17/03/2020 06:16 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca

DUY LINH - D.KIM THOA - NGUYÊN HẠNH - MINH KHÔI
DUY LINH - D.KIM THOA - NGUYÊN HẠNH - MINH KHÔI

TTO - Số ca nhiễm của Tây Ban Nha đã vượt quá 10.000, Iran hơn 16.000 còn Anh lên gần 2.000. Malaysia, Pakistan ghi nhận những ca tử vong đầu tiên.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 1.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 22h15 ngày 17-3

Anh thêm hơn 400 ca nhiễm mới, lên 1.950 ca

Ngày 17-3, nước Anh ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 lên 1.950 ca, tăng từ 1.543 ca của ngày trước đó. Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, kỳ vọng các biện pháp mà Anh đang áp dụng có thể giới hạn số ca tử vong vì COVID-19 dưới con số 20.000, theo Reuters.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết sẽ hủy toàn bộ các ca phẫu thuật thông thường trong 3 tháng tới và cho xuất viện càng nhiều bệnh nhân càng tốt nhằm chuẩn bị giường bệnh và nhân viên y tế chống chọi với dịch COVID-19.

Giáo hội Anh cũng thông báo sẽ hoãn cử hành lễ đông người vì COVID-19. Các nhà thờ vẫn sẽ mở cửa cho tín đồ nếu có thể. Cùng với đó đám cưới và lễ tang tại nhà thờ vẫn diễn ra bình thường.

Trong khi đó Campuchia có thêm 21 ca nhiễm mới virus corona, tổng số ca nhiễm lên tới 33 ca. 20/21 ca nhiễm mới - gồm 3 người quốc tịch Malaysia, đã tới Malaysia để làm lễ tại một nhà thờ Hồi giáo, theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia.

Hôm 16-3, chính quyền Campuchia khuyến cáo người dân không đi tới các nước châu Âu, Mỹ và Iran nếu không cần thiết. Cán bộ, nhân viên mọi cơ quan bộ ngành đều không được tham dự các cuộc họp tại những nước nói trên.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế đứng trước phòng cách ly nơi nữ bệnh nhân 65 tuổi người Anh đang được điều trị tại tỉnh Kampong Cham - Ảnh: KHMERTIMESKH

Kazakhstan đóng cửa thủ đô và thành phố lớn nhất nước

Ủy ban khẩn cấp nhà nước Kazakhstan thông báo sẽ đóng cửa thủ đô Nur-Sultan và thành phố Almaty lớn nhất nước kể từ ngày 19-3. Ngoài việc hạn chế di chuyển và cân nhắc ngừng toàn bộ giao thông công cộng, chính quyền yêu cầu hàng quán chỉ giao hàng trực tuyến.

Nước này có thêm 14 ca nhiễm trong ngày 17-3, nâng tổng số ca COVID-19 lên 27. 

Số ca nhiễm của Tây Ban Nha đã vượt quá 10.000, Iran hơn 16.000

Fernando Simon, giám đốc trung tâm điều phối các tình huống khẩn cấp và cảnh báo của Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca nhiễm virus corona ở Tây Ban Nha đã tăng lên 11.178 ca theo số liệu ngày 17-3, cao hơn nhiều số ca nhiễm của ngày 16-3 là 9.161 ca. Số ca tử vong cũng tăng 149 ca, lên tổng cộng 491 ca. 

Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch cấp trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tạm thời nghỉ việc do dịch COVID-19, theo Reuters. Dự thảo của chính phủ cũng dự kiến giảm giờ làm việc đối với nhân viên làm nhiệm vụ chăm sóc người khác.

Thủ tướng Tây Ban Nha công bố gói biện pháp trị giá 200 tỉ euro để giảm thiểu tác động của COVID-19 lên nền kinh tế.

Gói biện pháp này bằng 20% GDP Tây Ban Nha, bao gồm cac khoản vay, quỹ bảo lãnh tín dụng 100 tỉ euro và viện trợ trực tiếp. Chính phủ sẽ huy động 117 tỉ euro, phần còn lại đến từ doanh nghiệp tư nhân.

Trong 24 giờ qua, Iran có thêm 135 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 988. Cùng ngày, Iran có thêm 1.178 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca nhiễm toàn quốc ở Iran là 16.169 ca. Bên cạnh đó, có 5.389 người Iran mắc COVID-19 đã hồi phục.

Tại Đức, Chính quyền thành phố Berlin đồng ý xây dựng bệnh viện mới với sức chứa tối đa 1.000 giường bệnh với sự giúp đỡ của quân đội và nhiều đơn vị khác.

Bộ Y tế Hà Lan ghi nhận tổng số ca nhiễm virus corona tăng lên 1.705 ca. Số ca tử vong tăng thêm 19 ca lên tổng số 43 ca.

Giới chức Y tế Thụy Sĩ ngày 17-3 ước tính có khoảng 2.650 người dương tính với virus corona và 19 người đã tử vong. Ông Daniel Koch từ Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Sĩ kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt như không tụ tập đông người để hạn chế lây nhiễm.

Bosnia ban bố tình trạng thảm họa quốc gia, Ấn Độ "đóng dấu" người được cách ly

Bosnia ban bố tình trạng thảm họa quốc gia COVID-19. Động thái này cho phép phối hợp các hoạt động khẩn cấp giữa hai khu vực tự trị, theo Thủ tướng Zoran Tegeltija. Hiện Bosnia có 26 ca nhiễm virus corona và chưa có ca tử vong nào.

Theo báo Alijazeera, Ấn Độ quyết định đóng cửa đền Taj Mahal cùng các di tích, bảo tàng, các địa điểm tôn giáo trên khắp cả nước. Trong khi đó tại Mumbai - trung tâm tài chính với 18 triệu người sinh sống, chính quyền yêu cầu các nhân viên y tế và sân bay đóng dấu "cách ly tại nhà" và thời gian cách ly lên tay những người được yêu cầu cách ly.

Ngày 17-3, nước này đã ghi nhận ca tử vong thứ ba do COVID-19. Bệnh nhân 64 tuổi, ở Mumbai, trở về từ Dubai ngày 8-3. Vợ và con trai bệnh nhân cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Ấn Độ ghi nhận 131 ca mắc COVID-19 trên cả nước.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 3.

Một người đeo khẩu trang bế đứa bé trong khuôn viên bệnh viện điều trị COVID-19 ở Mumbai, Ấn Độ ngày 17-3 - Ảnh: REUTERS

Malaysia, Pakistan ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên

Malaysia ngày 17-3 ghi nhận ca tử vong đầu tiên là một mục sư 60 tuổi. Chính quyền hiện đã cách ly tại nhà 193 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Malaysia hiện có 553 ca COVID-19, cao nhất Đông Nam Á. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Pakistan cũng thông báo trường hợp tử vong đầu tiên do mắc COVID-19. Bệnh nhân trở về từ Iran, được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Hiện quốc gia Nam Á này đã ghi nhận 195 ca COVID-19.

Brazil ghi nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại Sao Paulo, giới chức y tế địa phương cho hay.

Philippines thêm 2 ca tử vong vì COVID-19. Tổng số ca tử vong hiện tại là 14, số ca nhiễm là 187. Để tránh tình trạng quá tải hệ thống y tế, Philippines sẽ ưu tiên xét nghiệm COVID-19 trước cho những người có triệu chứng của bệnh viêm phổi. 

Hồi đầu tháng, Philippines chỉ còn 2.000 bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19. Trong tuần này Philippines đã nhận thêm 2.000 bộ từ Trung Quốc và 500 bộ từ Hàn Quốc.

Bộ Y tế Israel thông báo số ca nhiễm virus corona ở nước này đã tăng lên 304.

Bộ Y tế Kuwait cho biết nước này có thêm 7 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 130.

Người phát ngôn Bộ Y tế Kuwait cho biết những ca nhiễm mới đều là công dân Kuwait trở về từ Anh.

Cùng ngày, Bangladesh ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 10 ca. Hiện Bangladesh có 3 ca đã khỏi bệnh.

Sri Lanka cấm máy bay, Georgia cấm xe buýt ngăn COVID-19

Người phát ngôn Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, ngày 17-3 tuyên bố nước này sẽ cấm toàn bộ các chuyến bay trong vòng 2 tuần vì COVID-19.

Trong một tuyên bố tương tự, Georgia cũng thông báo cấm các xe buýt cỡ nhỏ, đồng thời giới hạn hoạt động tại các phòng tập gym và hồ bơi để chống dịch. Thủ tướng Georgia cho biết biện pháp trên sẽ bắt đầu từ ngày 18-3.

Trong khi đó Indonesia tuyên bố sẽ giới hạn nhập cảnh và quá cảnh đối với các du khách đến từ Iran và 6 nước châu Âu khác kể từ ngày 20-3 vì dịch COVID-19.

Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo, trong tháng tới, tất cả các du khách muốn đến quốc gia này phải có chứng nhận sức khỏe và buộc phải đăng ký xin thị thực từ các cơ quan lãnh sự Indonesia tại nước của mình.

Philippines: số ca nhiễm lên gần 200

Bộ Y tế Philippines ngày 17-3 ghi nhận thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 tại quốc gia này lên 187. 

Cùng lúc, hãng hàng không Cebu Air của nước này cũng thông báo sẽ hủy toàn bộ chuyến bay kể từ ngày 19-3 cho đến 14-4 vì dịch bệnh. Cebu Air cho biết hãng tuân thủ các biện pháp cách ly do chính phủ Philippines đề ra nhằm ngăn virus lây lan.

"Chúng tôi đảm bảo an toàn đối với hành khách và đội ngũ của mình, tuân thủ các biện pháp cách ly chặt chẽ, hạn chế đi lại trên đất liền và các quy định hiện hành", thông báo mới nhất của Cebu Air viết.

Ba Lan xét nghiệm các bộ trưởng

Những bộ trưởng từng tham gia cuộc họp nội các gần nhất của Ba Lan đã được xét nghiệm COVID-19, sau khi Bộ trưởng Môi trường của nước này được thông báo dương tính hôm 16-3, theo Tham mưu trưởng của Thủ tướng Ba Lan, ông Michal Dworczyk. 

Kết quả xét nghiệm sẽ có trong ngày 17-3 và tất cả những người liên quan đều đã được cách ly.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 4.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Pháp tung 50 tỉ USD cứu doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 17-3 cho biết nước này sẽ tung 45 tỉ euro, tương đương 50,22 tỉ USD, nhằm đối phó với cơn khủng hoảng do COVID-19 gây ra đối với các doanh nghiệp.

Trước đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chính phủ sẽ chi các gói vay với trị giá 335 tỉ USD, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vì dịch bệnh.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt 19 người tung tin thất thiệt

Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã xác định 93 đối tượng tình nghi lan truyền các nội dung "vô căn cứ và mang tính kích động" trên mạng xã hội về dịch COVID-19. Trong số đó, 19 người đã bị bắt.

Các đối tượng đã đăng bài chỉ trích các lãnh đạo không đủ mạnh tay để ngăn dịch bệnh, cũng như gây hoang mang khi tung tin virus SARS-CoV-2 đã lan rộng khắp Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tính đến cuối ngày 16-3 Thổ Nhĩ Kỳ đã có 47 ca nhiễm và chưa có trường hợp tử vong nào.

Thêm 30 ca bệnh mới, Thái Lan đóng cửa trường học

Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan, bà Ratchada Thanadirek, ngày 17-3 cho biết nội các của nước này đã thông qua kế hoạch hoãn ngày tết cổ truyền mừng năm mới và đóng cửa trường học để hạn chế virus lây lan. Việc đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí sẽ phụ thuộc vào quyết định của từng chính quyền địa phương.

Trước đó thư ký thường trực Bộ y tế Thái Lan cho biết nước này đã ghi nhận thêm 30 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số người bệnh của nước này lên 177, trong đó 70-80% ở thủ đô Bangkok.

11 người trong số các ca nhiễm mới có liên quan tới một trận đấu boxing vốn đã ghi nhận một số lượng lớn ca bệnh COVID-19 khác. Những ca mới khác là những trường hợp có tiếp xúc gần với người nước ngoài.

Thái Lan đã có 1 ca tử vong vì COVID-19 và 41 người bệnh đã bình phục và được về nhà.

Malaysia hoãn hội nghị tiền APEC

Malaysia đã hoãn hội nghị 3 ngày của các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương từ các nước APEC dự kiến khai mạc hôm nay 17-3 vì dịch bệnh COVID-19. 

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Malaysia cho biết: "Quyết định này là biện pháp bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của mọi đại biểu cũng như của ban thư ký". Ngày mới dời lại của hội nghị vẫn chưa công bố.

Malaysia dự kiến đăng cai diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 năm nay. 

Peru triển khai quân đội ngăn COVID-19, Chile đóng cửa biên giới

Chính phủ Peru điều động quân đội phong tỏa các tuyến đường lớn tại thủ đô Lima ngày 16-3. Trong khi đó, cảnh sát hạn chế việc đi lại của người dân để kéo chậm lại tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Tại Paraguay, dù mới có 8 ca bệnh COVID-19 nhưng chính phủ nước này cũng đã thực hiện một quy định kiểu như giới nghiêm từ 20h mỗi ngày để hạn chế các đám đông. Cảnh sát được huy động để bắt giữ và truy tố những người không tuân thủ lệnh này.

Các nước khác ở khu vực Nam Mỹ, trong đó có ArgentinaChile, cũng sẽ đóng cửa biên giới với những người không phải cư dân để phòng dịch. Đến nay Chile đã ghi nhận 155 ca bệnh COVID-19.

Philippines là nước đầu tiên dừng giao dịch chứng khoán vì dịch COVID-19 

Theo hãng tin Reuters, sàn giao dịch chứng khoán Philippines sẽ đóng cửa vô thời hạn từ hôm nay 17-3, còn các giao dịch tiền tệ và trái phiếu tạm dừng tới 18-3. 

Chính quyền Philippines cho biết động thái này nhằm bảo vệ các nhân viên giao dịch chứng khoán khỏi dịch bệnh. Philippines cũng là nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường tài chính vì corona.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hủy họp vì corona 

Theo hãng tin AFP, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hủy bỏ hai cuộc họp còn lại trong tuần này vì dịch bệnh COVID-19. 

Mặc dù hủy họp, theo phái đoàn Trung Quốc là bên giữ vai trò chủ tịch luân phiên tháng này của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cơ quan này vẫn sẽ đảm bảo những chức năng nhiệm vụ bình thường. 

 “Các thành viên hội đồng vẫn duy trì liên lạc, tham vấn về các vấn đề trong chương trình hoạt động và có những hành động cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của hội đồng”, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc nêu trong thông cáo.

Vũ Hán yêu cầu mọi người từ nước ngoài trở về phải cách ly và tự trả phí 

Theo Hãng tin Reuters, chính quyền thành phố Vũ Hán vừa công bố quy định mới. Kể từ 17-3, mọi người từ nước ngoài trở về thành phố này sẽ buộc phải tới khu cách ly tập trung trong 14 ngày. Đáng chú ý, mọi chi phí trong thời gian cách ly này người đó phải chịu.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 5.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hong Kong cách ly 14 ngày mọi du khách nước ngoài từ 19-3 

Theo Hãng tin Reuters, bắt đầu từ nửa đêm 19-3, chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong yêu cầu cách ly y tế bắt buộc 14 ngày với tất cả những ai nhập cảnh vào đây. Chính quyền Hong Kong cũng khuyến cáo người dân hủy mọi việc đi lại không thiết yếu. 

Hong Kong đã có 157 ca bệnh COVID-19, bốn người trong đó đã chết. Phần lớn các ca bệnh tăng thêm gần đây đều là “nhập khẩu”.

Ngày thứ 3 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận dưới 100 ca nhiễm mới 

Theo Reuters, hết ngày 16-3 Hàn Quốc có thêm 84 ca bệnh COVID-19 mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận dưới 100 ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng thêm. Con số nhiễm mới dưới 100 ca mỗi ngày là thấp hơn rất nhiều so với “kỷ lục” 909 ca của ngày 29-2. 

Như vậy, theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc (KCDC), tới nay (17-3), tổng ca bệnh COVID-19 của Hàn Quốc là 8.320 ca. Số người chết là 81 (tăng thêm 2 ca). Cũng đã có thêm 264 người bệnh xuất viện, nâng tổng số người đã điều trị khỏi COVID-19 là 1.401. 

Tổng thống Moon Jae In bày tỏ tin tưởng Hàn Quốc sẽ sớm vượt qua dịch bệnh COVID-19 với đà giảm tích cực của số ca bệnh mới.

Brazil thuê bác sĩ nước ngoài chống dịch 

Bộ Y tế Brazil ngày 16-3 cho biết chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đang lên kế hoạch chiêu mộ thêm các bác sĩ nước ngoài, cụ thể là Cuba để chống dịch COVID-19. 

Gần 9.000 bác sĩ Cuba, nhiều người làm việc trong các cộng đồng nghèo, xa xôi trên khắp Brazil, đã về nhà vào tháng 11-2018 theo yêu cầu của chính quyền La Habana, sau khi Tổng thống Brazil nói những bác sĩ này là “nô lệ lao động” của chính phủ Cuba vì đã bị tước đi tới 75% thu nhập. 

Theo Bộ Y tế Brazil, hiện vẫn còn khoảng 1.800 bác sĩ Cuba ở lại. Những người này sẽ được chiêu mộ cùng với các sinh viên ngành y năm cuối.

Số ca nhiễm mới tại Ý giảm nhẹ

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 6.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Số liệu được nhà chức trách Ý công bố rạng sáng 17-3 (giờ VN) cho thấy trong ngày 16-3 đã ghi nhận thêm 2.470 ca nhiễm virus corona mới tại Ý, nâng tổng số ca nhiễm lên 27.980 người, trong đó có 2.749 trường hợp đã được chữa khỏi.

Số ca tử vong mới trong ngày là 349 người, nâng tổng số tử vong vì dịch COVID-19 lên con số 2.158, thấp hơn số ca được chữa khỏi.

Ý đang là ổ dịch lớn nhất trên thế giới, là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Ý đã lên mức 73 người/1.000 ca nhiễm, tức là gần gấp đôi so với mức 39,7 của Trung Quốc, và cao hơn nhiều so với mức 56,9 người/1.000 ca nhiễm của Iran. 

Đa số các bệnh nhân nhiễm bệnh và tử vong đều lớn tuổi, có sẵn các bệnh nền từ trước.

Dịch COVID-19 ngày 17-3: Anh gần 2.000 ca nhiễm, Tây Ban Nha hơn 10.000 ca - Ảnh 7.

Một người dân tại thành phố Milan của Ý treo quốc kỳ bên ngoài ban công với dòng chữ "Mọi chuyện rồi sẽ ổn" - Ảnh: REUTERS

Trung Quốc có 21 ca nhiễm mới trong ngày 16-3 

Theo số liệu được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 17-3, tính đến cuối ngày 16-3 trên toàn Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm tổng cộng 21 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 1 ca ở Hồ Bắc, 20 ca còn lại là những người vừa nhập cảnh Trung Quốc. 

Số ca tử vong mới tại Trung Quốc trong ngày 16-3 là 13 trường hợp, giảm 1 ca so với ngày 15-3. Tổng số ca nhiễm tính trên toàn Trung Quốc đại lục là 80.881, trong đó có 3.226 trường hợp tử vong, 68.688 người đã được cho xuất viện. 

Như vậy, số ca nhiễm đang điều trị ở Trung Quốc chỉ còn hơn 8.900 người, bao gồm 3.226 trường hợp nguy kịch.

Canada đóng cửa toàn bộ biên giới

Thủ tướng Canada Justin Trudeau rạng sáng 17-3 (giờ VN) tuyên bố nước này sẽ đóng cửa toàn bộ các đường biên giới với công dân nước ngoài. Theo ông Trudeau, sẽ có những ngoại lệ dành cho các phi công, nhà ngoại giao và công dân Mỹ, mặc dù ngoại lệ này có thể thay đổi.

Canada hiện ghi nhận 375 ca dương tính với virus corona mới, trong đó có một bệnh nhân đã tử vong.

Pháp yêu cầu dân không rời khỏi nhà, triển khai cảnh sát giám sát

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố kể từ 0h ngày 17-3 theo giờ địa phương, tất cả người dân ở Pháp sẽ phải tuân thủ nghiêm túc việc ở nhà, ngoại trừ đi mua thức ăn, đi làm, tập thể dục hay khám bệnh.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner thông báo sẽ phạt tới 135 euro nếu bất kỳ ai vi phạm lệnh này đồng thời cho biết sẽ huy động khoảng 100.000 cảnh sát giám sát việc thực thi.

Các chốt chặn kiểm soát đi lại sẽ được dựng lên khắp nước Pháp trong thời gian tới.

Malaysia phong tỏa toàn quốc, Lào đóng cửa trường học

Trong một thông báo được phát đi tối 16-3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tuyên bố đất nước của ông sẽ không đón tiếp bất kỳ người nước ngoài nào trong thời gian từ 18 đến 31-3. Công dân Malaysia cũng được yêu cầu không ra nước ngoài trong thời gian này, theo Hãng tin Reuters.

Quyết định này có nghĩa là tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị và cửa hàng bán rau quả. Các trụ sở công quyền cũng như khu vực tư nhân cũng sẽ bị đóng cửa, trừ những cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh.

Trong khi đó tại Lào ngày 16-3, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết việc đóng cửa nhà trẻ và mẫu giáo trên toàn quốc sẽ kéo dài tới hết kỳ nghỉ tết năm mới của Lào dù vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào.

Ông Sisoulith cũng quyết định tạm đóng cửa các cửa khẩu phụ tiếp giáp với các nước láng giềng trên cả nước để chuyển sang các cửa khẩu quốc tế, nơi có đủ các thiết bị hiện đại nhằm đảm bảo COVID-19 không xâm nhập vào Lào.

Ông Trump tin Ông Trump tin 'cuộc sống sẽ trở lại bình thường' sớm nhất vào tháng 7

TTO - Tổng thống Trump đã công bố các biện pháp mới đối phó dịch COVID-19 tại Mỹ và trấn an vẫn chưa cần phong tỏa cả nước như các quốc gia khác. "Sớm nhất tháng 7 hoặc 8 cuộc sống sẽ trở lại bình thường", ông Trump khẳng định.

DUY LINH - D.KIM THOA - NGUYÊN HẠNH - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp