Các hãng hàng không đang chạy đua áp dụng những công nghệ nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Tiết kiệm thời gian, thậm chí có thể mang lại khoản tiết kiệm lớn cho hãng, nhà cung cấp dịch vụ.
Đi máy bay không cần giấy tờ
Anh Ngọc Quỳnh (43 tuổi, quê Đà Nẵng) thường xuyên đi công tác cho biết đi máy bay bây giờ "khỏe re". Mua vé, lên website chọn giá và giờ bay phù hợp rồi mua. Trước giờ bay, lên website hoặc app tự làm thủ tục check-in online và chọn chỗ ngồi ưng ý.
Đến sân bay, chỉ cần mở tài khoản định danh điện tử tích hợp căn cước công dân, qua khâu an ninh sân bay kiểm tra là xong. Làm thủ tục ra cửa máy bay (boarding) cũng tương tự.
"Chỉ cần điện thoại, bớt phải xếp hàng và rút tới lui giấy tờ. Đi lại máy bay, ai kêu mệt chứ tôi cảm nhận ngày càng tiện lợi hơn khi có công nghệ" - anh Quỳnh cảm nhận.
Cũng có nhiều khách hàng ngạc nhiên khi hãng bay như hiểu ý mình. Quan sát của chị Thùy Dung (quận Phú Nhuận, TP.HCM), khi ở app Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, đăng nhập tài khoản khách hàng thường xuyên là tin nhắn thường xuyên được cập nhật qua email, Zalo, Viber gợi ý ngay các đường bay khách thường di chuyển. Thậm chí, theo chị Dung, hãng biết luôn sở thích ngồi gần cửa sổ và nhắn tin chúc mừng sinh nhật.
"Thú vị mới năm nay, sau khi máy bay hạ cánh, mở điện thoại nhận ngay tin nhắn thông báo của Zalo về vị trí trả hành lý ở băng chuyền nào, khỏi phải tìm xem trước màn hình thông báo. Thời tiết cũng được cập nhật" - chị Dung nói.
Nhiều khách cũng đánh giá cao các ứng dụng số hóa, từ khâu nhập cảnh tới làm thủ tục và kỳ vọng Tết này sẽ bớt vất vả hơn.
Các hãng cũng để hành khách tự lựa chọn dịch vụ đi kèm khi đặt vé trực tuyến như mua thêm hành lý ký gửi, bữa ăn, dịch vụ giải trí trong chuyến bay... thay vì phải trả tiền cho những dịch vụ không sử dụng.
Thông tin của Vietjet cho thấy hiện nay chỉ khoảng 18% hành khách có xu hướng lựa chọn phương thức check-in truyền thống, trong khi cứ hai người của hãng thì có một người muốn check-in online.
Sẽ giảm bay vòng, chờ cất cánh
Quản lý, khai thác 22 sân bay tại Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thúc đẩy đầu tư công nghệ vào hạ tầng cảng. Hàng loạt công nghệ tuy cũ với thế giới nhưng áp dụng tại Việt Nam rất mới, chẳng hạn như nhận diện khuôn mặt, hệ thống dùng chung quầy thủ tục, cửa ra máy bay...
Sân bay quốc tế Phú Bài được thí điểm đầu tư đồng bộ hệ thống dùng chung trên do ACV triển khai, vận hành trên nền tảng công nghệ tự thiết kế.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh chia sẻ với Tuổi Trẻ, không chỉ sân bay Phú Bài, sắp tới nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành đi vào hoạt động, công nghệ "ở thế giới có gì, sân bay Việt Nam đều có".
Tại sân bay Phú Bài, Tuổi Trẻ ghi nhận các quầy đều được mở linh hoạt, không chốt chắc quầy check-in từng hãng như ở các sân bay trong nước. Ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất, quầy Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đều ở vị trí riêng.
Cùng thời điểm nhưng quầy Vietnam Airlines đông khách, Bamboo Airways trống chỗ khi chưa có chuyến bay, từ đó chưa tối ưu khai thác hạ tầng, ảnh hưởng đến phục vụ hành khách. ACV đầu tư, quầy thủ tục sẽ làm được tất cả các hãng khi chung hệ thống quản lý của cảng. Thậm chí các quầy ki ốt check-in sẽ được dùng chung, dần bỏ hẳn ki ốt của hãng bay.
ACV cho biết sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang triển khai thử nghiệm mô hình A-CDM (Airport Collaborative Decision Making, gọi tắt là A-CDM) để nâng cao năng lực khai thác. Đây là phần mềm chung để các đơn vị phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ ra quyết định điều hành chuyến bay.
Công nghệ này tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay, tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay, giảm tắc nghẽn trên đường lăn và sân đỗ...
Với hành khách, khi bay qua các sân bay có hệ thống A-CDM, hạn chế tình huống bay vòng để chờ hạ cánh hoặc tàu bay dừng chờ lâu trên đường băng.
Hãng bay sẽ giảm chi phí
Theo đánh giá của hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, việc áp dụng A-CDM giúp giảm 1-3 phút thời gian lăn để cất cánh. Điều này có thể mang lại khoản tiết kiệm lớn cho các hãng khi họ cố gắng giải quyết việc cắt giảm chi phí.
Theo tính toán của hãng bay, nếu tiết kiệm thời gian lăn với tàu B787 tiết kiệm được 20kg nhiên liệu/phút, khoảng 122 USD; còn tàu A321 giảm được 13,5kg nhiên liệu/phút, tương đương khoảng 68 USD...
Dùng công nghệ chăm sóc khách tốt hơn
Vietnam Airlines cho biết mỗi năm khai thác trung bình 140.000 chuyến với gần 20 triệu lượt khách. Để vận hành kho dữ liệu lưu trữ, bảo mật thông tin, hãng sử dụng hơn 200 hệ thống phần mềm và hàng trăm máy chủ.
Giai đoạn phục hồi sau dịch, hãng "bứt tốc" công nghệ. Theo ông Lê Hồng Hà - tổng giám đốc Vietnam Airlines, mục tiêu năm 2025 trở thành hãng hàng không số.
Ông Hà cho hay định hướng làm sao khi khách nghĩ tới vé máy bay, tìm vé trên web, công nghệ sẽ "đoán ý" khách để gợi mở lựa chọn thêm dịch vụ chẳng hạn như khách sạn, bảo hiểm, hành lý. Mục tiêu giúp khách có một hành trình trọn vẹn, không chỉ là nhu cầu tìm vé máy bay.
Tương tự, ông Đinh Việt Phương - giám đốc điều hành Vietjet - cho biết hãng đang đẩy mạnh những dự án mở đầu kỷ nguyên số, cung cấp trải nghiệm mới, đa dạng và ngày càng tiện lợi. Hãng bay sẽ chuyển mình với công nghệ, xác định đề án chuyển đổi số là trung tâm để thúc đẩy vận hành các lĩnh vực then chốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận