07/02/2024 08:07 GMT+7

Đi tìm thương hiệu TP.HCM

Chưa bao giờ câu chuyện thương hiệu cho Việt Nam hay cho một thành phố lớn như TP.HCM được quan tâm như lúc này. Tạo thương hiệu cũng đồng nghĩa tạo giá trị cho TP.HCM, mà những đối tượng thụ hưởng chính là người dân, nhà đầu tư và khách du lịch.

Nhắc tới TP.HCM là nhắc tới cơ hội, đất lành cho kinh doanh. Trong ảnh: dự án metro khi vận hành sẽ tạo thêm một động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhắc tới TP.HCM là nhắc tới cơ hội, đất lành cho kinh doanh. Trong ảnh: dự án metro khi vận hành sẽ tạo thêm một động lực phát triển kinh tế cho TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia thương hiệu, bà Trần Tuệ Tri - thành viên ban điều hành AVSE Global - cho rằng làm thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ là hoạt động đã có trăm năm nay để tạo thêm giá trị cho sản phẩm, nhưng chỉ đến 25 năm trở lại đây, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi tại sao không đem khoa học về xây dựng thương hiệu ấy cho một điểm đến, địa phương hay một quốc gia.

Năm 1996, chuyên gia Simon Anholt lần đầu đề cập cụm từ "thương hiệu quốc gia".

Những nghiên cứu sau đó của ông chỉ ra Hàn Quốc bấy giờ đang phát triển rất tốt về kinh tế, khoa học công nghệ nhưng trong mắt của nhiều người, họ vẫn chưa thể là một đối thủ đáng gờm so với Nhật Bản hay Trung Quốc.

Để tạo thêm lợi thế, Hàn Quốc nghiêm túc xây dựng thương hiệu bài bản về cả kinh tế lẫn văn hóa, để giờ đây thương hiệu của họ đã nổi tiếng thế giới và đóng góp trở lại những giá trị hữu hình.

Bài toán của sự lựa chọn

"Câu chuyện của Việt Nam cũng tương tự. Việt Nam đang trên đà tăng trưởng kinh tế 30 năm qua. Nhưng liệu trong mắt bạn bè, Việt Nam có được nhìn nhận đúng như những gì đã làm?

Tương tự, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của Việt Nam và có văn hóa dồi dào, lịch sử hào hùng. Vậy thì TP.HCM sẽ kể câu chuyện nào để nhận thức của mọi người về thương hiệu thành phố tương đương hoặc thậm chí hơn những gì TP.HCM làm được?" - chuyên gia Trần Tuệ Tri lý giải.

Dưới góc nhìn chuyên môn, bà Tuệ Tri cho rằng một thương hiệu luôn xuất phát từ những liên tưởng hay nhận thức của mỗi người.

Chẳng hạn khi tới một thành phố mới, dù muốn hay không, chúng ta chắc chắn sẽ hình thành những nhận thức về thành phố ấy. 

Vì thế, nếu để mọi thứ ngẫu nhiên, người ta có thể sẽ nghĩ theo cách thành phố không muốn và đương nhiên sẽ không tạo được giá trị.

Quy trình làm thương hiệu sẽ bắt đầu từ việc tìm hiểu "brand roots" tức gốc rễ của một thương hiệu. Với TP.HCM, đấy là lịch sử, văn hóa, con người, kinh tế và chung quy nhất là thành phố đang có những gì, điểm mạnh lẫn điểm yếu.

Tiếp theo là đo lường "sức khỏe thương hiệu", nghĩa là nhận thức của mọi người về thành phố, và đối chiếu với xu hướng của thế giới.

Sau khi đã thật sự hiểu về những gì thành phố có, những gì người khác nghĩ và những xu hướng chung, các kết quả sẽ được phân tích theo một trong những mô hình làm thương hiệu phổ biến là 6P của Resonance, bao gồm Place - Địa điểm (vị trí địa lý), Product - Sản phẩm (những sản phẩm hữu hình và vô hình), People - Con người (đặc điểm con người), Prosperity - Thịnh vượng (công việc, kinh tế), Promotion - Hoạt động thúc đẩy (những hoạt động góp phần thúc đẩy thương hiệu), Planning - Hoạch định (tầm nhìn, quy hoạch trong tương lai).

Bà Tuệ Tri giải thích: "Các phân tích sẽ phải đối chiếu với từng nhóm đối tượng mà thành phố muốn phục vụ khi xây dựng thương hiệu.

Với TP.HCM, tôi nghĩ có ba đối tượng chính mà thương hiệu TP.HCM sẽ nhắm đến, bao gồm người dân, nhà đầu tư và du khách. Mỗi đối tượng sẽ cần được làm rõ mong muốn, nhu cầu, trăn trở, khó khăn và thách thức của họ tương ứng với từng yếu tố trong mô hình 6P".

Cuối cùng là bài toán khó nhất. Đó là bài toán của sự lựa chọn, từ những gì đã phân tích chọn ra đâu là những thương hiệu của thành phố.

Bởi không có nghĩa càng nhiều thông điệp cho thương hiệu là càng tốt. Tiêu chí để lựa chọn định vị thương hiệu phải phát huy được thế mạnh của thành phố, là thứ thành phố làm tốt nhất, tạo sự khác biệt và nắm bắt được xu hướng của thời đại.

Nâng cao chất lượng sống là bài toán cho phát triển thương hiệu tại TP.HCM. Trong ảnh: giám sát giao thông qua hệ thống camera - Ảnh: TỰ TRUNG

Nâng cao chất lượng sống là bài toán cho phát triển thương hiệu tại TP.HCM. Trong ảnh: giám sát giao thông qua hệ thống camera - Ảnh: TỰ TRUNG

"Anh Hai" Sài Gòn

Chuyên gia Trần Tuệ Tri đã cùng nhiều đồng nghiệp dành thời gian và tâm huyết cho một thương hiệu TP.HCM, và nhận định trước hết, thương hiệu TP.HCM nằm ở con người. Nhắc tới Sài Gòn, TP.HCM là nói đến một nơi người dân có sự đa dạng và cởi mở.

Đây là nơi đón nhận người nhập cư, người lao động từ bất kỳ đâu, cả trong lẫn ngoài nước. Khi bước chân đến TP.HCM, bạn sẽ không gặp bất kỳ một định kiến hay sự xét đoán. Con người đa dạng và cởi mở cũng là xu hướng chung của các thành phố danh tiếng trên thế giới.

"Và không chỉ là sự đa dạng, cởi mở, người dân TP.HCM có sự nghĩa tình và tinh thần đùm bọc lẫn nhau. Có thể thấy rõ nhất điều này là trong thời kỳ dịch COVID-19, những ý tưởng như ATM gạo, ATM khẩu trang, siêu thị 0 đồng... đều xuất phát từ TP.HCM.

Các hoạt động thiện nguyện thiết thực cho người dân cả nước phần nhiều xuất phát từ TP.HCM. Chúng tôi hay nói rằng TP.HCM mang chất "anh Hai" trong nhà, luôn bao dung, hào sảng".

Một đặc tính thương hiệu thứ hai, TP.HCM là điểm đến của cơ hội. Từ rất lâu, hầu như ai đến Sài Gòn hay TP.HCM đều mang theo một giấc mơ - "Giấc mơ Sài Gòn - TP.HCM" - không khác gì "Giấc mơ Mỹ".

Đó là giấc mơ về một nơi mà cơ hội của họ có thể rộng sáng và có thể thực hiện nhiều tâm nguyện về công việc, sự nghiệp.

"Ở điểm này, chúng tôi nghĩ "Giấc mơ Sài Gòn - TP.HCM" không chỉ gói gọn ở trong nước mà hoàn toàn có thể nâng tầm khu vực hay quốc tế. 

TP.HCM cũng sở hữu cộng đồng người nước ngoài đông và nhiều nhất cả nước.

Nhiều nhà đầu tư châu Á cảm thấy Sài Gòn - TP.HCM là nơi tạo cơ hội làm ăn, và TP.HCM cũng từng vào top những điểm đến cho người nước ngoài. 

Những người bạn quốc tế của tôi có dịp đến Việt Nam đều dành những sự khen ngợi cho môi trường và cơ hội đầu tư ở đây".

Đặc tính thương hiệu thứ ba là điều TP.HCM hoàn toàn có tiềm năng, đang làm tốt nhưng cũng cần cải thiện nhiều hơn nữa để thêm rõ nét, đó là chất lượng cuộc sống cao.

Đây cũng là xu hướng của thế giới, khi người ta cần sự cân bằng, hạnh phúc, an yên bên cạnh kinh tế. Chẳng hạn về cơ sở hạ tầng, TP.HCM có sự phát triển trong những năm qua nhưng vẫn cần tạo được sự đột phá hơn nữa để giải quyết các vấn đề như ngập, kẹt xe, thiếu mảng xanh.

Hay về văn hóa, giải trí, TP.HCM nổi tiếng là thành phố của dịch vụ với các cơ sở shopping, ăn uống, nghệ thuật, nhưng vẫn cần thêm sức bật để cạnh tranh với quốc tế.

"Riêng trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi nghĩ TP.HCM có rất nhiều lợi thế nhưng dường như thiếu những câu chuyện thật sự hấp dẫn. Nhìn sang Singapore có thể thấy họ kể một câu chuyện xuyên suốt "Con người tạo nên những điều diệu kỳ".

Các công trình như Marina Bay Sand, Garden By The Bay, Changi Jungle hay cả biểu tượng ngư sư Merlion, đều thể hiện sự hoành tráng, sự sáng tạo do bàn tay của con người.

Với TP.HCM, có thể đó là câu chuyện về một điểm đến sống động của thế giới. Ở đó du khách có thể cảm nhận được nhịp sống mới mẻ, chưa từng được bắt gặp ở đâu. Từng di sản, công trình, dịch vụ của TP.HCM cần được khoác lên thông điệp thật hấp dẫn và thống nhất với câu chuyện chung.

Điển hình, dòng sông Sài Gòn là một câu chuyện mà TP.HCM có thể kể về nhịp sống mới gắn với thiên nhiên ngay trong lòng một đô thị hiện đại.

Sông Sài Gòn trong tôi rất đẹp và nên thơ, mỗi lần ngồi bên bờ sông tôi thường nghĩ đến sông Seine của Paris hay sông Thames ở London và tự đặt câu hỏi, làm sao vẻ đẹp này có thể vừa nên thơ mà kết hợp được tính sôi động của thành phố.

Từ đó, làm nên nét văn hóa riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế TP.HCM. Vì vậy, trên sông Sài Gòn cần có nhiều hoạt động đặc trưng mà du khách chỉ khi đến TP.HCM sẽ lần đầu được trải nghiệm" - bà Tri chia sẻ.

Trình diễn drone nghệ thuật tạo điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa, du lịch năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Trình diễn drone nghệ thuật tạo điểm nhấn trong các sự kiện văn hóa, du lịch năm 2023 tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM đang cần một chiến lược phát triển thương hiệu

AVSE Global là Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, có trụ sở tại Paris, kết nối nhiều chuyên gia, trí thức người Việt ở các nước tham gia những hoạt động tư vấn phát triển bền vững cho Việt Nam.

Các thành viên AVSE Global đang thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ do TP.HCM đặt hàng về "Xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh, thương hiệu TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết trong thời gian tới sau khi được nghiệm thu, nội dung đề xuất từ kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ này sẽ bao gồm định vị thương hiệu TP.HCM và những ý tưởng bổ sung cho phát triển TP.HCM, trong đó chiến lược thương hiệu sẽ phải phù hợp với những định hướng về kinh tế, xã hội TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, kết quả nhiệm vụ phải cụ thể, khả thi trong hoạt động phát triển văn hóa và du lịch thành phố.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - chủ tịch hội đồng tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ "Xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh, thương hiệu TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - nêu góc nhìn xây dựng thương hiệu và phát triển kinh tế xã hội thường đi đôi, nghĩa là thành công trong việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự tích hợp giữa chiến lược kinh tế và xã hội. Việc xác định rõ thương hiệu cũng sẽ giúp các hướng đi kinh tế xã hội của địa phương được nhất quán.

Chẳng hạn, nếu đặt ra xác định thương hiệu của TP.HCM là điểm đến của cơ hội, thì cần có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn từ nước ngoài, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hoặc nếu xem TP.HCM là một nơi đáng sống thì cần thêm những nguồn lực gì để phát triển hạ tầng hay gia tăng những phúc lợi cho người dân.

"Tôi nghĩ "kết nối" sẽ là một từ khóa rất phù hợp với TP.HCM trong tình hình mới. Đó là kết nối với giao thông, cơ sở hạ tầng để tạo thêm động lực tăng trưởng. Là kết nối vùng với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ để mở rộng chuỗi liên kết phát triển.

Đó còn là kết nối với quốc tế để thu hút dòng vốn và nguồn chất xám các nước đến TP.HCM cho những dự án đổi mới sáng tạo. Là kết nối với các nghị quyết của trung ương để những nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống.

Các sở ban ngành cùng kết nối vì những mục tiêu chung. Và người dân cũng sẽ kết nối để duy trì những nét đẹp trong văn hóa và đặc trưng của người Sài Gòn - TP.HCM được gìn giữ suốt 300 năm qua" - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nói.

TP.HCM hãy luôn cởi mở với cái mới

Với những người làm công nghệ như chúng tôi, nhắc đến TP.HCM là phải nói đến tâm thế luôn dám chấp nhận cái mới.

Khi khởi nghiệp trình diễn drone nghệ thuật ở Việt Nam, chính TP.HCM là nơi chúng tôi chọn làm nơi phát triển và cũng là nơi chúng tôi nhận bay show thương mại đầu tiên.

Lúc đó, không chỉ phía khách hàng của chúng tôi rất hào hứng mà ngay cả các anh chị từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng rất cởi mở và hỗ trợ hết mình, mặc dù trước đó chưa từng có đơn vị nào bay drone nghệ thuật ở Việt Nam.

Câu chuyện của chúng tôi có lẽ chỉ là một trong rất nhiều ví dụ trong suốt nhiều năm qua minh chứng cho việc TP.HCM luôn là một nơi sẵn sàng đón nhận những ý tưởng, sản phẩm mới. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một động lực quan trọng giúp TP.HCM luôn không ngừng phát triển và tiên phong về nhiều lĩnh vực trong cả nước.

Chúng tôi rất kỳ vọng TP.HCM sẽ luôn giữ được tâm thế cởi mở này như một thương hiệu của mình, từ đó thu hút được nhiều dự án sáng tạo từ cả trong lẫn ngoài nước đến với TP.HCM.

Ông TRẦN ANH KHÔI (tổng giám đốc của Hitek Drone)

Đất lành càng lành hơn

Singapore được xem là một quốc gia làm thương hiệu rất tốt. Cách làm của Singapore là phân tách những đối tượng mà thương hiệu của Singapore hướng đến. Với từng đối tượng, Singapore lại đưa ra một hướng tiếp cận với từng đối tượng ấy, đem lại hiệu quả cao hơn.

Tương tự, TP.HCM nên xác định rõ thương hiệu sẽ nhắm đến những ai, có thể là doanh nhân, doanh nghiệp hoặc khách du lịch. Bởi thương hiệu của một thành phố hấp dẫn trong mắt giới doanh nhân và du khách đôi khi không thật trùng khớp.

Riêng cá nhân tôi, và cả những doanh nhân Singapore hay nhiều nước khác ở châu Á cũng đồng tình rằng TP.HCM sẽ là nơi đầu tiên họ đến nếu muốn khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.

Họ nhận xét TP.HCM là mảnh "đất lành" cho các doanh nghiệp về rất nhiều yếu tố, từ môi trường đầu tư, nguồn nhân lực trẻ dồi dào đến các chính sách của chính quyền.

Tuy nhiên, điều cần làm là biến mảnh đất đã lành ngày càng lành hơn nữa, tốt hơn nữa, như thế mới đón được những đàn chim quý về đậu. Trách nhiệm làm cho đất lành hơn dường như không chỉ thuộc về chính quyền thành phố, mà còn là ở chính mỗi người dân.

Chuyên gia ALBERT ANTONIE (thành viên nhóm tư vấn Chính phủ Singapore)

Đề nghị ông Philipp Rösler hỗ trợ xây dựng thương hiệu TP.HCMĐề nghị ông Philipp Rösler hỗ trợ xây dựng thương hiệu TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị ông Philipp Rösler hỗ trợ xây dựng thương hiệu thành phố, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cùng nguồn lực từ người Việt Nam ở nước ngoài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp