03/03/2020 13:30 GMT+7

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 3: Thương nhớ chiếc xuồng ba lá

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Từ bao đời, chiếc xuồng ba lá được ví như đôi chân người dân châu thổ bởi ra chợ, thăm đồng, giăng lưới kiếm tôm cá, thậm chí đi hẹn hò với người yêu cũng đều lênh đênh trên đó...

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 3: Thương nhớ chiếc xuồng ba lá - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Mãnh hơ lửa uốn những thanh be gỗ đóng xuồng ba lá - Ảnh: T.NHƠN

"Dẫu xuồng ba lá lênh đênh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Anh ơi chớ ngại ngần chi/ Ngồi xuồng ba lá giữa kỳ nước lên".

Từ bao đời, chiếc xuồng ba lá được ví như đôi chân người dân châu thổ bởi ra chợ, thăm đồng, giăng lưới kiếm tôm cá, thậm chí đi hẹn hò với người yêu cũng đều lênh đênh trên đó...

Xuồng vào đồng, ra chợ, vô rừng

Sau này đường sá mở mang, hết cảnh đò giang cách trở nên nhà nào cũng ráng sắm chiếc xe máy đi lại cho thuận tiện. Rồi chuyện lũ cạn, đê bao khép kín càng khiến nghề đóng xuồng mưu sinh mùa nước nổi hàng đời qua mai một dần.

Đi dọc rạch Bà Đài, qua những vườn cam quýt xanh mướt, tôi đến với làng đóng ghe, xuồng nức tiếng Bà Đài (huyện Lai Vung, Đồng Tháp). Không còn cảnh nhộn nhịp như cách đây vài chục năm khi "nhà nhà đóng ghe xuồng". Làng ghe xuồng Bà Đài đang vắng lặng.

"Xuồng ba lá hả? Giờ có ai đặt tui mới đóng lận. Giờ dân ở đây chủ yếu đóng xuồng cui, ghe chở lúa. Chỉ còn dân bên Bến Tre, Bạc Liêu mua xuồng sử dụng chở thức ăn trong mấy vuông tôm, cá tra" - ông Nguyễn Văn Mãnh (45 tuổi, ngụ xã Long Hậu), thợ đóng xuồng, ghe có tiếng rạch Bà Đài, trả lời tôi khi được hỏi về nghề đóng xuồng ba lá.

Đi khắp làng nghề chỉ còn vài cơ sở đóng xuồng, ghe hoạt động. Những công đoạn quen thuộc của nghề như xẻ gỗ làm be, hơ be trên lửa, ráp xuồng, dằn đà, trét chai chống rò rỉ nước... không còn là hình ảnh sôi động thuở nào.

Theo ông Mãnh, những năm 1990 - 2000 là thời hưng thịnh nhất của nghề đóng xuồng ba lá và nhiều loại ghe, xuồng khác. Ngày ấy, khu vực rạch Bà Đài ra tận Cán Cờ, Thong Dong kéo dài hàng cây số lúc nào cũng náo nhiệt bởi âm thanh làm ghe, xuồng. Nhiều thế hệ gia đình cùng theo nghề, cha tay cưa, con cầm đục vẫn không đủ xuồng cung cấp cho thị trường.

Theo các thợ cao niên làng nghề này, gọi xuồng ba lá đơn giản chỉ là xuồng được đóng từ ba lá gỗ bao gồm hai lá be bên hông và một lá đáy phía dưới.

Phần thân xuồng được cố định bằng những thanh gỗ cong. Dưới các thanh cong, người thợ sẽ cho đục một cái lỗ gọi là "lỗ lù" giúp việc tát nước giữa các khoang xuồng được thông nhau, dễ dàng hơn.

Tùy nhu cầu của khách mà xuồng ba lá có thể được đóng bằng gỗ sao, gỗ sến hoặc gỗ kiền kiền. "Cùng một cơ sở đóng, cùng một thời gian đóng, nhưng chiếc còn bền chắc trong khi chiếc lại đem chụm lửa. Ngoài tay nghề thợ thì chất liệu gỗ quyết định độ bền của xuồng ba lá. Mấy ông không biết hay nạnh nhau: sao mày đóng cho thằng kia ngon mà đóng cho tao dở ẹc" - ông Mãnh chia sẻ.

Do địa thế đồng bằng sông nước với nhiều tuyến kênh rạch nhỏ hẹp nên xuồng ba lá rất được người dân ưa chuộng. Thời hưng thịnh ở mảnh đất "chín rồng", không quá lời khi nói rằng ở đâu có dấu chân người là ở đó có xuồng ba lá. Mùa ăn nên làm ra của những cư dân sống bằng nghề đóng xuồng là mùa lũ tràn đồng.

Cứ năm nào lũ lớn đỏ quạch phù sa, tôm cá đầy đồng thì người đóng ghe, xuồng lại thắng lớn. Ngày xưa xuồng, ghe đóng hoàn toàn bằng thủ công chứ chưa nhiều máy móc hỗ trợ như hiện nay. Thợ lành nghề cũng phải mất dăm ba ngày mới hoàn thành một chiếc xuồng cơ bản trong khi hiện nay mỗi ngày có thể đóng xong một chiếc.

"Bận xưa, cơ sở đóng giỏi với mấy tay thợ thì hằng tháng cũng chỉ đóng được 30-40 chiếc xuồng. Khách hàng trải dài khắp cả đồng bằng nhưng nhiều nhất vẫn là các tỉnh miệt An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ. Ngày đó thanh niên trai tráng ở đây thằng nào cũng biết đóng xuồng hết" - ông Nguyễn Văn Nghĩa (70 tuổi), thợ đóng xuồng tại Bà Đài, cho biết.

Điều thú vị là thời vàng son đó đàn ông đóng xuồng, còn cánh chị em mần việc giao thương, bởi đàn ông đi bán rồi quay lại đóng xuồng thì hiệu quả thấp.

Bà Nguyễn Thị Thủy (58 tuổi) cho biết cách đây vài chục năm, bà thường ra khu vực ngã năm, ngã bảy các nhánh sông lớn để bán xuồng mới cho dân thương hồ, dân chợ. "Mỗi chuyến đi cũng hết năm ngày bảy bữa. Tranh thủ bán xong lại về chở đợt mới đi bán. Ngày xưa xuồng, ghe thịnh dữ lắm chứ không như bận giờ" - bà Thủy chia sẻ.

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 3: Thương nhớ chiếc xuồng ba lá - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Tám đóng xuồng, ghe mini cho ngành du lịch trong thời buổi khó khăn - Ảnh: T.NHƠN

Giữ nghề nhờ du lịch

Lũ thấp. Cá mú cạn kiệt. Trong khi đường sá ngày càng tốt hơn, nghề đóng xuồng ba lá cũng teo tóp dần. Giờ đây cả đoạn kênh dài chỉ còn vài hộ cố gắng níu giữ nghề bằng những mối quen. Năm thuở mười thì mới có khách đặt đóng. Từ thế hệ đóng xuồng đầu tiên ở rạch Bà Đài gần 100 năm trước, hiện số hộ còn giữ nghề đóng ghe xuồng chỉ còn vài hộ.

"Ít người còn mua thì chuộng xuồng chất liệu composite bền hơn. Lượng xuồng gỗ giờ tụi tui đóng ra chưa được một phần mười, thậm chí một phần mấy chục ngày xưa" - ông Phan Văn Tâm, thợ đóng xuồng, chia sẻ.

Những năm gần đây, nhiều thanh niên vốn có tay nghề đóng xuồng rời bỏ làng nghề chuyển mần công nhân. Đi khắp các làng đóng ghe, xuồng miền Tây, ai cũng lắc đầu tiếc nuối cho thời vàng son. "Ngày xưa nhất nghệ tinh nhất thân vinh, chứ giờ bá nghệ hảo tùy thân. Ai còn duy trì nghề được thì ráng duy trì, chứ đâu ép uổng con cháu theo nghề rồi chết đói được" - ông Tâm thở dài chia sẻ.

Tuy nhiên, thời thế thay đổi, thợ đóng ghe, xuồng lại "ló cái khôn". Những năm gần đây du lịch phát triển nên nhiều homestay, điểm tham quan du lịch có nhu cầu lớn các loại xuồng, ghe mini dùng trang trí. Nắm bắt hướng mới này, nhiều thợ đóng xuồng, ghe cũng mở kế làm ăn thêm.

Anh Nguyễn Văn Mãnh đều đặn đăng cái mẫu xuồng, ghe mini lên các diễn đàn mạng tìm kiếm khách hàng. Hiện mỗi tháng anh đóng được cũng vài chục chiếc ghe ngo, xuồng cui, xuồng ba lá mini cho các điểm du lịch.

Cứ xuồng, ghe thực tế có loại nào thì mini có loại đó. "Do xuồng, ghe mini có kích thước nhỏ nên đòi hỏi thợ phải tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại giá bán khá ổn và chạy hàng" - anh Mãnh chia sẻ.

Thông thường một chiếc xuồng, ghe mini lấy của người thợ lành nghề khoảng 2-3 ngày công tùy kích thước và độ tỉ mỉ theo yêu cầu của khách hàng.

Giá mỗi chiếc hiện dao động từ 400.000-800.000 đồng. "Xung quanh đây cũng có vài ba hộ làm xuồng, ghe mini. Đây cũng là cách hay gỡ khó cho tụi tui. Miễn sao còn duy trì nghề là vui lắm rồi" - anh Nguyễn Văn Tám, thợ đóng xuồng mini, tâm sự...

Xuồng ba lá quá thiết thân

thuyen-my-nghe 1 1(read-only)

Đi kinh tế mới từ năm 1976 miệt bưng Mộc Hóa, tỉnh Long An, ông Trần Văn Ngọc (76 tuổi) tâm sự: "Cái xuồng ba lá hổng chừng còn thiết thân hơn cả con chó, con trâu của mình.

Đi cắt lá tràm nấu tinh dầu bán, rồi đi giăng lưới, cắm câu phải có xuồng. Đi chợ búa, đi trạm xá, ăn cưới, giỗ chạp, đón dâu gì cũng đều xuồng. Lâu lâu xuồng hư, phải kêu thợ mộc sửa, tụi tui có cảm giác như bị chặt chân".

Ông Ngọc nói sự hữu dụng của xuồng ba lá một phần vì nó nhỏ gọn, dễ luồn lách kênh rạch nhỏ hay các đồng lũ lấp xấp nước. Khi cần băng qua bờ đê, con lộ, chỉ hai người khiêng là xong.

Phần khác cũng vì giá xuồng ba lá rẻ hơn nhiều so với các ghe xuồng khác. "Tui nhớ láng máng chỉ cần nấu được can dầu tràm 10 lít là đổi ngang chiếc xuồng ba lá mới cứng. Còn lúa thì tầm 30 - 40 giạ cũng đổi được chiếc xuồng ngon".

Q.M.

Từ loại cỏ bàng mọc dại ở đồng bưng nhiễm phèn xứ châu thổ, người miền Tây bao đời đã biến thành những thứ phục vụ cuộc sống hằng ngày như chiếc chiếu bàng, giỏ xách, nón đi học...

Kỳ tới: Nhớ tiếng chày giã bàng của mẹ

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 2: Leng keng... kẹo kéo, kem cây Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 2: Leng keng... kẹo kéo, kem cây

TTO - Kẹo kéo, kem cây hay xirô đá bào như món quà vặt 'ngon nhứt thế giới' của sắp trẻ miệt bưng biền nghèo khó thời chưa có quà bánh ê hề như bây giờ.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp