13/11/2006 06:32 GMT+7

Đi tìm dòng họ Lý ở Hàn Quốc - Kỳ 1: Hoàng tử ra đi

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - 800 năm đã qua, giờ đây có quá ít tư liệu về sự kiện lịch sử này. Những tư liệu hiếm hoi tìm được lại ít nhiều khác nhau về dữ kiện.

Khoảng 800 năm trước, sau một biến cố lịch sử, nhiều người trong dòng họ nhà Lý của đất Việt đã lên thuyền vượt biển đến xứ Cao Ly (tức bán đảo Triều Tiên). Qua bao vật đổi sao dời, dòng họ Lý ly hương đã xây dựng cơ nghiệp trên đất khách đến tận ngày hôm nay với những hậu duệ thành đạt.

Phóng viên Tuổi Trẻ lần giở lại sự kiện này, đồng thời tìm gặp trực tiếp hậu duệ dòng họ Lý sinh sống tại Hàn Quốc - những người luôn mang nỗi niềm hoài hương.

06lhyS99.jpgPhóng to
Đền thờ tám vị vua triều Lý tại Bắc Ninh (đền Lý Bát Đế) - Ảnh tư liệu
TT - 800 năm đã qua, giờ đây có quá ít tư liệu về sự kiện lịch sử này. Những tư liệu hiếm hoi tìm được lại ít nhiều khác nhau về dữ kiện.

Hoàng tử là ai?

Ngày 17-10-2006, trong bài viết “Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau” đăng trên website của Đại sứ quán Hàn Quốc tại VN có viết về sự kiện này như sau: “Khoảng 800 năm trước, một vị hoàng tử của VN đã phải chạy trốn sang vương quốc Goryeo, chính là Hàn Quốc ngày nay. Vua Kojong của vương quốc Goryeo (1192-1259) nồng nhiệt tiếp đón vị hoàng tử của VN cùng những tùy tùng của ông và ban tặng cho họ tên gọi “dòng họ Lý ở Hwasan” vào năm 1226”. Vị hoàng tử đó là ai?

Trước khi lên đường sang Hàn Quốc tìm gặp hậu duệ dòng họ Lý ở xứ người, chúng tôi đã tìm lại nhiều tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử tân biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục... để biết thêm về sự kiện này. Các tài liệu này đều viết rất rõ về các đời vua nhà Lý, song tuyệt nhiên không có một chi tiết nào nhắc đến “vị hoàng tử chạy trốn”. Riêng trong Đại cương lịch sử Việt Nam (tập I, NXB Giáo Dục 1997) có một chi tiết ngắn ngủi: “Mùa xuân năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ giữ chức thái sư thống quốc, truất bỏ ngôi thượng hoàng của Lý Huệ Tông... Trần Thủ Độ thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, diệt trừ thế lực còn lại của nhà Lý. Một số hoàng thân tìm cách di cư ra nước ngoài như Lý Long Tường chạy sang Cao Ly”.

Triều đại nhà Lý trị vì trong 216 năm (1010 -1225) với chín đời nối tiếp nhau: Lý Thái Tổ - Thái Tông - Thánh Tông - Nhân Tông - Thần Tông - Anh Tông - Cao Tông - Huệ Tông - Chiêu Hoàng. Vua Lý Thái Tổ có công dời kinh đô về Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Thời vua Lý Nhân Tông đạt đỉnh cao sự thịnh trị, có danh tướng Lý Thường Kiệt phạt Tống bình Chiêm, mở rộng cương thổ. Đến đời Cao Tông triều Lý bắt đầu suy yếu. Lý Huệ Tông đã chấm dứt triều Lý bằng việc truyền ngôi cho con gái (Chiêu Hoàng) và tin dùng họ Trần nên mất ngôi vào năm 1225.

(Nguồn: Việt sử tân biên)

Vậy hoàng thân Lý Long Tường sang Cao Ly chính là vị hoàng tử chạy trốn? Theo tài liệu lịch sử, vua Lý Anh Tông có bảy người con là Long Xưởng, Long Minh, Long Đức, Long Hòa, Long Ích, Long Trát và Long Tường. Hoàng tử Long Trát được đưa lên ngôi lúc 26 tháng tuổi, hiệu là Cao Tông, sau truyền ngôi cho con là Long Sảm, hiệu là Huệ Tông. Như vậy Lý Long Tường là con thứ của vua Lý Anh Tông, em của vua Lý Cao Tông và là chú của vua Lý Huệ Tông. Một tài liệu khác còn xác định Lý Long Tường do hiền phi Lê Mỹ Nga hạ sinh vào năm Giáp Ngọ 1174.

Trở lại bối cảnh lịch sử lúc giao thời nhà Lý - Trần, vào năm 1225 Trần Thủ Độ tổ chức một cuộc đảo chính khôn khéo đưa cháu là Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông lên ngôi, lật đổ nhà Lý lập ra nhà Trần (chính thức vào ngày 12 tháng chạp năm Ất Dậu, tức ngày 11-1-1226).

Năm 1226, Trần Thủ Độ thanh trừng 300 người trong hoàng tộc họ Lý vào ngày giỗ tổ Lý Công Uẩn ở Đông Ngàn. Chính sự kiện đẫm máu này đã khiến nỗi lo sợ của Lý Long Tường (lúc bấy giờ là thân vương duy nhất nắm nhiều quyền hành, tước Kiến Bình vương) lên đến đỉnh điểm, sớm muộn gì ông cũng sẽ bị diệt trừ nên đã mang gia quyến và đội thủy quân thực hiện cuộc di cư bằng đường biển.

Hành trình sóng gió

Cuộc di cư vượt biển của Lý Long Tường và gia quyến có nhiều tình tiết lẫn nhiều dị bản. Theo tài liệu của Bách khoa từ điển mở Wikipedia: “Lý Long Tường đã mang đồ thờ cúng, vương miện, long bào và thanh thượng phương bảo kiếm truyền từ đời vua Lý Thái Tổ cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly (gần Busan ngày nay)”. Cuối tháng 10-2006, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến cảng Busan (Hàn Quốc), có dịp xác minh qua gia phả và hậu duệ dòng họ Lý, nhưng chưa tìm được bất cứ manh mối nào cho thấy đoàn thuyền của Lý Long Tường dạt vào khu vực gần Busan.

U8aY0v2y.jpgPhóng to

Bản đồ hành trình trên biển của Lý Long Tường đến Cao Ly năm 1226 - Ảnh tư liệu

Một dữ liệu khác ở diễn đàn lịch sử - văn hóa sinh viên Đông du tại Nhật viết: “Lý Long Tường cùng với Lý Quang Bật (là em của học sĩ Lý Quang Châm đã bị Trần Thủ Độ giết trong cuộc diệt trừ dòng họ Lý) mang đồ thờ cúng chạy ra biển Đông. Một thuyền bị bão dạt vào Trung Hoa không rõ sống chết ra sao”.

Theo tiểu thuyết dã sử Hoàng thúc Lý Long Tường của nhà văn, nhà nghiên cứu Kang Moo Hak thì Lý Long Tường có ghé Nam Kinh, Trung Hoa, nhưng khi ấy nhà Tống đã chấp nhận sứ thần nhà Trần (đồng nghĩa với việc công nhận vương triều mới của nước Đại Việt) nên ông đành phải tiếp tục đi tìm nơi nương tựa khác.

Theo thu thập cứ liệu lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), đoàn thuyền vượt biển của Lý Long Tường “lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người. Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan”.

Chính chi tiết này đã làm nảy sinh một dấu hỏi khác từ nhiều học giả quốc tế thời gian qua: liệu cựu lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy có phải là hậu duệ của Lý Đăng Hiền - con trai Lý Long Tường năm xưa không? Cho đến nay vấn đề lịch sử này vẫn còn tồn nghi.

Gia phả hậu duệ dòng họ Lý tại Hàn Quốc mà phóng viên Tuổi Trẻ có được cho biết vào mùa thu năm 1226, hạm đội của Lý Long Tường đã tấp vào cửa biển Ongjin-gun (Khang Linh), tỉnh Hwanghae (Hoàng Hải) thuộc phía đông bắc bán đảo Triều Tiên. Toàn bộ đoàn thuyền còn hơn 1.000 người sống sót đều lấy họ Lý để tỏ lòng trung thành và biết ơn Lý Long Tường.

___________________

Tích xưa kể rằng nhà vua Cao Ly Kojong nằm mộng thấy một con chim cực lớn bay từ phương nam đậu lại bên bờ Tây Hải, như báo điềm gặp được dũng tướng phương xa. Nhưng tại sao từ một hoàng thân thất thế chạy loạn từ nước Đại Việt xa xôi, Lý Long Tường được trọng dụng và oai phong lẫm liệt nơi xứ người?

Kỳ tới: Tướng quân tha hương

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp