Đại diện Vietjet cho biết tỉ lệ mua vé máy bay trực tuyến của hãng tăng trưởng chóng mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Có nhiều tiện ích mà khách hàng có thể chưa biết trong ứng dụng của hãng bay...
"Chốt" vé 2 phút
Trong thời gian ăn trưa với đồng nghiệp, anh Nguyễn Hoàng - nhân viên văn phòng - chưa đầy 2 phút đã hoàn tất quy trình đặt vé máy bay đi từ TP.HCM - Hà Nội vào cuối tháng 7, giá 800.000 đồng/vé.
Chương trình "12h rồi, Vietjet thôi" đã tạo ra thói quen mới cho cộng đồng dân văn phòng là "ăn trưa săn vé" với các loại thẻ và tài khoản thanh toán trực tuyến.
Theo anh Hoàng, giờ chỉ cần điện thoại có kết nối mạng, vài thao tác đơn giản như hành trình bay, chọn chuyến bay, cuối cùng là xác thực thông tin và thanh toán.
Ở khâu cuối cùng, các hãng bay có nhiều hình thức thanh toán như thẻ tín dụng, E-banking, QR payment, ví điện tử, thậm chí còn cho trả góp... khá đa dạng chọn lựa cho hành khách. "Chưa tới 2 phút tôi đã mua xong vé máy bay, tiết kiệm thời gian để thảnh thơi làm việc khác" - anh Hoàng nói.
Quỳnh Vy - tín đồ mê xê dịch thường xuyên "săn" vé máy bay - cho biết để "chốt" được vé rẻ, phương thức nhanh nhất là thanh toán online trong bối cảnh các hãng đang kích cầu du lịch mùa cao điểm hè. Vy dự đoán chương trình khuyến mãi sẽ còn tiếp tục, đặc biệt là các đường bay mới mở của Vietjet.
Những năm gần đây, hãng hàng không đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, giúp khách hàng mua vé dễ dàng. Điều này khiến tỉ lệ khách liên hệ mua vé qua kênh truyền thống sụt giảm.
Bà Nguyễn Tố Như - chủ đại lý vé máy bay cấp 2 ở Q.Tân Bình, TP.HCM - cho biết bản thân đại lý cũng phải chạy đua với hãng bay về công nghệ. "Hiện nay phần lớn khách hàng đều có smartphone.
Họ chủ động chọn mua vé phù hợp hành trình và ít người mua vé qua kênh tư vấn của đại lý. Để trụ với nghề, hầu như các đại lý vé máy bay phải bán thêm tour du lịch, cho thuê xe tự lái...", bà Như cho hay.
Nếu thị trường thanh toán không tiền mặt là cái bánh thì Vietjet là bột nở để làm cái bánh này lớn hơn. Dịch vụ đa dạng, phương thức mua vé và thanh toán trực tuyến phong phú, tiện lợi sẽ kích thích mạnh hơn đến thói quen tiêu dùng thông minh của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình (phó tổng giám đốc Vietjet)
Hàng không đầu tư "siêu ứng dụng"
Sau đại dịch COVID-19, xu hướng sinh hoạt, tiêu dùng online càng trở nên phổ biến hơn. Đón đầu xu hướng này, các hãng hàng không đua nhau gia tăng tiện ích để làm hài lòng khách hàng khi bay.
Theo ghi nhận, các hãng hàng không đua nhau đầu tư các công nghệ, tạo thuận lợi cho khách hàng mua vé, check-in, chọn ghế ngồi, suất ăn... đều bằng cách "chạm, lướt" khá đơn giản. Hãng Vietjet có app riêng, ngoài vé máy bay, khách có nhu cầu gửi hàng hóa "siêu hỏa tốc" TP.HCM - Hà Nội chỉ trong 5 giờ...
Các app này còn cập nhật liên tục các thông tin vé siêu khuyến mãi, giúp khách hàng mua vé nhanh chóng hơn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Bình - phó tổng giám đốc Vietjet - cho biết tỉ lệ mua vé máy bay trực tuyến của hãng tăng trưởng chóng mặt, có đến 99% các khoản thu của Vietjet hiện nay đều không liên quan gì đến tiền mặt. Năm 2019, tổng thu không tiền mặt của toàn hệ thống Vietjet đạt 2,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2018.
Theo bà Bình, hiện nay hãng đang khẩn trương hoàn thiện phiên bản mới của kênh bán hàng trực tuyến, cho khách hàng thanh toán thông qua thẻ tín dụng như Visa, Master, JCB, Amex, thẻ ghi nợ nội địa, E-banking kết nối với khoảng 40 ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài. Phương thức thanh toán mới là trả góp vé máy bay online...
Đáng chú ý, bà Bình cho biết hãng đang phát triển một "siêu ứng dụng" nhằm không chỉ bán vé máy bay mà khách hàng còn có thể mua sắm được nhiều sản phẩm, dịch vụ khác như khách sạn, thuê xe, cho vay tài chính...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận