trong đó bao gồm cả thủ đô Paris. Chính quyền nhiều địa phương đã thực hiện các chính sách xét nghiệm gắt gao nhằm ngăn dịch bệnh quay lại như giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5.

"Tại Paris Plages, người dân có thời gian rảnh và muốn biết bản thân có mắc bệnh hay không... Một số người cũng cần giấy chứng nhận để được lên máy bay và đi nghỉ mát", bác sĩ Muriel Prudhomme giải thích với Hãng tin AFP trong bối cảnh nhiều trung tâm xét nghiệm tại Paris Plages đang hoạt động.

Đội ngũ y tế hiện chia ra thành 2 trung tâm xét nghiệm và sẽ hoạt động cho đến hết tháng 8. Những trung tâm này có khả năng thực hiện 150-200 xét nghiệm/ngày.

Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 30.000 người tại Pháp.

Israel giải tán biểu tình giữa dịch

Dịch COVID-19 ngày 19-7: Gần 260.000 ca nhiễm mới, Mỹ vẫn nhiều nhất - Ảnh 4.

Người biểu tình bao vây nhà của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 18-7 nhằm phản đối cách chính phủ nước này xử lý dịch bệnh - Ảnh: REUTERS

Cảnh sát Israel đã phải dùng vòi rồng giải tán người biểu tình xung quanh nhà của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 18-7. Người biểu tình bao vây nhà của ông Netanyahu để phản đối cách chính phủ xử lý dịch COVID-19 và nghi án tham nhũng của ông.

Gần đây, người dân Israel đang vừa phải đối mặt với số ca nhiễm ngày một tăng, tỉ lệ thất nghiệp cao, trong khi nhiều giới hạn dịch bệnh đang được tái áp đặt.

Sự phẫn nộ của dân chúng đã tăng thêm vì nghi án tham nhũng của ông Netanyahu. Hồi tháng 5, Thủ tướng Israel bị cáo buộc hối lộ, lừa đảo và thiếu trách nhiệm. Ông đã bác bỏ hết những cáo buộc này.

Tại Jerusalem, hàng trăm người đã tụ tập bên ngoài nhà của ông Netanyahu, yêu cầu chính quyền hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tỉ lệ thất nghiệp tại đây hiện lên đến 21%.

Israel đã mở cửa lại trường học và nhiều doanh nghiệp từ tháng 5, đồng thời nới lỏng giới hạn sau khi phong tỏa bán phần từ tháng 3. Tuy nhiên, số ca COVID-19 tại quốc gia này đã tăng mạnh trong nhiều tháng gần đây.

Israel hiện có gần 50.000 ca COVID-19 và có khoảng 400 người đã tử vong vì dịch bệnh.

Tổng thống Iran công bố số liệu sốc: 25 triệu người đã mắc COVID-19, gấp gần 7 lần Mỹ Tổng thống Iran công bố số liệu sốc: 25 triệu người đã mắc COVID-19, gấp gần 7 lần Mỹ

TTO - Con số mà nhà lãnh đạo Iran đưa ra trong một bài phát biểu trực tiếp cao gấp 92 lần con số chính thức được công bố từ trước đến nay. Ông Rouhani cũng cảnh báo ít nhất 35 triệu người có nguy cơ mắc bệnh.

NGUYÊN HẠNH - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp