16/07/2020 09:46 GMT+7

Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một buổi sáng tháng 7, nhóm mấy người yêu sử Sài Gòn bỗng nảy ra ý định đi tìm viếng ngôi mộ nhà văn Trương Minh Ký.

Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị - Ảnh 1.

Bên ngoài nhà mồ Trương Minh Ký, hiện lọt thỏm giữa các nhà cao xung quanh - Ảnh: L.ĐIỀN

Ý tưởng này bắt đầu từ nhà giáo Trần Viết Ngạc và nhanh chóng được được ba nữ tiến sĩ là Bùi Trân Phượng, Quách Thu Nguyệt và Nguyễn Thị Hậu hoan hỉ đồng tình.

Chả là trong lúc lục soạn tài liệu viết về Trương Minh Ký và phái đoàn An Nam đi dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Pháp (1789-1889), nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc xúc động trước tầm vóc của vị trí thức Nam Kỳ từng làm rạng rỡ học giới nước nhà ngay trước thềm thế kỷ 20.

Thế rồi từ Trương Minh Ký lại lần ra một danh nhân khác là Trương Minh Giảng, cùng họ và ở hàng ông nội Trương Minh Ký.

Cả hai đều là người Gia Định, cụ thể là nơi Hạnh Thông Tây đất Gò Vấp. Lần giở đến đó, ông Ngạc sực nhớ ra dường như ngôi nhà từ đường và mộ phần của cả hai ông danh nhân họ Trương này đều từng tọa lạc ở Gò Vấp.

Cuộc hẹn hò để tìm lại dấu tích người xưa khởi đầu như vậy.

Nhưng nhà từ đường và phần mộ của hai ông giờ ở đâu?

Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị - Ảnh 2.

Góc tường phía chân mộ Trương Minh Giảng còn lờ mờ các chữ Hán trong rêu - Ảnh: L. ĐIỀN

Nguyện vọng của những người yêu sử ngày nay muốn tìm lại dấu tích của tiền nhân - những danh thần có võ công văn nghiệp từng góp phần vun bồi mảnh đất phương Nam này - thật buồn cười là không biết bắt đầu từ đâu, dù đã tra thông tin trên mạng.

Tìm đến địa chỉ nhà từ đường họ Trương nhưng cổng đóng, còn phần mộ Trương Minh Ký và Trương Minh Giảng hỏi người xung quanh không ai biết cả.

Không nản, cả nhóm vẫn họp nhau cùng đi một chuyến. Sáng 15-7, mỗi người từ một hướng tụ lại để tìm đến ngôi từ đường ở phường 7, quận Gò Vấp với ý định vào thắp hương viếng nhà họ Trương trước khi viếng mộ.

Thời may, xóm giềng thấy một nhóm người ở đâu lạ hoắc kéo đến gọi cổng mới chỉ tay bảo đi vòng cổng nhỏ phía sau tận bên kia mới gọi được người bên trong. Thì ra nhà từ đường vẫn còn người cháu tên Thanh đời thứ 5-6 (?) trông coi.

Ông Thanh năm nay gần sáu mươi tuổi, nhanh nhẹn giới thiệu gian chính từ đường, giới thiệu ngôi mộ bà hội đồng là vợ của ông Trương Minh Giảng, rồi dẫn cả nhóm đi đến vị trí ngôi mộ Trương Minh Giảng, thì hỡi ôi ngôi mộ bề thế diện tích rộng hơn một ngôi nhà phố hiện đã bị người dân lấn chiếm, chất gạch đá bít lại và xây nhà lấn mất cả đầu mộ.

Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc không kể tuổi tác năm nay đã ngoài tám mươi, cố gắng vẹt cành cây leo vào bên trong bức tường tạm do những người lấn chiếm che chắn, tận mắt chứng kiến nền nấm mộ vẫn còn giữa bộn bề xà bần tạp nhạp.

Lật đá vin cành nhìn ngó một hồi, chợt thấy bức tường chân mộ đã gãy đổ nhưng trên phần còn lại hãy còn lờ mờ một số chữ Hán rêu đã bám dày.

Giá mà ngôi mộ này sớm được giữ gìn vẹn toàn thì đây hẳn là một di tích đáng kể của thành phố. Nhìn những chữ Võ, chữ Chương, chữ Vật, chữ Tam... còn lờ mờ trong rêu phủ, lòng bùi ngùi khó tả.

Theo ngõ hẻm ngoằn ngoèo đi một đoạn nữa là đến nhà mồ Trương Minh Ký. Cũng chịu cảnh bốn bên lấn chiếm xây nhà đến nỗi không ai ngờ giữa ngần ấy công trình bêtông nay vẫn còn lọt thỏm bên trong là một ngôi nhà mồ của vị văn nhân nổi tiếng - là dấu gạch nối vắt từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 trong hành trình văn chương quốc ngữ của nước nhà.

Theo lời ông Thanh, chỗ này là một phần trong khuôn viên đất nhà họ Trương trước kia rộng đến hàng mẫu. Nay giấy tờ thì còn nhưng chỗ này từ lâu nấm mộ đã bị san phẳng, ngôi nhà mồ còn trơ xương - dấu tích xây dựng thời Pháp thuộc trên đất Gò Vấp.

May sao chiếc bia bằng đá hoa cương trên có ghi "CI GIT. Thế Tải Trương Minh Ký. Hàn lâm học sĩ, Tây chức thông sự" bị mẻ góc trên bên trái vẫn còn được ông Thanh gìn giữ, dựng bên án thờ tạm bợ để có chỗ thắp hương tưởng nhớ một bậc tiền hiền.

Đây là ngôi nhà mồ song táng, giờ chỉ còn lờ mờ dấu vết hai khuôn hình chữ nhật trên nền ximăng, là nơi vợ chồng nhà văn Trương Minh Ký từng chọn làm nơi gửi nắm xương sau một đời tận dốc lòng tận hiến cho quê hương.

Đi tìm viếng mộ Trương Minh Ký: Dấu vết danh nhân kẹt giữa bêtông đô thị - Ảnh 3.

Cả nhóm chụp với ông Thanh trước cổng từ đường - Ảnh: L. ĐIỀN

Cây bút và danh thần lừng lẫy

Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc, Trương Minh Ký viết khoảng chục đầu sách, từng làm chủ bút Gia Định Báo đến 16 năm, chính là một "công thần" khai mở chữ quốc ngữ thời kỳ đầu.

Ông vốn tên thật là Ngôn, nhưng vì theo học thầy Trương Vĩnh Ký, rất hâm mộ và nể phục thầy, nên ông thêm vào tên Ngôn của mình chữ Kỷ nữa, là thành chữ Ký.

Và văn đàn Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 chứng kiến hai cây bút lừng lẫy đều họ Trương tên ký là thầy trò Trương Vĩnh Ký và Trương Minh Ký.

Trương Minh Giảng còn là vị danh thần lừng lẫy hơn.

Trương Minh Giảng từng làm tổng tài Quốc sử quán chủ trì biên soạn bộ sử thực lục cho triều đình, lại từng cầm quân đánh giặc Xiêm, đánh qua khỏi đất Cao Miên, được vua phong tước Bá, là người có công xây dựng mối quan hệ giữa nhà Nguyễn với Cao Miên, được vua cho giữ đất Trấn Tây Thành.

Chính ông xứng đáng xem là vị tướng viễn chinh sớm nhất của Việt Nam thời cận đại với ấn chương "Trấn Tây Thành tướng quân" mà ông Trần Viết Ngạc còn giữ được hình ảnh.

Bên trong trụ sở Hỏa xa giữa Sài Gòn: vẫn chắc chắn, tráng lệ sau hơn 1 thế kỷ Bên trong trụ sở Hỏa xa giữa Sài Gòn: vẫn chắc chắn, tráng lệ sau hơn 1 thế kỷ

TTO - Trụ sở Hỏa xa 136 Hàm Nghi, quận 1 đối diện chợ Bến Thành là di tích cần được bảo tồn bên trong vẫn tráng lệ và chắc chắn, Trong khi đó, ngành đường sắt dự định phá bỏ, xây cao ốc văn phòng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp