
Để vào khu vực phòng thi, thí sinh chỉ được đem theo căn cước công dân, viết và đi qua cổng an ninh - Ảnh: M.G.
So với cách đây 25 năm, các kỳ thi đại học hiện nay khá đa dạng. Thí sinh đi thi cũng thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhiều.
Thí sinh thoải mái
Ngày 6-4, tôi tham dự kỳ thi đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức.
V-SAT là kỳ thi do các trường tham gia chủ trì tổ chức. Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) là đơn vị phối hợp, hỗ trợ, cung cấp ngân hàng câu hỏi. Kỳ thi này hiện có hàng chục trường tổ chức sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.
Tôi thi ca 2 từ 9h nên đến sớm khoảng 30 phút. Cổng trường, sân trường vắng hoe, mọi người ra vào trường thoải mái. Không có cảnh phụ huynh chờ con trước cổng, cửa trường đóng im ỉm như trước đây.
Tại khu vực thi, một số thí sinh thi ca 2 giống tôi ngồi chờ tới giờ. Tôi đi quanh, chỉ thấy một thí sinh ôn bài thi môn lịch sử. Các thí sinh khác khá thoải mái.
Ca 1 kết thúc, Thành Thắng - học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) - nói làm bài thi toán dư đến 60 phút (thi 90 phút). "Em tưởng mình làm bị thiếu chỗ nào nên kéo đề lên xuống nhiều lần nhưng thực sự đã hết đề" - Thắng nói.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Khải - học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ (quận 6, TP.HCM) - lại than đề toán khó. Khải xác định xét tuyển tổ hợp toán - văn - sử. Môn toán Khải mong sẽ được 80 điểm nhưng kết quả chỉ được 65. Khải nói phải chờ văn và sử kéo điểm lên.
Gần tới giờ thi, thí sinh phải gửi toàn bộ tư trang tại phòng gửi đồ, chỉ được đem vào phòng thi căn cước công dân và viết. Sau khi gửi đồ, thí sinh vào phòng chờ, đến giờ giám thị sẽ gọi vào phòng thi.
Trong phòng chờ, tôi bắt chuyện với Thủy Tiên - học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Tiên cho biết sáng sớm hai mẹ con đón xe lên TP.HCM, chiều thi xong sẽ về quê luôn.
Trước đó ít ngày, Tiên cũng đã dự kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Tiên dự định thi V-SAT để xét tuyển ngành sư phạm văn. Tuy nhiên đăng ký xong mới biết nhóm ngành sư phạm Trường ĐH Sài Gòn không xét kết quả V-SAT.
Tiên vẫn thi và dùng kết quả này xét tuyển sư phạm văn Trường ĐH Cần Thơ. Tiên nói hơn nửa lớp mình tham gia các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, chuyên biệt, V-SAT để gia tăng cơ hội.

Thủy Tiên và Tuấn Khải (ngồi, áo trắng) tham gia thi riêng nhằm tăng cơi hội trúng tuyển - Ảnh: M.G.
Làm bài nhanh, biết điểm ngay
Tới giờ, giám thị gọi thí sinh qua phòng thi. Khu vực phòng thi được giăng dây có biển cảnh báo người không phận sự không được vào, có giám thị trực. Thí sinh phải đi qua cổng an ninh trước khi đến cửa phòng thi, giám thị gọi tên, kiểm tra căn cước công dân trước khi cho vào phòng.
Mỗi thí sinh ngồi một máy vi tính, có ngăn ô, ghi số báo danh. Giám thị phát cho thí sinh tờ giấy có thông tin của thí sinh và thông tin tài khoản đăng nhập hệ thống dự thi. Đến giờ mở đề, thí sinh đăng nhập và làm bài trên máy tính. Các môn đều thi trắc nghiệm.
Phòng tôi thi có thí sinh thi nhiều môn khác nhau cùng lúc. Tôi thi sử, địa có 25 câu hỏi, tổng điểm 150 với nhiều lựa chọn cho mỗi câu. Môn văn có 20 câu trắc nghiệm với tổng điểm 120, một câu tự luận 30 điểm.

Thí sinh thi V-SAT chờ gọi vào phòng thi - Ảnh: M.G
Thí sinh làm bài xong khi bấm nộp bài, màn hình máy tính sẽ hiện ngay điểm số mà thí sinh đạt được. Khi hết giờ thi, hội đồng thi sẽ in danh sách điểm của cả phòng để thí sinh ký xác nhận vào phần điểm số của mình. Toàn bộ giấy nháp sẽ bị thu lại khi thí sinh ra khỏi phòng thi.
Môn lịch sử có thời gian thi 60 phút. Đề thi gồm nhiều nội dung với nhiều dạng câu hỏi khác nhau như đúng - sai, ghép cặp, trả lời ngắn. Môn văn đề khá dài khi sử dụng nhiều đoạn văn bản yêu cầu thí sinh đọc để thực hiện các yêu cầu, trả lời câu hỏi.
Quan sát phòng thi ở các môn, tôi thấy cũng có nhiều thí sinh làm xong bài sớm, gục đầu xuống bàn. Thi trắc nghiệm nên dù biết hay không cũng có thể hoàn thành bài thi. Điều này rất khác so với thi tự luận, nếu không biết thì chỉ có bỏ giấy trắng.

Thí sinh trong phòng chờ, chờ được gọi vào phòng thi V-SAT - Ảnh: M.G.
Ngồi ở dãy cuối nên khi ký bảng điểm, tôi lướt một lượt thấy không nhiều thí sinh có điểm môn thi trên 100 điểm. Gặp lại Tuấn Khải vào buổi trưa, Khải cho biết mình thi môn lịch sử đạt 117 điểm. Đây là mức điểm khá cao. Tuy nhiên cộng với môn toán, Khải mới chỉ đạt 182 điểm.
"Ở trường phổ thông, môn lịch sử thầy mới dạy một phần bài đổi mới trong khi đề thi có mấy câu hỏi về nội dung này. Trong khi đó ở lớp ôn thi tốt nghiệp còn chưa ôn tới nội dung đổi mới nên em bị mất điểm phần này. Các câu hỏi liên quan Phan Châu Trinh nằm ở lớp 11 nên quên" - Khải chia sẻ.
Bạn kỳ vọng kết quả ở môn văn kéo điểm lên. Dù vậy, Khải cho biết tuần này sẽ thi tiếp đợt 2 kỳ thi V-SAT tại Trường ĐH Sài Gòn do đã đăng ký trước. Kỳ nào có kết quả tốt hơn thì sử dụng xét tuyển.
Đề văn có yêu cầu đa dạng
Trong ba môn dự thi, tôi cảm nhận môn văn có đề thi mở nhất. Mỗi câu hỏi là một đoạn văn bản, có lẽ nằm ngoài sách giáo khoa, và những câu hỏi đi kèm. Yêu cầu cũng khá đa dạng, kiểm tra nhiều kỹ năng của thí sinh từ đọc hiểu đến vận dụng. Dù là yêu cầu nào cũng có nội dung cho sẵn, thí sinh chỉ cần vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để tìm đáp án đúng, ghép đúng.
Có những câu có thể thấy câu trả lời ngay dựa vào các từ liên kết câu nhưng cũng có trường hợp phải đọc kỹ, lọc nội dung, hiểu hoặc nhớ ý nghĩa bài thơ. Phần tự luận 30 điểm yêu cầu thí sinh viết về ý nghĩa của việc tự học là yêu cầu không quá khó.
Sự cố đánh máy không dấu
Kết thúc ca 2, giám thị cho phép thí sinh ra khỏi phòng thi. Tuy nhiên, khi thí sinh đến cửa phòng thì giám thị yêu cầu thí sinh trở lại chỗ ngồi. Hơn 15 phút sau, giám thị thông báo ca thi thứ 2 có nhiều thí sinh khi làm bài phần trả lời ngắn gõ tiếng Việt không dấu nên máy không chấm phần này. Do đó thí sinh sẽ được làm lại phần này.
Cán bộ kỹ thuật cài tiếng Việt cho máy sau đó thí sinh đăng nhập và làm lại phần trả lời ngắn. Sự cố này khiến thời gian ca thi thứ 2 kéo dài thêm khoảng 60 phút. Tuy nhiên quyền lợi của thí sinh được đảm bảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận