Bầu trời Kolkata lúc 13h50 ngày 20-5 - Ảnh: Thời Báo Ấn Độ
Cơn bão này đang gây mưa lớn ở bờ biển Odisha (còn có tên khác là Orissa) và khu vực Gangetic, bang Tây Bengal, giáp ranh hai nước Ấn Độ và Bangladesh. Nó cũng đánh bật gốc cây và gây sạt lở ở nhiều nơi trên các đảo Digha và Hatiya ở Bangladesh. Mưa lớn cũng xảy ra trên diện rộng ở nhiều nơi trong ngày 19-5.
Ngoài khơi, bão Amphan có sức gió lên tới 240 - 265 km/giờ. Theo Thời Báo Ấn Độ, cơn bão đang di chuyển theo hướng bắc - tây bắc dọc bờ biển Tây Bengal-Bangladesh với tốc độ 26km/giờ, sức gió 155-165km/giờ.
Bão Amphan quật ngã cây ở Paradip, bang Odisha - Ảnh: Thời báo Ấn Độ
Dọn cây đổ do bão Amphan quật ngã ở Paradip, bang Odisha - Ảnh: Thời Báo Ấn Độ
Ấn Độ và Bangladesh, mỗi nước đều sơ tán hàng triệu người trước khi bão đổ bộ vào vịnh Bengal. Riêng Bangladesh, đến sáng 20-5 đã sơ tán khoảng 2 triệu người.
Theo Thời Báo Ấn Độ, cơn siêu bão ập đến trong bối cảnh hàng chục ngàn người lao động đang trên đường rời khỏi các thành phố lớn về quê. Hiện Ấn Độ vẫn đang phong tỏa đất nước do dịch bệnh COVID-19.
Hiện tại, đường xe lửa đã ngừng hoạt động cho đến ngày 21-5.
Khẩn cấp sơ tán người dân tránh bão Amphan - Ảnh: Thời báo Ấn Độ
Cơ quan dự báo thời tiết Ấn Độ đăng tweet cho biết bão Amphan sẽ gây sạt lở từ chiều và tối nay theo giờ địa phương.
Theo BBC, dịch bệnh COVID-19 đã khiến công tác sơ tán người dân khó khăn hơn cho nhà chức trách.
Bên trong một khu sơ tán ở Ấn Độ cho người dân tránh bão Amphan - Ảnh: Thời báo Ấn Độ
Ấn Độ và Bangladesh đều trưng dụng trường học và trụ sở làm nơi lánh nạn tạm thời. Tuy nhiên, người dân đi sơ tán cũng phải giãn cách nên các địa phương này cần nhiều nhà lánh nạn hơn so với bình thường. Nhà chức trách cũng phát khẩu trang cho người dân.
Bang Tây Bengal của Ấn Độ là một trong những nơi cầm chắc sẽ bị bão tàn phá nặng nề. Cảnh sát ở đây cho biết nhiều người dân không muốn đi lánh nạn vì sợ nhiễm virus corona.
Bão Amphan là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất ở Ấn Độ trong hơn 20 năm qua. Năm 1999, một trận siêu bão đổ bộ vào vịnh Bengal làm hơn 9.000 người thiệt mạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận