Nhân sự kiện này, chúng ta cùng nhìn lại những di sản lớn nhất của bà Thái, người phụ nữ được phương Tây đánh giá là "quyền lực nhất trong thế giới Hoa ngữ" và đã góp phần tạo nên sự ổn định, thịnh vượng cho Đài Loan trong suốt những năm tại nhiệm.
Dấu ấn sâu sắc
Bà Thái Anh Văn là nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, nhưng không giống các nữ lãnh đạo khác ở châu Á như bà Bhutto của Pakistan hay bà Aung San Suu Kyi của Myanmar, bà Thái không xuất thân từ một gia đình chính trị.
Cú rẽ ngang từ giáo sư dạy luật ở đại học thành một chính trị gia đưa bà Thái trở thành người phụ nữ được nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng đầy tranh cãi ở hòn đảo Đài Loan cũng như ở Trung Quốc đại lục.
Bà Thái là con út trong gia đình có 11 người con ở một ngôi làng ven biển phía nam Đài Loan, với cha là người Khách Gia (Hakka) và mẹ là người Đài Loan. Yếu tố nguồn gốc này được coi là một trong những ưu thế giúp bà gắn kết với những người ủng hộ, đặc biệt là những người ủng hộ bản sắc của Đài Loan.
Bà gia nhập Đảng Dân tiến (DPP) năm 2004 và nhanh chóng trở thành chủ tịch đảng này 4 năm sau đó khi DPP thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử nhà lãnh đạo Đài Loan. Nỗ lực tranh cử đầu tiên của bà thất bại vào năm 2012 nhưng 4 năm sau, bà đắc cử.
Bà tự mô tả mình là người thích đi dọc theo tường để tránh sự chú ý và mô tả sự thăng tiến nhanh chóng của mình trong chính trường là một sự sắp đặt "tình cờ của cuộc đời".
Dù được đánh giá như thế nào thì các chính sách của bà Thái đã định hình tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của hòn đảo sâu sắc. Việc biến Đài Loan thành xã hội châu Á đầu tiên công nhận hôn nhân đồng tính hợp pháp được cử tri trẻ cũng như thế giới phương Tây ca ngợi nhưng cũng gây nhiều tranh cãi ở vùng lãnh thổ này.
Nhiệm kỳ đầu tiên của bà Thái cũng chứng kiến nhiều cải cách như tăng lương tối thiểu, cải thiện các dịch vụ công ích, bao gồm chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già và nhà ở xã hội.
Chính quyền của bà Thái tập trung vào việc đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng xanh, Internet vạn vật (IoT), y sinh và quốc phòng. Những chính sách này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Đài Loan vào sản xuất chất bán dẫn và mang lại cơ hội việc làm mới.
Kinh tế Đài Loan cũng chứng kiến sự tăng trưởng đáng chú ý dưới sự lãnh đạo của bà Thái. Một báo cáo chính thức vào ngày 16-5 vừa qua cho biết kinh tế Đài Loan tăng trưởng trung bình 3,15% mỗi năm trong 8 năm nhiệm kỳ của bà Thái, vượt trội so với ba "con rồng châu Á" khác là Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong.
Quy mô nền kinh tế tăng từ 17.500 tỉ Đài tệ lên hơn 23.000 tỉ Đài tệ (từ 565 lên 742,5 tỉ USD), với khả năng cạnh tranh của Đài Loan leo thang trong bảng xếp hạng toàn cầu. Trong năm 2023, Đài Loan được nhiều tổ chức quốc tế xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 20 trên thế giới.
Di sản lớn nhất
Tuy nhiên, hai nhiệm kỳ của bà Thái không phải không có những chỉ trích và thách thức. Nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh bị cáo buộc suýt gây ra tình trạng thiếu điện ở hòn đảo.
Ngoài ra, việc quản lý mối quan hệ hai bên bờ eo biển đặc biệt khó khăn khi Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan và gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Trong nhiệm kỳ của bà Thái, các kênh liên lạc chính thức với Trung Quốc đã bị cắt đứt, cho thấy mối quan hệ đang xấu đi.
Bà Thái đã nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc kinh tế của Đài Loan vào Trung Quốc bằng cách hướng tới nhiều đối tác thương mại hơn, được thể hiện rõ qua các sáng kiến như "Chính sách hướng nam mới", nhằm tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và các khu vực khác.
Nhưng có vẻ như "cơn đau đầu" lớn nhất của bà - Trung Quốc - lại chính là điều giúp bà giành chiến thắng quyết định thêm 4 năm cầm quyền trong cuộc bầu cử tháng 1-2020 khi các cử tri Đài Loan nhìn vào những gì đang xảy ra ở Hong Kong vào năm 2019 với luật an ninh mới.
Dù vậy nhiệm kỳ thứ hai đã chứng kiến bà Thái phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Vào tháng 11-2022, bà từ chức chủ tịch đảng sau khi DPP nhận kết quả không tốt trong các cuộc bầu cử địa phương.
Ngoài ra, bà Thái cũng gặp nhiều may mắn khi trong cả hai nhiệm kỳ của bà, chính quyền Mỹ ngày càng thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại lợi thế bất ngờ cho Đài Loan khi nền kinh tế hòn đảo đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và điện tử.
Một trong những di sản chính trị lớn nhất của bà là đã để lại nền tảng cho DPP tiếp tục lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan trong nhiệm kỳ tiếp. Đây là một chiến thắng lịch sử nhưng chặng đường phía trước vẫn đầy cam go đối với hòn đảo này cũng như khu vực eo biển Đài Loan.
Thách thức với người kế nhiệm
Ngày 20-5, ông Lại Thanh Đức sẽ tuyên thệ nhậm chức, trở thành tân lãnh đạo của Đài Loan. Nhiệm vụ chính của ông Lại trong 4 năm tới sẽ là cải thiện cuộc sống và đáp ứng sự kỳ vọng của thế hệ cử tri trẻ.
Tuy nhiên, để làm vậy ông Lại sẽ cần thúc đẩy các cải cách kinh tế và xã hội thông qua cơ quan lập pháp đang bị chia rẽ của Đài Loan khi DPP không chiếm đa số ghế.
Ông Lại cũng cần đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các thách thức năng lượng và củng cố lĩnh vực công nghệ của Đài Loan trong một thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh. Ngoài ra, quản lý mối quan hệ giữa hai bờ eo biển với Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông Lại Thanh Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận