24/08/2017 11:06 GMT+7

Đi nhà trẻ lúc 0h

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Phải ra lô cạo mủ, nên ​những người cha, người mẹ công nhân cao su của Công ty 78 ở thôn Ia Rên, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum phải lầm lũi địu con đến nhà trẻ lúc nửa đêm.

Cô giáo Lê Thị Hồng (trái) và cô Cầm Thị Nguyệt (phải) đón các cháu từ mẹ lúc chưa tới 1h sáng - Ảnh: My Lăng

0h30. Cơn mưa đêm Tây nguyên vừa dứt. Con đường đến nhà trẻ của đội sản xuất số 5 thuộc Công ty 78 (Đoàn kinh tế quốc phòng 78 - binh đoàn 15) ở thôn Ia Rên, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum lầy lội, trơn trượt, thấp thoáng những bóng người lầm lũi địu con trước ngực.

Đó là những người cha, người mẹ ở Mô Rai đưa con đến nhà trẻ. Họ là công nhân cao su của Công ty 78. Vì phải ra lô cạo mủ từ nửa đêm nên những đứa trẻ được cha mẹ đưa đến lớp giờ này.  

Hôm nay là ca trực của cô giáo Cầm Thị Nguyệt và cô Lê Thị Hồng (tổ trưởng của nhà trẻ đội 5). Cô Hồng lên trường ngủ đợi đón các cháu từ 20h tối đêm trước.

Lớp mẫu giáo trong rừng cao su

Đêm giữa rừng cao su ở Tây Nguyên quá tĩnh lặng. Cái lạnh của đêm sau cơn mưa, của sương khuya phả vào người. Nhà trẻ của đội sản xuất số 5 (trường mầm non Công ty 78) lúc này cũng đã sáng đèn.

Ánh sáng vàng vọt từ một bóng đèn chỉ đủ soi sáng khu vực phía hiên trước sân của điểm trường. Lớp học có hai phòng ngủ. Cánh cửa hé mở, ánh sáng hắt vào bên trong phòng đủ để nhìn thấy ba chiếc võng, mấy tấm nệm và những chiếc màn vừa được các cô giáo giăng sẵn để đón các cháu.

0h45. Tiếng chó sủa râm ran. Sau tán lá, trong thứ ánh sáng bị màn đêm đen đặc trùm lên, những bóng người lặng lẽ tiến lại gần. Đó là các ông bố, bà mẹ. Họ đi rất khẽ, tránh làm con thức giấc.

Người đầu tiên đến là vợ chồng anh A Thuân, người dân tộc Jarai, địu hai cậu con trai sinh đôi tên A Du, A Dân mới 3 tuổi. Cô Hồng nhẹ nhàng giúp anh A Thuân cởi cái khăn choàng để ẵm A Du. Cậu bé vẫn ngủ ngon lành. A Thuân đưa cho cô bình sữa rồi lẳng lặng về, chuẩn bị đồ ra lô cao su.

Rồi lục tục những ông bố, bà mẹ khác đến. A Đam - 2 tuổi, con của A Đoang - mếu máo khóc, cứ ôm chặt cổ cha. Cả cha, cả cô phải dỗ một hồi A Đam mới nín khóc.

Càng lúc, phụ huynh đến đông dần. Có bé ở nhà xa, cha mẹ phải chạy xe máy đến, quấn con kín mít bởi đêm Tây Nguyên cái lạnh xói vào xương.

Hai cô giáo tất tả vừa đón vừa dỗ các cháu nín khóc rồi ẵm vào phòng cho các bé ngủ. Vất vả nhất là đón các bé dưới 1 tuổi, như A Thuyền. Rời mẹ, A Thuyền mắt ngấn nước. Cô Nguyệt dịu dàng lau nước mắt, khe khẽ dỗ dành và đẩy võng ru cậu nhóc.

Bên ngoài, một mình cô Hồng tất tả. Rồi lúc cô Hồng ru cháu ngủ, cô Nguyệt lại tất tả.

Những bé ở gần còn đỡ, như bé A Đam - con của chị Y Hoăn (21 tuổi) - mới khổ. Vợ chồng Y Hoăn ở làng G’Rập, cách công ty 20km. Bố mẹ Y Hoăn đã hơn 80 tuổi nên không thể trông cháu.

“2h vợ chồng mình phải cạo mủ rồi. Cạo càng sớm mủ càng nhiều. A Đam nhỏ quá, để ở nhà một mình lo lắm. Mang ra lô thì không được. Khi vợ chồng mình dậy là con cũng phải dậy cùng. Gần 1h mình đưa con đi gửi cô rồi.

Con mình ngoan lắm. Lúc mình ôm con dậy nó cứ ngủ trên vai mẹ. Đến khi đưa cho cô nó vẫn ngủ. Không bao giờ quấy khóc” - Y Hoăn thì thào.

1h30. Các ông bố, bà mẹ vẫn lẳng lặng đến, lẳng lặng gửi con cho các cô giáo, rồi lẳng lặng đi.

Đuổi muỗi cả đêm cho cháu ngủ

Khoảng 2h-2h30 việc đón các cháu đã xong. Giờ đến phần việc các cô ngồi ru võng cho các cháu ngủ. Các cháu dưới 1 tuổi thì nằm võng. Cô phải ru võng cả đêm để tránh muỗi. Còn các cháu lớn trên 2 tuổi thì nằm sập. Đứa nào cũng đòi nằm gần cô, ôm cô.

Lớp có các cháu người Kinh cùng các bạn người dân tộc thiểu số và nhiều độ tuổi khác nhau nên phải ghép lớp.

Cô Cầm Thị Nguyệt cho biết: “Đội có 9 dân tộc thiểu số và lượng công nhân người dân tộc thiểu số chiếm gần 40%. Các cháu chưa thạo tiếng Kinh. Cháu nào ít nói thì cô phải giao tiếp nhiều để cháu chịu nói. Về nhà bố mẹ cứ nói tiếng của họ nên khi lên lớp dạy vất vả lắm”.

Cô Nguyệt nói các cô ở đây thương các cháu thiệt thòi, bởi đêm nào cũng phải thức giấc giữa chừng.

“Con người ta sáng mặt trời lên mới đi lớp, còn ở đây phải theo mẹ đi đêm khi có hồi kẻng. Các cô thương các cháu lắm. Các cháu lớn thì cô còn nịnh còn dỗ được. Các cháu nhỏ thì khóc dai, các cô phải ngồi ru võng cho đến sáng. Có cháu không được bú mẹ, khóc, cô nào đang có con cho cháu bú nhờ. Thương lắm”.

Ở đây, các cháu từ 18 tháng tuổi trở lên ăn bán trú ngày hai bữa: bữa trưa và bữa xế. Tiền ăn thì 15.000 đồng/ngày, cha mẹ đóng góp. Các cô và các hộ gia đình cùng làm vườn, trồng rau cho các cháu có rau sạch ăn, đảm bảo sức khỏe. Mỗi hộ góp một con gà, các cô nuôi.

Khi nấu cháo dinh dưỡng cho các cháu, các cô mời cha mẹ các cháu vào cùng làm gà. Một tháng nấu cháo hai lần, mỗi lần thịt ba con. Ngày nào nấu cháo cha mẹ không phải đóng 15.000 đồng.

Đưa con trai A Vư mới 3 tuổi đến, chị Y Ven (24 tuổi) nựng nịu trước khi trao cho cô, nói A Vư là đứa bé ngoan. Có khi chiều mẹ đến đón còn không chịu về vì ham chơi.

“Cô giáo thương A Vư như con. Đi nhà mẫu giáo nó nhanh nhẹn hơn, đang tập nói tiếng Kinh. Giờ biết kêu ba mẹ bằng tiếng Kinh được rồi” - chị trìu mến.

Tây Nguyên sương đêm bảng lảng và gió lùa hun hun. Nhưng từ nhà trẻ của đội sản xuất số 5 chìm khuất trong rừng cao su bạt ngàn vẫn nồng nàn hơi ấm tình thương.

Chia sẻ với công nhân

Thiếu tá Nguyễn Hồng Lam, giám đốc Công ty 78, cho biết nhà trẻ đặc biệt này ra đời năm 2006.

“Chúng tôi chia sẻ với người lao động. Công nhân nhiều người ở xa đến, có người ở tận miền Bắc, cho nên mới có những lớp mẫu giáo từ nửa đêm cho công nhân mang con đến gửi cô rồi yên tâm đi làm”.

Nhà trẻ của đội có 7 cô giáo, thay phiên nhau trực đêm. Bình thường chỉ 1 cô. Hôm nào đông thì 2 cô. Cô Lê Thị Hồng cho biết đội có 85 hộ gia đình, có 69 cháu học mẫu giáo. Một đêm có khoảng 15-20 cháu đến lớp sau 0h.

Các cháu ở đây phải đi nhà trẻ rất sớm, có cháu 6 tháng tuổi đã được gửi.

Ăn sáng xong lại đến lớp

Các cháu chơi đùa trong lúc cha mẹ đi cạo mủ - Ảnh: My Lăng

7h sáng, mặt trời lên, các ông bố bà mẹ đã cạo mủ xong, ghé lại đón con về nhà, cho ăn sáng. Ăn xong lại mang con ra nhà mẫu giáo gửi, rồi đi bóc mủ tạp, trút mủ, làm cỏ... đến 17h-18h mới đón con về. Bé nào nhà xa được cha mẹ cho ăn tại chỗ.

Đang thì thầm nói chuyện với phóng viên, nghe tiếng ho, cô Hồng quay sang cô Nguyệt thì thào: “Em vào xem giúp chị đứa nào ho, xem nó có đạp chăn ra không...”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp