Những đứa trẻ sống sót sau thảm họa chìm tàu làm hơn 700 người chết được đưa tới cảng Pozzallo ở Ý - Ảnh: Reuters |
Chúng ta đã nói quá nhiều lần rằng sẽ không để những thảm họa như vậy tiếp tục xảy ra. Và bây giờ là lúc EU phải hành động |
Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini |
Theo AFP, hôm qua cảnh sát biển Ý cho biết chỉ cứu sống được vỏn vẹn 28 người sau khi chiếc thuyền chở người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông bị lật ngoài khơi bờ biển Libya.
Một người sống sót khẳng định có tới 950 người có mặt trên chiếc thuyền đánh cá dài 20m, bao gồm khoảng 200 phụ nữ và trẻ em. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) mô tả: “Đây là vụ thảm sát tồi tệ nhất trên Địa Trung Hải”.
Nhà chức trách Ý và Malta bắt được tín hiệu cầu cứu từ chiếc thuyền lúc rạng sáng 19-4 khi nó còn ở hải phận Libya. Một tàu Bồ Đào Nha lao tới nhưng đã muộn.
Các tàu cảnh sát biển Ý, Malta và tàu chở hàng quần đảo tại khu vực xảy ra tai nạn nhiều giờ, nhưng cũng chỉ vớt được 24 thi thể. Đêm qua, Ý và Malta lại bắt được tín hiệu cấp cứu từ hai tàu khác trên Địa Trung Hải. Một chiếc chở 300 người đã bị chìm.
Tuyến hàng hải chết chóc
Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho rằng đây là “một thảm họa do con người tạo ra”. Hôm qua, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố sẽ xem xét tổ chức họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về cuộc khủng hoảng trên Địa Trung Hải.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cảnh báo châu Âu sẽ mất uy tín nghiêm trọng nếu không ngăn chặn được những thảm kịch tương tự “đang xảy ra hằng ngày”.
Phải tấn công bọn tổ chức Mùa hè đang tới, EU dự báo sẽ tiếp tục có thêm hàng ngàn người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông liều chết leo lên những con tàu bé tẹo từ bờ biển Bắc Phi, đặc biệt là Libya, để vượt biển và tìm đến “miền đất hứa” châu Âu. Bờ biển Bắc Phi chính là nơi một mạng lưới các nhóm tội phạm tổ chức cho người tị nạn vượt biển hoạt động dữ dội. Tổng thống Pháp FranÇois Hollande cho rằng không chỉ tăng cường nỗ lực cứu hộ, châu Âu cần phải mở chiến dịch triệt phá các đường dây tội phạm nhét người tị nạn vào những chiếc thuyền bé xíu và đẩy họ ra biển, đối mặt với tử thần. |
Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini còn nặng lời hơn khi tuyên bố vụ chìm tàu là “vết nhơ đối với lương tâm châu Âu”.
UNHCR kêu gọi châu Âu lập tức thành lập lại một cơ chế tìm kiếm cứu nạn hiệu quả trên Địa Trung Hải và tạo hành lang pháp lý cần thiết để người tị nạn châu Phi và Trung Đông được đến châu Âu.
“Nếu không người tị nạn sẽ tiếp tục chết đuối trên biển” - UNHCR cảnh báo.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ gánh nặng hỗ trợ và tiếp nhận người tị nạn.
“Chính phủ các nước không chỉ phải cải thiện nỗ lực cứu hộ cứu nạn mà còn cần đảm bảo quyền lợi của người tị nạn” - ông Ban Ki Moon tuyên bố.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua Địa Trung Hải bị xem là tuyến hàng hải chết chóc nhất thế giới, là một “nhà mồ tập thể”. Theo số liệu của UNHCR, từ đầu năm 2015 đến nay đã có tới 1.600 người tị nạn chết đuối ở Địa Trung Hải.
Năm ngoái, số người thiệt mạng lên đến 3.419. Thảm họa nghiêm trọng nhất trước đây là vụ chìm tàu ngoài khơi Malta hồi tháng 9-2014 khiến 500 người chết đuối.
Thất bại của EU
Giới quan sát nhận định cuộc khủng hoảng tị nạn là một thất bại về chính sách của EU, đồng thời là cú đòn giáng vào những giá trị nhân đạo mà người châu Âu rất tự hào.
Đối với các nhà lãnh đạo EU, việc giúp đỡ hàng ngàn người tị nạn có thể bị xem là chào đón người tị nạn vào châu Âu. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong thời điểm các đảng cánh hữu đang gây sức ép đòi chính phủ các nước châu Âu phải hạn chế nhập cư.
Ý là quốc gia gặp nhiều khó khăn nhất, bởi bờ biển nước này là điểm cập bến của châu Âu gần Libya nhất. Theo báo Guardian, chỉ trong tuần trước 10.000 người tị nạn đã đến Ý. Số người đặt chân lên bờ biển Ý năm ngoái lên tới 200.000 người.
Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni than thở hầu như toàn bộ chi phí tuần tra và cứu hộ trên Địa Trung Hải là gánh nặng đè lên vai nước Ý, trong khi EU hầu như chẳng hỗ trợ gì.
Trên thực tế, 28 quốc gia EU không đạt được sự đồng thuận về chiến lược giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Ý từng lãnh đạo chiến dịch cứu hộ Mare Nostrum với tổng kinh phí 9 triệu euro (9,7 triệu USD)/tháng để hỗ trợ người tị nạn trên Địa Trung Hải, nhưng bỏ ngang sau khi không thuyết phục được EU đóng góp kinh phí.
Mare Nostrum được thay bằng chiến dịch Triton của EU, có kinh phí chỉ 3 triệu euro. Với Triton, các tàu tuần tra của EU chỉ hoạt động trong phạm vi 48km tính từ bờ biển nước Ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận