Chị Yến cùng con gái trong chuyến hồi hương bão táp - Ảnh: TRẦN MAI
Tình người vẫn hiện diện và trong khó khăn lại thêm lấp lánh. Mùa dịch bệnh, dù lớp khẩu trang che kín mặt nhưng luôn thấy nụ cười hiện diện trên những khuôn mặt khắc khổ trong hành trình vạn dặm hồi hương.
Người thầy và đứa trẻ mệt lả
Đêm lạnh, mưa trút từng cơn, thầy Ngô Khắc Vũ (giáo viên Trường Mộ Đức 2) lọ mọ trên chiếc xe máy vượt gần 20km ra trạm tiếp tế Phú Mỹ (TP Quảng Ngãi), là người làm công tác thiện nguyện có tiếng, những tình nguyện viên nhận ra và hỏi thăm. Thầy Vũ đêm hôm đội mưa gió bởi vừa có một cháu bé mệt lả sau hành trình từ Đồng Nai về quê nhà Thanh Hóa cùng cha mẹ.
Thầy Vũ kể, tối 7-10 thầy nhận điện thoại của người dân gọi đến, họ báo có một gia đình đi hai xe máy ghé vào hiên nhà xin tá túc. Người mẹ ôm trên tay một đứa bé khóc không thành tiếng. Lo lắng cho sức khỏe của bé, bà con lấy chăn ủ ấm, rồi hòa sữa nóng, nước đường cho uống. "Tôi đến nơi thì biết gia đình chị đi 3 ngày rồi mới đến Quảng Ngãi, đứa bé khóc suốt chặng đường. Người chồng cũng đã mệt mỏi không thể lái xe thêm", thầy Vũ nói.
Thầy Vũ (mặc áo mưa đỏ) cảm ơn sự giúp đỡ của nhóm chị Phước Huyền dành cho gia đình chị Yến và bà con - Ảnh: TRẦN MAI
Đợi sức khỏe của họ tạm hồi phục, thầy Vũ động viên gia đình cố đi thêm 20km nữa đến trạm tiếp tế. Ở đó có giường và thức ăn, nước uống cho cháu bé và cả gia đình. Thế là thầy đội mưa đi. Chị Nguyễn Thị Yến, mẹ cháu bé, rất cảm kích, chị bảo sự giúp đỡ ấy đã vực dậy tinh thần của cả nhà rất nhiều.
Chị Yến nói: "Trong hoạn nạn chúng tôi đã gặp những ân nhân. Thiệt tình lúc đó, nếu không có sự tốt bụng của bà con, đưa dầu thoa, ủ ấm cho con, tôi chẳng biết giờ cháu thế nào. Mưa quá lớn, tôi cố ôm để con không ướt, lạnh nhưng chẳng được".
Trời chìm dần vào màn đêm mà mưa chẳng thôi nặng hạt, ào ào nước đổ, khiến thầy Vũ thở dài. Nhìn ra bóng đèn đường, hạt mưa như sợi dây nối thẳng lên trời, thầy Vũ tâm sự: "Mưa kiểu này chẳng biết còn bao nhiêu bà con đang ướt mềm, cố đi trong đêm nữa. Cực gì mà đến ngày về nhà vẫn cực, mong có nhiều nơi như thế này giúp bà con".
Nhóm thiện nguyện của chị Phước Huyền trò chuyện cùng nhóm thiện nguyện ở trạm Phú Mỹ và bà con từ các tỉnh miền Nam về quê - Video: TRẦN MAI
Rút ngắn đường về quê
Thỉnh thoảng, thầy Vũ lại nhìn đồng hồ, đi ra đi vào như đang chờ điều gì đó. "Thầy chờ gì vậy?", tôi hỏi. Thầy Vũ đáp: "Tôi có liên hệ xe của nhóm thiện nguyện chị Phước Huyền ở TP Đà Nẵng vào chở giúp gia đình chị Yến ra tới Huế nên hơi nôn nao".
Thầy Vũ bảo rằng với tình hình này, gia đình chị Yến không thể tiếp tục hành trình. Cậu mợ đi cùng tuổi cũng đã cao, sức khỏe cạn dần sau gần nghìn cây số ngồi xe máy. Hoàn cảnh như vậy nếu không hỗ trợ, lỡ có chuyện gì sẽ rất ân hận. Mùa dịch, nghe những tâm sự như vậy thật sự rất ấm lòng, dịch bệnh có thể đảo lộn tất cả nhưng tình người thì không.
Thầy Vũ ăn tô mì lót dạ sau một đêm theo chân người hồi hương - Ảnh: TRẦN MAI
Trong màn đêm, chiếc ô tô 7 chỗ và 1 xe tải dừng lại, thầy Vũ bước đến cùng các tình nguyện viên trạm tiếp tế Phú Mỹ chào những người thiện nguyện đến từ Đà Nẵng vào. Không chỉ 5 người trong gia đình chị Yến mà rất nhiều người xin đi cùng. Họ đều đã mỏi mệt và mong sớm được về nhà.
Cuối cùng, phương án đưa ra là sự đắn đo của tất cả, 10 người được lên xe đưa về Đà Nẵng, những người còn lại đành lỗi hẹn. Nhưng ai cũng thông cảm, bởi ít ra sức khỏe mình cũng tốt hơn người già, con nít, bà bầu được chọn lựa.
Phụ nữ, trẻ em và người già được ưu tiên đưa lên xe 7 chỗ ra Huế để rút ngắn khoảng cách về quê - Ảnh: TRẦN MAI
Anh Lê Văn Nghĩa, tình nguyện viên nhóm thiện nguyện Phước Huyền, chia sẻ: "Chúng tôi hỗ trợ bà con từ Đà Nẵng ra Lăng Cô cả ngày, nhưng tối nay nghe thông tin ở Quảng Ngãi có trường hợp quá mệt, không thể tiếp tục hành trình, nên chúng tôi quyết định đưa xe tải và xe 7 chỗ vào chia sẻ với bà con".
Những trạm tiếp ứng trên quốc lộ 1
Trong màn đêm, xe máy, đồ đạc của những người tha hương quay về cố xứ được chuyển lên xe tải, những đứa trẻ và người lớn tuổi, phụ nữ được chuyển lên ô tô 7 chỗ. Còn những người chồng phải ngồi phía sau đuôi xe tải.
Các tình nguyện viên từ Đà Nẵng vào cũng lót dạ bữa tối với tô mì tôm - Ảnh: TRẦN MAI
Sắp xếp xong, các tình nguyện viên trạm Phú Mỹ "thết đãi" cho những tấm lòng giống mình từ Đà Nẵng vừa vào tô mì tôm có thịt. Tô mì nóng hổi đó đến từ bếp ăn vừa được lập ra trong chiều của nhóm thiện nguyện "Nồi cháo từ tâm" ở Quảng Ngãi. Những tô mì nóng hổi ấy đã làm ấm lòng bao nhiêu người trong chuyến hồi hương giữa đêm mưa lạnh và với những tấm lòng thiện tâm, cũng giúp họ lại gần nhau hơn.
Anh Nghĩa bảo rằng có rất nhiều trẻ em theo ba mẹ về thời điểm này. Tình hình mưa còn kéo dài, nên chúng tôi tính sẽ nối chuyến giữa các trạm, giúp đỡ các đối tượng ưu tiên như trẻ em, phụ nữ và người già.
"Nếu Quảng Ngãi có đội xe bán tải chở ra tới Túy Loan (đầu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), chúng tôi sẽ nối chuyến chở ra Lăng Cô (Huế), rồi anh em Huế nối chuyến ra Quảng Trị, sẽ giảm bớt cực nhọc và hành trình vật vờ của bao đứa trẻ theo cha mẹ", anh Nghĩa nói.
Chiếc xe rời đi, bốn gia đình sẽ rút ngắn khoảng cách về nhà, họ đều có hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe yếu - Video: TRẦN MAI
Đội xe bán tải ở Quảng Ngãi lâu nay cũng lao vào tâm dịch, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống dịch cũng sẵn sàng tiếp chuyến nếu được chính quyền cho phép. Họ sẵn sàng và thông qua các cuộc điện thoại, chúng tôi biết các điểm tiếp tế bà con hồi hương ở nhiều tỉnh thành cũng đã "nối máy cho nhau" cùng các tình nguyện viên đầy hào hứng với ý tưởng "Nối chuyến đi - rút ngắn hành trình".
Đêm lê thê, việc sắp xếp cũng xong, chiếc xe bắt đầu xuất phát, chị Yến cố gắng xin số điện thoại thầy Vũ nhưng bị từ chối. Thầy bảo "chẳng ai làm việc này mà mong mang ơn hay trả ơn cả. Tôi chỉ làm một việc rất nhỏ là kết nối tinh thần tương thân tương ái lại với nhau. Hy vọng tất cả đều tốt đẹp, bà con sớm về nhà".
Chiếc xe rời đi, những tình nguyện viên tại trạm Phú Mỹ vẫn mặc áo mưa đứng dưới trời buốt lạnh vẫy tay mời bà con đi xe máy về quê tấp vào ăn uống, nghỉ ngơi...
Trẻ em, phụ nữ, người già sẽ không còn lạnh lẽo trên xe máy trong khoảng 150km từ Quảng Ngãi ra đến đèo Hải Vân - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận