14/07/2020 06:16 GMT+7

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo 'quá nhiều nước đi sai hướng'

BẢO ANH - MINH KHÔI
BẢO ANH - MINH KHÔI

TTO - Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo cuộc khủng hoảng do COVID-19 có thể 'tồi tệ hơn' nếu các nước không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt. Chỉ trong 5 ngày, số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng thêm tới 1 triệu.

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo quá nhiều nước đi sai hướng - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Philipines gõ cửa từng nhà để tìm bệnh nhân COVID-19

Theo Reuters, chính quyền và cảnh sát Philippines sẽ thực hiện tìm kiếm bệnh nhân COVID-19 tận nhà để ngăn ngừa lây lan rộng hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano kêu gọi công chúng báo cáo các ca nhiễm trong khu phố, đồng thời cảnh báo bất kỳ ai nhiễm bệnh mà từ chối hợp tác sẽ phải đối mặt với án tù.

Số ca bệnh COVID-19 của Phillipines liên tục tăng cao, nay đã lên tới 57.545 ca bệnh và 1.603 ca tử vong.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kazakhstan qua đời vì COVID-19

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kazakhstan Bakyt Kurmanbaev đã thiệt mạng vì COVID-19. Thông tin được Bộ Quốc phòng Kazakhstan xác nhận. Bộ Quốc phòng sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân cái chết sau.

Ông Kurmanbaev, 50 tuổi, được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào tháng 4-2019.

Kazakhstan đến nay ghi nhận 61.755 ca COVID-19, trong đó 375 ca đã tử vong.

Việt Nam 0 ca COVID-19 mới, 89 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 14-7, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, đã 89 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Như vậy đến thời điểm này, Việt Nam đã có 373 ca mắc COVID-19, trong đó 233 ca mắc từ bên ngoài sau khi nhập cảnh được cách ly ngay; 352 trong số 373 ca mắc đã được chữa khỏi (chiếm 94,4%); không có ca tử vong.

Cả nước hiện có 13.357 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, 72 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 12.871 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 414 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Iran đóng cửa doanh nghiệp ở thủ đô

Iran ngày 14-7 ghi nhận 179 ca tử vong mới do COVID-19 trong bối cảnh các nhà chức trách tuyên bố đóng cửa lần nữa một số doanh nghiệp ở thủ đô Tehran để ngăn chặn tái bùng phát dịch.

Lần này Tehran sẽ đóng cửa 1 tuần, gồm phòng tập thể dục, hồ bơi, sở thú và quán cà phê, hãng tin ISNA dẫn lời phó thống đốc Tehran là Goudarzi cho biết.

Hiện Iran có 262.173 ca bệnh COVID-19 và 13.211 ca tử vong.

Thái Lan cấm các nhà ngoại giao nước ngoài nhập cảnh

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo quá nhiều nước đi sai hướng - Ảnh 2.

Tính đến nay Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại diện kinh doanh đặc biệt, trong bối cảnh 2 người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh vào nước này có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết lệnh cấm tạm thời này sẽ có hiệu lực trong khi CCSA nỗ lực bịt những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Các nhân viên ngoại giao và người thân khi đến Thái Lan có thể sẽ phải nghỉ lại những cơ sở cách ly thay thế được chính phủ dàn xếp trong 14 ngày.

Quyết định của CCSA được đưa ra để ứng phó với trường hợp con gái 9 tuổi của một tùy viên Sudan ở Bangkok được phát hiện mắc COVID-19. Mẹ của bé gái này đã đưa gia đình gồm 5 người đi kiểm tra y tế ở Sudan hôm 7-7 và họ được phép đi lại. 

Những người này rời Sudan cùng ngày và tới Thái Lan sáng 10-7 trên cùng chuyến bay chở 245 công dân Thái Lan hồi hương. Khi tới Thái Lan, gia đình này không có triệu chứng, nhưng được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Kết quả cho thấy bé gái 9 tuổi mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, CCSA cũng đã hủy 8 chuyến bay của Không quân Ai Cập dự kiến tới Thái Lan trong tháng 7 này sau khi 1 binh sĩ Ai Cập trong phái đoàn gồm 31 người quá cảnh và nghỉ lại Thái Lan hồi tuần trước được xác nhận mắc COVID-19.

Trong ngày 14-7, Thái Lan ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 từ nước ngoài, tất cả đều là công dân Thái Lan hồi hương, gồm 6 người từ Ai Cập và 1 người từ Mỹ. Tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. 

Indonesia phát hiện ổ dịch lớn tại Đài Phát thanh quốc gia

Một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java. Chi nhánh Liên minh Các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya cho biết đã có 57 nhà báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong. 

54 trong tổng số 57 người mắc COVID-19 nói trên là nhân viên Đài Phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya. Ngoài ra, còn có 6 người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo người đứng đầu AIJ Surabaya, ông Miftah Faridl, nguyên nhân khiến nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông ở Surabaya nhiễm COVID-19 là do nhiều người không tuân thủ các giao thức y tế và tham dự các sự kiện lớn hoặc các cuộc họp báo đông người, cũng như các công ty truyền thông, báo chí mà không có các biện pháp đảm bảo dịch tễ cho nhân viên.

Nhật Bản truy vết 800 người sau khi phát hiện ổ lây nhiễm ở nhà hát tại Tokyo

Ngày 14-7, chính quyền thủ đô Tokyo kêu gọi hơn 800 người xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi nhà chức trách phát hiện 20 người trong số khán giả và diễn viên tham gia buổi trình diễn kịch "Werewolf" tại nhà hát Moliere (có sức chứa 190 người, ở quận Shinjuku) nhiễm loại virus gây bệnh COVID-19.

Cùng ngày, giới chức Tokyo cho biết thành phố này đã ghi nhận thêm 143 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Tokyo dưới mức 200.

Hiện chính quyền Tokyo vẫn đang nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh, các tuyến bay đi và đến thành phố này sẽ tiếp tục được mở thêm. 

Theo Đài phát thanh và truyền hình NHK, sân bay quốc tế Narita - một trong hai sân bay chính của thủ đô, dự kiến sẽ mở lại đường băng thứ hai trước kỳ nghỉ lễ vào tuần tới. Theo kế hoạch, Chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập các trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR tại các sân bay của nước này trong thời gian tới nhằm triển khai các biện pháp nới lỏng đi lại quốc tế.

Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu đóng cửa những công ty kinh doanh các câu lạc bộ và hoạt động giải trí không tuân thủ đủ các biện pháp phòng dịch COVID-19. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số người mắc bệnh có liên quan đến các cơ sở giải trí ban đêm, đặc biệt là tại quận thương mại và giải trí ở Tokyo, ngày một tăng, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo quá nhiều nước đi sai hướng - Ảnh 3.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 - Ảnh: Abcnews

Nhiều thành phố Ấn Độ tái áp đặt lệnh phong tỏa

Thành phố Bangalore, trung tâm công nghệ của Ấn Độ tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng 7 ngày, từ ngày 14-7 sau khi số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục tăng nhanh, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người với khoảng 500 ca tử vong mỗi ngày. 

Theo đó, hoạt động đi lại sẽ bị cấm trừ những tình huống khẩn cấp và chỉ những cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu được phép mở cửa. Các công ty công nghệ liên quan đến hoạt động của các tập đoàn toàn cầu có thể được mở cửa nhưng chỉ 50% nhân viên được phép có mặt tại nơi làm việc.

Thành phố Pune ở miền Tây Ấn Độ cũng áp đặt lệnh phong tỏa mới sau khi tổng số ca bệnh tăng lên 40.000 người và 23 ca tử vong. Các bang Uttar Pradesh, Tamil Nadu và Assam cũng ban hành những biện pháp hạn chế mới.

Sau khi áp đặt một trong những lệnh phong tỏa được coi là nghiêm ngặt nhất trên thế giới từ cuối tháng 3, Ấn Độ đã nới lỏng dần dần những biện pháp hạn chế nhằm giảm bớt tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới lại tiếp tục tăng lên hơn 900.000 người với hơn 24.000 ca tử vong do COVID-19 ghi nhận trong ngày 13-7. 

Các chuyên gia cảnh báo đỉnh dịch vẫn còn kéo dài vài tuần nữa. Mumbai và New Delhi vẫn là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, nhưng Bangalore, thành phố miền Nam Ấn Độ gồm 13 triệu dân, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh mới.

Số ca nhiễm mới toàn cầu tăng 1 triệu chỉ trong 5 ngày

Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 6h sáng 14-7, trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng hơn 13,2 triệu ca nhiễm, hơn 7,6 triệu ca hồi phục và hơn 574.700 ca tử vong do COVID-19 .

Hãng tin Reuters cho biết sau khi các ca bệnh COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, mất 3 tháng để số ca nhiễm trên toàn cầu lên tới 1 triệu. Tuy nhiên, những ngày qua, chỉ mất 5 ngày để số ca nhiễm toàn cầu tăng từ 12 triệu lên 13 triệu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra trong số 230.000 ca nhiễm mới được ghi nhận hôm 12-7, có 80% số ca nhiễm đến từ 10 quốc gia. Nghiêm trọng hơn, 50% số ca nhiễm đến từ chỉ hai quốc gia. Hiện tại Mỹ và Brazil là hai nước có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới.

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo quá nhiều nước đi sai hướng - Ảnh 4.

Một du khách đeo khẩu trang khi xem ảnh tại một triển lãm ở trung tâm nghệ thuật Barbican vào ngày đầu tiên mở cửa trở lại của trung tâm này theo sau việc nới lỏng các biện pháp hạn chế ở London hôm 13-7 - Ảnh: REUTERS

WHO cảnh báo nhiều nước đi sai hướng

Với việc số ca nhiễm mới lan rộng như cháy rừng, nhiều quốc gia đầu tuần này đang tái áp đặt các biện pháp hạn chế, phong tỏa các thị trấn và thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Tuy nhiên, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 13-7 cảnh báo quá nhiều nước đang "đi sai hướng" trong cuộc chiến với "kẻ thù chung số 1" này, với việc nhiều chính phủ truyền đi các thông điệp mâu thuẫn dẫn tới phá hoại niềm tin. Tuy nhiên, ông Tedros không chỉ rõ nước nào.

"Sẽ không có chuyện quay lại trạng thái 'bình thường cũ' trong tương lai gần" - ông nói. Tổng giám đốc WHO cảnh báo nếu các chính phủ không áp dụng một chiến lược toàn diện và các nước không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa y tế nghiêm ngặt, tình hình sẽ trở nên "tồi tệ, tồi tệ và tồi tệ hơn".

Dịch COVID-19 ngày 14-7: Tổng giám đốc WHO cảnh báo quá nhiều nước đi sai hướng - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Bang California lại đóng cửa nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim

Ngày 13-7, thống đốc bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ), ông Gavin Newsom đã công bố kế hoạch ngừng mở cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ở bang miền tây nước Mỹ này đang gia tăng mạnh.

Thống đốc Newsom, một thành viên đảng Dân chủ, đã ra lệnh các quán bar đóng cửa mọi hoạt động, còn các nhà hàng, rạp chiếu phim, sở thú và bảo tàng trên khắp bang này phải ngừng các hoạt động trong nhà. Ông nói rằng các nhà thờ, phòng gym, tiệm làm tóc cũng phải đóng cửa tại 30 hạt bị ảnh hưởng nặng nhất.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng gây áp lực cho các bệnh viện tại một số hạt, và dịch mạnh lên ở Los Angeles cùng các phần khác của khu vực vịnh San Francisco. Trong khi đó, hai học khu lớn nhất của bang California - Los Angeles và San Diego - đã thông báo sẽ chỉ học qua mạng (online) vào mùa thu.

Hồi tháng 3, California là bang đầu tiên ở Mỹ phát lệnh bắt người dân ở lại trong nhà trên khắp bang để chống dịch. Hành động này đã gây thiệt hại lớn cho kinh tế bang. Đến tháng 5, ông Newsom đã nhanh chóng cho hầu hết cơ sở kinh doanh mở lại.

LHQ dự đoán nạn đói toàn cầu trầm trọng hơn do COVID-19

Trong một báo cáo mới công bố ngày 13-7, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể khiến thêm 132 triệu người đối mặt với nạn đói vào cuối năm nay. LHQ kêu gọi chính phủ các nước áp dụng một bộ công cụ chính sách để giúp người dân tiếp cận được thức ăn chất lượng.

Năm ngoái, hai tỉ người đã đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực, với khoảng 746 triệu người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Với con số đang tăng nhanh, LHQ cảnh báo việc đạt được mục tiêu xóa đói toàn cầu vào năm 2030 đang gặp thách thức nghiêm trọng.

Dịch COVID-19 ngày 13-7: Cảnh báo virus biến chủng, thủ đô Philippines tái phong tỏa một phần Dịch COVID-19 ngày 13-7: Cảnh báo virus biến chủng, thủ đô Philippines tái phong tỏa một phần

TTO - Trong bối cảnh số ca nhiễm toàn cầu vượt con số 13 triệu, chuyên gia ở Hong Kong cảnh báo virus gây bệnh COVID-19 đã xuất hiện biến chủng, khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây.

BẢO ANH - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp