Các thí sinh thi thực hành nghề hàn - Ảnh: Q.Phương |
Tại phòng thi nghề thiết kế thời trang (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), khi nhóm thí sinh đến từ Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn báo hiệu hoàn tất bộ sản phẩm càng làm cho hai đội còn lại nóng lòng bởi họ còn phải đóng nút, đục khuy áo nữa mới xong.
Thí sinh Cao Thị Ngọc Nương, Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn, vui cười nói: “Tham gia hội thi như thế này rút ra được nhiều kinh nghiệm lắm, nhất là trong quá trình cắt, may, một số lỗi của mình đã được các bạn phát hiện và mình sửa chữa được”.
Tại phòng thi thực hành gò hàn (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức), tiếng búa, tiếng máy mài rền vang, chát chúa. Lửa từ các que hàn liên tục bắn lên đỏ chói. Hai chiếc quạt loại lớn dù chạy hết công suất cũng không làm dịu đi cái nóng.
Gạt mồ hôi, thí sinh Trần Văn Nhân, học sinh hệ trung cấp nghề hàn của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nói: “Lúc đầu vào thi bị áp lực tâm lý do bị giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng dần rồi cũng vượt qua”.
Đưa học trò đi thi, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Trường CĐ Viễn Đông, nói: “Chắc chắn các em sẽ gặp nhiều lúng túng trong quá trình làm nhưng đây là cơ hội tốt để các em cọ xát thực tế. Trong thời gian ngắn sẽ biết được điểm mạnh yếu của tay nghề để khắc phục giúp lành nghề hơn”.
Cô Phạm Ngọc Tường, phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết: “Thông qua các sân chơi nghề nghiệp đã rèn cho các bạn học nghề rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó còn trang bị cho các bạn tác phong công nghiệp, xây dựng được ở các bạn thói quen tuân thủ quy định về thời gian làm việc, sự chuyên nghiệp, chính xác trong công việc”.
Thí sinh dự thi nghề cắt may tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngày 7-4 - Ảnh: Quang Phương |
Cọ xát kỳ thi, dễ hòa nhập khi đi làm
Đây là năm đầu tiên học sinh hệ trung cấp “đọ sức” chung với sinh viên hệ cao đẳng nghề. Anh Phạm Anh Tuấn, quản đốc Công ty TNHH kỹ thuật Thành Nghĩa (Khu công nghiệp Sóng Thần), cho biết nhìn chung trình độ thí sinh tương đương nhau, về tâm lý các bạn cũng vững vàng hơn so với thí sinh năm trước.
“Các mẫu thành phẩm do các bạn làm về ngoại quan là đảm bảo theo yêu cầu. Với kỹ năng các bạn có được như những gì thể hiện qua hội thi, tôi nghĩ khi vào doanh nghiệp các bạn rất dễ hòa nhập với công việc” - anh Tuấn nói.
Tham gia chấm thi nghề hướng dẫn viên du lịch, giám khảo Nguyễn Thị Bích Chi đến từ Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhận xét các thí sinh rất tự tin, có kỹ năng nghề nghiệp tốt.
“Tôi nghĩ lý do quan trọng là do các bạn được thực hành nhiều trong quá trình học nghề. Nhà trường nên mời doanh nghiệp tham gia các sân chơi nghề nghiệp để cùng nâng tay nghề cho học sinh, sinh viên. Học sinh nên mạnh dạn tham gia các sân chơi nghề nghiệp, vì qua đó các bạn hiểu hơn về nghề và biết đâu sẽ lọt vào tầm ngắm của doanh nghiệp” - chị Chi khuyên.
Bà Phạm Thị Xuân Lý (Công ty dược Pharmacity, thành viên ban giám khảo):
Đề thi nghề dược năm nay bám sát thực tế công việc của một dược sĩ. Yêu cầu chung là thí sinh phải có kiến thức sâu trong lĩnh vực “dược lâm sàng” - một ngành mới nhưng rất quan trọng hiện nay của nghề dược. Nghĩa là dược sĩ không chỉ nắm được kiến thức về dược mà còn phối hợp với bác sĩ trong việc đánh giá biểu hiện bệnh lý và tư vấn thuốc phù hợp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận