
Người dân vùng sâu, vùng xa thường mang theo củi khô, nồi niêu, tự chuẩn bị bữa ăn trong những ngày ở viện - Ảnh: D.LIỄU
Trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ - huyện vùng cao biên giới nằm ở phía bắc của tỉnh Lai Châu, những "túp lều" nhỏ được đặt gần căng tin, sau những khu nhà điều trị nghi ngút khói.
Thế nhưng không vì thế mà không khí trở nên nặng nề, những bếp lửa nhỏ nhóm lên ở một góc trung tâm y tế, những nồi cơm nghi ngút khói, tiếng cười nói rôm rả giữa bệnh nhân và người nhà tạo nên một khung cảnh vừa giản dị, vừa ấm áp.
Vừa vỗ về con nhỏ hơn 1 tuổi đang điều trị nội trú tại viện, vừa hối vợ nhóm bếp nấu ăn cho bữa chiều, anh Lý A Chỏ (39 tuổi, xã Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ hai vợ chồng anh đưa con đi khám bệnh 2 ngày nay.
Gia đình không có điều kiện kinh tế nên khi đi viện anh đã chuẩn bị củi, xoong nồi đem đến nấu ăn.
Anh Chỏ nói nếu không chuẩn bị, mỗi lần đi ăn sẽ mất 25.000 - 30.000 đồng, vì vậy nghe lời ông bà dặn anh đem theo đồ dùng để hai vợ chồng nấu ăn khi điều trị cho con tại bệnh viện.

Anh Lý A Chỏ cùng vợ con trong căn bếp của Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, nấu bữa ăn cho hai vợ chồng - Ảnh: D.LIỄU
Cũng giống anh Chỏ, anh Vàng A Dờ (29 tuổi, xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) mỗi bữa trưa - chiều cũng tất bật chuẩn bị cho bữa ăn tại bệnh viện.
Hai con anh Dờ đều mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị 4 ngày nay. Hôm nay cả hai đều đã tiến triển tốt, được bố mẹ cho ra sân chơi. Trên tay vẫn còn kim truyền, bé gái nhỏ bám rịt lấy anh Dờ thổn thức.
Anh Dờ chia sẻ khi thấy con có triệu chứng sốt, phát ban đã đem con từ huyện Nậm Nhùn sang huyện Phong Thổ để điều trị. Biết có thể con sẽ phải nhập viện để chữa bệnh, cả hai đã chuẩn bị củi đun, đem theo gạo, nồi niêu để nấu ăn trong những ngày nằm viện.
"Mỗi ngày hai vợ chồng đi chợ gần viện mua ít rau, ít thịt về để nấu ăn. Ở bệnh viện cũng có căng tin nhưng lo tốn kém nên chẳng dám ăn nhiều.
Mỗi bữa đều cố nấu ăn để tiết kiệm, cả ngày cũng chỉ hết 50.000 - 100.000 đồng cho cả hai vợ chồng. May trung tâm y tế có chỗ nấu ăn, có bể nước để mọi người nấu nướng nên cũng đỡ phần nào", anh Dờ nói.

Trong khuôn viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà quây quần quanh bếp ăn tạo nên một khung cảnh vừa giản dị, vừa ấm áp - Ảnh: D.LIỄU
Theo Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, những năm qua bếp ăn bệnh viện đã cung cấp suất ăn cho người bệnh. Tuy nhiên, người nhà người bệnh không có chế độ nên nhiều người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa vẫn có thói quen đem theo củi, xoong nồi để nấu ăn.
Trung tâm y tế cũng xây dựng khu vực nấu ăn chung để người dân đỡ vất vả hơn. Bên cạnh việc phát triển bếp ăn bệnh viện, cung cấp bữa ăn dinh dưỡng thì trung tâm y tế vẫn tạo điều kiện cho người dân được nấu ăn để tự nấu nướng khi điều trị.
Giữa những thiếu thốn, tình người vẫn luôn đầy ắp và chính sự sẻ chia đó đã giúp họ cùng nhau vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng, bền bỉ.
Một số hình ảnh ở "bếp ăn" dành cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Người bệnh tất bật chuẩn bị bữa ăn tại bệnh viện để tiết kiệm phần nào chi phí

Vợ anh Chỏ nhặt rau để chuẩn bị bữa tối cho hai vợ chồng

Những bếp lửa luôn rực sáng để người bệnh vùng cao nấu ăn, tiết kiệm phần nào chi phí
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận