27/09/2015 09:33 GMT+7

“Dị nhân” 
Hà Trần

TT - 11 năm định cư tại Mỹ, nhiều người vẫn nghĩ Trần Thu Hà (Hà Trần) sẽ lại như nhiều ca sĩ định cư tại nước ngoài khác, ép mình vào những dòng nhạc xưa cũ để phục vụ cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

Hà Trần được chờ đợi với những dự án âm nhạc sắp tới. Ảnh: Gia Tiến

Nhưng không, Hà Trần vẫn rất “nguyên bản” với những dự án âm nhạc sắp tới của mình.

Khi hé lộ “dự án thập kỷ” mang tên Bản nguyên tại Monsoon Music Festival năm ngoái (tháng 10-2014), Hà Trần đã làm những người hâm mộ cô đứng ngồi không yên. Tưởng đâu sẽ sớm được nghe những tác phẩm bùng nổ, hứa hẹn nhiều tranh cãi như Nhật thực một thời, ai dè... đến nay Bản nguyên vẫn chưa chính thức ra mắt. Thay vào đó là một môtip âm nhạc đã được thực hiện từ chục năm trước: Trần gia nhã nhạc.

Chuyện của Trần gia

Trần gia nhã nhạc có thể tạm hiểu là một thương hiệu âm nhạc của gia đình nhà họ Trần. Trong đó, NSND Trần Hiếu, Trần Tiến và Trần Thu Hà là bộ “kiềng ba chân” của chương trình.

Ở Trần gia nhã nhạc, chỉ có những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, được chính ông hoặc anh trai ông - NSND Trần Hiếu và cô cháu gái Hà Trần thể hiện. “Thương hiệu” này đến ngẫu hứng bởi chính nhạc sĩ Trần Tiến, trong một chương trình biểu diễn nhỏ tại TP.HCM của ba nghệ sĩ họ Trần từ năm 2007. Và thật bất ngờ, sau gần 10 năm, nó đã trở lại quy mô hơn với một đêm diễn vào tối 3-10 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Vui thay, theo thời gian, Trần gia đã có thêm nhiều hơn các nghệ sĩ ruột thịt và thân thiết với gia đình âm nhạc này. Đó là nhà sản xuất âm nhạc Trần Thanh Phương (em trai chị dâu của Hà Trần), cháu nội của nghệ sĩ Trần Hiếu - bé Trần Hoàng Hà (17 tuổi), con gái nhạc sĩ Thanh Phương - bé Trần My Anh (14 tuổi)...

Đội ngũ Trần gia ngày càng hùng hậu đó đã khiến nhạc sĩ Trần Tiến hào hứng: “Ba thế hệ trong gia đình chúng tôi có chung một mã gen nào đó, chỉ khác nhau ở hoàn cảnh xã hội, địa dư, tuổi tác và kinh nghiệm. Và như thế mới bổ sung cho nhau”.

Nói về live concert Trần gia nhã nhạc sắp tới, ca sĩ Hà Trần thổ lộ:

“Từ cuối năm ngoái, tôi đã tính làm live show cá nhân trong năm nay. Tuy nhiên, tôi thấy cần thiết lúc này là đưa ra Trần gia nhã nhạc chứ không phải là một chương trình riêng cho mình. Tôi muốn được hát với bố tôi và chú tôi.

Thú thật, năm ngoái bố tôi đã có giai đoạn nằm viện, tới mức chú tôi sốc và viết một bài trên báo Tuổi Trẻ làm tôi ở Mỹ đọc xong phải giật mình. Giờ sức khỏe bố tôi đã tốt trở lại, có thể hát hay nên tôi muốn làm những đêm nhạc dành cho các cụ.

Tôi không biết trong thời gian tới, trong những năm bố tôi còn khỏe, tôi có thể làm bao nhiêu lần Trần gia nhã nhạc nữa nhưng chương trình này sẽ là câu chuyện đầu tiên với chủ đề “Chuyện phố bên sông”, câu chuyện về gia đình tôi, những người đã lớn lên từ con phố ven sông Hồng.

Trong đó, thế hệ của bố tôi - chú tôi là nhân vật chính. Tôi chỉ là người kể chuyện chung, chứ không phải là một người chứng kiến như họ”.

Trong khi đó, NSND Trần Hiếu vui mừng:

“Tôi đi hát từ những năm 1945, thuộc lớp đầu tiên tham gia phong trào của đội Thiếu nhi Tháng Tám. Cất tiếng hát từ năm 9 tuổi, nay gần 80, tôi đã có 70 năm ca hát chủ yếu tại Hà Nội. Tôi không còn sống ở Hà Nội đã 14 năm rồi.

Thi thoảng có về hát khoảng hai, ba bài cho một chương trình. Nhưng lần này sẽ hát đến sáu, bảy bài, toàn là những bài về phố Ngõ Gạch bên dòng sông Hồng - nơi anh em chúng tôi lớn lên”.

Và “Chuyện phố bên sông” đó là chuyện của một gia đình nghệ sĩ Hà Nội, đã trải qua không biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Tất cả đều được nhạc sĩ Trần Tiến ghi lại bằng âm nhạc với hình ảnh và cảm xúc chân thực nhất nhưng vẫn không thể không hào hoa, kiêu bạc.

Nhiều ca khúc từng được hai chú cháu Trần Tiến - Trần Thu Hà ghi âm chung trong album Tự họa - Chuyện phố bên sông (PNF phát hành năm 1999), rất được yêu thích nhưng phần lớn chưa được trình diễn nhiều trên sân khấu.

Album đã bắt đầu bằng giọng kể không lẫn vào đâu được của chính nhạc sĩ Trần Tiến: “Chuyện bắt đầu từ một con phố bên sông, chảy quanh kinh thành cổ. Hà Nội ngày ấy trên bến dưới thuyền...”.

Và những lát cắt rất nhỏ, rất riêng “trên bến dưới thuyền” dần hiện ra qua hình ảnh của con phố nghèo mờ sương, của người thiếu nữ mang tên loài hoa trong mắt kẻ lãng du, hay mối tình đơn phương của cậu học trò... Tất cả như những thước phim đen trắng được tua lại về Hà Nội ngày còn nhiều mơ mộng.

Khi thực hiện album này, nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự: “30 năm du ca, một lần trở về thăm phố cũ, tôi bỗng thấy mình cần tạm dừng bước lãng du để thực hiện một số đĩa nhạc, dẫu đã muộn cũng ghi lại đôi nét ký họa về những con đường đã đi qua, những người đã gặp và đã đi chung cuộc hành trình qua cõi đời ngắn ngủi này”.

Hơn 15 năm sau, chính Hà Trần cũng thấy mình cần “tạm dừng bước lãng du”, tạm gác lại những sáng tạo mang tính đương đại, để tiếp tục nối dài những đêm nhạc đậm chất Trần gia.

“Tôi muốn đây sẽ là chương trình thường niên. Bố tôi đã 79 tuổi và chú Tiến cũng đã 68, cái tuổi khó biết là sẽ có thể đứng trên sân khấu bao nhiêu lần nữa. Nhưng những sáng tác của chú Tiến rất nhiều, dư sức làm Trần gia nhã nhạc hơn chục năm.

Và những người trẻ hát nhạc chú Tiến hay cũng rất nhiều. Lần này chúng tôi có thêm Trần Hoàng Hà, Trần My Anh, Uyên Linh, Tấn Minh. Và chắc chắn danh sách này sẽ còn được nối dài nữa...” - Hà Trần nói.

Hà Trần.

Bên ngoài dòng chảy showbiz

Ngoài Trần gia nhã nhạc, gia sản dòng họ mà Hà Trần khư khư giữ là “cái mũi sư tử”. Dù ngay từ khi mới xuất hiện, không ít người đã xui cô thẩm mỹ cái mũi để trông xinh hơn, dễ “chói lòa” hơn trong giới showbiz nhưng mới đây cô vẫn thông báo trên Facebook là: “Mình bằng lòng với “gia sản dòng họ”.

Gái giống cha mũi sư tử, xấu mà giàu!”. Trong suốt hành trình nghệ thuật gần 20 năm qua, “cứ là mình” đã là một triết lý sống, một thái độ nghề nghiệp của Hà Trần. Và cô sẽ một lần nữa khẳng định điều đó trong gói sản phẩm đa phương tiện mang tên Bản nguyên vào cuối năm nay.

Cùng với những người bạn đồng chí hướng là Dominik Nghĩa Đỗ, Hoàng Quân, nhà sản xuất âm nhạc Thanh Phương và art director Đỗ Đăng Thường, Hà Trần đã theo đuổi một quy trình sản xuất khá ngược đời cho dự án này suốt chín năm qua.

Thông thường, ca sĩ sẽ ra album sau đó mới đi tour và giới thiệu những ca khúc trong đó. Nhưng Hà Trần lại đem những tác phẩm mới, đong đếm sự đón nhận của công chúng tại các lễ hội âm nhạc như Monsoon Music Festival, Rock Storm... trước rồi mới dần dà hoàn thiện album. Tất cả quá trình đó đều được cô ghi hình phim tư liệu và chia sẻ trên kênh YouTube riêng.

Trái khoáy vậy nên Hà cũng tự nhận dự án này là “ngôi nhà mời gọi sự hội tụ của các dị nhân”. Cô chia sẻ: “Điều khiến tôi luôn tự hào là đã có một lượng người hâm mộ tuy không quá lớn nhưng đều là những “dị nhân” (cách nói của Hà về những người bạn, người hâm mộ ruột của mình), phần lớn làm trong các ngành nghề thiên về sáng tạo, nghệ thuật... Họ ủng hộ tôi, dõi theo tôi, sẵn sàng cùng tôi sáng tạo”.

Và đã có không ít “dị nhân” hiện hình trong Bản nguyên của Hà Trần, khiến nó trở thành một dự án tương tác nghệ thuật đa phương tiện, đa hình thù. Lạ lùng hơn khi album Bản nguyên, sản phẩm “cốt lõi” của dự án còn chưa chính thức “lên kệ”, đã có những sản phẩm sáng tạo cùng tên được thực hiện.

Sản phẩm đầu tiên cũng đã được công bố hôm 29-8: Game âm nhạc BẢN NGUYÊN Journey. Với sản phẩm này, Hà Trần đã là nghệ sĩ VN đầu tiên đưa âm nhạc của mình vào đồ họa tương tác kỹ thuật số - điều mà chắc chắn chỉ có “dị nhân” như Hà Trần mới nghĩ ra và dám làm.

“Khi album ra mắt, ngoài một tour diễn, chúng tôi sẽ còn có rất nhiều “bản nguyên” khác dành tặng mọi người như: truyện tranh, phim hoạt hình, video art, pop art...” - Hà Trần “bật mí”.

Các sản phẩm âm nhạc của Hà Trần thường mang tính tiên phong và có đời sống dài lâu trong làng nhạc Việt. Em về tinh khôi (1999), Bài tình cho giai nhân (2000), Nhật thực (2002), Thanh Lam - Hà Trần (2004), Hà Trần 98-03 (2005), Đối thoại 06 (2006), Tình ca qua thế kỷ (2007), Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta (cùng Đỗ Bảo, 2013), Tình ca qua thế kỷ, vol 2 (2014) đều là những đĩa hát ít nhiều gây ngạc nhiên và đáng nhớ.

Vì sao vậy? Vì, “Tôi rất sợ một lúc nào đó mình sẽ không còn gây được ngạc nhiên cho khán giả, hay nói cách khác là không còn gì để khám phá” - Hà Trần nói thế.

QUỲNH NGUYỄN ([email protected])

Bộ ba Trần gia danh tiếng: Trần Hiếu, Trần Tiến và Trần Thu Hà - Ảnh: T.T.D.

Trần gia thì thầm Chuyện phố bên sông

Chuyện phố bên sông của Trần gia nhã nhạc sẽ diễn ra tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội lúc 20g ngày 3-10. Hát nhạc Trần Tiến, NSND Trần Hiếu sẽ hát Ngẫu hứng phố, Cô bé vô tư... Hà Trần chọn hát lại những ca khúc đã thân quen như Dòng sông mùa thu, Phố nghèo, Vô tình...

Đặc biệt đây là lần đầu tiên nhạc sĩ Trần Tiến sẽ giới thiệu ca khúc chưa từng trình làng mang tên Ngũ sắc biển và một số bài Ra ngõ trích trong Tổ khúc Ra ngõ cuối thế kỷ (gồm 43 khúc Ra ngõ) cũng sẽ lần đầu được chính nhạc sĩ thể hiện.

Ngoài ba nhân vật chính, chương trình sẽ có hai khách mời đặc biệt, nằm trong số ít những ca sĩ hát nhạc Trần Tiến hay nhất là Tấn Minh và ca sĩ trẻ Uyên Linh.

Khán giả quan tâm và yêu thích chương trình có thể xem thêm thông tin tại website mediamax.com.vn.

MINH TRANG

* Xem thêm chân dung Hà Trần:

11 năm định cư tại Mỹ, Hà Trần vẫn hướng về VN với những buổi trình diễn âm nhạc.
Hà Trần trong phòng ghi âm
Giọng ca Hà Trần vẫn được công chúng VN trông đợi
Một chân dung đen trắng của Hà Trần.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp