25/07/2024 00:09 GMT+7

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Một người nhỏ bé, hiền lành, hòa nhã nhưng để lại cho đời một di sản đồ sộ đáng kính trọng", GS.TSKH Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, kết luận lại sau cuộc trò chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức năm 2023 - Ảnh: GS VŨ MINH GIANG cung cấp

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức năm 2023 - Ảnh: GS VŨ MINH GIANG cung cấp

Một Việt Nam rộng mở

* Là một người theo dõi và ghi nhận sự biến đổi kinh tế - xã hội, trong những thành tựu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông nhận thấy điều gì có ảnh hưởng tích cực nhất?

GS.TSKH Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội

GS.TSKH Vũ Minh Giang, chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội

- Lãnh đạo Đảng gần trọn ba nhiệm kỳ, trước đó còn giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội, di sản mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại rất đồ sộ, đa dạng, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, đối ngoại...

Ấn tượng nhất, lớn lao nhất theo nhận xét của tôi chính là vị thế Việt Nam đã được nâng cao đến một tầm mức chưa từng có trên trường quốc tế. Chúng ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước lớn mà đáng kể nhất là Hoa Kỳ - vốn mấy mươi năm trước còn là đối địch.

Đây là kết quả rất tốt đẹp của trường phái "ngoại giao cây tre" mà Tổng bí thư đã khái quát, tổng kết, dẫn dắt để từng bước các cấp các ngành Việt Nam đều đi tới được, thuyết phục được ngoại giao thế giới đến nỗi các tổng thống Mỹ cũng hành động ngoài quy chế, thông lệ, tiền lệ: Tổng thống Obama tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức quốc khách trong Nhà Trắng; Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng...

Một người nhìn bề ngoài nhỏ bé, hòa nhã, giản dị như vậy mà lại chính là một nhà ngoại giao kiệt xuất.

Triết lý "cây tre gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" được đúc kết trên cái nền sâu dày của văn hóa Việt Nam và trên sự tự tin - thấu rõ lợi thế địa chính trị mà Việt Nam sẵn có.

Phương châm "dĩ bất biến - ứng vạn biến" từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được ông lặp lại với không chỉ riêng ngành ngoại giao: lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, còn ứng xử thì phải mềm dẻo, có tiến có thoái, có cương có nhu... Có vậy, chúng ta sẽ làm bạn được với tất cả, giữ được hòa bình, ổn định.

Khái niệm Độc lập - Tự chủ trong thời hội nhập này tôi quan sát cũng đã có sự dịch chuyển mềm dẻo thích hợp. Độc lập bây giờ không còn là "không phụ thuộc" mà là giữ được cân bằng trên sự phụ thuộc lẫn nhau.

Thế giới rộng lớn, Việt Nam nhỏ bé sẽ lớn lên khi có nhiều bạn bè, chúng ta sẽ có mặt này mặt khác phụ thuộc họ, và cũng có những lợi thế, điểm mạnh để họ phụ thuộc mình. Phát huy được thế mạnh, giữ được sự cân bằng giữa hai lực ấy là giữ được độc lập, không để bị phe phái này, liên minh nọ lôi kéo trở thành đối địch với bên kia là giữ được tự chủ.

Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất.

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

* Vâng, và dấu ấn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thành tựu ấy là rất sâu đậm. Ngay trong những ngày lễ tang này của ông, chúng ta cũng đang được chứng kiến tình bạn bè quốc tế rất chân thực và sâu sắc chia sẻ với Việt Nam...

- Trong hội thảo quốc tế về Việt Nam học mà chúng tôi tổ chức năm 2016 có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi trò chuyện về chuyên môn, các học giả nước ngoài tỏ ra rất khâm phục sự uyên bác của ông trên cương vị một nhà khoa học.

Tôi cho rằng đó là điều tất yếu vì Tổng bí thư thực sự là một người thấm đẫm văn hóa Việt Nam. Về mặt khoa học, ông còn có tầm nhìn chiến lược rất xa đến tương lai Việt Nam và có sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo khi khẳng định: đến 2045, Việt Nam sẽ đứng vào hàng của những nước phát triển.

Không chỉ là phát biểu táo bạo, ông đã thật sự dồn tâm sức để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân cho mục tiêu đó, hàng loạt những nghị quyết về chủ trương đổi mới giáo dục, bồi đắp văn hóa, phát triển khoa học, công nghệ, đội ngũ trí thức... đã được ban hành để thiết lập nên những con đường, những đại lộ đi đến phát triển.

Những trước tác hàng chục ngàn trang mà ông để lại trên mọi lĩnh vực cũng là một di sản đồ sộ mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy.

Một niềm tin được khôi phục

* Và còn một di sản rất đặc biệt nữa...

- Đúng, sau thời mở cửa, đổi mới, thành quả là phát triển kinh tế, và hệ lụy là lối sống trọng vật chất lên ngôi, cán bộ thoái hóa đạo đức, tham nhũng nảy sinh ở các cấp, càng ngày càng lớn, càng lúc càng nghiêm trọng.

Là lãnh đạo Đảng, Tổng bí thư nhận thức rất rõ thực trạng ấy, nguy cơ ấy, ông đã đứng ra trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng rất quyết liệt và kiên trì: không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

Thực tế đã diễn ra đúng như thế dù cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, cam go. Kết quả chúng ta đều đã thấy rõ.

Đây là một di sản lớn, không chỉ được tính bằng con số bao nhiêu đại án đã được phá, bao nhiêu quan chức đã lộ mặt tham nhũng, bao nhiêu khoản tiền bất chính được thu hồi... mà lớn hơn nữa là niềm tin của nhân dân được khôi phục, bồi đắp lại.

Ông đã lấy lại, xây dựng lại niềm tin của người dân với Đảng, với thể chế không chỉ bằng "chiến dịch đốt lò" mà bằng chính tấm gương cuộc đời mình: một đời liêm khiết trong sáng, một đời tôn thờ lý tưởng và danh dự, một đời đau đáu cống hiến vì lợi ích quốc gia dân tộc cho đến ngày cuối cùng...

Ai tiếp xúc hay theo dõi công việc của ông cũng đều nhận thấy ngay điều đó. Chính vì vậy mà nay ông nằm xuống, mọi người đều thương tiếc xót xa.

* Giáo sư có suy nghĩ và dự đoán xem những di sản ấy rồi đây sẽ được kế tục như thế nào?

- Qua quan sát và những thông tin tôi có được, những động thái vừa qua đã khẳng định được quyết tâm tuyên chiến với tham nhũng của Tổng bí thư và toàn Đảng, toàn dân; hành động quyết liệt, chính xác và hiệu quả của các cơ quan pháp luật đã dẫn đến nhiều kết quả khả quan.

Sâu đã bắt được nhiều - cả sâu to sâu chúa, cỏ dại rậm rạp lùm bụi cũng đã được dọn, khu vườn đã quang quẻ, sạch sẽ lên nhiều... Mục tiêu khiến cán bộ "không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng" đã đạt được phần nào.

Đây là thuận lợi lớn cho người kế tục để tiếp tục mục tiêu phát triển quốc gia, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trên một cái nền cao hơn, con đường sáng hơn, đội ngũ trong sạch hơn.

Thông tin bây giờ rất rộng mở, người dân đã có thêm nhiều phương cách và phương tiện để giám sát những người công bộc của mình, theo dõi sự hoạt động của bộ máy nhà nước; pháp luật cũng đã có thêm nhiều cơ chế và công cụ để kiểm soát quyền lực, kiểm soát tham nhũng. Hãy tin đi, cái thời cán bộ "muốn làm gì thì làm" đã qua rồi.

Tôi hiện đang tham gia đứng lớp cho một số cán bộ trẻ và cảm thấy rất tin tưởng vào lý tưởng vì dân vì nước của các bạn ấy.

* Niềm tin ấy không phải của riêng giáo sư...

- Tôi muốn truyền niềm tin ấy đến cho mọi người, các bạn hãy chờ xem, sắp có những đổi mới rất mới, rất hay. Tổng bí thư đâu có suy nghĩ và hành động một mình, mỗi việc ông làm đều là kết quả của sự thảo luận - thống nhất, lắng nghe - lĩnh hội với toàn Đảng.

Chúng ta thương tiếc khi ông mất, nhưng di sản vẫn đó và sẽ còn được kế tục - phát triển, tấm gương vẫn đó và sẽ còn được giữ gìn - soi chiếu, thành quả vẫn đó và sẽ còn được nhân rộng - lan tỏa.

Ông đã góp phần khôi phục được niềm tin của dân với Đảng, cũng đã nhắc nhở mọi đảng viên nhận thức lại điều hiển nhiên: Uy tín của Đảng nằm trong niềm tin của dân, sức mạnh của Đảng nằm trong sự ủng hộ của dân.

Tôi tin rằng những cán bộ nào đã từng bị tiền bạc làm mờ mắt, quyền lực làm tha hóa... đến hôm nay đều đã thấm thía trở lại điều đó, đã nhớ lời Tổng bí thư nói: "Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất".

Di sản Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Ảnh 5.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc các buôn, thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (11-2018) - Ảnh: TTXVN

Tất nhiên không giáo dục nào có thể nói suông, nhất là trước lực hút của vật chất, quyền lực. Chúng ta cần pháp luật nghiêm minh làm rào cản, và cần cả những chính sách kiềm chế tham nhũng, khuyến khích liêm chính.

Thời phong kiến xưa, các quan thanh liêm sẽ có được phần thưởng dưỡng liêm của vua ban, vừa đủ thụ hưởng tuổi già và vinh dự cho cả dòng họ, quê hương. Chúng ta không thể kêu gọi cán bộ liêm chính và giữ danh liêm chính ấy trong cảnh nghèo được.

Cần có chính sách để họ được thoải mái tận hưởng sự liêm chính của mình, "không cần tham nhũng" là ở đó.

Và sâu xa hơn nữa là những phương cách giáo dục chân - thiện - mỹ, bồi dưỡng giá trị tinh thần, giá trị làm Người cho thế hệ trẻ, để chúng ta sẽ có nhiều nhiều nữa những cán bộ mang văn hóa vào mỗi công việc của mình, như người cán bộ Nguyễn Phú Trọng khi xưa.

GS.TSKH Vũ Minh Giang (chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội)

Các nước gửi điện, thư chia buồn: Di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi với lịch sửCác nước gửi điện, thư chia buồn: Di sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi với lịch sử

Được tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, các nước đã gửi điện/thư/thông điệp chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp