Nhiều quán ăn, cà phê chưa đông khách nhưng đang cần người - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong vai người tìm việc làm sau mấy tháng "ăn ở không", chúng tôi thử đi xin việc nhiều nơi, đặc biệt là ở những dịch vụ, ngành nghề vừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch giã và đang "khát" nhân sự để tái hoạt động. Thực tế thế nào?
Ngày đầu tiên TP.HCM cho phép các quán ăn được bán tại chỗ (28-10), chúng tôi đến một quán ăn chuyên bán hải sản miền Tây trên đường Hoàng Sa (quận 1) để xin "chân" chạy bàn. Khi đó, quán có khoảng 3 - 4 nhân viên đang tất bật vệ sinh, dọn dẹp, chuẩn bị mọi thứ để chiều khai trương.
"Ngày mai vô làm liền luôn đi"
Thấy chúng tôi nói đến xin việc, một nam nhân viên tầm 30 tuổi hỏi: "Quán này chia làm hai khu. Muốn làm khu cà phê hay quán nhậu?". Sau khi nghe nói muốn làm quán nhậu, người này dẫn chúng tôi đến gặp ông Bé (ngoài 50 tuổi, chủ quán) để trình bày rõ hơn.
Gặp chúng tôi, ông Bé cho biết tiêu chí đầu tiên làm việc ở quán là phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ngoài ra cần có kinh nghiệm và chịu làm việc. "Hai cô là sinh viên thì dễ nhận hơn, vì ở đây cũng nhiều sinh viên làm" - ông nói khi chúng tôi bảo đang là sinh viên năm cuối, bị mất việc làm thêm từ tháng 5 do dịch bệnh.
Ông Bé cho hay quán đóng cửa nhiều tháng và mới mở lại nên các nhân viên cũ số thì nghỉ, số thì ở quê chưa lên kịp nên "đang cần tuyển thêm mấy chục người, có treo bảng trước quán. Bây giờ TP cho ngồi ăn uống tại chỗ nên mới có mấy người làm thôi, sợ làm không xuể tại vì bán đắt lắm" - ông nói.
Theo quy định, hàng quán hiện chỉ được bán đến 21h, do đó ông Bé kêu chúng tôi đi làm từ 16h và sẽ về lúc 22h, vì sau khi khách rời quán, chúng tôi phải ở lại dọn dẹp xong mới được về.
"Bình thường bán tới 3h sáng, nhưng hiện tại giờ giấc chưa cố định nên nếu làm sẽ tính lương theo giờ, khi nào ổn định lại như trước thì lương theo tháng" - ông Bé thông tin và cho biết ngoài lương còn có thêm tiền boa của khách, nếu làm tốt mỗi ngày có thể kiếm thêm vài trăm nghìn.
"Mình bán bình dân thôi nhưng khách vẫn cho tiền. Khách ở đây là khách xịn, phục vụ tốt được boa từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày là rất bình thường" - chủ quán quê miền Tây cho biết.
Để xem chúng tôi có làm được việc không, ông Bé nói sẽ cho thử việc thời gian ngắn, vẫn tính lương theo giờ.
"Thường sinh viên vô làm thử 10 người được hết 10, nên cũng đừng lo. Ngày mai là cuối tuần nên thường quán sẽ đông khách, tôi cũng chưa biết lượng khách như thế nào nhưng 2 cô cứ thử làm một số việc để quen trước" - ông cho biết. Và công việc ông Bé giao cho "lính mới" như chúng tôi là khui bia, gắp nước đá và "khách kêu gì làm nấy".
"Ngày mai vô làm liền luôn đi, khách đông lắm" - ông Bé kêu và cho số điện thoại để chúng tôi liên lạc nếu chọn đi làm.
Các shop quần áo cũng có nhu cầu người làm từ nhân viên đến quản lý - Ảnh: KIM ÚT
Shop quần áo buộc tiêm đủ, quán cà phê chỉ cần 1 mũi
Sau một tuần TP "mở cửa", các quán cà phê đã đông khách trở lại, một số quán treo biển tuyển nhân viên trước cửa. Cầm bộ hồ sơ xin việc tại một quán trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), thuộc chuỗi cà phê có tiếng ở TP, chúng tôi được chị Ngọc Duyên, quản lý, gọi vào phỏng vấn.
Chị Duyên cho biết quán đang có nhu cầu tuyển một số nhân viên phục vụ với mức lương khởi đầu là 16.000 đồng/giờ, khi nào làm ca đêm lương sẽ nhân hệ số 1,3.
"Mới vào chỉ chạy phục vụ bên ngoài, sau khi quen sẽ cho bạn đứng bếp thử mấy ngày. Do hiện chỉ được bán tới 9h tối, ca ngắn, nên quán cũng chưa cần nhiều phục vụ, cũng không gấp mà sẽ tuyển dần để khi được bán ổn định lại như trước (quán hoạt động 24/24 giờ) thì mới cần nhiều người" - chị nói.
Đồng thời, chị cho biết người muốn đi làm chỉ cần tiêm mũi 1 vắc xin đủ 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh có giấy chứng nhận, không cần giấy xét nghiệm hay xét nghiệm định kỳ như một số nơi khác.
Trong khi đó, một cửa hàng quần áo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) lại quy định nhân viên phải tiêm đủ 2 mũi mới được đi làm. "Các bạn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa?" - Nhi, nhân viên thu ngân, hỏi. Khi nghe chúng tôi nói mới tiêm 1 mũi, Nhi cho biết vậy thì không thể làm do chưa đảm bảo an toàn cho các nhân viên khác và cho khách.
"Nếu mới tiêm 1 mũi thì bên mình tạm thời chưa nhận được, điều kiện đầu tiên làm ở đây là phải đủ 2 mũi. Giấy xét nghiệm âm tính nếu có thì tốt, không cũng không sao" - cô cho hay và dặn chúng tôi để lại thông tin, chờ quản lý liên hệ.
Cô cũng cho biết thêm, cửa hàng hiện chỉ tuyển những người có thể làm xoay ca, không nhận người làm "chết" ca (tức ca cố định). Ngoài lương dao động 5 - 7 triệu đồng/tháng, nhân viên còn được hỗ trợ tiền cơm và hoa hồng.
Ưu tiên người cũ
Ghé vào một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), khi thấy trước cửa đăng tuyển quản lý và nhân viên bán hàng, chúng tôi được một nữ nhân viên đáp nhanh gọn khi xin phỏng vấn: "Tụi chị tuyển đủ người cho các chi nhánh rồi. Em theo dõi trên fanpage, khi nào có đợt tuyển mới thì gửi hồ sơ ứng tuyển".
Đặc biệt, có một công việc mà sinh viên hay xin làm thêm là phục vụ ở nhà hàng tiệc cưới, và đây cũng là một trong những dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM.
Liên hệ một nhà hàng tiệc cưới lớn trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) với mong muốn làm phục vụ, chúng tôi được phòng nhân sự cho biết hiện nhà hàng vẫn chưa tuyển người mới, thậm chí còn đang cắt giảm nhân sự.
"Chúng tôi đang hoạt động lại, tuy nhiên do tính chất sự kiện hiện tại giới hạn số lượng khách, chủ yếu là tổ chức hội nghị cho các doanh nghiệp nên nhu cầu về nhân sự mới sẽ không cao, nhà hàng vẫn sử dụng nhân viên cũ.
Còn tiệc cưới thì chắc giữa tháng 11 trở đi mới bắt đầu có tiệc, lúc đó mới có thể tuyển người lại do hiện giờ khách hàng mới liên hệ để tư vấn chứ chưa chốt được thời gian đặt tiệc, một số khách vẫn e dè dịch bệnh" - ông cho biết và dặn chúng tôi đợi thông tin.
Thiếu người có tay nghề
Ngoài lao động phổ thông, lao động có tay nghề cũng đang được các nhà tuyển dụng săn lùng. Một chủ tiệm tóc trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh) cho biết nhiều nhân sự có tay nghề của anh đã về quê từ khi tiệm đóng cửa hồi tháng 6. Khi được mở lại, anh liên hệ nhân viên thì một số người đã tìm được việc mới, số khác vẫn còn ở quê chứ chưa lên TP được.
"Sau mấy tháng giãn cách, khách có nhu cầu làm tóc rất nhiều. Tôi có đăng tuyển thợ biết cắt tóc nam nữ trên mạng và tăng lương, nhưng gần tháng nay vẫn chưa tìm được. Hiện giờ chỉ có tôi với hai thợ nên làm không xuể, có lúc phải từ chối bớt khách vì thiếu người làm" - anh nói.
Trả lương theo "ăn chia"
Tiệm bảo dưỡng xe ở quận Bình Thạnh tuyển dụng vì thiếu hụt nhân viên - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Chúng tôi mới mở quán lại, chưa được nửa khách như bình thường. Có lẽ người ta còn dè dặt vì dịch giã chưa hết. Tụi em muốn đi làm thì nhận lương "ăn chia" theo doanh thu thực tế. Quán bán được khá thì tụi em cũng được khá, quá ế thì tụi em phải thông cảm chia sẻ khó khăn" - ông chủ quán cà phê kiêm quán ăn sang trọng trên đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân) trả lời khi chúng tôi đến xin việc.
Nghe chúng tôi hỏi mức lương "sàn" có thể nhận, ông nói như tình hình mấy ngày qua thì có thể chỉ được chia 80.000 - 100.000 đồng cho ca 8 tiếng. Ông than khách còn ít quá, và thực tế lúc chúng tôi phỏng vấn thì cả quán lớn nhưng chỉ có 3 khách ngồi ở một bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận