Di sản Tràng An (Ninh Bình) - Ảnh: NAM TRẦN
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến quan ngại về các Việt Nam bị tác động tiêu cực bởi phát triển du lịch gần đây.
Chẳng hạn, một cây cầu bỗng nhiên mọc lên ngay giữa vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) mà không hề được cấp phép. Dù công trình này đã buộc phải tháo dỡ, nhưng những tổn thương mà nó gây ra đối với cảnh quan, hệ sinh thái di sản khó có thể khắc phục.
Hiện đang có nhiều lời kêu gọi để tạo ra sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Nhưng theo tôi quan sát thấy trên thực tế, hiện Việt Nam đang thiếu các khung pháp lý để làm điều này và các khung pháp lý hiện có vẫn chưa đủ mạnh
TS PETER Larsen
Tiếng nói người dân chưa được lắng nghe đầy đủ
Phát biểu tại chuyên đề về hợp tác công tư trong bảo tồn di sản, PGS.TS Phạm Trương Hoàng, trưởng khoa quản trị du lịch - khách sạn ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết nơi nào có di sản thế giới thì nơi đó phát triển du lịch rất mạnh, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Ví dụ, doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư 17.000 tỉ đồng (khoảng 800 triệu USD) xây dựng khu du lịch ở Tràng An, góp phần tạo ra công ăn việc làm cho 10.000 lao động ở địa phương và đóng góp cho ngân sách đến 6.000 tỉ đồng.
Ông Hoàng cho biết các di sản thế giới của Việt Nam chịu nhiều sức ép ở khu vực lõi di sản vì hầu hết các nhà đầu tư muốn tiếp cận khu vực này.
Cũng phát biểu tại chuyên đề này, TS Peter Larsen (ĐH Lucerne, Thụy Sĩ) cho biết nghiên cứu của ông và ông Phạm Trương Hoàng cũng chỉ ra nhiều thách thức khi phát triển du lịch ở các khu di sản thế giới tại Việt Nam.
Các thách thức này bao gồm các rủi ro về bong bóng bất động sản, bong bóng đầu tư, những sự đầu tư hạ tầng không phù hợp như cây cầu trái phép ở vùng lõi di sản ở khu du lịch Tràng An.
Theo TS Larsen, việc xuất hiện những công trình không thích hợp như cây cầu trái phép ở Tràng An là do tiếng nói của người dân chưa được lắng nghe đầy đủ. "Khi chúng tôi nói chuyện với dân địa phương, họ than phiền rằng người dân ít được tham vấn trong quá trình ra quyết định" - ông Larsen cho biết.
Ông Larsen chia sẻ rằng việc chính quyền Hội An gần đây từ chối dự án cáp treo cho thấy chính quyền địa phương có tiếng nói rất mạnh mẽ trong quá trình ra quyết định. Đây là một ví dụ tốt bởi vì trong quá khứ, có những lúc chính quyền Hội An không thể ra quyết định mà là những cấp cao hơn.
Nuôi dưỡng di sản chứ không chỉ khai thác
Trao đổi bên lề với Tuổi Trẻ, TS Peter Larsen chỉ ra một thực tế rằng những khoản đầu tư hạ tầng lớn vào lĩnh vực du lịch sẽ giúp tăng trưởng thị trường du lịch ở Việt Nam nhưng mặt khác tạo ra một số căng thẳng như làm suy giảm các giá trị của các khu du lịch, đặc biệt là các di sản thế giới ở Việt Nam.
Ông Larsen cho biết có một số kinh nghiệm thú vị trên thế giới, trong đó nhấn mạnh ý kiến không cần xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng lõi di sản.
Đề xuất các giải pháp, ông Phạm Trương Hoàng cho rằng các quá trình quyết định đầu tư, phát triển du lịch ở các khu di sản cần phải minh bạch và cần có sự tham vấn của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần quy định những khu vực không tiếp nhận đầu tư và tiêu chí rõ ràng cho phát triển vùng lõi và vùng đệm. "Chúng ta cần tập trung nuôi dưỡng di sản chứ không chỉ khai thác" - ông Hoàng nhấn mạnh.
Việt Nam có 8 di sản thế giới
Hiện Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh, gồm: 5 di sản văn hóa (quần thể di tích cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ); 2 di sản thiên nhiên (vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng); 1 di sản thế giới hỗn hợp (quần thể danh thắng Tràng An).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận