09/10/2013 10:17 GMT+7

Di sản chầu văn: nhiều người quan tâm

N.M.HÀ
N.M.HÀ

TT - Nhiều vấn đề từng được coi là nhạy cảm đã được thẳng thắn đặt ra tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị của nghi lễ chầu văn trong đời sống xã hội đương đại”.

8tIEB5k8.jpgPhóng to
Rạp Công Nhân trở thành điện phủ cho các thanh đồng Hà Nội tiêu biểu hành lễ - Ảnh: N.M.Hà

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần thứ nhất do Sở VH-TT&DL Hà Nội tổ chức, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân và đông đảo người dân.

Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội diễn ra hai đợt (từ ngày 25 đến 30-9 tại bốn đền lớn và từ ngày 4 đến 5-10 tại rạp Công Nhân) thu hút khán giả đến xem chật cứng. Liên hoan được tổ chức để thực hiện chủ trương của Bộ VH-TT&DL về kiểm kê, lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận nghi lễ chầu văn của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trình UNESCO công nhận nghi lễ chầu văn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy vậy, ngay ở cái tên của liên hoan và tên của tọa đàm, cụm từ “nghi lễ chầu văn” bị GS Tô Ngọc Thanh phản đối: “Chầu văn là một tín ngưỡng, một niềm tin vào một vũ trụ. Tại sao lại gọi là nghi lễ? Nghi lễ chỉ là một hành động, thắp hương cũng gọi là nghi lễ. Tôi đề nghị gọi là “tín ngưỡng thờ Mẫu”. Nếu không xin cứ để chầu văn. Nhân dân đã tóm lược tất cả vào trong từ đó rồi”.

Tại tọa đàm, quan thầy chủ nhang Nguyễn Thị Bích Loan chia sẻ: “Không như đạo Phật vốn có hệ thống kinh sách rất phong phú, đạo Mẫu không có nhiều tài liệu cho lắm, những phép tắc hành đạo thì lại càng hiếm hoi”. Bà Loan cho rằng sự thiếu hụt đó dẫn đến sự lệch lạc trong quá trình thực hành tín ngưỡng (mà bà gọi là “tu hành”): “Có người tín quá hóa cuồng tín, có kẻ thì chẳng tín cũng ra hầu lại hóa ra đồng đua, đồng đú. Một bộ phận không nhỏ vì còn bán tín bán nghi không hiểu luật nhân quả, nên khi thấy ra hầu thánh rồi mà những điều mình mong ước chưa thành hiện thực thì quay lại trách móc thánh. Ví dụ: “Hầu như thế mà chẳng thấy lộc đâu” hay “hầu như thế mà không thăng quan tiến chức”. Bà kết luận đã đến lúc cần đưa ra một bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về sứ mệnh của thanh đồng, phép tắc hầu thánh, và bà kêu gọi sự hợp tác chấp bút của các nhà nghiên cứu.

Vậy nhưng TS Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng Dân tộc học, làm luận án tiến sĩ về hầu đồng ở Trung Quốc) lại khẳng định những tài liệu đó có cả, chẳng qua do các ông bà đồng không biết Hán Nôm không đọc được. Tuy nhiên những tài liệu này lại được lưu trữ bởi tộc người Kinh (chiếm 23 vạn người) ở Trung Quốc. Hiện nay, một số nghệ nhân người Kinh (chơi đàn hoặc làm thầy cúng) được nhà nước Trung Quốc công nhận hằng tháng được cấp 3.000 tệ, tương đương 11 triệu đồng VN.

TS Lưu Minh Trị - chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - cho rằng: “Cần sớm có văn bản pháp luật về quản lý đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, tiến tới công nhận đạo Mẫu là một tôn giáo”. Ở góc độ khác, TS Lê Thị Minh Lý phát biểu: “Đừng nghĩ rằng Nhà nước có thể quản lý tất cả. Chúng ta hãy để cho di sản phát triển bình thường, tự nhiên như nó vốn có. Đừng nghĩ xin Nhà nước một khoản tiền rồi chia lại cho cộng đồng. Theo kiểu đó chúng ta đã thất bại trong rất nhiều việc rồi”.

Bà Lý chia sẻ những kinh nghiệm bảo tồn của Hàn Quốc đối với một tín ngưỡng tương tự. Tín ngưỡng này ở Hàn Quốc phát triển và được công nhận như một dịch vụ tâm linh. Cộng đồng thực hành tín ngưỡng được nhà nước Hàn Quốc tạo điều kiện để kết nối, sinh hoạt thường xuyên với sự tham gia của nhà nghiên cứu, quản lý để nâng cao nhận thức, giúp họ loại trừ những lệch lạc trong thực hành có khả năng ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. TS Minh Lý khẳng định: “Tại các cuộc hội thảo quốc tế, người ta đều thống nhất với nhau rằng hình thức lên đồng (shaman) là di sản của châu Á cần bảo vệ”.

N.M.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp