30/12/2019 14:41 GMT+7

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà 'dễ như mua rau'?

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Tìm mua nhà Hà Nội giờ có nhiều lựa chọn. Chỉ cần trả trước một phần, còn lại ngân hàng 'lo tất'. Nhưng thực tế không như là mơ, những thước phim mời chào đẹp long lanh và thuận lợi của công ty địa ốc chỉ là quảng cáo.

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà dễ như mua rau? - Ảnh 1.

Để tìm được tổ ấm ở Hà Nội, nhất là với vợ chồng trẻ, không dễ chút nào và có 1.001 chuyện bi - hài...

Vừa dúi vào tay khách xấp tờ rơi, Quốc Trung - một nhân viên bán hàng - liến thoắng: "Em mời anh xem qua dự án này. Đến hôm nay chỉ còn 5 suất ngoại giao, khách hàng nhượng lại thôi anh. Giá bằng gốc chủ đầu tư".

Bán xe máy... mua nhà

Cái tuổi chẳng còn ngây thơ, "gà mới ra ràng" gì nữa, nhưng thật tình tôi nghe cũng mê. Thời buổi này có vẻ mua nhà dễ quá. 

Chỉ cần nhập từ khóa trên Google, hàng loạt dự án, chương trình khuyến mãi hiện ra. 15 phút sau, trên trang Facebook cá nhân cũng tràn ngập thông tin nhà đất dội đến. Ấy vậy, nhưng tôi vừa bất ngờ, vừa thú vị về cách tiếp thị bất động sản như... tiếp thị sữa. 

Dọc đại lộ Thăng Long hay trên đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển... tôi thường xuyên bắt gặp nhiều nhân viên bán nhà bán đất kiểu này.

Thông tin trên tờ rơi tôi nhận được là một tổ hợp chung cư hơn 30 tầng, nằm ngay đại lộ Thăng Long. Vị trí đắc địa đến nỗi anh chàng tiếp thị Quốc Trung cam kết sau này tôi ở nhà, thò đầu ra là... xem đua xe F1 được. "View độc nhất vô nhị không chỉ xứ Hà thành, mà phải toàn cõi nước Nam".

Mỗi căn hộ đủ cho nhu cầu của gia đình trẻ khoảng 1,6 tỉ đồng. Mấy anh đồng nghiệp trẻ hơn tôi cả chục tuổi, mới mon men đi làm, vừa lập gia đình, còn "quất" được cả những căn chung cư 3 phòng ngủ, rộng hơn 80m2

Ngày dọn vào nhà mới, vợ chồng hắn chụp ảnh, tung Facebook khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa, nhất là cô vợ cứ nhìn nhìn tôi kiểu như "xem thằng em của anh đấy"...

Ở lại thành phố Hà Nội, lập gia đình chục năm nay, vợ chồng chúng tôi đã ở thuê tất thảy 18 nơi chui ra chui vào. Từ phòng trọ lụp xụp, gác lửng, nhà riêng đến chung cư... Cuốn sổ tạm trú đã sắp ghi hết 16 trang, gần như các quận của Hà Nội chúng tôi đều có mặt. 

Một gia đình nhỏ, nhu cầu be bé của chúng tôi là căn chung cư tầm 40m2, 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, có 1 khoảng trống đủ để kê 1 chiếc giường tầng cho 2 đứa trẻ là ổn. Sống lâu trong phòng trọ, nên cả gia đình tôi không mơ đến những căn chung cư rộng đến 80m2.

Theo mồm mép "chắc như đinh đóng cột" của cậu tiếp thị, dự án mới này chúng tôi chỉ phải "xuống tiền" 400 triệu đồng. 

Và 400 triệu này cũng không phải đóng luôn 1 cục mà dãn theo tiến độ. Đầu tiên là đặt cọc 80 triệu, ký hợp đồng, rồi giai đoạn 1, giai đoạn 2... còn lại ngân hàng sẽ giải ngân cho chủ đầu tư.

Thủ tục từ A đến Z có seller chăm lo, khách chỉ cần gật đầu, thưởng thức trà thơm và ký vào hợp đồng rồi ngồi bắt chéo chân chờ đợi thành quả... Tính ra, mỗi tháng chúng tôi sẽ phải trả từ 8 đến 10 triệu đồng cả gốc và lãi. 

Chiếc xe máy của vợ tôi bán cũng được 60 triệu đồng, thêm tháng lương nữa là tôi có thể ký hợp đồng mua nhà.

"Cố thì được anh ạ. Em cắt hết các khoản mua sữa rửa mặt, kem dưỡng da. Cả nhà mình ăn sáng ở nhà, mang cơm hộp đi làm... Em lấy đặc sản ở quê, bán trên Facebook nữa là đủ trả tiền lãi anh ạ", vợ tôi vạch ra kế hoạch. 

Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi mất 4,5 triệu đồng tiền thuê nhà. Thêm các khoản phí quản lý chung cư, bảo vệ, điện, nước... mỗi tháng số tiền phải trả đã ngót 7 triệu đồng. Nếu mua nhà trả góp, tôi phải cố thêm mỗi tháng 3 triệu, lại có nhà chứ không phải đi thuê...

Đời vẫn đẹp như mơ. Tôi huýt sáo cho vợ cùng hát. Cái viễn cảnh... không thèm nhìn mặt bà chủ nhà trọ chắc sắp đến rồi. 

Trước khi gật đầu OK với anh "cò" nhà khéo miệng, chúng tôi tham khảo thêm vài dự án để có lựa chọn hợp lý. Mua nhà cũng như lấy vợ là việc quan trọng cả đời, phải cẩn thận.

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà dễ như mua rau? - Ảnh 2.

Căn hộ chung cư là mơ ước của nhiều người, nhất là người trẻ ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Cái giá của trả góp

Nguyễn Phi Hùng, đồng hương với tôi, đã có nhà ở chung cư 3 năm nay và cũng đã "sang tay" 3 căn hộ. Khi được hỏi về kinh nghiệm, anh ậm ừ: "Cậu kiếm được dự án tốt, mua để đầu tư thì hẵng nhờ "bank" (ngân hàng) hỗ trợ. Nhà để ở, vay nhiều quá không rẻ đâu".

Là tay lọc lõi từng sớm kiếm sống bằng nghề môi giới gia sư, Hùng giỏi xoay xở từ khi còn là sinh viên. Ra trường, hắn sống khỏe bằng việc làm dịch vụ cho các trường đại học đào tạo thạc sĩ. 

"Chỗ bạn bè nối khố, tôi cứ nói thật với cậu. Nếu cậu có 50% số tiền để mua nhà thì OK. Còn trả góp thì cậu không nên vay tận 70% như thế", Hùng phân tích thêm: Bình quân mỗi năm số tiền lãi phải trả khoảng 100 triệu đồng. 

Thời hạn vay càng lâu, số tiền gốc phải trả ít, nhưng số tiền lãi không đổi. Nếu vay 30 năm, chỉ tính số tiền lãi cũng lên tới cả tỉ đồng. 

Vì thế, 1 căn nhà trị giá 1,6 tỉ đồng. Trả xong ngân hàng sẽ lên trên... 3 tỉ! May mắn trời cho sức khỏe tốt và thu nhập ổn định thì không sao, rủi ro là coi chừng... vợ con ra đường.

Đi tìm tổ ấm ở Hà thành - Kỳ 1: Mua nhà dễ như mua rau? - Ảnh 3.

Nơi ở có sân vườn rất được quan tâm vì Hà Nội đất chật người đông - Ảnh: V.TUẤN

Rồi anh bạn trầm ngâm kể thêm một "trải nghiệm xương máu" của mình. Căn nhà đầu tiên ở Hà Đông, mà nơi hắn làm việc ở Phùng. 

Mỗi ngày hắn đi làm hơn 20 cây số, đường ngày nào cũng tắc, mất hơn 2 tiếng di chuyển. Vừa mệt vì hít nhiều khói xe, vừa gánh nặng nợ, lãi... Hùng bán nhà, chấp nhận lỗ.

Dự định của chàng thanh niên trẻ tậu nhà thành phố để lấy vợ bất thành, Hùng xách balô đi thuê nhà gần văn phòng cho nhẹ người. 

Sau này ăn nên làm ra, lập gia đình, Hùng mua được nhà, lại còn rủng rỉnh tiền đầu tư "lướt sóng" 3 dự án bất động sản khác. 

Anh bạn nói ở quê ra tỉnh, tâm lý "phải có nhà" còn nặng lắm. "Tôi đây này - Hùng vênh mặt - chả quan trọng chuyện nhà cửa, đầu tư làm ăn, khi nào có thật nhiều tiền hẵng mua nhà. Mà dân làm ăn bây giờ mua nhà cũng là để đầu tư chứ không phải để ở đâu".

Quan điểm của Hùng cũng có phần nào lý lẽ, các dự án bất động sản bây giờ nhắm vào đối tượng chính là người có nhiều tiền, muốn đầu tư sinh lời từ bất động sản. 

Anh bạn tư vấn tôi có công việc ổn định, thu nhập tàm tạm thì nên mua nhà ở xã hội. Mức giá trần của nhà ở xã hội thấp, lại được ưu đãi về lãi suất nhưng mua phải ở và 5 năm không được nhượng quyền, mua bán...

Thường thì ngân hàng sẽ hỗ trợ 1 năm đầu tiên lãi suất rất rẻ, thậm chí là 0%. 5 năm “lãi suất ưu đãi” với khoảng 8% đến 10% mỗi năm. So với mức trần 12%/năm của vay tiêu dùng thì đúng là ưu đãi thật.

Tuy nhiên, so với các khoản vay kinh doanh thì 8% hay 7% vẫn là một mức lãi suất cao, chẳng có gì là “ưu đãi”. Muốn tất toán người mua nhà phải đợi sau 5 năm, hết thời gian ưu đãi, hoặc phải chịu một khoản “phạt”.

Khoản này cũng cỡ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. “Tóm chặt cái bị lại là nếu vay 1 tỉ để mua nhà 1,6 tỉ thì cứ xác định mất hơn 2 tỉ cho căn nhà đó. Nói thế cho vuông”, Hùng quả quyết.

"Em nhận nhà rồi nè!" - dòng tin nhắn và bức ảnh cậu đồng nghiệp đang hớn hở nhận bàn giao căn hộ xã hội. Ước mơ không dễ với tới của bao người.

Kỳ 2: Ước ao nhà ở xã hội

Bi hài cảnh mua nhà xã hội phải vay lãi suất 11,5% Bi hài cảnh mua nhà xã hội phải vay lãi suất 11,5%

TTO - Chủ đầu tư quảng bá mua nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận gói vay ngân hàng, thanh toán linh hoạt, được hỗ trợ lãi suất 5% mỗi năm, nhưng thực tế khách hàng phải vay lãi suất thương mại 11,5% khiến nhiều người lâm vào cảnh dở khóc dở cười.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp