Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 23h30 ngày 14-3
Mỹ - Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết lệnh cấm du lịch với hầu hết các nước châu Âu sẽ mở rộng ra cho cả Anh và Ireland. Lệnh cấm ban đầu không bao gồm Anh và Ireland, kéo dài 30 ngày, có hiệu lực từ ngày 13-3.
Trong khi đó Đan Mạch đã có ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân 81 tuổi, qua đời tại bệnh viện ở Copenhagen, theo Reuters.
Ai Cập sẽ đóng cửa tất cả trường học trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 15-3 để phòng dịch COVID-19. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi kêu gọi gây quỹ 100 tỉ bảng Ai Cập (khoảng 6,38 tỉ USD) để đối chọi với dịch bệnh. Cho tới nay Ai Cập có 93 ca nhiễm virus corona và 2 ca tử vong.
TP New York (Mỹ) có ca tử vong đầu tiên do COVID-19. Bệnh nhân là phụ nữ, 82 tuổi, bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ trước, theo thống đốc New York Andrew Cuomo. Hiện toàn bang New York có hơn 500 ca bệnh COVID-19.
Pháp - Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Veran lên tiếng cảnh báo nếu người dân có triệu chứng giống nhiễm virus corona như sốt thì không nên sử dụng thuốc chống viêm (ibuprofen, cortisone...) vì sẽ làm tình hình tồi tệ hơn. Thay vào đó nên dùng Paracetamol khi bị sốt, ông Oliver viết trên Twitter.
Trong khi đó tại Nam Phi - tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới ở Nam Phi đã tăng lên 38, số với 24 ca của ngày trước đó, theo Bộ Y tế nước này.
Riêng tại Singapore đã có thêm 12 ca bệnh COVID-19, nâng tổng số ca trên cả nước lên 212.
Tại Anh - Cơ quan y tế Anh xác nhận số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 10 ca, nâng tổng số lên 21 ca, gần gấp đôi số ca tử vong ở Anh từ hôm thứ 6.
Số ca nhiễm ở Tây Ban Nha tăng lên hơn 5.700
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết vừa ghi nhận thêm 1.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 1.000 ca ở Madrid. Tổng số ca nhiễm ở Tây Ban Nha hiện là 5.753 ca, theo đài BBC. Số người tử vong là 136 và có 517 người đã hồi phục.
Philippines áp đặt giờ giới nghiêm phòng dịch
Theo báo PhilStar, kể từ ngày 15-3, chính quyền thủ đô Manila của Philippines áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h-5h hàng ngày. Lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài tới ngày 14-4.
Tuy vậy vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, đó là những công nhân, những người dân phân phát vật phẩm quan trọng và các nhóm nhân viên y tế.
Mỹ viện trợ 2 triệu USD cho Campuchia chống dịch
Trang Facebook của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Campuchia vừa phát đi thông báo về việc chính phủ Mỹ cam kết viện trợ thêm 2 triệu USD cho Campuchia để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, hỗ trợ cộng đồng và hoạt động của phòng thí nghiệm.
Tỉ phú Jack Ma quyên góp 2 triệu khẩu trang cho châu Âu
Tỉ phú Jack Ma - người sáng lập tập đoàn Ailbaba vừa cam kết quyên góp 2 triệu khẩu trang cho châu Âu để phòng dịch.
Theo đó lô hàng đầu tiên với 500.000 khẩu trang và vật tư y tế như dụng cụ xét nghiệm đã tới Bỉ vào tối ngày 13-3. Một lô hàng khác sẽ được gửi tới Ý. Theo hãng tin Reuters, Jack Ma cũng quyên góp 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 và một triệu khẩu trang cho Mỹ.
Truyền hình nhà nước Iran cho biết trong 24 giờ qua số người tử vong vì COVID-19 ở nước này đã tăng gần 100 người, lên 611 ca, trong khi số người nhiễm là 12.729.
Tại Ý, số ca tử vong theo ngày cũng cao kỷ lục với 250 người chết trong vòng 24 giờ, đưa tổng số tử vong cả nước lên 1.266 ca.
Theo cập nhật của tạp chí Newsweek, số ca bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện lên tới 2.466 ca, còn số ca tử vong là 50 ca. Một số chuyên gia tin rằng số ca nhiễm thật sự có thể sẽ cao hơn do còn nhiều người vẫn chưa xét nghiệm.
Hi Lạp thêm 2 ca tử vong, Áo chi 4 tỉ euro đối phó dịch
Hi Lạp có tổng cộng 3 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 2 ca chết vì COVID-19 trong ngày 14-3. Hai trường hợp này là hai người đàn ông 67 tuổi và 90 tuổi và đều mắc các bệnh nền nghiêm trọng. Tính đến cuối ngày 13-3, Hi Lạp có tổng cộng 190 ca nhiễm SARS-CoV-2.
Áo chi 4 tỉ euro đối phó với đại dịch COVID-19. Hãng tin Reuters dẫn lời thủ tướng Áo Sebastian Kurz và phó thủ tướng Werner Kogler cho hay gói ngân sách trên dùng để "tiếp sức" cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Gói này bao gồm các khoản vay ngắn hạn và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.
Các nước châu Á thêm nhiều ca nhiễm mới; Rwanda, Nambia có ca đầu tiên
Malaysia xác nhận có thêm 41 ca nhiễm mới COVID-19, tất cả đều liên quan đến một sự kiện tôn giáo ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur với sự tham gia của khoảng 10.000 người từ nhiều quốc gia. Hiện tổng số ca nhiễm ở Malaysia là 238 ca, theo Reuters.
Campuchia phát hiện thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7. Nước này vừa thông báo cấm cửa du khách từ 5 nước Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 17-3 và kéo dài 30 ngày.
Một quan chức Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này có thêm 27 ca mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 96 ca. Số ca tử vong ở Indonesia cũng tăng lên 5 ca, theo Reuters. Các ca nhiễm mới được phát hiện tại thủ đô Jakarta, một vài thành phố ở trung và tây Java, thành phố Manado ở đảo Sulawesi và Pontianak trên đảo Borneo.
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo ghi nhận thêm 34 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 98 ca.
Bộ Y tế Rwanda vừa thông báo ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại quốc gia này. Bệnh nhân là một công dân Ấn Độ từ Mumbai đến Rwanda vào ngày 8-3.
Cùng ngày chính quyền Nambia thông báo quốc gia này vừa ghi nhận 2 ca COVID-19 đầu tiên. Đến nay đã có 19 nước châu Phi ghi nhận có COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bộ Quốc phòng Mỹ đình chỉ mọi hoạt động đi lại trong nước của quân nhân
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13-3 thông báo đình chỉ mọi hoạt động đi lại trong nước của quân nhân, nhân viên bình thường của Bộ Quốc phòng và gia đình họ, trừ một số ngoại lệ, để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Chính sách này sẽ có hiệu lực từ 16-3 đến 11-5, theo Reuters.
Tại Colombia, Tổng thống Ivan Duque cho biết nước này sẽ đóng cửa biên giới với Venezuela từ sáng 14-3 (giờ địa phương) và cấm các du khách có mặt tại châu Âu và châu Á trong hai tuần qua tới Colombia từ ngày 16-3.
Bộ Ngoại giao Na Uy khuyến cáo công dân nước này không đi du lịch nước ngoài trong tháng tới, đồng thời giục những người Na Uy đang ở nước ngoài nên trở về nước càng sớm càng tốt.
Trong khi đó hãng hàng không Swiss International Air Lines (SWISS) của Thụy Sĩ cho nửa phi đội bay nằm đất, giảm giờ làm nhân viên để đảm bảo tài chính của hãng trong bối cảnh COVID-19. SWISS là công ty con của hãng hàng không Đức Lufthansa.
Campuchia, Indonesia đóng cửa trường học
Bộ Giáo dục Campuchia ngày 14-3 thông báo đóng cửa tạm thời các trường học tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thông báo chính thức có hiệu lực từ 14-3 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Trước đó, Campuchia đã đóng cửa trường Quốc tế Canada ở đảo Koh Pich trong 14 ngày để cách ly và theo dõi sức khỏe của giáo viên và học sinh trong trường sau khi có nhân viên người Canada của trường dương tính với SARS-CoV-2, theo Phnom Penh Post.
Thống đốc Jakarta (Indonesia) Anies Baswedan cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả trường học và chuyển sang giảng dạy trực tuyến trong ít nhất 2 tuần, kể từ tuần sau, để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Đến nay Indonesia đã ghi nhận 69 ca COVID-19, theo Reuters.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng một cửa hàng ở Jakarta, Indonesia ngày 14-3 - Ảnh: REUTERS
Hàn Quốc: hơn 8.000 ca nhiễm, 73 ca tử vong, nhiều nước thêm ca nhiễm
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 14-3 cho biết Hàn Quốc vừa ghi nhận thêm 107 ca COVID-19 trong hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.086 ca. Số ca tử vong hiện tại là 73.
Theo số liệu được Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố, tính tới cuối ngày 13-3, toàn Trung Quốc đại lục có thêm 11 ca bệnh COVID-19, 13 ca tử vong và 1.430 ca xuất viện. Như vậy, hiện Trung Quốc đại lục có tổng cộng 80.824 ca nhiễm, 3.189 ca tử vong và 65.541 ca xuất viện.
Thái Lan vừa ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên 82, với 1 ca tử vong. Philippines cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong do COVID-19, nâng số ca tử vong lên 6 ca. Số ca nhiễm ở nước này hiện là 64.
Tại Mỹ, Hãng tin AP cho biết họ đã đóng văn phòng tại Washington D.C. sau khi một trong các nhà báo của họ - gần đây tiếp xúc với người nghi mắc COVID-19 - cho thấy các triệu chứng bệnh. Nhà báo này là một trong hàng trăm nhà báo có mặt tại hội nghị báo chí ở New Orleans tuần trước.
Bộ Y tế Mexico thông báo số ca bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng từ 15 lên 26 ca. Còn tại Panama, số ca nhiễm tăng từ 27 lên 36 ca.
Trong khi đó Thủ tướng Andrew Holness của Jamaica ngày 13-3 tuyên bố đảo quốc này là một vùng thảm họa vì mối đe dọa của COVID-19. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để kiềm chế dịch bệnh" - ông nói. Đến nay Jamaica đã ghi nhận 8 ca bệnh COVID-19.
"Châu Âu là tâm dịch"
Theo hãng tin AFP, phát biểu trong cuộc họp báo qua mạng ngày 13-3 tại Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng châu Âu giờ đang là tâm dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra trên toàn cầu.
Ông Tedros cũng cảnh báo chưa thể biết khi nào dịch ở châu Âu sẽ lên tới đỉnh. Cũng theo người đứng đầu WHO, tại thời điểm này, châu Âu đang có số ca bệnh và số người chết vì COVID-19 nhiều hơn tổng số ca bệnh và số người chết ở các nước khác trên thế giới gộp lại (không kể Trung Quốc).
"Số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày giờ đây (ở châu Âu - PV) còn cao hơn ở Trung Quốc vào thời điểm dịch còn nóng", ông Tedros nói.
Ông Tedros đưa ra nhận định trong bối cảnh các nước châu Âu ghi nhận số ca bệnh và số người chết vì COVID-19 tăng cao.
Ý: 250 người chết trong 24 giờ
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ý ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao kỷ lục. Đã có 250 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở Ý là 1.266 ca, trong khi tổng số ca nhiễm là 17.660, theo đài BBC.
Tại Tây Ban Nha, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng thứ hai sau Ý, cũng ghi nhận số ca tử vong tăng 50%, lên 121 người trong ngày 13-3. Tổng số ca nhiễm của nước này cũng đã tăng lên 4.231.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố tình trạng báo động vì dịch bệnh COVID-19 sẽ có hiệu lực trong 2 tuần, kể từ 14-3. Ông Pedro Sanchez nói: "Đáng lo là chúng ta không thể loại trừ khả năng trong tuần tới có thể lên tới hơn 10.000 ca nhiễm".
Người bệnh COVID-19 chỉ nằm cách nhau 1m trong tòa nhà lớn bên ngoài bệnh viện Spedali Civili miền bắc nước Ý - Ảnh: REUTERS
Châu Âu tăng kiểm soát biên giới
Các quy định kiểm soát biên giới cũng được triển khai ngày càng nhiều hơn tại các nước châu Âu để phòng chống dịch.
Ba Lan ngày 13-3 thông báo đóng cửa các biên giới với du khách nước ngoài trong bối cảnh nước này đã có ít nhất 68 ca bệnh.
Theo hãng tin AFP, Ba Lan cũng sẽ áp dụng quy định cách ly y tế 2 tuần với những người từ nước ngoài trở về. Thủ tướng Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki, nói với báo giới: "Hầu hết các ca bệnh làm lây lan thành dịch ở Ba Lan đều là các ca lây từ bên ngoài".
Đan Mạch cũng sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ trưa 14-3 (tức 18h00 cùng ngày giờ Việt Nam).
Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Đan Mạch, ông Mette Frederiksen: "Mọi khách du lịch và người nước ngoài không thể chứng minh được lý do hợp lý để tới Đan Mạch sẽ không được nhập cảnh". Tuy nhiên, công dân Đan Mạch vẫn nhập cảnh bình thường.
Trong diễn biến liên quan, Thụy Sĩ cũng sẽ đóng cửa các trường học nước này để phòng dịch, đồng thời hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.Tính tới ngày 13-3, Thụy Sĩ đã có 1.125 ca bệnh, trong khi một ngày trước đó là 850 ca.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nhân viên Liên Hiệp Quốc tại New York làm việc từ xa
Theo hãng tin AFP, toàn bộ các nhân viên của Liên Hiệp Quốc đang làm việc tại trụ sở ở New York ngày 13-3 được thông báo làm việc tại nhà trong ít nhất 3 tuần, trừ những tình huống buộc phải có mặt.
Hiện có khoảng 3.000 nhân viên Liên Hiệp Quốc tại New York. Tuần này một nhà ngoại giao người Philippines đã dương tính với SARS-CoV-2, là trường hợp đầu tiên bị COVID-19 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận