07/02/2020 13:19 GMT+7

Dịch bệnh virus corona Vũ Hán chưa phải là đại dịch

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Gọi một dịch bệnh là đại dịch nếu không chính xác, dù là vô tình hay cố ý, sẽ gây hoang mang không cần thiết, thậm chí tổn hại với cộng đồng.

Dịch bệnh virus corona Vũ Hán chưa phải là đại dịch - Ảnh 1.

Một khu phố thương mại tại Bắc Kinh vắng tanh khi mọi người hạn chế ra ngoài vì lo ngại dịch bệnh, ảnh chụp ngày 5-2 - Ảnh: GETTY IMAGES

Trên thực tế, những ngày qua truyền thông quốc tế chưa dùng tới chữ "đại dịch" (tiếng Anh là "pandemic") để mô tả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra, mà dùng thuật ngữ "dịch bệnh" ("epidemic") hoặc "sự bùng phát" ("outbreak").

Vậy vì sao thế giới chưa gọi dịch corona Vũ Hán là "đại dịch"?

Phân biệt "dịch bệnh" và "đại dịch"

Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ định nghĩa "đại dịch" là dịch bệnh đã lây lan tới nhiều quốc gia hay nhiều châu lục, ảnh hưởng tới một số lượng lớn người. Mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh không nằm ở mức độ quan tâm, lo lắng của dư luận, cũng không phải ở số ca tử vong.

Bất kể việc đã có hơn 30.000 người nhiễm virus corona Vũ Hán và hơn 630 người chết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng hầu hết các chuyên gia vẫn đồng thuận rằng đó chưa phải đại dịch.

Trước hết, theo báo Los Angeles Times, khi WHO tuyên bố một dịch bệnh là Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC), họ phải cân nhắc 3 nhân tố chính.

Thứ nhất, dịch bệnh đó có bất thường hay không thể lường trước? Với một chủng virus mới chưa từng biết tới trước đó như 2019-nCoV, câu trả lời là "Có".

Thứ hai, dịch bệnh đó có tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng vượt ra ngoài biên giới lãnh thổ một quốc gia không? Với thực tế đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm tại 4 châu lục, câu trả lời một lần nữa là "Có".

Thứ ba, dịch bệnh này có cần quốc tế có hành động phản ứng tức thời không? Vì cần có công tác kiểm tra tầm soát dịch tại các sân bay, cửa khẩu và cần tài chính để hỗ trợ, triển khai công tác phòng dịch nên câu trả lời vẫn là "Có".

Tuy nhiên, các dịch bệnh có thể ở mức rất nghiêm trọng mà vẫn chưa tăng lên cấp đại dịch, miễn là ảnh hưởng của nó vẫn đang chỉ chủ yếu tại một khu vực. Trong trường hợp cụ thể của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra, khu vực này đang là Trung Quốc.

Dịch bệnh (epidemic), từ điển Cambridge (Anh) định nghĩa là sự xuất hiện của một bệnh cụ thể xảy ra với số lượng lớn người ở cùng một thời điểm, ví như dịch cúm, dịch sốt xuất huyết...

Đại dịch (pandemic), từ điển này định nghĩa là một bệnh xuất hiện ở gần như mọi nơi trong một khu vực hoặc gần như với tất cả mọi thành phần trong một nhóm người, nhóm động vật hay thực vật.

Dịch bệnh virus corona Vũ Hán chưa phải là đại dịch - Ảnh 3.

Hình ảnh chụp ngày 5-2 tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, một trong hai bệnh viện được xây khẩn trương để ứng phó dịch virus corona tại Vũ Hán - Ảnh: XINHUA

Không loại trừ khả năng sẽ thành đại dịch

Mặc dù vậy, khi các nhà nghiên cứu có thêm nhiều thông tin về mầm bệnh mới này, khả năng xảy ra đại dịch trong tương lai có hoàn toàn có thể.

"Các bệnh tật không bao giờ ngần ngại trước các biên giới lãnh thổ", ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, cảnh báo. Thực tế đã ghi nhận chủng virus corona mới lây lan từ người sang người, khiến nó đang có vẻ có cơ chế lây nhiễm giống virus cúm (một tác nhân đại dịch kinh điển) hơn so với các chủng virus corona khác.

Ít nhất 10 người đã nhiễm 2019-nCoV ở Đức dù chưa từng đến Trung Quốc; tương tự với 5 người bệnh khác ở Hàn Quốc, 3 người ở Nhật Bản và 2 người ở Mỹ.

Nếu virus corona sớm được kiểm soát tại những nước đó, "chúng ta sẽ chỉ gọi đó là những sự bùng phát dịch riêng lẻ và đã được kiểm soát", bác sĩ Tom Inglesby, giám đốc Trung tâm an ninh y tế tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói.

Tuy nhiên nếu số ca nhiễm bệnh ở châu Âu và Mỹ tăng mạnh mà không có liên hệ gì với Trung Quốc, "khi đó là đủ để gọi đây là đại dịch", ông Tom Inglesby nói.

Ngoài chuyện số ca nhiễm, một đại dịch còn khác rất nhiều với một dịch bệnh ở chỗ đại dịch gây ra những hậu quả mang tính toàn cầu.

Ngay lúc này, ảnh hưởng của dịch bệnh với lực lượng lao động Trung Quốc là rất lớn, song ngoài Trung Quốc, chỉ có một số ít nước khác phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng y tế cũng như kinh tế thực sự. Ngoài công tác tầm soát dịch ở sân bay, cửa khẩu, hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đang diễn ra tương đối bình thường.

Giới chuyên gia y tế Mỹ cho rằng có thể rốt cuộc chủng mới virus corona sẽ "đi theo con đường" của virus cúm heo H1N1, chủng virus từng gây đại dịch năm 2009. Dịch bệnh này sau đó suy yếu vào năm 2010 nhưng chủng virus đó vẫn tiếp tục tồn tại như một trong những chủng virus chính yếu gây cúm mùa.

Vì sao SARS là đại dịch?

Dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) giai đoạn 2002-2003 được định danh là đại dịch vì lây lan sang 26 quốc gia và các chuỗi lây nhiễm không chỉ ở Trung Quốc (tâm dịch), mà còn ở Canada, Hong Kong, Đài Loan, Singapore và Việt Nam.

Làm gì để tự bảo vệ trước ‘nỗi ám ảnh’ corona? Làm gì để tự bảo vệ trước ‘nỗi ám ảnh’ corona?

Những ngày qua, dư luận đang hoang mang với ‘nỗi ám ảnh’ mang tên corona. Vậy làm sao để chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe tốt cho cá nhân và người thân?

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp