08/02/2018 17:30 GMT+7

Đi tìm chuỗi gen đặc trưng của chó Phú Quốc

HỮU THIỆN
HỮU THIỆN

TTO - Đăng ký chó Phú Quốc là giống chó mới đúng là con đường sáng, nhưng chỉ một mình Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam thì không làm nổi.

Đi tìm chuỗi gen đặc trưng của chó Phú Quốc - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Phúc với chó Phú Quốc nơi "đảo hoang" ChauLien Kennel ở Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: THIÊN MINH TANROCK

Đăng ký chó Phú Quốc là giống chó mới đúng là con đường sáng, nhưng chỉ một mình VKA thì không làm nổi, mà cần có sự hợp tác của các nhà nhân giống, có sự tài trợ của vài tập đoàn kinh tế và cả các nhà khoa học nữa

Anh Ngọc Phúc

Khi vòng xoáy khủng hoảng về tính thuần chủng vẫn chưa dừng lại, chó Phú Quốc ngày càng xa rời hình mẫu chuẩn. Tệ hơn, tính thuần chủng ngày càng bị lai tạp, như cách người ta lai giống tạo ra những chủng loại cây trái hiện nay.

Kỳ 1: Chó xoáy như… xoài ghép

Tháng 4-2016, khi số lượng con giống đã nhiều tới mức một căn nhà phố không thể chứa nổi, anh Ngọc Phúc - một người nuôi chó - đưa đàn chó Phú Quốc và H’mông cụt đuôi của mình ra "đảo" ở miệt Bình Chánh (TP.HCM) giáp Long An.

Rái Cá, Yết Kiêu và cuộc thử nghiệm nơi đảo hoang

"Đảo" thiệt ra chỉ là một khu vườn rộng lớn, đầy cây cối và có khoảng đất nằm giữa một ao rộng, thông nước với dòng sông chảy ngang. Từ đó mà nảy ra câu khẩu hiệu ChauLien Kennel - chó ta nơi đảo hoang đầy hào hứng của trại anh.

Vài lứa chó Phú Quốc mới đã ra đời và lớn lên trên "đảo", nhanh nhẹn hơn, có vẻ mặt tinh ranh và vui tươi hơn những lứa từng lớn lên trong chuồng ở nhà phố trước kia. 

Trong đó, anh cưng nhất là Rái Cá và Yết Kiêu, hai chú chó Phú Quốc nay đã 15 tháng tuổi, có những nét vượt trội so với những con còn lại trong bầy.

Từ nhỏ tới nay, Yết Kiêu không bao giờ chịu qua cầu như tất cả những con chó khác, mà luôn nhảy tòm xuống ao, bơi qua bơi lại giữa các bờ. Hễ trời nóng, nó nhảy xuống ao ngâm mình một ngày vài chục lần là bình thường. 

Rái Cá cũng thích bơi, nhưng cứ nhảy xuống ao là lặn bắt cá sặt để ăn. 

"Cuộc sống hồn nhiên của chúng khi có chỗ để chạy chơi và săn chim, chuột... cũng là hạnh phúc của tôi, vì trại bắt đầu có được lứa chó Phú Quốc mới, vừa thân thiện có thể đi show chó đẹp, lại vừa mang nét hoang dã của nòi chó này khi xưa ở đảo Phú Quốc" - anh Phúc khoe.

Thời gian đầu ở "đảo" diễn ra khá ổn, nhưng tới lúc thời tiết thay đổi và có gió lùa nhiều, lần lượt đàn chó Phú Quốc bị "quất sụm". 

Có những con ban ngày vẫn khỏe mạnh, nhưng chỉ sau một đêm gió lùa là bị liệt hai chân. Anh kêu xe ôm dài dài, mỗi lần chở vài con đi cầu cứu với thú y. Bác sĩ thú y tìm không ra nguyên chân, chỉ nói chó bị "suy kiệt".

Rốt cuộc, cả đàn chó Phú Quốc trên 39 con của anh, trong đó có không ít chó đoạt giải dogshow, đã rụng dần, nay chỉ còn 7 con. Trong khi đàn chó H’mông cụt đuôi vẫn nhởn nhơ, khỏe mạnh.

Thoái hóa, biến đổi hình dạng

Từ năm 2009 tới 2017, đã có 3.682 cá thể chó Phú Quốc từ thế hệ F0 tới F3 được VKA cấp giấy chứng nhận. Tuy vậy, VKA chỉ đơn thuần công nhận con giống F0, F1, F2 được mang ra show, trong khi vẫn chưa thống nhất về hình mẫu chuẩn của chó Phú Quốc.

Sau đó, VKA cấp giấy gia phả phát triển bầy từ những chó ấy mà không có bất kỳ kiểm soát nào, dẫn tới việc làm... giấy giả, khai khống, cho phối giống trùng huyết, cận huyết... trên thị trường.

Hậu quả hiển nhiên là những chó Phú Quốc ra show càng về sau càng thoái hóa, với những biến đổi về hình dạng và tính cách.

Chó Phú Quốc và... xoài cát Hòa Lộc

Trong khoảng tám năm qua, chó Phú Quốc đã có nhiều biến dạng đáng ngại so với những nét tiêu chuẩn cổ, mẫu mực về chó Phú Quốc từng được bá tước Henri de Bylandt ghi nhận trong cuốn sách Les races de chiens (xuất bản năm 1897) và được Bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc của Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA), có hiệu lực từ ngày 20-9-2009, xác nhận lại.

Đôi mắt chó Phú Quốc bây giờ chia tròng đen trắng rõ ràng, không còn là kiểu mắt lửa, mắt cọp có viền đen. Đầu chó bắt đầu thuôn dài, mất gò má. Có sự mất cân đối giữa đầu và thân. 

Lưng chó Phú Quốc đi các show chó đẹp ngày nay đã... dài ra, mất tỉ lệ 1:1 (tức tỉ lệ chiều cao tới vai: chiều dài cơ thể là 1:1) đặc trưng của chó Phú Quốc.

Trước kia, nổi bật trong các loại dải lông mọc ngược trên lưng của chó Phú Quốc là kiểu xoáy kiếm, dựng lên thành bờm rõ rệt. Xoáy kiếm trên lưng sẽ dựng lên như lưỡi kiếm, chạy dài từ vai xuống tận mông, đuôi mỗi khi chó Phú Quốc gặp địch, hoặc khi nó bực tức. 

Đó chính là điểm khác biệt lớn nhất, chưa hề thấy hoặc chưa từng được công bố ở hai giống chó xoáy Thái, chó xoáy Nam Phi.

Tiếc là bây giờ, hầu hết chó Phú Quốc chỉ có loại xoáy một bệt dài như... chó xoáy Thái. 

Theo anh Nguyễn Minh Khang - trưởng ban phát triển chó bản địa thuộc VKA, những con chó Phú Quốc đoạt giải vài năm qua thường quá cao lớn, lông quá sát, đuôi dài, chân dài kiểu... "người mẫu", tức là đã biến dạng rất nhiều, và không có chút thần thái nào của nòi Phú Quốc hoang dã, tinh ranh. 

"Điều đó bắt nguồn từ Bản tiêu chuẩn VKA hiện không đưa ra bất kỳ hình mẫu chó Phú Quốc nào, dẫn tới hình dạng chó Phú Quốc đang rất không đồng nhất" - anh Khang khẳng định.

Cũng vì vậy mà các giám khảo quốc tế, hiện đã tăng tới mức 70% số giám khảo tại các dogshow của VKA, thường chấm chó Phú Quốc theo con mắt họ quen nhìn... chó xoáy Thái Lan. Từ đó dẫn tới một sự thật đau lòng: hiện có khoảng 80% chó Phú Quốc đoạt giải vô địch (champion) nhưng không hề giống hình mẫu chuẩn của chó Phú Quốc.

Anh Khang so sánh hiện trạng lai tạp của chó Phú Quốc lâu nay với đặc trưng nhân giống xoài cát Hòa Lộc, loại xoài được tạo ra chủ yếu bằng cách ghép giống xoài bưởi hoặc xoài hôi, trên thân cây xoài tạp, rồi kết luận một cách cay đắng: 

"Cho dù có tạo ra vài chục ngàn con được coi là chó Phú Quốc với thế hệ Fn, chúng ta cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của Liên đoàn các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) về chó Phú Quốc với tính chất một quần thể thống nhất về kiểu hình và tính cách!".

Con đường sáng đang chờ phía trước

Trước đây, có một vị giáo sư gốc Việt ở Bỉ đã đề nghị với VKA về việc thuyết phục FCI công nhận lại giống chó Phú Quốc, vốn đã được ghi nhận từ sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH của Bỉ, năm 1894. 

Tuy vậy, mục tiêu ấy ngày càng trở nên... mờ mịt, vì việc công nhận lại một giống chó vốn là điều chưa có tiền lệ trong nội bộ FCI.

Hiện nay, VKA đã đưa ra mục tiêu chuẩn xác là đăng ký chó Phú Quốc như một giống chó mới, vẫn ở danh sách FCI trong nhóm 5, phân nhóm 8 (các giống chó săn nguyên thủy có dải lông mọc ngược trên lưng).

Được biết, việc đăng ký giống chó Đài Loan đã mất khoảng 30 năm để được FCI công nhận chính thức vào năm 2015. Trước đó, phải sau 60 năm đăng ký thì giống chó Jindo ở Hàn Quốc mới được FCI công nhận vào năm 2005.

"Đăng ký chó Phú Quốc là giống chó mới đúng là con đường sáng, nhưng chỉ một mình VKA thì không làm nổi, mà cần có sự hợp tác của các nhà nhân giống, có sự tài trợ của vài tập đoàn kinh tế và cả các nhà khoa học nữa. 

Bằng không, nếu cứ... mông lung mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy làm như bây giờ thì có thể khi con chó Phú Quốc được FCI công nhận, lúc đó tất cả người đang chơi hiện nay đều không còn có mặt trên đời này" - anh Ngọc Phúc nói.

Còn bao lâu nữa, cửa mới mở cho chó Phú Quốc lai tạp hiện nay bước vào và sánh vai cùng những giống chó được cả thế giới chính thức thừa nhận?

Cụ Xoài năm xưa

1

Chó Phú Quốc tên Xoài (chó đực, tên Pháp là Mango) và Chuối (chó cái, tên Pháp là Banane), từng đoạt giải thưởng tại cuộc thi chó đẹp đầu tiên ở thành phố Lille (Pháp) vào năm 1894, sau đó đoạt mề đay (medal) A và B của cuộc triển lãm chó đẹp hoàn vũ, diễn ra tại Antwerpen, nước Bỉ từ ngày 14 tới 16-7-1894 (hình của bá tước Henri de Bylandt).

**********************

Kỳ cuối: Xôn xao với gen e...

HỮU THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp