Ở xóm ngõ, căng quá có thể vô nhà đóng kín cửa cũng tàm tạm. Ở chung cư chật hẹp, giải pháp này hơi khó.
Đồng ý rằng căn hộ mình sở hữu có quyền làm theo nhu cầu cá nhân nhưng cũng nên lưu ý đừng gây mất trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống những người xung quanh.
Chung cư nơi em gái tôi ở Bình Tân (TP.HCM), cứ mỗi chiều người hàng xóm thường dẫn đồng nghiệp làm xây dựng về nhà ăn nhậu. Có lần đến chơi, tôi nghe tiếng cười rôm rả xen lẫn nói tục, chửi thề, cụng ly rồi cùng hô lớn; có ngườiì hát "ai uống đi, ai cầm ly, cho tôi mượn cái ly"...
Em tôi kể, lắm khi cuộc nhậu kéo dài đến khuya, ra về có người ngất ngưởng đi đứng nghiêng qua ngã lại, có người còn ói mửa ở hành lang, cầu thang rồi đến những lon bia tiger lăn lóc nhiểu nước ra ngoài. Sáng ra, hàng xóm phải dọn dẹp lau chùi.
Chưa hết, những đêm vợ chồng họ cãi nhau to tiếng giữa khuya khiến cả dãy chung cư phải giật mình bởi tiếng khóc la thét của chị vợ, tiếng chửi thề tục tĩu của anh chồng. Nhiều người cư ngụ cùng tầng tỏ ra bực mình nhưng ngại va chạm, sợ phiền phức, không dám góp ý.
Có người cũng đã phản ảnh với ban quản lý, bảo vệ nhưng tình hình không cải thiện. Bởi vậy, khi sinh em bé ở bệnh viện, em gái chuyển về nhà mẹ ruột ở cho yên tĩnh.
Sau đó, từ phản ảnh của cư dân, tổ dân phố vào cuộc, phân công người giải quyết. Vài ngày đầu sau giờ làm việc đều có người tổ đến nhà người hàng xóm này thăm chơi, trò chuyện tìm hiểu cuộc sống rồi tạo điều kiện giúp đỡ.
Thời gian sau, tình trạng dẫn bạn về nhà ăn nhậu cũng hạn chế dần, cảnh hai vợ chồng cãi vả đêm khuya cũng không còn.
Em tôi kể, những trường hợp khác trong chung cư bị phản ảnh, tổ dân phố cũng phân công người giải quyết theo hướng tạo sự gần gũi và thuyết phục, vừa thực hiện vai trò giữ gin đoàn kết trong hộ dân cư, trật tự an ninh, giao dục thanh thiếu niên, ngăn chặn tệ nạn.
Ngoài chuyện ăn nhậu, còn ám ảnh với nạn hát karaoke ở chung cư. Tôi từng ở chung cư tại Thủ Đức, ngán ngẫm với cảnh hát karaoke dường như suốt ngày của nhà đối diện chỉ cách nhau hành lang chung rộng 1.8m, bình thường cũng hát, tổ chức ăn uống càng hát ầm ĩ, người lớn còn tập cho trẻ em hát nữa chứ.
Tôi đi làm hàng ngày vừa đi vừa về hơn 35km, công việc khá vất vả; sáng sớm đi, chiều về ăn tối xong chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhưng hàng xóm buổi tối cũng hát karaoke, âm thanh phát ra làm tôi khó chịu và có lúc như muốn phát điên dù đã đóng kín cửa. Cuối tuần cường độ hát karaoke càng tăng lên, kéo dài hơn.
Sáng chủ nhật ngủ dậy chỉ mới 8 giờ tôi đã nghe những lời giai điệu "Con đường xưa em đi vàng trên mái tóc thề...", "Thôi hết rồi người đã xa tôi...". Dù đã giữa trưa gia đình họ cũng hát karaoke đến chiều, ở chung cư hầu như ai cũng bất bình.
Nội quy chung cư không cấm hát karaoke, sao cấm tôi?!
Tôi từng báo với ban quản trị, nhờ bảo vệ can thiệp. Mà hát karaoke thì họ cứ hát. Tôi cũng đã góp ý thẳng với họ, ai dè họ còn phát sinh mâu thuẫn. Bảo vệ có lên nhắc nhở, họ bảo rằng nội quy chung cư này đâu có cấm ai hát karaoke?!
Không chỉ riêng tôi, nhiều người lân cận cũng tỏ ra khó chịu. Cũng may có bác tổ trưởng dân phố lớn tuổi, uy tín và có khả năng thuyết phục nên được nhờ góp ý với hộ dân này. Sau đó, họ này mới bớt hát karaoke, dù vẫn có những lúc mở karaoke nhưng âm lượng cũng được điều chỉnh nhỏ lại và chỉ kéo dài không quá một giờ đồng hồ.
Nghe kể lại, bác tổ trưởng dân phố đến nhà hộ dân đó thăm chơi hồi lâu rồi góp ý đại khái rằng: Hát karaoke gây ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Song vì là tình hàng xóm, cũng thông cảm cho nhau, chứ không phải là thiếu quy định. Tất nhiên còn những lần tiếp xúc, vận động, nhắc nhở, xây dựng mới hiệu quả như vậy.
Trên thực tế, rất nhiều người ở chung cư mà chủ yếu là nam giới tổ chức ăn nhậu tại nhà tới say xỉn rồi mất kiểm soát hành vi dẫn đến bạo lực với nhau, với hàng xóm, với cả người thân trong gia đình.
Ở chung cư, những trường hợp ăn nhậu tại nhà hay hát karaoke ầm ĩ gây phiền toái cho người khác, ngoài ban quản trị, cần sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương chắc sẽ tác động đến ý thức, giúp thay đổi suy nghĩ, thay đổi hành vi. Bởi không ai có thể gần dân hơn, sát dân hơn, lắng nghe tiếng nói và nguyện vọng của dân hay chăm lo đời sống nhân dân và trở thành thân thiết với dân bằng tổ dân phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận