
Vatican công bố ảnh di hài Giáo hoàng Francis trong quan tài bằng gỗ không đậy nắp, mặc áo choàng đỏ, đội mũ Giáo hoàng, hai tay chắp trước bụng và cầm chuỗi hạt Mân Côi. Tang lễ của Giáo hoàng sẽ diễn ra ngày 26-4 - Ảnh: REUTERS
Giáo hoàng Francis đã đến thăm hơn 60 quốc gia - những nơi ngài được chào đón không chỉ với tư cách là một nhà lãnh đạo tôn giáo mà còn là tiếng nói của hòa bình, vì hòa bình.
Từ Trung Đông đến Ukraine, từ chuyến thăm lịch sử tới Iraq đến hình ảnh biểu tượng quỳ hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan, Giáo hoàng Francis đã không ngừng kêu gọi chấm dứt xung đột và thúc đẩy đối thoại trên toàn cầu.
Ngay cả trong bài phát biểu cuối cùng trước khi qua đời, dù giọng nói yếu ớt, thông điệp của ngài vẫn vang vọng khắp quảng trường Thánh Peter: "Tôi muốn chúng ta cùng nhau làm mới niềm hy vọng rằng hòa bình là có thể!".
Hành trình không mệt mỏi
Trang Vatican News mô tả ngài là "Giáo hoàng của hòa bình" thông qua những lời kêu gọi không mệt mỏi và các chuyến thăm liên tục thể hiện sự gần gũi với những người đang gánh chịu hậu quả của chiến tranh - thảm họa bất công nhất do con người gây ra.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ca ngợi Giáo hoàng là "sứ giả của niềm hy vọng, sự khiêm nhường và lòng nhân đạo", đồng thời đánh giá "Ngài là tiếng nói vượt lên mọi ranh giới vì hòa bình, nhân phẩm và công bằng xã hội.
Ngài để lại di sản đức tin, sự phục vụ và lòng trắc ẩn dành cho tất cả, đặc biệt là những người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống hoặc mắc kẹt trong nỗi kinh hoàng của xung đột".
Từ những ngày đầu và trong suốt thời gian tại vị, ngài đã dẫn dắt phong trào Công giáo toàn cầu kêu gọi hòa bình. Qua lời nói và hành động, ngài thể hiện niềm tin không lay chuyển vào sức mạnh của hòa giải, tầm quan trọng của đối thoại và sự cấp thiết của việc chấm dứt bạo lực.
Dù Vatican duy trì vị thế trung lập trong các cuộc xung đột kể từ Hiệp ước Lateran năm 1929, và chỉ có thể làm trung gian hòa giải khi cả hai bên yêu cầu, Giáo hoàng vẫn không ngừng cầu nguyện và lên tiếng cho hòa bình tại những điểm nóng như Ukraine, Dải Gaza, Lebanon, Myanmar, Sudan và Congo.
Lời nói đi đôi việc làm
Trong bài phát biểu lễ Phục sinh cuối cùng trước khi qua đời, Giáo hoàng Francis một lần nữa kêu gọi hòa bình cho Dải Gaza, Syria, Lebanon và Yemen. Kể từ khi xung đột bùng phát ở Gaza vào tháng 10-2023, ngài đặc biệt quan tâm đến tình hình tại đây, thậm chí gọi điện hằng ngày cho nhà thờ Công giáo duy nhất ở Gaza, như chia sẻ của ngài trên Đài CBS vào tháng 5-2024.
Nhiều chuyến đi của Giáo hoàng Francis đã dành cho sứ mệnh hòa bình. Tháng 3-2021, ngài đi vào lịch sử khi trở thành giáo hoàng đầu tiên thăm Iraq. Cuộc gặp với Đại Giáo trưởng Hồi giáo Shiite Ali Al-Sistani tại Najaf (Iraq) thể hiện sức mạnh của đối thoại giữa các tôn giáo và sự tôn trọng lẫn nhau.
Ngài từng nói: "Hòa bình không yêu cầu người thắng kẻ thua, mà là các anh chị em, dù còn những hiểu lầm và vết thương quá khứ, vẫn chọn con đường đối thoại".
Khoảnh khắc biểu tượng nhất trong thời gian tại vị của giáo hoàng diễn ra vào tháng 4-2019, khi ngài quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo Nam Sudan đang mắc kẹt trong cuộc nội chiến. Với lòng khiêm nhường, ngài hôn chân Tổng thống Salva Kiir và đối thủ chính trị Riek Machar, khẩn thiết kêu gọi họ hạ vũ khí và theo đuổi hòa bình.
Trong chuyến thăm Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) vào tháng 11-2019, Giáo hoàng mạnh mẽ lên án vũ khí hạt nhân: "Việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích chiến tranh là vô đạo đức. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng vậy".
Gần đây nhất, tháng 9-2024, ngài đến thăm Timor-Leste - quốc gia trẻ đã trải qua cuộc đấu tranh lâu dài giành độc lập. Sự hiện diện của ngài là dấu hiệu mạnh mẽ về sự gần gũi với quốc gia có tỉ lệ người Công giáo cao nhất thế giới, nơi vẫn đang hàn gắn vết thương quá khứ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola chia sẻ: "Nụ cười lan tỏa của ngài đã chiếm được trái tim hàng triệu người trên toàn cầu. "Giáo hoàng của nhân dân" sẽ được nhớ đến vì tình yêu dành cho cuộc sống, hy vọng cho hòa bình, lòng trắc ẩn đối với bình đẳng và công lý xã hội".
Các ứng viên hàng đầu
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21-4, Giáo hội Công giáo đang chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp quan trọng.
Hồng y Luis Antonio Tagle (Philippines, 67 tuổi) nổi lên như ứng viên mạnh có thể tiếp tục chương trình nghị sự tiến bộ của Giáo hoàng Francis.
Hồng y Pietro Parolin (Ý, 70 tuổi), một trong những chức sắc Vatican giàu kinh nghiệm nhất, cũng là lựa chọn sáng giá.
Các nhân vật đáng chú ý khác bao gồm: Peter Turkson (Ghana), Peter Erdo (Hungary), Angelo Scola (Ý) và Jean-Marc Aveline (Pháp).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận