Một số người cho rằng khỏi tổ chức chi cho mệt, "sao không chia tiền cho rồi, ai muốn đi đâu thì đi". Người thì đề xuất nên cải tiến các trò chơi, đưa vào các hoạt động khám phá thiên nhiên, chia nhóm giao lưu, không nhất thiết là các trò thắng thua hành xác.
Team building "có cũng được mà không cũng chẳng sao"
Khi công ty thông báo sắp tổ chức team building, Cao Phong (28 tuổi, làm việc tại quận 1, TP.HCM) cho biết bản thân "thấy bình thường, có cũng được mà không cũng chẳng sao".
"Công ty gần 200 người, chia nhiều phòng ban. Ngày thường đụng mặt ở thang máy, sảnh chứ không biết người này tên gì, làm phòng ban nào. Nếu có dịp đi team building, xem như một cơ hội giao lưu, kết bạn mới", anh nêu mặt tích cực của hoạt động này.
Công ty anh Phong không có kiểu ai không đi sẽ bị trừ lương như trên một số diễn đàn hay bàn luận. Tuy nhiên phòng nhân sự thường vận động tham gia đầy đủ. Ai không đi phải có lý do hợp lý như bận việc gia đình, bệnh đột xuất.
Riêng Diễm Mi (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) lại yêu thích hoạt động team building. Công ty cũ chi trả chi phí một chuyến. Sau này chị qua các công ty khác thì những nơi này không có ngân sách tổ chức. Một số lần khác, chị và đồng nghiệp tự tổ chức và góp tiền.
Mi nói: "Tôi là người thích kết nối, hướng ngoại. Team building là dịp rất cần thiết để tất cả nhân viên và các sếp cùng trò chuyện, thu hẹp khoảng cách công sở, gắn kết hơn".
Nhưng theo Cao Phong, mỗi khi sắp tới đợt team building, nhiều đồng nghiệp rất khó chiều. Những năm tài chính công ty khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty cắt hoạt động này để tiết kiệm. Thế là họ nói rằng trông chờ cả năm mới có dịp đi chơi chung, vậy mà bị cắt.
"Những năm công ty tổ chức thì họ làm giá, tỏ vẻ không muốn đi. Hoặc dò hỏi xem đi địa điểm nào rồi bàn tán, chê bai. Họ còn nói sao không chia tiền cho rồi, ai muốn đi đâu thì đi", Phong kể.
Bớt trò thắng thua thô thiển
Trong kỳ team building, công ty anh Phong thường thuê một đơn vị lữ hành tổ chức. Do đó anh thấy các trò chơi bài bản, khá hợp lý. Chẳng hạn, lần trước, chương trình có tiết mục ngồi xe công nông vào một khu rừng ở Đồng Nai. Bạn hướng dẫn viên dẫn dắt mọi người đi bộ dưới tán rừng.
"Tôi thấy hoạt động này ý nghĩa hơn là những trò chơi mang tính thắng thua. Buổi tối có tổ chức tiệc gala. Thành viên các phòng ban được chia nhóm ngẫu nhiên, tổ chức thi ca hát, đóng kịch. Tôi thấy cũng vui", anh chia sẻ.
Với những nhận xét như người trẻ ít gắn kết công ty, không hào hứng team building lắm, anh Phong cho rằng "chín người mười ý". Theo anh, người không hào hứng với team building thường có lý do nào đó, như tính cách hướng nội, không thoải mái ở nơi đông người, có vấn đề sức khỏe…
"Mà vốn dĩ bình thường làm việc mệt mỏi rồi, tôi nghĩ team building nên tổ chức nhẹ nhàng, tình cảm. Đừng quá sa đà vào những trò phấn khích, náo nhiệt là được", anh đề xuất.
Qua nhiều chuyến đi chơi cùng công ty, chị Trần Thị Thương (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) rất ớn những trò như nam cõng nữ, tiếp thức ăn… Đã có gia đình, chị rất ngại khi lỡ dính vào những tấm ảnh team building có cảnh vui chơi kiểu này được đồng nghiệp đăng lên mạng.
Tương tự, chị Diễm Mi không mặn mà các trò chơi vận động nhiều và cho rằng không nhất thiết có những trò hành xác, thô thiển. Chị thích hoạt động ăn uống, hát hò và vui chơi nhẹ nhàng. Mọi người tham quan, chụp hình, trò chuyện chia sẻ kỷ niệm khi đi làm.
"Không phải ai cũng có cùng thể lực và đủ cởi mở để va chạm hay chơi đùa nhiều. Chưa kể là sự va chạm thân thể khiến một số nhân viên đã có gia đình hay lớn tuổi thấy ngại, không phù hợp", chị nói.
Cần cái nhìn thoáng hơn về team building
Team building là dịp để đội ngũ thấu hiểu nhau, hạn chế các mối quan hệ tiêu cực trong công sở. Vì mỗi ngày đi làm không nói chuyện hết với các phòng ban, dễ có những suy đoán, hiểu lầm về nhau.
Về việc tổ chức team building, chị Diễm Mi bày tỏ nên nhìn việc này ở hai khía cạnh: phía nhân viên và phía doanh nghiệp.
Ở góc độ nhân viên, mọi người nên có cái nhìn thoáng hơn về việc đi du lịch, team building. Nếu chuyến đi không được vui như ý, cũng là một khoản chi phí và phúc lợi lớn mà chủ doanh nghiệp đã bỏ ra. Trong khi nếu nói nhân viên tự tổ chức thì ít ai chịu đứng ra làm.
"Tổ chức một buổi đi xa cho tập thể cực kỳ khó. Như làm dâu trăm họ, chứ không phải là đi nhóm hai, ba người. Chưa kể còn phải đảm bảo an toàn và ngân sách doanh nghiệp", chị nói.
Về phía doanh nghiệp, Mi cho rằng nên khảo sát ý thích nhân viên về địa điểm, cách thức tổ chức và chốt hạ theo số đông. "Nên phân tích rõ thành phần nhân sự. Điều này nhằm hiểu sự khác biệt, độ chênh tuổi và tính chất công việc. Từ đó lên kế hoạch phù hợp, hạn chế trường hợp người chơi người ngồi nhìn", chị chia sẻ từ kinh nghiệm tự tổ chức team building của mình.
Nếu có quá nhiều thành phần khác biệt, công ty chỉ nên tạo chuyến đi nhẹ nhàng, mang tính nghỉ dưỡng. Trường hợp các bạn trẻ đông, có thể nghĩ tới hình thức du lịch mới mẻ như glamping (cắm trại tiện nghi), camping hay đi bộ trekking cung đường ngắn.
"Một giải pháp khác là có thể phân ngân sách về từng phòng ban. Mọi người chủ động đi theo ý thích nhóm, và có buổi họp mặt ăn tối cùng kết nối", Diễm Mi bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận