Du khách đến lễ Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) trong dịp đầu năm - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đối với những nơi vẫn tổ chức lễ hội, sự tấp nập giảm đi rất nhiều so với trước đây.
Lập chốt chặn ngăn du khách tới lễ
Theo truyền thống, chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) khai hội vào mùng 6 tháng giêng và hằng năm lượng du khách đổ về đây vào thời điểm đầu năm mới rất đông đúc.
Tuy nhiên, năm nay để phòng chống dịch COVID-19, huyện Mỹ Đức đã lập 9 chốt chặn ở xã Hương Sơn, nếu du khách đổ về chùa Hương sẽ được yêu cầu quay trở lại địa phương.
Theo ban quản lý chùa Hương, những năm trước đây ngày khai hội chùa thường đón khoảng 80.000 lượt khách. Năm nay toàn bộ hoạt động lễ hội tạm "đóng băng". Suối Yến vào dịp lễ hội năm ngoái có hơn 4.000 thuyền nối đuôi nhau chờ đón khách, năm nay số thuyền hạ thủy chỉ khoảng 2%.
Trước đó, vào ngày 13-2 (tức mùng 2 tết), phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết huyện đã chính thức dừng toàn bộ hoạt động khai hội, không tổ chức đón tiếp khách, không tổ chức dịch vụ thuyền đò tại chùa Hương. Còn huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đã cho dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội cấp huyện như Cổ Loa, Đền Sái...
Tại quần thể chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam), nhà chùa vẫn mở cửa đón du khách đến hành lễ dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lượng người đến chùa Tam Chúc trong ngày 19-2 giảm hẳn so với cùng kỳ hằng năm. Theo quan sát, công tác phòng dịch tại chùa Tam Chúc được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, tại các xe điện chở du khách vào tham quan chùa, vẫn có tình trạng hành khách ngồi đông đúc, chật kín xe, không đảm bảo việc giãn cách, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Ngoài ra, tại khu vực các gian hàng buôn bán, các dịch vụ ăn uống trong quần thể chùa, vẫn có tình trạng tụ tập ăn uống đông đúc. Nhiều chủ quầy hàng và người dân thản nhiên cởi bỏ khẩu trang khi nói chuyện.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện truyền thông chùa Tam Chúc, cho biết: "Từ khi dịch bùng phát trở lại tới nay, theo tờ khai báo y tế, mỗi ngày có khoảng 130 người phải quay đầu về vì tới từ những địa phương có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao".
Du khách đến lễ Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) trong dịp đầu năm tuân thủ quy định phòng chống COVID-19 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Hoãn họp chợ Viềng, phủ Dầy đông đúc
Ngày 18-2 (tức mùng 7 tháng giêng năm Tân Sửu) theo thông lệ là ngày khai hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Tuy nhiên, năm nay chính quyền địa phương quyết định không tổ chức phiên chợ "mua may bán rủi" nổi tiếng này.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong chiều 19-2, khu vực chợ Viềng không họp. Người dân địa phương cho hay những ngày cận kề phiên chợ, nhiều người từ khắp nơi vẫn chở đồ đến để bán nhưng rồi lại phải chở về khi hay tin năm nay chợ không tổ chức phiên họp như thông lệ.
Được biết, hằng năm lễ hội chợ Viềng (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) đón khoảng 250.000 - 300.000 lượt khách, là phiên chợ chỉ tổ chức một lần trong năm từ đêm mùng 7 đến hết mùng 8 tháng giêng.
Tuy nhiên, cách khu vực chợ Viềng chưa đầy 1km, khu vực phủ Tiên Hương thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, lượng du khách đổ về đây tương đối đông đúc so với các di tích khác. Điều đáng nói, tại các cửa ra vào quần thể di tích này đều không có các chốt kiểm tra thân nhiệt. Nhiều du khách ngang nhiên cởi bỏ khẩu trang.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Kim Huệ, điều hành quần thể di tích Phủ Dầy, cho biết: "Mọi năm các tỉnh người ta về rất đông, tuy nhiên năm nay đa số là những người ở các huyện tại Nam Định đổ về, nên lượng khách giảm đi rất nhiều". Bà Huệ cho biết thêm đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nghiêm túc thì ban quản lý Phủ sẽ theo dõi và nhắc nhở.
Cầu an trực tuyến, "khai ấn" nội bộ
Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng, hàng nghìn người dân từ khắp mọi nơi lại đổ về chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) tham gia đại lễ cầu an, gây nên cảnh ùn tắc kéo dài hàng cây số tại Ngã Tư Sở.
Năm nay, đại lễ cầu an sẽ được nhà chùa tổ chức theo hình thức trực tuyến vào 20h ngày 25-2 (tức 14 tháng giêng năm Tân Sửu). Đại lễ sẽ được phát trực tiếp cùng lúc trên fanpage và kênh YouTube của nhà chùa.
Với khu di tích đền Trần (TP Nam Định), mọi năm lượng khách thập phương đổ về đây tham gia lễ khai ấn rất đông đúc. Tuy nhiên, năm nay đền Trần cũng hủy phần lễ khai ấn nhằm hạn chế người dân tụ tập đông đúc.
"Việc tổ chức lễ khai ấn là việc phải làm để vinh danh các bậc tiền nhân có công với đất nước, nhưng hiện nay chúng ta đang chống dịch COVID-19 nên đền Trần sẽ hủy toàn bộ phần hội. Đền vẫn đón khách về lễ nhưng với lượng khách quản lý được" - ông Trần Huy Chiến, đại diện khu di tích đền Trần, cho biết.
Ông Chiến cho biết thêm năm nay dù lễ khai ấn đền Trần sẽ được hủy tổ chức công khai, tuy nhiên nội bộ ban quản lý đền khoảng 35 người vẫn sẽ thực hiện việc khai ấn để giữ gìn truyền thống.
Tất cả mọi người muốn vào chùa Tam Chúc phải đo thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế - Ảnh: PHẠM TUẤN
Thay đổi thói quen đi lễ hội đầu năm
Chị Phạm Thị Thu Hiền (Giao Thủy, Nam Định) cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, gia đình chị đã thay đổi hoàn toàn thói quen đi lễ hội so với những năm trước đây: "Năm nào cứ tới mùa lễ hội đầu năm, bố mẹ mình cũng đưa cả gia đình đi hầu khắp các lễ hội lớn nhỏ trong tỉnh, có năm còn lên cả Hà Nội để đi chùa Hương.
Tuy nhiên, năm nay bố mẹ mình quyết định không tham gia lễ hội để đảm bảo an toàn. Thay vì đi tới tận cửa các di tích như trước đây, năm nay gia đình lại theo dõi các hoạt động tâm linh qua Internet nếu địa điểm đó có tổ chức phát trực tuyến và thực hiện việc thờ cúng, hương khói tại nhà".
Một thực trạng khác là một số người vẫn phải cố đi cho bằng được. Dù chùa Hương đã thông báo đóng cửa nhưng một số người vẫn tìm đến những người dẫn khách "chui" vào chùa để làm lễ.
Mùng 2 Tết Tân Sửu, huyện Bình Giang (tỉnh Hải Dương) ghi nhận 3 ca bệnh COVID-19 đầu tiên khiến nhiều người dân lo lắng, nhưng điều này không cản được kế hoạch đi lễ đền Bà Chúa Kho vào sáng sớm hôm sau của bà Điểm - một công dân của huyện này.
1h sáng mùng 3 tết bà thuê xe khởi hành, bất chấp lái xe cho biết thông tin Bắc Ninh đã thông báo đóng cửa các di tích để phòng chống dịch bệnh.
"Tôi không làm ăn buôn bán gì nhưng tôi đi đền này đã quen, thấy rất linh thiêng, gia đình được yên ổn nên mùa lễ hội năm nào tôi cũng về lễ. Năm nay đến đóng cửa thì tôi đứng ngoài cổng vái vọng" - bà Điểm nói.
P.TUẤN - T.ĐIỂU
Trở về nhà, kết nối với gia đình
Người dân xứ Huế đi lễ chùa ngày đầu năm mới ở chùa Từ Hiếu (TP Huế) - Ảnh: MINH AN
Một cái tết xáo trộn vì đại dịch nhưng cũng là cái tết khiến chúng ta phải "ngồi yên" nhiều nhất, ít lăng xăng chạy đi chạy lại các hội hè, yến tiệc... Đó cũng chính là cơ hội cho mỗi người chăm sóc đời sống nội tâm thay vì chạy theo ngoại cảnh.
* TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH (Hà Nội):
Cơ hội để soi chiếu vào trong
Đi được lễ hội đúng dịp cũng tốt. Nhưng với nhiều người khác, không nhất thiết phải đi đúng dịp đông người. Năm nay không đi được, tôi nghĩ cũng có cái để soi chiếu, thử xem năm không đi cầu xin có khác gì nhiều không, hay là vẫn như thế.
Có thể mọi người sẽ có cách nhìn mới, thêm trải nghiệm. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi có cảm giác rằng nhiều nước tổ chức lễ hội có trật tự, yên ắng hơn. Mọi người biết việc mình đi như thế nào, chứ không đến nỗi quá ồn ào, tưng bừng.
Trong khi đó, lễ hội của mình chưa thực sự đi sâu vào trong lòng, nên người ta dường như không hướng vào trong mà thường hướng ra ngoài. Do đó những sự kiện lễ hội của mình thường mang tính chất thương mại. Đối với người đi có chút gì đó giải trí, còn phía tổ chức mang tính thương mại nhiều.
Khi phát triển đủ sâu qua những trải nghiệm kiểu như lần này, người ta có thể thấy rằng việc trải nghiệm có thể đến từ bên trong hay từ một cách thức khác, từ đó dẫn đến một cách tổ chức khác chăng? Tôi hi vọng như thế, và đây cũng là điều kiện hay.
Bản chất của vấn đề là phải soi chiếu vào bên trong nhiều hơn bên ngoài. Bên ngoài chỉ là cái để tạo, gợi mở cái bên trong. Nhiều nơi hành hương bên ngoài rất yên tĩnh là vì vậy, cảnh có thể đẹp và tao nhã mới khơi mở cái bên trong. Nếu mình ồn ào quá, hướng ngoại quá, nó không vào bên trong được thì tác dụng không nhiều.
* Thượng tọa THÍCH KHÔNG NHIÊN (Huế):
Hướng vào nếp sống tâm linh từng gia đình
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, các lễ hội văn hóa tâm linh hạn chế tổ chức, đương nhiên người dân ít nhiều sẽ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh như thế.
Nhưng cần thấy một điều thế này: chính hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay cũng là một cơ hội để cho người dân, sau một quá trình quá tải về lễ hội đầu xuân như dư luận đã nói, trở thành dịp để người ta trở về nhà, nối kết gia đình.
Lâu nay người ta hướng ra, dịp này là cơ hội để hướng vào nếp sống tâm linh của từng gia đình, có sự nối kết; đó cũng là cách để cân bằng lại đời sống văn hóa tâm linh trong cộng đồng.
Về phía Phật giáo, những lễ hội liên quan đến Phật giáo không được tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh thì không có nghĩa về mặt ước nguyện và năng lượng lành hạn chế, không lan tỏa.
Hoàn cảnh hiện nay cũng chính là dịp để phía Phật giáo giảm bớt những tổ chức phần hội bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa lễ tụng cầu nguyện để chuyển năng lượng lành đến cho xã hội. Ở góc độ này, tôi thấy điều đó rất giá trị.
THÁI LỘC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận