Làm đơn xin tuyển dụng ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Ảnh: TÂM LÊ
Để chuẩn bị cho ngày hôm sau đi tìm việc, đêm nào tôi cũng vào các trang web việc làm, chú ý mục "phỏng vấn đi làm ngay". Trung bình mỗi đầu giờ sáng, tôi gọi dăm bảy cuộc điện thoại rồi chạy thẳng đến tận công ty ứng tuyển.
Thời buổi dịch giã, khó khăn, việc ít mà người cần việc thì quá nhiều. Mình cần họ, chứ họ có cần mình đâu mà dễ tìm được việc.
Bùi Thị Minh
Tuyển như... không!
Cái khó là nhiều mục "tuyển dụng nhanh" không ghi đầy đủ thông tin, mà thường thiếu địa chỉ cụ thể, thiếu yêu cầu độ tuổi, thậm chí thiếu cả tên công ty. Bên tuyển dụng chỉ mời chào loại công việc, số lượng, chế độ lương, bảo hiểm, môi trường làm việc... chung chung. Đa số mang tính chất quảng cáo nhiều hơn thực tế.
Sau khi lọc một số địa chỉ, tôi hồi hộp đến đường Âu Cơ (Q.Tây Hồ), nơi có công ty sản xuất bánh ngọt Pháp. Số lượng nơi này tuyển không nhiều nhưng chào lương khá, đặc biệt công việc phù hợp với phụ nữ. Hiệu bánh lớn nằm ngay mặt đường, nhưng tôi thất vọng ngay với câu trả lời từ người tuyển dụng: "Bên chị tuyển vừa đủ người rồi, em cứ để lại số điện thoại, khi cần chị sẽ gọi".
Hụt hẫng, tôi lại đến một địa chỉ thứ hai ở phố Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) thông báo tuyển người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, mức lương cơ bản 10,7 triệu, lương kinh doanh không dưới 20 triệu. Khi tôi gọi điện thử, một giọng nam ngọt ngào: "Em tốt nghiệp chuyên ngành du lịch thì hợp bên anh. Có nhiều chuyên ngành để em lựa chọn, tốt nhất em cứ qua công ty trực tiếp".
Cố vượt nắng nóng như thiêu da thịt, thang máy tầng 6 của tòa nhà vừa mở, địa chỉ tôi đến hóa ra là công ty kinh doanh bảo hiểm. Lĩnh vực này tuyển dụng quanh năm suốt tháng và không phải ai cũng làm được, nhưng tôi vẫn quyết định gặp người đăng tuyển để hỏi vì sao không ghi tên công ty và bộ phận công việc. Họ trả lời bâng quơ: "Vì ứng viên ngại đọc thông tin dài".
Đầu giờ chiều, Hà Nội nắng như đổ lửa. Tôi tranh thủ ghé siêu thị mua ít đồ tiêu dùng cần thiết. Cô thu ngân chậm tính tiền cho khách đang xếp hàng chỉ vì bận "buôn dưa lê" qua chiếc điện thoại giấu ở góc bàn. "Cháu nó du học ở Úc về, mấy tháng nay không tìm ra được việc gì, em gắng cho cháu việc giúp chị..." - cô ta nói như năn nỉ. Dãy người xếp hàng bắt đầu hắng giọng, khó chịu vì chờ đợi, tôi đứng thứ tư vẫn nghe rõ giọng cô to nhỏ.
Thực tế thời dịch giã này, nhiều người có bằng cấp cũng đang vật vã tìm việc. Bạn tôi - Nguyễn Thanh Hưng (31 tuổi, quê TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) tốt nghiệp đại học xây dựng loại ưu, thành thạo tiếng Anh, Nhật và có kinh nghiệm lĩnh vực xây dựng, sản xuất sản phẩm nội thất, phiên dịch, giảng dạy tiếng Nhật. Mấy tháng lao đao vì dịch, từ trưởng phòng sản xuất nội thất cao cấp, Hưng bị nghỉ việc tay trắng sau khi đã dốc toàn sức cho công ty, còn bị ông chủ người Hàn tính "lạm chi" 60 triệu đồng!
"Tôi bị mất phương hướng, strees nặng, nhiều đêm thức trắng. Tôi từng bị mất tiền, phá sản trong kinh doanh nhưng chưa lần nào ảnh hưởng nặng nề kéo dài như lần này" - Hưng chia sẻ. Lao ra tìm kiếm việc làm, một mặt Hưng gửi CV cho các công ty qua email, một mặt anh liên hệ trực tiếp các trung tâm tiếng Nhật thân quen. Nhưng lãnh đạo trung tâm tiếng Nhật báo lại chưa tập trung được sinh viên sau mùa dịch.
Hưng bất đắc dĩ phải quay lại nghề cũ không mong đợi, nghề xây dựng tính lương theo ngày, và đi làm lúc 4 giờ sáng để tránh nắng.
Xin làm công nhân cũng khó
Còn công việc lao động ở các khu công nghiệp hiện nay ra sao? Tôi đi tìm câu trả lời bằng cách ôm cả chồng hồ sơ xin việc đến Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (H.Đông Anh) quy mô lớn nhất miền Bắc, quy tụ nhiều thương hiệu lớn như Canon, Samsung, Panasonic...
Một số công nhân ở quán nước chỉ tôi muốn tìm việc thì ra bản tin của khu công nghiệp, nhưng họ nói thêm: "Đợt này ít công ty tuyển nên bản tin trống, bằng giờ năm ngoái không còn chỗ dán".
Tôi tìm vào xóm trọ ven khu công nghiệp để hỏi thêm công nhân. Có nhiều dãy trọ cấp bốn, lợp tấm ximăng. Vừa hỏi xin việc, lập tức một bạn nữ kéo tôi vào phòng trọ một cách thân thiện. "Ở đây toàn người đi xin việc đó!", nữ công nhân này tên Bùi Thị Minh, vừa trúng tuyển đi làm được 20 ngày sau khi chờ đợi gần hai tháng.
Bốn chị em ở phòng, chỉ có Minh chính thức vào công ty. Còn một người vừa trượt sức khỏe, một người mai phỏng vấn, một người đang xếp hành lý về quê vì đợi quá lâu không có việc.
Ba cô quê Yên Bái, một cô Tuyên Quang, và họ đều có hành trình tìm việc "bất hủ". Đào Thị Chi, 26 tuổi, một mình chạy xe máy từ Tuyên Quang vòng qua khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc, nơi vừa nghỉ việc, để hoàn thành thủ tục giấy tờ. Rồi cô tiếp tục chạy xe xuống Hà Nội để nộp đơn. Nhiều ngày vật vạ chờ đợi, thi tuyển, đến vòng cuối khám sức khỏe thì Chi trượt.
Thương sinh năm 1984, quê ở Yên Bái, cũng chạy xe máy xuống Hà Nội được gần 2 tháng. Cô thi vào chính thức đều trượt vì... lùn quá, không đủ chiều cao đứng dây chuyền máy. Thương còn tranh thủ nộp đơn vào công ty quanh khu vực nhưng đều thất bại, chỉ còn hi vọng làm công nhân thời vụ.
Tính đến hôm nay đã tiêu tốn hơn 6 triệu đồng tìm việc, Thương tiếc nuối: "Có vụ giúp việc ở biệt thự Tây Hồ, lương khá mà nhàn. Họ nhận rồi, nhưng mình nghỉ có một ngày mà họ đã thay người khác".
Chào các cô, tôi ra về và lại gặp những gương mặt đang lo lắng việc đâu, tiền đâu mà sống...
Câu chuyện đôi vợ chồng nhập cư
Lữ Văn Long chuẩn bị bữa cơm chiều cho vợ ở phòng trọ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Chiều muộn, Lữ Văn Long (29 tuổi) đi làm về, ghé chợ chồm hổm bên Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) mua thức ăn với vỏn vẹn hai món cá kho và canh rau cải. Cả tháng nay, mỗi lần ra chợ là anh lại đắn đo vì vừa trải qua những tháng thất nghiệp, phải chắt bóp từng đồng. Tuy nhiên, Long vẫn gắng gượng cho vợ bữa cơm có tí chất, vì vợ Long vừa sinh đứa con đầu lòng chỉ mới ba tháng.
Nhiều năm qua, Long phụ xe cho một doanh nghiệp ở H.Bình Chánh chở hàng giao khắp TP với lương chừng 5 - 6 triệu đồng. Vợ Long, chị Võ Thị Chinh Em (28 tuổi), cũng có chục năm làm tại Công ty PouYuen. Họ hài lòng với công việc và đồng lương nhận được dù chẳng dôi dư. Nhưng dịch bệnh đã làm xoay chuyển tất cả. Vợ nghỉ sinh, công ty Long thu hẹp quy mô nên sa thải hàng loạt nhân viên và anh nằm trong số đó.
Doanh nghiệp tư nhân không đóng bảo hiểm, Long không có trợ cấp thất nghiệp. Cả hai vợ chồng đang mỗi tháng làm hơn chục triệu bỗng trở về con số 0 nên đành khăn gói về quê ở Trà Vinh bởi dù gì ra vườn cũng "còn rau, còn cá".
Về quê nhưng nóng lòng tìm việc, người quen giới thiệu Long vào làm một công ty chuyên lắp đặt điện nước ở Sài Gòn, nên vợ chồng lại bồng bế con lên lại thành phố. Tháng đầu chân ướt chân ráo vào công ty, Long chỉ nhận được số tiền chừng 3 triệu đồng.
"Tiền trọ 1,4 triệu, rồi tiền sữa, tiền tã cho con mỗi tháng cả triệu. Còn xăng xe, tiền ăn vợ chồng dè sẻn cũng đứt 1 triệu nữa. Làm quần quật mà không đủ ăn" - Long thở dài và mong có đủ việc với mức lương khoảng 200.000 đồng mỗi ngày.
Mấy hôm nay, Sài Gòn quá nóng. Mái tôn hầm hập làm con quấy khóc, khó ngủ, vợ Long tính mua thêm chiếc quạt mini cho con, nhưng cô bấm bụng "nhịn" thêm vài hôm để khỏi mua vì nghe đài báo trời sẽ mát mẻ...
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận