Phóng to |
Từ trái qua: Các má Út Trầu, Năm Bán, Ba Hỏi, Tư Phương đều nói: “Cả làng, cả nước này đều nuôi quân, giúp cách mạng mà. Đâu riêng gì mình” - Ảnh: Tự Trung |
Bà Nguyễn Thị Mai (Ba Vụ) bảo đến hôm nay vẫn còn nhớ mãi một ông lão ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) đã đưa bà chạy qua những thửa ruộng vừa gặt với những gốc rạ khô nhọn như chông suốt một đêm để tránh cuộc bố ráp. Bà bồi hồi: “Vậy mà sau này công tác cuốn đi, rồi tập kết, tôi không có dịp gặp lại ông nữa”.
Điểm tựa từ dân
Rưng rưng nỗi nhớ Rưng rưng là cảm giác chung của bà Nguyễn Thị Mai (Ba Vụ), bà Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân) và ông Phạm Viết Hùng khi nhắc về những ngày kháng chiến. Bà Ba Vụ bảo đến hôm nay vẫn còn thèm món bánh tằm thời bà làm công tác tuyên truyền ở Bạc Liêu, Sóc Trăng: “Hồi đó tôi đến nhà dân, cùng ăn cùng ở cùng làm. Bao năm như thế, đến đâu cũng được coi như con cháu trong nhà, sáng dậy sớm quét tước nhà cửa sân vườn rồi mỗi người một chén cơm nguội. Thỉnh thoảng chủ nhà bán lúa lại mua cho tôi đĩa bánh tằm, ép ăn để bồi dưỡng cho công tác. Sau này tôi ăn bánh tằm ở Sài Gòn chưa bao giờ thấy ngon bằng ngày ấy”. |
Với ông Phạm Viết Hùng - một cán bộ hưu trí, “rừng người” là những má, những chị ở Bà Chiểu, Thị Nghè đã ngày hai buổi mang cơm, bánh tét ra tận những mặt trận đường phố ầm vang tiếng súng ngày đầu Nam bộ kháng chiến ở Sài Gòn.
Ngày ấy, ông Hùng còn là một cậu học sinh 15 tuổi của Trường Pétrus Ký, lần đầu cầm ngọn tầm vông gia nhập đoàn Thanh niên tiền phong: “Khi ngồi trên xe cùng các anh từ Tây Ninh về tăng cường cho Sài Gòn, rừng cờ đỏ sao vàng, khí thế bừng bừng của Cách mạng Tháng Tám trên từng gương mặt người dân đã khiến tôi tự tin mình đã là chiến sĩ thực thụ”.
Các má, các chị rất cưng “thằng nhỏ”. Có lần ông Hùng ốm, trong nhà chỉ có một đĩa trái cây vừa đặt lên bàn thờ, bà má thắp nhang rồi lấy xuống ép ông ăn cho bằng hết “để có sinh tố”. Kỷ niệm hơn 60 năm chưa mờ phai với ông Hùng còn là mấy chiếc quần đen của chị Hai Sẹo ở Lái Thiêu mà khi bị sốt rét, ông đã được đơn vị gửi ở nhà chị cả tháng.
“Chị nấu cháo cho tôi ăn, đi mượn tấm mền cho đắp. Quần áo tôi lội ruộng rách nát, vá víu mãi chỉ còn một bộ, chị lấy quần của chị cho tôi mặc suốt cả tháng và bảo: “Ngượng ngùng chi, chị em trong nhà” - ông Hùng, 82 tuổi, hôm nay vẫn còn bật cười khi kể chuyện.
Bà Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân) thì nói bà vẫn còn day dứt mãi khi nghĩ về Thảo, một cô giao liên đã bị bắt, bị tra tấn bằng xăng đến phỏng hết cả khuôn mặt, hai cánh tay: “Rồi cô ấy bị quẳng ra đường, tổ chức lúc đó không có gì để lo được, lại đành nhờ dân. Một gia đình nhà nông nghèo đã mang cô ấy về đắp thuốc nam, nuôi nấng như chính đứa con gái của mình không may gặp bất hạnh. Khi cả nhà xuống ghe đi nơi khác mưu sinh, họ cũng mang Thảo theo. Từ ấy chúng tôi không còn tin tức gì nữa. Áy náy vì mình bất lực mà cũng yên tâm vì Thảo đã được dân lo...”. Đúng thật là “rừng người”.
“Giúp tụi nhỏ”
Phóng to |
“Cứ nhắc đến “rừng người” những ngày xưa là những người kháng chiến lại rưng rưng”, bà Nguyễn Thị Mai - Ảnh: Tự Trung |
Khác với vẻ bồi hồi, rưng rưng của những cán bộ kháng chiến khi nhắc nhớ những ngày xưa, các bà má mà chúng tôi gặp được ở Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM lại cười tươi, hăng hái, thanh thản y như cách nay vài chục năm, những ngày kháng chiến.
Đang lúi húi với công việc phục vụ mà mình tình nguyện làm hơn 20 năm ở trạm y tế xã, vừa nghe hỏi, má Út Trầu vụt đứng phắt, giơ hai tay lên làm điệu bộ, kể cho chúng tôi nghe về những ngày tay vịn thúng cơm, tay bơi qua sông tiếp tế cho bộ đội. Má tự hào: “Má nhanh lắm nha, mấy ông bộ đội cũng không bằng. Phải mà không mắc đi mần nuôi cha mẹ già và mấy đứa cháu thì tui cũng theo bộ đội đi tuốt rồi. Đi bắn tàu chơi”.
Má cười, đôi môi vẫn còn tươi màu nước trầu. Với vóc dáng bé nhỏ nhanh thoăn thoắt ấy, má làm ruộng, làm rẫy nuôi cha mẹ thay ba anh trai đi bộ đội, nuôi con mình, lại nuôi luôn các cháu thay cha chúng. Rồi má còn chở cơm gạo nuôi quân, đi tải thương đến nỗi bị pháo bắn tan nát cả hai chiếc ghe trên sông Rạch Tra.
Có anh du kích bị bắt, bị chém bêu đầu, má lặng lẽ chờ vãn người, cắp thúng đi lấy đầu về ráp vào mình mà chôn, cẩn thận đặt viên đá làm dấu cho sau này. Câu chuyện trong một bài ca mà ai ngờ có thật. Hỏi sao có thể làm được tất cả những việc ấy, má bình thản: “Vì tui thương ba anh của tui. Các anh ấy đi bộ đội, đóng quân đâu đó chắc cũng sẽ được người khác nuôi, giúp đỡ, bảo vệ. Vậy thì mình phải giúp đỡ các bộ đội khác thôi, như anh mình vậy”.
Ba anh trai của má đều đã không về, chỉ tìm được hài cốt của một người. Nỗi khắc khoải khiến má thường xuyên nấu những mâm cơm cúng chiến sĩ, rồi tự đặt ra những bài ca mà má sẵn lòng hát: “Có đi mà chẳng có về/ Đạn rơi súng nổ thình lình/ Chỉ trong phút chốc tan tành thịt xương/ Nên đành cách biệt âm dương/ Nên đành cách biệt đệ huynh dương trần/... Đến chừng ngưng bắn hòa bình/ Toàn dân tự tạo miễu đình khắp nơi/ Hằng năm cúng tế đời đời/ Nói ra giữ lấy y lời chẳng sai”...
Gặp chúng tôi ở hành lang Bệnh viện Hóc Môn sau mười ngày nằm viện, má Năm Bán mỉm cười hiền lành khi nghe hỏi về chiếc ghe của má đang được trưng bày ở nhà truyền thống huyện Hóc Môn: “Có gì đâu, mọi người đi tản cư gần hết, tui với ông xã ở lại, mà lại ở ngay ven sông nên làm người chèo ghe mà thôi”.
Ngày đang lúi húi trên thửa ruộng, đêm đang buông giấc nhọc mệt trên chõng tre, hễ nghe kêu là má nhổm dậy ra sông vớ lấy cây sào. Ghe của má không phải ghe đưa khách để mưu sinh mà là ghe đưa bộ đội qua sông làm nhiệm vụ. Ghe của má đã ngang dọc sông Rạch Tra bao năm cho đến khi không còn chiến tranh.
Ghe của má cũng thường qua sông chỉ với một mình má đứng mũi. Má lại cười thật hiền kể tiếp: “Mấy đứa nhỏ ngồi canh gác trong bụi rậm hay trên ngọn cây, nó kêu “Má qua tụi bay ơi” nghe thấy mà thương. Tụi nó mừng lắm. Hễ má qua là có gạo, có cơm, có mắm, cá khô, tóp mỡ...”.
Những câu chuyện giản dị như thế còn được má Ba Hỏi kể: “Chiều chiều vun một đống un lá khô cho nó lên khói, rồi nhân đó mà nấu chảo cơm, xong lại vùi vào đám cỏ rơm chờ tối mấy đứa về ăn rồi đi phục kích. Cả làng này nuôi quân chứ mình tui nuôi làm sao nổi...”.
Nhưng bám trụ ở vùng ranh giới “ngày quốc gia, đêm cộng sản” không phải chỉ đơn giản như thế. Đêm, “đằng mình” về, có đông, có súng nhưng so với bên kia thì vẫn chênh lệch lắm. Bộ đội yêu cầu bà con góp sức phô trương thanh thế bằng cách gõ thùng thiếc rầm rầm. Gõ rồi, sáng ra lính phía bên kia đến từng nhà xét xem nhà nào có thùng chậu bị móp méo là bắt. Cái khó ló cái khôn.
Nhà má Ba Hỏi và cả làng đều sắm thùng tôn, thiếc đựng gạo. Tối, gạo trút ra nồi, bao, úp cái thùng xuống mà gõ trên đáy. Xong việc, cái thùng lại được lật lại, trút gạo vào như cũ, không ai xét được mấy vết móp ở dưới đáy. “Mấy thằng Tây nó đâu khôn bằng mình” - má Ba cười xòa.
Cũng chính má Ba Hỏi bị bắt cùng với mẹ của mình cùng cái thúng đi chợ có giấy mực sổ sách, thuốc tây mà “bà ngoại mua cho ở trỏng”. Lúc bị trói giải đi, má Ba Hỏi khi ấy còn là cô bé 13 tuổi, đã kịp nghe mẹ dặn: “Không được khai. Khai nó bắn con, chôn xuống đất, không thấy ba má nữa. Khai thì Tây về giết cả làng”.
Nhớ lời ấy mà cô bé đã cắn răng trước những ngọn roi mây, trước những cây kim đóng vào đầu ngón tay, trước nhát búa tên lính đập vào đầu mẹ. Chỉ hôm nay má mới rưng rưng: “Má tui lúc mất đi trên đầu vẫn còn khuyết một mảng sọ từ trận ấy”. Vậy rồi má lại cười: “Mà ai cũng vậy thôi à”.
Má Tư Phương ở cạnh đó cũng cười, nụ cười an nhiên tuổi 96: “Tụi nó là con cháu mình cả mà. Ngày đó mấy đứa cần gì cũng được giúp: cần cơm có cơm, cần nhà cho ở, cần hầm thì đào, kêu đi gác tui cũng đi”. Và má đã “giúp tụi nhỏ” tới hơn 30 năm kháng chiến.
Không có ai trong số các má đã đi khai công với cách mạng sau ngày hòa bình cả. Hỏi sao vậy, vẫn chỉ một nụ cười hiền: “Ai cũng vậy mà, riêng gì mình”. Vì vậy mà sử đã ghi công các má là “rừng người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận