09/06/2020 11:27 GMT+7

Đi tình nguyện để góp phần thay đổi tư duy

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Trăn trở trước một câu hỏi của người thầy thời đại học, Nguyễn Huy Hoàng (24 tuổi) sau đó đã quyết tâm tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, cộng đồng quốc tế.

Đi tình nguyện để góp phần thay đổi tư duy - Ảnh 1.

Huy Hoàng (bìa phải) trong một hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế - Ảnh: HOÀNG NGUYỄN

"Những năm cấp III tôi chỉ biết học và học, chưa bao giờ nghỉ, trừ những lúc bệnh nặng. Tuy nhiên khi lên đại học, tôi vẫn tập trung học nhưng cũng ưu tiên trau dồi trải nghiệm thực tế, vốn sống.

Một trong những động lực thúc đẩy tôi tham gia hoạt động ngoại khóa là để chứng tỏ rằng sinh viên sư phạm không hề thụ động như định kiến của khá nhiều người" - Huy Hoàng mở đầu câu chuyện.

* "Bí kíp" để bạn có thể "săn" được những chuyến đi trên từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường?

- Khi còn là sinh viên năm nhất, tôi ứng tuyển vào một tổ chức quốc tế uy tín và may mắn đậu sau ba vòng phỏng vấn "trầy da tróc vẩy".

Tôi được giao quản lý bộ phận tuyển dụng tình nguyện viên quốc tế cho các dự án phát triển cộng đồng và vì thế nắm khá rõ về mạng lưới các chương trình tình nguyện quốc tế dành cho sinh viên. Vốn tiếng Anh cũng là một điều kiện quan trọng.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng năng lực tốt là một chuyện, tính phù hợp với chương trình là điều mà các ứng viên cũng cần quan tâm và cân nhắc kỹ lưỡng. Việc thi rớt đôi khi chỉ vì chúng ta không phù hợp chứ không hẳn là dở.

* Trong rất nhiều hoạt động quốc tế từng tham gia, bạn thấy chương trình nào ý nghĩa nhất?

- Đó là chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP), một hoạt động giao lưu quốc tế mà tôi dành nhiều thời gian nhất để tham gia. Chuyến hải trình kéo dài gần hai tháng và đi qua năm quốc gia, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu quốc tế thật sự như một trường học giữa đại dương, nơi các trải nghiệm về văn hóa cũng như chuyên môn được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp, ấm áp. Chúng tôi thật sự đã được học và gặt hái rất nhiều điều giá trị sau chương trình.

* Bạn từng nhắc về một câu nói khó quên thời đại học khi xin đi tình nguyện tại Đức, đó là lần một người thầy hỏi "đi tình nguyện sao không đi miền Tây để giúp dân nghèo, mà phải qua tận nước Đức?"...

- Lúc nhận được câu hỏi đó từ thầy, tôi khá sốc và trăn trở. Bản thân tôi cảm thấy từ "tình nguyện" trong tiếng Việt thường bị nhầm lẫn với khái niệm "thiện nguyện".

Thành thật mà nói, bản thân tôi trước khi làm việc gì thường tự hỏi mình có thực sự hứng thú hay không, chứ không tự hỏi việc mình làm sẽ giúp ích cho xã hội được nhiều hay ít?

Tôi nghĩ rằng khi chúng ta được thỏa sức khám phá, trải nghiệm điều mình thích - miễn là không trái pháp luật và đi ngược lại với chuẩn mực xã hội - chúng ta đã giúp ích cho đời. Bởi khi chúng ta thật sự hạnh phúc, chúng ta sẽ tự khắc lan tỏa giá trị tích cực cho mọi người xung quanh. Chúng ta không thể trao cho người khác cái mà mình không có cho chính bản thân.

Tôi mong hành động của giới trẻ chúng tôi sẽ thuyết phục giúp thay đổi quan niệm của một bộ phận thế hệ trước về hai chữ "tình nguyện" - một khái niệm hài hòa giữa cho và nhận.

* Ý bạn "tình nguyện đâu chỉ là cho đi"?

- Sự cho đi và nhận lại này không nên hiểu theo kiểu quá rạch ròi, đôi khi chúng ta nhận từ người này để có thể "cho" hiệu quả hơn đến người khác, và từ đó các giá trị được lan tỏa sâu rộng, ý nghĩa hơn. Chẳng hạn với những quốc gia đã quá phát triển như Đức, việc làm tình nguyện ở nước họ chính là cơ hội để chúng ta học hỏi các kỹ năng để có thể áp dụng tại Việt Nam.

Chẳng ai có thể chỉ mãi cho đi, chính sự nhận lại mới giúp sự trao đi bền vững, hiệu quả.

* Quyển sách mà bạn yêu thích nhất?

- Đó là quyển sách Tuesdays with Morrie (Những ngày thứ ba với thầy Morrie). Quyển sách kể về khoảng thời gian giữa hai thầy trò, một người "sống mà tưởng chừng như đã chết" may mắn được cứu rỗi bởi người thầy mà sự sống chỉ còn tính từng ngày. 

Câu chuyện mang đến nhiều bài học quý giá xoay quanh các chủ đề về thế giới, lòng trắc ẩn, những hối tiếc, sự thứ tha... Đọc xong quyển sách, tôi thấy trân trọng cuộc sống và những điều bản thân đang có hơn, từ đó vượt qua những thử thách khi gặp.

Mê hoạt động tình nguyện quốc tế

Nguyễn Huy Hoàng là cựu sinh viên khoa Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Bạn tốt nghiệp tốp 4, có điểm IELTS 8.0 và là gương mặt "trên từng cây số" với nhiều hoạt động tình nguyện trong nước lẫn quốc tế.

Bạn từng là đại biểu Việt Nam đặt bút ký Tuyên bố thanh niên tại diễn đàn "Tiếng nói tương lai APEC 2017", đại biểu Việt Nam tham dự chương trình Giao lưu văn hóa lãnh đạo thanh niên Mê Kông - Lan Thương diễn ra tại Trung Quốc, là tình nguyện viên hỗ trợ dự án thể thao cấp quốc gia dành cho trẻ mồ côi tại CHLB Đức... Gần đây nhất, bạn là đại biểu chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản lần 46. Hiện Huy Hoàng là giáo viên tiếng Anh của một trung tâm lớn tại TP.HCM.

Chàng trai hơn 22 năm tình nguyện Chàng trai hơn 22 năm tình nguyện

TTO - Châu Thành Toàn vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam, để vinh danh những đóng góp của anh với 22 năm liên tục làm thiện nguyện (từ khi 15 tuổi).

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp