Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Huyền (bìa phải) vui vẻ và tự tin bên những người bạn của mình - Ảnh: Facebook |
Trải qua 60 ca phẫu thuật
21 tuổi, cuộc đời của Huyền Võ - cô sinh viên gốc Việt đang học tập ở ĐH Berkeley (California, Mỹ) là những nỗi đau đớn. 11 tuổi, một trận hỏa hoạn khủng khiếp đã thiêu rụi căn nhà nhỏ hạnh phúc của gia đình cô ở Vũng Tàu. Trận hỏa hoạn đã vĩnh viễn mang mẹ Huyền đi mất và để lại những vết bỏng đáng sợ trên cơ thể Huyền và hai cô em gái khác.
Thế nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha gia đình Huyền. Sau trận hỏa hoạn, cả ba chị em Huyền đều cần điều trị những vết bỏng lớn trên cơ thể, nhưng cha cô không thể nào có đủ tiền để trang trải. Một tổ chức phi chính phủ đã tài trợ chi phí để cha Huyền mang chị em cô sang Bệnh viện Shriners (Boston, Mỹ) để chữa trị. Với chị em Huyền, ngày bước chân sang Mỹ là khởi đầu cho một hành trình còn khó khăn gấp bội sau nỗi đau mất mẹ và những đau đớn khủng khiếp từ những vết bỏng: họ phải trải qua 60 ca phẫu thuật.
Nỗi đau mất mẹ vẫn còn đó, hành trình phẫu thuật chữa trị đầy đau đớn vẫn còn dang dở thì chị em Huyền lại bị nhấn chìm bởi một nỗi đau lớn. Hai năm sau khi sang Mỹ, chú Võ Chu, ba của Huyền, đã tìm cách để đưa hai cô con gái còn ở VN đoàn tụ với cha và các chị trên đất Mỹ. Ngày nào ông cũng làm việc cật lực, tích cóp từng đồng để có thể giúp các con đi học. Làm việc vất vả lại luôn căng thẳng trước những ca phẫu thuật của ba đứa con gái, ông lâm bệnh và mất vì căn bệnh phổi, để lại năm cô con gái mồ côi cả cha lẫn mẹ nơi xứ người.
Mất mẹ, mất cha, những cuộc phẫu thuật liên tiếp và những vết sẹo chằng chịt, tưởng chừng Huyền chẳng còn thời gian cho những ước mơ. Nhưng Huyền vẫn mạnh mẽ và kiên cường nuôi cho mình giấc mơ vào đại học. Giữa những cuộc phẫu thuật đau đớn, cô gái bé nhỏ vẫn nỗ lực học tập và tốt nghiệp với thành tích học tập xuất sắc tại Trường West Campus ở Sacramento để sau khi tốt nghiệp cô được tuyển vào học tại ĐH ở California.
Huyền bảo cô vẫn còn cần nhiều cuộc phẫu thuật hơn nữa để điều trị những vết bỏng, nhưng giờ cô quyết định ngừng lại để có thời gian tập trung vào việc học. Cô mạnh mẽ: “Tôi sẽ không để trận hỏa hoạn ấy đốt cháy ước mơ của mình”.
Phóng to |
Chị Thu kiểm tra phiếu cơm chuẩn bị phát vào sáng hôm sau - Ảnh: NGỌC NGA |
Ai đi mưa mới biết lạnh
Hẻm 24/3 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, 9g sáng tấp nập người ra vào. Họ cầm trên tay những chiếc cặp lồng còn nóng hổi cơm chay. Một phụ nữ có nụ cười phúc hậu, vừa phát số thứ tự lấy cơm cho mọi người vừa hỏi thăm: “Hôm qua vô thuốc có mệt lắm không?”, “Con bé nhà chị có bị ói nhiều nữa không?”... Đó là chị Nguyễn Thị Thu, chủ nhiệm bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân.
Quê ở Lai Vung, Đồng Tháp, chị Nguyễn Thị Thu lên TP.HCM làm công nhân trang trí đồ mỹ nghệ trong một công ty Đài Loan. Có năng khiếu vẽ, chị còn đi chép tranh để tăng thêm thu nhập. Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua, chị cũng như bao người con gái quê khác mong muốn kiếm thêm chút tiền rồi xây dựng cho mình một mái ấm bình yên. Nhưng một buổi sáng chị nhận được tin anh trai mình bị ung thư. Tạm gác công việc qua một bên, chị về quê đưa anh trai lên thành phố chữa bệnh. Hơn nửa năm cùng anh chiến đấu với căn bệnh quái ác cuối cùng chị cũng đành thua nó, người anh ra đi vĩnh viễn.
Ba năm sau mẹ chị lại mắc căn bệnh ung thư quái ác ấy. Nhận được tin chị như chết lặng. Lại lặn lội về quê đưa mẹ lên thành phố để chạy chữa. Những ngày cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị Thu cảm nhận rõ hơn ai hết sự cực nhọc của những bệnh nhân nghèo từ quê lên thành phố chữa bệnh. Nhưng thật may mắn cho những người có hoàn cảnh như chị, ở bệnh viện lúc nào cũng có cơm chay miễn phí. Chính những bữa cơm miễn phí ấy đã giúp những người như chị không bao giờ sợ bị đói giữa Sài Gòn, có thêm sức mạnh để cùng người thân của mình trải qua những ngày khốn khó. Mẹ chị cuối cùng cũng không thể thắng nổi căn bệnh ung thư. Ngày mang mẹ về quê an táng, chị thấm thía nỗi đau mất đi những người mình thương yêu chua xót đến mức nào. Thời gian sau đó chị rơi vào tâm trạng chán nản và không còn thấy mục đích sống của mình. Rời quê trở lại thành phố, chị tiếp tục làm công việc cũ nhưng không còn háo hức, không còn dự định nào cho bản thân nữa.
Thế rồi vào những lúc mệt mỏi, chị thường đến bếp cơm từ thiện ở Bệnh viện Ung bướu, nơi mà chị ăn cơm chay miễn phí suốt mấy năm nuôi mẹ nuôi anh, để phụ giúp mọi người nấu cơm. Và chị bỗng nhận ra rằng những giờ phút ở bếp ăn này mình mới có những giây phút hạnh phúc. Chị lui tới để nấu cơm nhiều hơn và cuối cùng là nghỉ hẳn việc để tới sống luôn ở bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân ở gần Bệnh viện Ung bướu. Chị thấy lại niềm vui và mục đích sống của mình khi gói ghém những suất cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Khi về bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân, chị Thu chỉ là một tình nguyện viên bình thường, thấy chị dành hết tâm huyết cho công việc mọi người bầu chị làm chủ nhiệm. Bây giờ bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân có hàng trăm tình nguyện viên, mạnh thường quân ở TP.HCM và khắp các tỉnh miền Tây, mỗi ngày cung cấp hơn 2.000 suất cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện Ung bướu, Nhi Đồng, Chấn thương chỉnh hình...
Chị Nguyễn Thị Thu với vai trò chủ nhiệm chưa bao giờ có ngày ngơi nghỉ khi phải điều hành chăm lo cho bữa ăn của hàng nghìn bệnh nhân nghèo, nhưng chính công việc này đã khiến chị cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. “Tui nhớ một người nào đã nói là cuộc sống có những điều xảy ra bất ngờ không thể biết trước, điều quan trọng là chúng ta phản ứng thế nào với những điều xảy ra ấy. Tui may mắn khi trong bước ngoặt đau khổ của cuộc đời mình đã tìm thấy một công việc mang lại niềm vui và ý nghĩa”- chị Thu tâm sự về mình, đôi mắt tràn ngập niềm vui khi sắp lại những con số thứ tự, chuẩn bị cho bữa cơm trưa sắp đến.
__________
Kỳ tới: Khi đam mê lên tiếng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận