Lễ viếng nghệ nhân Hoàng Trọng Kha diễn ra chiều 17-2 tại nhà tang lễ Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang chiều cùng ngày, an táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long thông tin với Tuổi Trẻ Online hiện số nghệ nhân ưu tú của di sản hát văn ở ta không nhiều, cụ Hoàng Trọng Kha là một trong số ít ỏi đó, vì thế "tin cụ về trời vẫn làm lòng tôi bâng khuâng và cảm giác hẫng hụt", anh nói.
Theo ông Long, nghệ nhân Hoàng Trọng Kha là một người thực hành nghệ thuật hát văn theo lối cổ.
Nói về nghệ nhân Hoàng Trọng Kha, ông Long nói "cụ Kha đánh đàn rất nề nếp, tuân theo niêm luật và phong cách từng vùng". Ai học cụ đều biết cụ là người thầy rất nghiêm khắc. Cụ dạy học trò bài bản, từ cách ngồi, vắt chân trở đi.
Anh Long kể cuối năm ngoái, cụ Kha đã yếu, không còn chơi được đàn, hát cũng không được, thậm chí nói chuyện cũng khó.
Tuy nhiên khi nói về đàn và hát, về cuộc đời cụ gắn liền với những âm thanh diệu vợi của hát văn, cụ Kha cứ dần tỉnh táo, mặt tươi tỉnh, nói nhiều hơn.
Khi Trịnh Ngọc Minh, một nghệ nhân trẻ, hát "mớm" vài từ là cụ liền hát theo ngay.
Những lần trước ghé thăm cụ Kha, cụ nói chuyện về đàn, hát, truyền nghề. Cụ còn mở những tài liệu hát văn cổ bằng chữ Hán Nôm đọc, dịch nghĩa và giải nghĩa cho những nghệ sĩ trẻ.
"Cụ về trời lại tiếp tục đàn hát dâng tiên thánh. Kính biệt cụ - di sản sống của hát văn", Nguyễn Quang Long nói.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Trọng Kha sinh năm 1923 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.
Cha ông có nghề hát văn, nên từ năm 10 tuổi, ông đã bắt đầu được cha dạy chữ Nho và dạy đàn hát.
Gần cả cuộc đời theo nghề hát văn, cụ đã đi khắp nơi mọi chốn và được vào rất nhiều đền, miếu, phủ để hát.
Tháng 3-2012, cung văn lão thành Hoàng Trọng Kha đã chính thức được Hội Văn nghệ dân gian trao tặng bằng công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận