Đồng đội đến thăm trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hải Nam (bìa phải) khi anh vừa xuất viện về nhà - Ảnh: MY LĂNG
Thượng úy Trần Văn Độ, 31 tuổi, hiện là đài trưởng đài bán dẫn của trạm điều khiển (lữ đoàn 679). Về đơn vị bốn năm, chàng sĩ quan trẻ người Nam Định được bổ nhiệm cương vị đài trưởng đài bán dẫn. Năm đó, Độ phát hiện bị ung thư tủy và phải lên Hà Nội điều trị.
Anh em đồng chí, đồng đội quan tâm nhau từ những cái nhỏ như vậy mà cảm động
Nguyễn Hải Nam
Không ngại đường xa
Khi bệnh viện yêu cầu phải có nguồn máu dự trữ, Độ báo cáo nhờ đơn vị hỗ trợ. Rất nhanh, ngay trong chiều tối đó lữ đoàn đã cử một số cán bộ, chiến sĩ của trạm điều khiển đi từ Hải Phòng lên Hà Nội.
"Trong hơn 10 đồng đội từ Hải Phòng lên thì chín người có nhóm máu phù hợp để lấy máu dự trữ. Anh em không ngại đi xa cả hàng trăm kilômet để tiếp máu cho mình, xúc động lắm" - thượng úy Trần Văn Độ kể.
Sau thời gian điều trị, người sĩ quan trẻ ấy đã khỏe mạnh và tiếp tục quay lại đơn vị đảm nhận công việc của mình. Ngồi tiếp chúng tôi sau giờ làm việc, người sĩ quan trẻ tâm sự: "Khi biết mình bị bệnh, cả chỉ huy lữ đoàn đến chỉ huy trạm, anh em trong đơn vị đều quan tâm hỏi han, động viên, giúp đỡ, lại còn có quà.
Trong quá trình điều trị, kể cả khi điều trị xong, về đơn vị sức khỏe tốt rồi, anh em vẫn tạo điều kiện cho mình. Khi ốm đau phải đi chữa bệnh thì cần nhất là tinh thần. Thấy chỉ huy, anh em đồng đội quan tâm, động viên tinh thần như thế, thật sự mình rất cảm động".
Chuyện của Hải Nam
Chuyện của thượng úy Trần Văn Độ không phải là duy nhất về tình đồng đội ở lữ đoàn này. Chúng tôi đến đây đúng ngày trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hải Nam (35 tuổi, nhân viên báo thoại trạm thông tin rađa) được xuất viện và quay về nhà ở Hải Phòng.
Anh cho biết một tháng sau anh phải lên Hà Nội điều trị tiếp. Những đợt xạ trị khiến người quân nhân ấy gầy rộc, xanh xao và rụng hết tóc. Trong buổi chiều đó, khi biết tin Hải Nam về nhà, nhiều đồng đội rủ nhau đến thăm anh. Có đồng đội đến thăm, căn nhà cấp 4 cũ kỹ là nơi Hải Nam đang ở cùng cha mẹ như vui và ấm áp hẳn lên.
Ba năm trước, Hải Nam bàng hoàng khi nghe thông báo mình bị ung thư phổi, điều trị phác đồ 2. "Đến nay tôi đã hơn 30 lần xạ trị rồi. Bây giờ cứ một tháng lại lên Hà Nội để truyền hóa chất duy trì một lần. Sống chết là chuyện thường tình.
Là người lính, chúng tôi được rèn luyện bản lĩnh để luôn vững vàng. Bản lĩnh ấy không chỉ trong huấn luyện, khi ra chiến trường mà cả đối với những sóng gió của cuộc đời. Tôi đã bình tĩnh đón nhận và bình thản đối diện với điều không may mắn đến với mình" - trung úy Hải Nam nói.
Thượng úy Nguyễn Văn Phương (trạm phó trạm thông tin rađa) cho biết gia đình Nam khó khăn lắm. Tất cả chi phí đi lại chỉ chờ vào tiền lương. Chỉ huy lữ đoàn đang phát động tiếp một đợt nữa trong toàn lữ đoàn quyên góp ủng hộ Nam. Còn trạm cũng quyên góp hai lần trong toàn đơn vị để hỗ trợ.
Hải Nam cho hay: "Cứ có điều kiện là anh em lại lên thăm. Có lúc thì chính ủy, chủ nhiệm chính trị rồi quân y của lữ đoàn cũng lên. Anh em ở trạm khác như trạm điều khiển cũng hay gọi điện thoại. Còn sau những đợt điều trị, khi mình về nhà thì đơn vị đều cắt cử người đến thăm, động viên tinh thần".
"Nhìn Nam thấy thương. Một bên chân của Nam được cố định không co duỗi, không cử động được. Đầu gối sưng lên, chân teo, gầy" - thượng úy Nguyễn Văn Phương kể.
Nhớ lại lúc đó, Hải Nam cười bảo: "Phương ngồi cạnh, sờ vào đầu gối hỏi anh có đau không. Mình nói đau không ngủ được, phải xoa mới đỡ. Phương nói để em xoa cho anh một tí để bớt đau".
"Tiền thì do anh em đơn vị đóng góp bằng việc trích ngày lương hoặc ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Vật chất có thể không nhiều nhưng sự quan tâm, động viên kịp thời của anh em đồng đội sẽ giúp những người có hoàn cảnh không may thấy phấn chấn hơn, có tinh thần chiến đấu với bệnh tật và vượt qua khó khăn" - trung tá Chung chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận