22/06/2015 10:23 GMT+7

Đi tìm vương quốc cổ

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Nam bộ hơn ngàn năm về trước đã hiện diện vương quốc Phù Nam với nền văn hóa độc đáo.

Còn bên chân núi Ba Thê, thuộc thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang) xưa kia vốn là một cảng thị sung túc trên tuyến giao thương quốc tế sôi động.

Ảnh: Đức Vịnh
Ảnh: Đức Vịnh

Điều đó được làm sáng tỏ sau khi nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Française d'Extrême Orient - EFEO) khảo sát, khai quật tại Óc Eo. Và nó càng được khẳng định vững chắc khi các nhà khảo cổ, nhà khoa học VN và quốc tế tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm hàng loạt di chỉ ở Ba Thê, khắp Nam bộ.

Từ trên đỉnh núi Ba Thê lộng gió nhìn xuống bốn bề đều là đồng ruộng trải ngút tầm mắt, đó đây có mấy vạt gò cao đầy cây trái nổi bật lên giữa thảm lúa xanh bạt ngàn. Đó là những nơi từng được khai quật khảo cổ trước đây.

Điểm khai quật tại gò Út Tranh, trên sườn núi Ba Thê thuộc thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang) Ảnh: ĐỨC VỊNH
Điểm khai quật tại gò Út Tranh, trên sườn núi Ba Thê thuộc thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang) - Ảnh: Đức Vịnh

Bí ẩn từ lòng đất

Từ chân núi, chúng tôi men theo con đường dọc tuyến kênh xuyên cánh đồng Óc Eo, dẫn tới khu di tích gò Cây Thị, thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo - nơi mà nhà khảo cổ người Pháp Malleret cho mở lớp đất thám sát đầu tiên.

Gò rợp bóng cây xanh mát, ở giữa có nhà trưng bày hiện vật và hai gian mái che bảo vệ hai điểm khai quật vào các năm 1944 và 1999. Hiện trường lộ thiên cho thấy một điểm là lớp kiến trúc gạch với 36 đường tường móng tạo thành bố cục gồm tiền điện, chính điện và sàn kết nối được xây bằng những khối gạch; một điểm là cấu trúc gạch - đá gồm lớp ngoài xây bằng gạch xếp giống chữ vạn, lớp trong xây bằng đá.

“Ven chân gò còn tìm thấy hai tượng Phật cổ bằng đồng có niên đại cuối thế kỷ IV - V và phát hiện nhiều đồ gốm, cọc gỗ nhà sàn... Chứng tỏ chúng được xây dựng trên một tầng có con người cư trú hơn ngàn năm trước” - ông Nguyễn Thuận Thảo, phó giám đốc ban quản lý khu di tích văn hóa Óc Eo, giải thích.

Anh Khưu Hòa Vinh, nhân viên khu di tích, nhà sát gò Cây Thị, cho biết tổ tiên mình sớm khai phá dải đất từ chân núi ra tới đây. Năm 1944 khi đến khai quật, người Pháp thuê dân làng vào làm công, quanh gò này vẫn còn hoang hóa, lau sậy um tùm, chỉ có vài chỗ trồng lúa mùa, trồng rẫy.

Ông của anh tên là Khưu Văn Sơn - làm canh nông giỏi tiếng Pháp, cho biết nhà khảo cổ Malleret thường vào làng liên hệ nhờ giúp đỡ, dần dà hai người thân quen như bạn bè. Ông Sơn cũng thỉnh thoảng đến nơi khai quật thấy đoàn chỉ đào bóc lấy lớp đất mặt ở mấy gò cao mà thu được rất nhiều vật dụng, đồ trang sức, đồ thờ tự, trang trí...

“Theo lời ông tôi kể lại, lúc đó Pháp cho mở đường qua đây trổ thẳng xuống dưới Kiên Giang, họ điều xe tăng đến bảo vệ rồi cho trực thăng cẩu, xe GMC chở đi nhiều thứ đưa lên Sài Gòn, đem về nước nghiên cứu” - anh Vinh nhớ lại.

Từ gò Cây Thị chúng tôi lội băng đồng, vượt qua con kênh rồi men theo bờ ruộng để đến vạt đất trồng đầy chuối, gọi là gò Óc Eo, nơi từng được khai quật phát hiện nhiều hiện vật cổ. Ông Lâm Văn Mọi, ấp Trung Sơn, kể hồi gia đình mình canh tác ở gò này, mỗi khi lên liếp trồng hoa màu, cày xới để trồng lúa thỉnh thoảng lượm được những vật dụng bằng đất nung, xâu chuỗi đủ màu sắc, đồ gốm thời xưa...

Lúc đào con kênh ngang gần đó ông và nhiều nông dân đi làm thuê gặp nhiều cọc gỗ, tượng đá, mảnh gốm rất đẹp. “Ban đầu thường vứt bỏ, sau này rộ lên chuyện tìm vàng, rồi có người lùng mua nên mới biết nó là cổ vật quý. Mấy năm trước người ta vẫn lén vô đây đào bới tìm cổ vật” - ông Mọi cho hay.

Nơi nhà khảo cổ học Malleret khai quật năm 1944 ở gò Cây Thị trên cánh đồng Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang)Ảnh: Đ.VỊNH
Nơi nhà khảo cổ học Malleret khai quật năm 1944 ở gò Cây Thị trên cánh đồng Óc Eo, Thoại Sơn (An Giang) - Ảnh: Đ.Vịnh

Công trình khai quật đồ sộ

Tiếp tục đi sâu vào đồng gặp một vạt gò cao sum suê cây trái giữa bốn bề ruộng lúa. Do đất pha nhiều cát nên gò có tên là giồng Cát, hiện có chục hộ cất nhà, lập vườn sinh sống. Giữa những hàng cây, trên mặt đất bày ra những phiến đá to mặt bằng phẳng, vài nơi đá nằm sắp ngay ngắn như nền móng của một công trình.

Bà Đặng Thị Cẩm Lệ, 47 tuổi, kể đầu những năm 1980 mình theo cha mẹ đến tìm vàng, lớn lên có chồng rồi lập nghiệp luôn ở gò này. Hồi đó tại đây đào lên gặp vô số vật dụng bằng vàng.

Chỉ cái hố sâu bên dưới đá chất lớp lớp xung quanh trông như giếng cổ, bà Lệ cho biết có một gia đình đào ở đấy trúng đậm, số vàng thỏi, nhẫn, vòng đeo tay... đem ra tiệm vàng bán cân được 56 lượng.

Cạnh giồng Cát là gò Cây Trôm, chỗ ông Malleret phát hiện một linga bằng sa thạch cao 1,73m. Đợt khai quật năm 1983 làm xuất lộ khối kiến trúc xây bằng gạch với hai mặt nền, trên đó có những đường gạch song song tạo nên 28 ô ngăn hình vuông, chữ nhật. Kết quả nghiên cứu cho thấy di chỉ này có niên đại thế kỷ V - VII, như các di vật tìm thấy ở giồng Cát, gò Cây Thị, gò Óc Eo...

Chúng tôi ngược lên núi Ba Thê để đến gò Út Trạnh, cũng thuộc thị trấn Óc Eo, chỗ người dân tìm thấy nhiều vàng, đá quý. Hiện trường khai quật lộ ra một phức hợp gạch - đá khá lớn gồm ba khối kiến trúc chính được nối liền lạc bằng hệ thống sàn và thềm giật cấp, bên ngoài là tường xây bằng gạch đá bao quanh. Đây là kiến trúc Hindu với ba tháp thờ thần Brahma, thần Shiva, Vishnu có niên đại thế kỷ VII - X.

Tại một điểm khác ở nam chùa Linh Sơn, đợt khai quật năm 1999 đã bày ra những lớp gạch đá rộng hơn 400m2 với 36 đường tường móng và 22 cấu trúc lớn nhỏ khác nhau gồm sàn, hành lang, bậc thềm, cống nước...

Trong kiến trúc này có một mộ chum dạng hình cầu dẹt với nắp đậy dạng chậu gốm, đồ tùy táng kèm theo là một bình gốm chứa năm hạt chuỗi bằng vàng và hai mảnh hạt chuỗi mã não.

“Trước đó từng tìm thấy nhiều vật thể khác, hai bia đá cổ cùng rất nhiều tượng Vishnu, tượng Harihara... Đây có thể là ngôi đền lớn, có nơi hành lễ ở giữa, cùng nhiều phòng ở” - ông Nguyễn Thuận Thảo nhận định.

Đầu thế kỷ trước, qua chụp không ảnh Nam bộ phát hiện dấu tích các con kênh cổ và khu vực quanh núi Ba Thê ẩn chứa các di chỉ của một nền văn hóa xưa, vào năm 1944 Louis Malleret tiến hành khai quật trên cánh đồng Óc Eo.

Sau khi khai quật thêm một số nơi khác rồi trở về Pháp, từ năm 1959 - 1963 ông cho công bố kết quả nghiên cứu trong bộ sách Khảo cổ học ĐBSCL gồm bốn tập. Qua đó nhận định tại ĐBSCL từng tồn tại vương quốc Phù Nam, vốn được ghi chép nhiều qua các thư tịch cổ Trung Hoa.

Malleret xếp các quần thể di chỉ đặc trưng này thuộc văn hóa Óc Eo (do phát hiện ban đầu tại Óc Eo).“Đây là công trình khai quật và nghiên cứu khảo cổ đồ sộ thu được một lượng lớn hiện vật phong phú và đa đạng, có ý nghĩa giá trị khoa học và lịch sử rất lớn. Qua đó minh chứng đất Nam bộ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam khá lâu, sau đó người Chân Lạp và người Việt mới có mặt” - GS Lương Ninh, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, đánh giá.

_______________

Kỳ tới: Những kho vàng nổi

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp