22/09/2020 09:30 GMT+7

Di nguyện của bà Ginsburg và 4 lá phiếu

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Thời khắc cuối trên giường bệnh, thẩm phán Ginsburg, 87 tuổi, đã nói cháu gái ghi lại nguyện ước cuối cùng của bà: 'Mong ước tha thiết nhất của tôi là tôi sẽ không bị thay thế cho tới khi một tổng thống mới được bầu lên'.

Di nguyện của bà Ginsburg và 4 lá phiếu - Ảnh 1.

Chánh án John G. Roberts (ngồi giữa) và 8 vị thẩm phán (bà Ginsburg ngồi thứ hai từ phải sang) tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ. 9 người này bao gồm 5 người theo trường phái bảo thủ và 4 người tự do - Ảnh: Tòa án tối cao Mỹ

Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thành công trong việc đề cử và thông qua một thẩm phán mới thay thế nữ thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg cho Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, phe bảo thủ sẽ thống lĩnh cơ quan tư pháp tối cao này trong ít nhất vài thập niên nữa.

Vào những thời khắc cuối khi nằm trên giường bệnh, thẩm phán Ginsburg, 87 tuổi, đã nói cháu gái ghi lại nguyện ước cuối cùng của bà: "Mong ước tha thiết nhất của tôi là tôi sẽ không bị thay thế cho tới khi một tổng thống mới được bầu lên".

Hệ quả lớn

Tại sao người phụ nữ được ca ngợi đã tận tụy cống hiến gần như mọi giây phút trong cuộc đời chuyên môn của bà để làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn, công bằng và bình đẳng hơn này lại có một di nguyện đặc biệt như vậy?

Theo tạp chí Rolling Stone, bà Ginsburg nói vậy vì bà biết chính xác hệ quả tiếp theo là gì, nếu việc ông Trump đề cử thành công một thẩm phán khác thay thế bà.

Khi ấy phe bảo thủ sẽ giành và duy trì thế đa số tại Tòa án tối cao Mỹ trong nhiều thập niên tiếp theo. Vị thế ấy sẽ giúp họ đảo ngược nhiều điều luật thiết yếu, thu hẹp các quyền của nữ giới, chấm dứt luật cho phép phá thai hợp pháp trên toàn quốc... 

Nói tóm lại, bà Ruth Bader Ginsburg tin rằng một người mới do ông Trump bầu lên sẽ phá hủy toàn bộ những gì bà đã nỗ lực vun đắp cho tới tận phút cuối cùng của cuộc đời.

Có thể thấy rõ hơn viễn cảnh này thông qua một ví dụ cụ thể, đó là quyền phá thai. Trong mùa hè năm nay, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã bỏ phiếu bác bỏ luật cấm phá thai của bang Louisiana với kết quả là 5/4.

Tuy nhiên 5 thẩm phán bỏ phiếu thuận, gồm chánh án tòa tối cao Roberts và 4 thẩm phán theo quan điểm tự do (trong đó có bà Ginsburg), cũng đã bày tỏ những ngờ vực nghiêm túc về khả năng bảo vệ quyền phá thai trong các vụ việc sau này.

Trong lần bỏ phiếu đó, cả hai thẩm phán do Tổng thống Trump đề cử lên Tòa án tối cao là Bret Kavanaugh và Neil Gorsuch đều ủng hộ luật cấm phá thai.

Giới quan sát Mỹ cũng cho rằng ngoài vấn đề phá thai, việc một thẩm phán mới được ông Trump "đôn" lên còn có thể mang lại thêm lá phiếu lợi thế cho phe bảo thủ trong một loạt những vấn đề nhân quyền khác liên quan tới cộng đồng LGBT, người khuyết tật, người lớn tuổi, người da màu...

4 phiếu bầu quyết định

Đảng Dân chủ tỏ rõ quyết tâm sẽ làm mọi cách để ngăn chặn việc này cho tới khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. Trả lời phỏng vấn Đài ABC, bà Nancy Pelosi - chủ tịch Hạ viện Mỹ - thậm chí còn nói không loại trừ khả năng dùng tới lựa chọn luận tội để ngăn ông Trump chọn người thay bà Ginsburg. 

Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden cho rằng việc đề cử thẩm phán mới cần phải là việc của tổng thống đắc cử nhiệm kỳ mới, chỉ trích ông Trump lạm quyền trong vấn đề này.

Theo báo Usa Today, cho tới ngày 20-9 đã có một số ít các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong đó 2 thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (bang Alaska) và Susan Collins (bang Maine), tuyên bố rõ sẽ không bỏ phiếu phê chuẩn đề cử thẩm phán mới trước ngày bầu cử tổng thống 3-11.

Cần có thêm 2 thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa ủng hộ quan điểm này để có thể kết hợp với 47 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ mới đủ 51 phiếu cần để bác bỏ một đề cử nhân sự thay cho bà Ginsburg tại Thượng viện.

Bởi vậy, nguyện ước cuối đời của bà thẩm phán Ginsburg lúc này đang nằm trong tay 4 thượng nghị sĩ Cộng hòa mang quan điểm ôn hòa, trung lập. Nếu số thượng nghị sĩ ít ỏi này đồng tình cùng 47 thượng nghị sĩ Dân chủ phản đối đề xuất bổ nhiệm của ông Trump, di nguyện của bà Ginsburg sẽ được thực hiện. Nhưng nếu không thế, gần như tất cả những gì bà đã nỗ lực gây dựng trong sự nghiệp sẽ bị "quét sạch" trong những năm tới đây.

Căn cứ vào độ tuổi của các thẩm phán theo quan điểm bảo thủ trong Tối cao Pháp viện hiện nay, sẽ còn phải nhiều thập niên nữa những người theo quan điểm tự do mới hi vọng giành lại thế đa số để có tiếng nói quyết định hơn tại cơ quan này. Tại Tòa án tối cao Mỹ, tiến trình bổ nhiệm chỉ bắt đầu khi một thẩm phán qua đời, từ chức, về hưu hay bị bãi nhiệm vì bị luận tội và bị kết án (điều này chưa từng xảy ra).

2 nữ ứng viên thay bà Ginsburg

Ông Trump tuyên bố trong tuần này sẽ đề cử một nữ thẩm phán khác thay cho vị trí của bà Ginsburg và sẽ hối thúc Thượng viện phê chuẩn "không trì hoãn" đề cử của ông.

Mặc dù ông Trump chưa tiết lộ những người thuộc "danh sách chốt" nhưng theo một số nguồn tin của báo New York Times, trong cuộc điện thoại trao đổi tối 18-9 với thượng nghị sĩ Micth McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Trump có nói tới hai ứng cử viên là bà Amy Coney Barrett (48 tuổi) của tòa phúc thẩm tại Chicago và bà Barbara Lagoa (52 tuổi) của tòa án tại Atlanta.

Ông Trump tuần tới sẽ đề cử một phụ nữ thay cố thẩm phán Ruth Ginsburg Ông Trump tuần tới sẽ đề cử một phụ nữ thay cố thẩm phán Ruth Ginsburg

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-9 tuyên bố ông sẽ đề cử một phụ nữ vào ghế trống tại Tòa án tối cao Mỹ trong tuần sau để thay thế nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp