Bé Đào Minh Triết, 4 tuổi (đơn vị TTVH Q.8) đoạt giải thưởng Thí sinh nhỏ tuổi nhất - ảnh: Nguyễn Lộc |
Liên hoan giọng ca tài tử thiếu nhi TP.HCM năm 2016, giải Búp sen vàng vừa diễn ra từ 4 đến 7-8 tại Trung tâm văn hóa Q.5, TP.HCM.
CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nguyễn Du (Q.1) là CLB khá mạnh ở thành phố hiện nay, tuy nhiên trong giải Búp sen vàng đầu tiên, CLB này vắng mặt.
Ông Kỳ Anh - phó phòng nghiệp vụ - dịch vụ CLB VH-TD-TT Nguyễn Du chia sẻ: “Khi nghe về liên hoan này tôi rất mừng và đã nghiên cứu thể lệ rất kỹ. Tuy nhiên, tới chừng tìm thí sinh dự thi thì vô phương, không kiếm ra bé dự thi. Trước đây, chúng tôi muốn mở lớp ĐCTT nhí nhưng cũng không có người đăng ký học”.
Chia sẻ khó khăn với ông Kỳ Anh, ông Nguyễn Thanh Bình - phó giám đốc Trung tâm văn hóa thành phố, trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: “Lực lượng tài tử nhí ở các quận nội thành ít và khó kiếm hơn các đơn vị quận huyện ngoại thành. Để tìm ra thí sinh dự thi, các đơn vị phải chịu khó đi xuống các phường xã, các trường học để tìm kiếm ra nhân tố. Bởi hát tân nhạc còn tương đối dễ, chứ ĐCTT có nhiều thể điệu rất khó nên không phải bé nào cũng có thể yêu thích và hát được”.
Theo sát con trong các ngày bé tham dự liên hoan, ông Thái Sơn vừa luôn tay quạt cho bé Nguyễn Ngọc Xuân Mai, 11 tuổi (Trung tâm văn hóa thể dục thể thao quận Tân Bình, đoạt huy chương đồng), vừa tâm sự:
“Tôi vốn là học trò của nhạc sĩ cổ nhạc Văn Giỏi, trong ba đứa con của tôi chỉ có bé út này là theo ĐCTT. Theo được lĩnh vực này là do bé có đam mê và năng khiếu chứ không thể ép được. Bé bắt đầu hát từ năm bốn tuổi, do bé nghe đài, tivi bắt chước theo, rồi tôi cũng dạy và hướng dẫn thêm chứ cũng không có lò đào tạo nào để bé theo học hết”.
Câu hỏi Tìm đâu ra lực lượng kế thừa trong lĩnh vực ĐCTT vẫn là vấn đề nan giải tại các hội thảo, tọa đàm về việc bảo tồn và phát huy các giá trị của môn nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2013).
Việc mạnh dạn tổ chức giải Búp sen vàng là một động thái tích cực để nhìn lại lực lượng tài tử nhí ở TP.HCM, từ đó có kế hoạch phát triển và nuôi dưỡng những tài năng ĐCTT cho tương lai. Khoảng 100 tài tử nhí đến từ các TTVH, nhà thiếu nhi các quận huyện trong thành phố tham gia là số lượng không quá nhiều nhưng cũng không quá ít. Chưa thấy xuất hiện những tài năng nổi bật nhưng cũng le lói vài giọng ca sáng, có nét.
Ông Thanh Bình cho biết thêm từ tháng 3 đến tháng 7-2016, Trung tâm văn hóa thành phố đã cố gắng mở các lớp ĐCTT cho các em thiếu nhi ở các cụm quận huyện trên toàn thành phố. Dù số lượng càng về cuối càng rơi rụng dần do các em tự nhận thấy mình không đủ khả năng hoặc phụ huynh không đủ yêu thích và kiên nhẫn để đưa đón con em, tuy nhiên những em còn trụ lại hi vọng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng được lòng đam mê.
“Năm nay nghe nói sở Giáo dục có đề án đưa ĐCTT vào trường học, đây là tín hiệu vui để các em nhỏ có điều kiện tiếp cận với ĐCTT, từ đó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc truyền thống” - ông Bình kỳ vọng.
>>
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận