26/06/2016 10:07 GMT+7

Đi tìm “hòn đảo nô lệ”

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Giải Pulitzer năm 2016, kỷ niệm chặng đường 100 năm đi tìm sự thật của báo chí, đã vinh danh loạt bài “Seafood from slaves” của bốn nữ nhà báo Martha Mendoza, Margie Mason, Robin McDowell và Esther Htusan của Hãng AP.

Một nhóm thủy thủ người Thái và Myanmar bị nhốt trong một lồng sắt bên trong công ty hải sản ở Benjina, Indonesia - Ảnh: AP
Một nhóm thủy thủ người Thái và Myanmar bị nhốt trong một lồng sắt bên trong công ty hải sản ở Benjina, Indonesia - Ảnh: AP

“Các nô lệ trên tàu cá là những con người dũng cảm đã giúp công luận nhìn rõ một vấn đề đã tồn tại từ lâu và vẫn còn tiếp diễn. Họ mới là những người có công chứ không phải chúng tôi

Nữ nhà báo Margie Mason

Bốn nữ nhà báo này đã dành hơn 18 tháng để đào sâu vào một bí mật trong ngành đánh cá ở Đông Nam Á, nơi những người di cư đến từ các nước này bị lừa bán, hành hạ, cưỡng ép lao động như nô lệ và thậm chí bị giết chết. Đầu mối của họ giúp chính quyền địa phương giải phóng hàng ngàn nô lệ đánh cá. Không dừng lại ở đó, họ truy dấu những lô hàng hải sản do nô lệ đánh bắt đến Mỹ với những bằng chứng mạnh mẽ.

Vào cuộc

Họ bắt đầu cuộc điều tra từ những thông tin mơ hồ dù hai trong số họ, Robin McDowell và Margie Mason, đều đã hoạt động tại Đông Nam Á gần 20 năm và Esther Htusan sinh trưởng ở Myanmar. “Trong nhiều năm chúng tôi đã nghe về việc cưỡng ép lao động trên những con tàu cá Thái Lan. Đó là điều được nhiều người kể lại, từ những người được giải cứu hoặc đã trốn thoát”.

Để khơi dậy sự phẫn nộ trong con mắt thờ ơ của độc giả, họ thống nhất sẽ phải chỉ rõ hải sản do nô lệ đánh bắt trên bàn ăn của người Mỹ. “Mọi người khuyên bảo: Nhiều người khác đã thử làm việc này rồi và không thể làm được” - McDowell kể lại.

Tuy nhiên họ nắm được quy trình “xóa vết” hải sản của các tàu cá nô lệ. Thông thường, hải sản do nô lệ đánh bắt sẽ được chuyển tải lên các tàu chờ sẵn ngoài khơi, nơi loại hải sản “bẩn” này sẽ được trộn chung với các loại hải sản đánh bắt hợp pháp. Khi về đến chợ đấu giá hải sản ở các cảng cá ở Thái Lan, chúng hoàn toàn “sạch sẽ” mà đến các công ty thu mua cũng không hề phân biệt được.

“Trong suốt một năm, trong các cuộc gọi mỗi sáng và tối, chúng tôi bàn định hướng với nữ biên tập viên Mary Rajkumar, báo cho nhau các diễn tiến mới nhất, suy nghĩ các bước tiếp theo, giục nhau phải làm nhiều hơn nữa” - nhà báo Martha Mendoza tóm tắt. Nhưng rồi công việc của họ đột nhiên có một bước ngoặt quan trọng khi họ được báo rằng có nhiều người bị bỏ lại trên một hòn đảo ở Indonesia.

Đảo nô lệ

McDowell xác định được đó là đảo Benjina. Nhưng đến khi đặt chân lên cảng Benjina, tìm đến công ty thủy sản khổng lồ chiếm trọn một phần của hòn đảo, họ không tưởng tượng nổi đó là một hòn đảo nô lệ.

Manh mối đầu tiên của họ đến từ các nhà thổ ở ngôi làng nằm phía bên kia của hòn đảo, nơi một số gái mại dâm nói với họ rằng có hàng trăm người Myanmar bị giam cầm trên đảo. Họ lờ mờ nhận ra quy mô của câu chuyện. Khi Htusan tiếp cận những thủy thủ đồng hương và nói với họ rằng cô sẽ giúp đỡ, những người đàn ông Myanmar đã khóc òa. Họ đuổi theo để dúi vào tay các nữ nhà báo những mẩu giấy ghi tên và địa chỉ gia đình. “Làm ơn. Hãy báo với họ chúng tôi còn sống” - họ van xin.

Các nạn nhân kể lại những câu chuyện kinh hoàng, đáng sợ hơn những điều các nhà báo từng nghe được ở Thái Lan, nơi ghi nhận hầu hết các trường hợp cưỡng bức. Các nô lệ cho biết phải làm việc suốt 22 giờ mỗi ngày, bị đánh đập trên thuyền lẫn khi về đến hòn đảo.

Vì các thuyền trưởng người Thái được quyền đánh người trên lãnh thổ Indonesia, công ty đã thuê những kẻ “đốc công” sẵn sàng đánh họ nhừ tử bằng roi đuôi cá đuối và treo họ lên nếu phát hiện có ai đó gây rối hoặc có ý định bỏ trốn. Một số người không chịu nổi đã thiệt mạng.

Nhưng đáng ngạc nhiên là khi nhóm điều tra giấu thân phận nhà báo tiếp cận công ty hải sản để tìm kiếm bằng chứng về những lồng nhốt người, công ty này thậm chí không thèm che đậy. “Họ còn không cảm thấy xấu hổ. Họ giới thiệu những chiếc lồng như một phần trong chuyến tham quan” - McDowell nhớ lại cảm giác tức giận khi đi dọc những chiếc lồng nhốt người được xây ngay trong sân của công ty.

Trong lồng, những thủy thủ ngồi bệt dưới sàn ximăng và ruồi nhặng bay quanh những thanh sắt bẩn thỉu. Kế bên công ty là một khu nghĩa địa với hàng chục nấm mồ vô danh. Họ đánh liều ghi hình lại những lời cầu xin giúp đỡ của những người trong lồng.

Nữ biên tập viên Mary Rajkumar nhớ lại rằng họ đã đứng trước nhiều áp lực, mà khó khăn nhất của họ khi đó là làm sao để đảm bảo an toàn cho các nô lệ lẫn các nhà báo. Lo sợ các nô lệ có thể bị trừng phạt vì đã liều lĩnh tố giác nhưng không thể chọn giải pháp làm mờ ảnh hoặc giấu tên nhân vật để bảo vệ sức mạnh của bài viết, họ phối hợp với Tổ chức Quốc tế về di cư giải cứu những người được nêu tên trước khi đăng bài điều tra đầu tiên.

Các nữ nhà báo bị theo đuổi khắp nơi, bị đe dọa và họ phải cảnh giác trong mỗi bước chân. Trong khi đó, các đại sứ quán Thái Lan và Indonesia chịu sức ép phải trả lời những câu hỏi được đặt ra trong bài báo của AP và những bức ảnh chụp các nô lệ được đặt lên bàn điều trần của Quốc hội Mỹ.

Chín ngày sau khi câu chuyện nô lệ được đăng tải, các cơ quan chức năng Indonesia cũng có mặt trên hòn đảo để mở cuộc điều tra. Họ phỏng vấn khoảng 20 nô lệ, bàng hoàng khi nghe kể về những màn tra tấn, giam cầm của công ty thủy sản và quyết định giải cứu những thủy thủ. Nhưng khi tin tức lan ra khắp hòn đảo, con số nô lệ đổ về nhanh chóng tăng theo cấp số nhân.

Chưa kịp thở phào, nhóm nữ nhà báo phát hiện nhiều con tàu đã chở nhiều nô lệ tháo chạy khỏi hòn đảo nên họ lại lao đi truy tìm chúng. Bằng việc theo dõi các thiết bị vệ tinh gắn trên những con tàu và hình ảnh vệ tinh, họ giúp chính quyền truy tìm và bắt giữ nhiều con tàu bỏ trốn và giải cứu các thủy thủ. Tổng cộng hơn 2.000 thủy thủ người Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia được giải cứu sau chiến dịch.

Naing đoàn tụ với gia đình - Ảnh: AP
Naing đoàn tụ với gia đình - Ảnh: AP

 

Bị giam cầm 22 năm

Các nữ nhà báo đã chọn ra câu chuyện của Kyaw Naing, người bị giam cầm lâu nhất, để kể lại sự tàn nhẫn của nạn thủy thủ nô lệ. Kyaw Naing bị bán đến Indonesia từ năm 1993 khi còn là một thiếu niên. Anh vén tóc chỉ cho nữ nhà báo AP vết sẹo của lần bị đánh nứt sọ và từng suýt bị bỏ đói đến chết trên thuyền nhưng may mắn chạy thoát và ẩn náu trong nhà một gia đình địa phương.

Việc gặp lại mẹ và anh chị em là điều Kyaw Naing không dám mơ đến. Hình ảnh Kyaw Naing đoàn tụ với gia đình là chi tiết cảm động trong loạt bài điều tra của nhóm phóng viên AP. “Đó là sức mạnh thật sự của báo chí. Điều đó thật tuyệt vời và càng tuyệt vời hơn khi chúng tôi đã giúp câu chuyện thành sự thật” - nữ nhà báo Mason nhớ lại.

___________________

Kỳ tới: : Vạch trần “hải sản bẩn”

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp