05/07/2021 17:48 GMT+7

Đi làm tạm trú, nhập hộ khẩu sau ngày 1-7

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Luật cư trú 2020 được thi hành tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là nhập hộ khẩu, đăng ký tạm trú vào các thành phố lớn... Tuy nhiên, theo ghi nhận, vẫn còn nhiều điểm tồn đọng cần khắc phục.

Đi làm tạm trú, nhập hộ khẩu sau ngày 1-7 - Ảnh 1.

Người dân đến trụ sở công an các phường, xã... trên địa bàn thủ đô để làm thủ tục nhập khẩu, đăng ký tạm trú... từ khi Luật cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 - Ảnh: PHẠM TUẤN

Từ ngày 1-7, Luật cư trú 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới về việc đăng ký, thay đổi nơi thường trú, tạm trú.

Sau một thời gian làm lụng, tích góp, chị Thân Thị Hòa (36 tuổi, quê huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) mua được một căn nhà ở phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội). Ngay sau khi biết tin Luật cư trú 2020 được áp dụng có nhiều thuận lợi cho người dân ngoài tỉnh nhập khẩu vào Hà Nội, chị Hòa đến UBND phường Liễu Giai đăng ký thủ tục nhập khẩu.

Vẫn còn điểm vướng

Chị Hòa cho hay: "Tôi biết trước đây nếu muốn được nhập khẩu vào Hà Nội, những công dân ngoại tỉnh như tôi cần rất nhiều loại giấy tờ, như một hợp đồng lao động vô thời hạn, giấy giới thiệu, đơn đề nghị của công ty nơi công tác...".

Từ khi bỏ những thủ tục rườm rà trên, việc nhập khẩu của chị trở nên gọn gàng, tiện lợi. Chị chỉ cần khai đủ thông tin vào tờ khai mà cơ quan công an cung cấp, trình giấy chuyển khẩu từ nơi cư trú cũ tới nơi mới và nộp lại sổ hộ khẩu cũ là hoàn thành thủ tục.

Sáng 5-7, chị Nguyễn Phương Thảo (23 tuổi), đang thuê nhà trọ tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đến công an phường đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, việc của chị chưa được giải quyết bởi theo một cán bộ công an phường tại đây giải thích, từ ngày 1-7, muốn đăng ký tạm trú thì hợp đồng cho thuê nhà phải được công chứng hoặc chứng thực giữa bên thuê và bên cho thuê.

"Việc này cũng gây nhiều khó khăn, mất thời gian cho những người thuê nhà như bọn mình. Bởi việc chứng thực, công chứng phải làm vào giờ hành chính, mà mình còn phải đi làm, lại mất thêm một buổi. Ngoài ra, việc liên hệ với chủ nhà để họ sắp xếp thời gian đi chứng thực cũng rất khó khăn, bởi họ cũng khá bận, không sắp xếp thời gian ngay được", chị Thảo cho hay.

Đi làm tạm trú, nhập hộ khẩu sau ngày 1-7 - Ảnh 2.

Chị Thân Thị Hòa (Phú Thọ) cho hay, Luật cư trú mới giúp những người ngoại tỉnh thuận lợi hơn nhiều trong việc nhập khẩu vào Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Đào Trọng Nghĩa, trưởng Công an phường Mai Dịch (Cầu Giấy), nhận định luật mới có nhiều điểm ưu việt phục vụ nhân dân, không hạn chế bằng nhiều điều kiện. Tuy nhiên qua thực tế xử lý thủ tục hành chính cho người dân không tránh khỏi những vướng mắc. Vì vậy, quy định trên là một điểm gây khó khăn, mất thời gian cho cả chính quyền và người dân.

"Nếu bỏ được điều khoản trên thì sẽ thuận lợi cho người dân cũng như cán bộ xử lý thủ tục hành chính rất nhiều", ông Nghĩa cho hay.

Hệ thống dữ liệu về dân cư còn chậm, treo?

Theo Luật cư trú 2020, quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang quản lý bằng số hóa, cụ thể là quản lý bằng việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên mạng Internet.

Theo luật sư Phan Văn Chiều - giám đốc Công ty luật Hà Châu, việc đổi mới phương thức quản lý theo hướng này giúp công dân có nhiều thuận lợi, người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân.

Tuy vậy, hiện nay tại các điểm đăng ký cư trú ở các phường, xã trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều thời điểm cán bộ xử lý thủ tục hành chính không thể vào được hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư để truy xuất, đối chiếu thông tin người dân vì hệ thống bị treo, chậm.

"Những lúc như vậy, cán bộ sẽ phải giải quyết, thu thập dữ liệu người dân bằng hình thức thủ công, đòi hỏi người dân làm nhiều thủ tục, mang nhiều giấy tờ chứng minh hơn, vì không thể đối chiếu dữ liệu trên hệ thống, gây rườm rà, mất thời gian cho nhân dân. Nhiều người dân còn hỏi tại sao có Luật cư trú mới rồi mà vẫn phải đòi hỏi những giấy tờ trên", trung tá Đào Trọng Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, luật mới được áp dụng có nhiều điểm mới nên các cán bộ xử lý thủ tục hành chính còn nhiều bỡ ngỡ, chưa thể làm quen ngay. Vì vậy, phải thêm thời gian để các cán bộ trên làm quen và thích nghi, sau đó việc giải quyết cho người dân sẽ nhanh gọn hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tá Vũ Hoàng Đạt, phó giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), thừa nhận tình trạng hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư không thể truy cập hoặc truy cập chậm trong những ngày đầu khi Luật cư trú 2020 bắt đầu áp dụng.

Tuy nhiên đến nay, bộ phận kỹ thuật của Bộ Công an đã xử lý, khắc phục những lỗi kể trên và hiện nay hệ thống đã có thể hoạt động bình thường.

Nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP.HCM có gì khác sau 1-7? Nhập hộ khẩu vào Hà Nội, TP.HCM có gì khác sau 1-7?

TTO - Luật cư trú 2020 có hiệu lực đã xóa bỏ sự khác biệt về điều kiện riêng khi người dân muốn nhập hộ khẩu vào TP.HCM, Hà Nội hay các TP thuộc trung ương khác.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp