18/11/2018 11:43 GMT+7

Đi làm nông bên Nhật, cánh cửa đã mở cho người Việt

QUỲNH TRUNG - HÀ MY -  TRẦN PHƯƠNG
QUỲNH TRUNG - HÀ MY - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chính quyền Tokyo thông báo nước này dự kiến tổ chức các cuộc thi tuyển lao động làm nông từ bảy quốc gia, bao gồm Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nước ngoài.

Đi làm nông bên Nhật, cánh cửa đã mở cho người Việt  - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam làm việc trong một nông trại ở miền trung Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

Đây được xem là động thái cụ thể đầu tiên của chính quyền Nhật, không lâu sau khi nội các của Thủ tướng Shinzo Abe trình kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư lên Quốc hội. Nhật dự kiến mở cửa tiếp nhận thêm lao động nước ngoài từ tháng 4-2019 và đón nửa triệu lao động nước ngoài vào năm 2025.

Mở ra nhiều cơ hội

Ngoài Việt Nam, Nhật muốn tuyển thêm lao động làm nông từ sáu nước khác bao gồm: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Theo Japan Times, các cuộc thi sẽ bằng ngôn ngữ bản địa của mỗi nước và trong hai lĩnh vực: cây trồng và vật nuôi. Nhật Bản hi vọng sẽ tuyển thêm 7.500 "nông dân" nước ngoài trong năm đầu tiên thực hiện chính sách nhập cư mới và tăng lên 36.500 sau năm năm.

Ngoài nông nghiệp, nước này cũng dự kiến mở thi tuyển lao động ở nước ngoài trong các lĩnh vực xây dựng, ngư nghiệp...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Trần Thị Thu Hà (26 tuổi) - từng làm gia công, sản xuất linh kiện cho một công ty cơ khí ở Ichinomiya, Aichi 3 năm - cho rằng chính sách mới của Nhật về nhập cư lao động nước ngoài mang lại nhiều điểm lợi cho Việt Nam.

Theo chị Hà, bên cạnh nguồn thu nhập tốt, chính sách này còn giải quyết được vấn đề việc làm của lao động Việt Nam và giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp của xã hội. Đồng thời nhờ đó nhiều người được tiếp cận nền văn minh của một nước phát triển và mang về Việt Nam áp dụng.

Người Việt ở Nhật thực sự có sự đóng góp cho Nhật Bản trong bối cảnh Nhật Bản đang gặp thách thức già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Tuy nhiên mặt khác, sự gia tăng người Việt ở Nhật cũng nảy sinh nhiều vấn đề và Nhật Bản mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết các vấn đề này

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio trả lời Tuổi Trẻ

Anh Nguyễn Đức Huy (27 tuổi), làm kỹ sư cho một công ty lớn ở tỉnh Nagano từ năm 2016, cho biết vẫn chưa quyết định sẽ tiếp tục ở lại Nhật hay về nước. "Hiện tại với dạng thị thực cấp cho kỹ sư, vấn đề ở lại không khó. Do đó, việc có nới lỏng chính sách sắp tới hay không chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến thực tập sinh" - Huy, từng là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ.

Huy cho biết ngoài dân số già hóa, một nguyên nhân khác khiến Nhật lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động chính là tư duy của người trẻ đã thay đổi. "Tinh thần người Nhật ngày xưa là cống hiến hết mình cho công ty, có khi làm tới chết. Theo tôi quan sát, bây giờ giới trẻ không còn hào hứng làm việc trối chết nữa. Nhiều người trẻ Nhật ra nước ngoài tận hưởng cuộc sống nhiều hơn" - Huy nói.

Anh Huy kể thêm với vị trí kỹ sư thiết kế bản vẽ xây dựng, anh nhận mức lương khoảng 50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ hết chi phí như tiền bảo hiểm và thuê nhà, anh để dành được khoảng 30 triệu (chưa tính tiền ăn).

Đi làm nông bên Nhật, cánh cửa đã mở cho người Việt  - Ảnh 3.

Nguồn: Đại sứ quán Nhật Bản tại VN - Đồ họa: V.CƯỜNG

Họ là những báu vật thật sự. Lao động đang biến mất khi dân số của chúng tôi lão hóa. Những tòa nhà không thể xây dựng vì không đủ lao động. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là cho phép lao động nước ngoài vào nước mình

Reuters dẫn lời anh Shinichiro Tsukada (chủ một công ty nhỏ ở Tokyo với 22 lao động Việt Nam và Trung Quốc)

Coi chừng các hệ lụy

Chị Thu Hà nhấn mạnh với chính sách mới, cơ quan chức năng hai nước cần lưu ý đến những trung tâm lừa đảo mọc lên, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của người lao động để trục lợi nên cần phải kiểm soát các công ty môi giới tốt hơn.

Chị Hà còn chỉ ra thực tế các công ty môi giới chưa chuẩn bị cho lao động Việt qua Nhật đủ tốt, nên vẫn còn nhiều sự bỡ ngỡ ban đầu và những cảm xúc tiêu cực lẽ ra có thể tránh được. Thay vì hướng dẫn những kỹ năng cơ bản như việc mua thuốc ở đâu, gửi tiền về Việt Nam như thế nào hay không được lấy những gì không thuộc về mình dù chỉ là nhặt được trên đường, thì các công ty này lại hứa hẹn những điều tốt đẹp và một thế giới màu hồng. Nhiều khi chính vì không hiểu văn hóa và các chuẩn mực xã hội mà người Việt với "ý thức Việt Nam" lại để lại tiếng xấu, gây ra cái nhìn tiêu cực về chúng ta.

Đồng thời, theo chị Hà, Chính phủ Nhật Bản cần đảm bảo người lao động không bị bóc lột sức lao động khi qua Nhật làm việc. Chính phủ Nhật cũng cần kiểm soát các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài.

"Người Việt bị đối xử rất tệ khi tham gia thị trường lao động với người bản xứ. Lao động Việt thường xuyên bị chỉ định tăng ca, thay vì được quyền lựa chọn như lao động Nhật. Đây sẽ là điểm lợi cho những ai qua Nhật kiếm tiền, nhưng lại là áp lực cho những ai có sức khỏe yếu hay thích dành thời gian để học, để trải nghiệm. Dù không nói nhưng ai cũng ngầm hiểu những việc nặng, nguy hiểm người Việt thường làm. Mặc dù vậy, người Việt sẽ không được hưởng đầy đủ chính sách hoặc ưu đãi đối với lao động như người Nhật" - chị Hà nói.

Nhật cởi mở với lao động nước ngoài theo thời gian

Trước đó, Nhật Bản hầu như cự tuyệt lao động nước ngoài, trừ những lĩnh vực đặc biệt như dạy học, y tế, kỹ thuật và luật.

Khi dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản bắt đầu giảm từ năm 1995, số người nước ngoài tại Nhật tăng từ 1% năm 1990 lên 2% hiện nay.

Tuy nhiên, Nhật vẫn luôn nằm trong nhóm các nước ít thu hút với lao động nước ngoài. Trong khi dân số tiếp tục lão hóa, hậu quả là 71% công ty Nhật cho biết họ đang thiếu nhân lực, theo khảo sát của Bộ Tài chính Nhật đầu năm nay.

Chính quyền ông Abe quyết định mở rộng cánh cửa hơn nữa cho lao động nước ngoài với hai loại thị thực mới áp dụng cho 14 ngành nghề thiếu hụt nhân sự nhất, bao gồm nông nghiệp, điều dưỡng, xây dựng, bệnh viện..., những người nhập cư có thể ở lại đến 10 năm, được đảm bảo trả lương công bằng, chăm sóc y tế và được phép mang theo gia đình đến Nhật Bản.

Không có "quota" nào được đặt ra và một số nguồn tin chính phủ cho biết nước này có thể tiếp nhận 40.000 lao động trong năm đầu tiên và khoảng 500.000 người vào năm 2025.

QUỲNH TRUNG - HÀ MY - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp