Huỳnh Như Nguyễn (bìa phải) đi du lịch và thực hành tiếng Anh ở Philippines - Ảnh: NVCC
Tôi thích đi học tiếng Anh ở Mỹ để luyện phát âm chuẩn và hiểu sâu sắc văn hóa ngôn ngữ toàn cầu. Nhưng cuối cùng tôi chọn Philippines vì chi phí chỉ bằng 1/3 so với Mỹ và lối sống cũng không quá cách biệt Việt Nam.
NGUYỄN MAI THẮNG
Việt Nam, thị trường tiềm năng
Tháng 7-2019, hội nghị "Du lịch giáo dục Philippines" lần đầu tiên được tổ chức. Bộ Du lịch quảng bá Philippines như điểm đến học tập, đặc biệt học tiếng Anh.
Báo địa phương cho biết mỗi năm có khoảng 264.000 người đến Baguio, Cebu học tiếng Anh. Trong khi đó, khoảng 93,5% dân số Philippines nói và hiểu tiếng Anh.
Một ngày tháng 9, nhờ bạn bè kết nối, tôi được gặp ông Husky Ryu (chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội các trường Anh ngữ tại Baguio - BESA) tại một hội thảo ở TP.HCM. Ngay phút đầu gặp gỡ, ông đã tự hào kể 23 năm trước là người tiên phong đặt nền móng mở trường dạy tiếng Anh tại Philippines cho học viên quốc tế, đặc biệt khu vực châu Á.
Ông nói trước kia tiếp cận thị trường Việt Nam rất khó, nhưng gần đây tăng trưởng rất nhanh vì phụ huynh Việt đề cao giáo dục, nhiều người không quan tâm về giá mà chú trọng tương lai con mình.
Vị "lão làng" Husky Ryu đánh giá hiện dẫn đầu số lượng học tiếng Anh tại Philippines thuộc về học viên Nhật Bản, sau đến Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam. Song ông khẳng định: "Việt Nam là thị trường tiềm năng, sẽ lớn mạnh rất nhanh".
Tôi có dịp khác ngồi ăn trưa với ông Lee Hun Ju (chủ tịch Hiệp hội ngôn ngữ Cebu - CALA) và ông Kim Giljoong (chủ tịch một trung tâm Anh ngữ lớn ở Cebu) để cùng nói chuyện về giáo dục tiếng Anh.
Cả hai vị này đều đánh giá thị trường giáo dục tiếng Anh của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, ước chừng 10 năm tăng 1.000%, tức mỗi năm tăng 100%. Con số ước mơ của các nhà kinh doanh giáo dục tiếng Anh và cũng cho thấy Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia nói tiếng Anh tốt trong tương lai không xa.
"Dẫu vậy vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh Việt Nam không biết Philippines sử dụng tiếng Anh 24/24 và họ nghĩ đảo quốc này không an toàn" - chủ tịch CALA bày tỏ về rào cản gặp phải và cho biết thêm Chính phủ Philippines có chính sách tăng cường an ninh, đặc biệt là ở các "thành phố học thuật" và điểm du lịch.
"Ngày càng nhiều người nước ngoài tới Philippines mở trường dạy tiếng Anh" - ông Lee nói về sự cạnh tranh.
Ông Lee cũng nhận xét lợi thế của nhiều trường dạy tiếng Anh ở Philippines là họ hoạt động trên 10 năm, hiểu thị trường châu Á, tạo nên các chương trình phù hợp cho học viên từng nước như Nhật, Hàn, Việt học để tiến bộ nhanh nhất có thể.
Philippines hiện có hơn 200 trường dạy tiếng Anh. Trực tiếp nghe hơn 20 trường giới thiệu, tôi cảm nhận có sự sao chép mô hình. Một số trường không thật sự nổi bật. Nhưng vẫn có nhiều trường mang lại giá trị khác biệt trong đào tạo, giảng dạy, đem đến hiệu quả cao cho học viên nước ngoài.
Hiện nay, các đơn vị tư vấn du học cạnh tranh về dịch vụ chứ không phải về giá như trước. Điều hành công ty Việt Nam đầu tiên chuyên tư vấn du học Philippines, chị Trương Thị Lan Anh cho rằng điều quan trọng là học viên biết chính xác nhu cầu, ngân sách, trình độ hiện tại, mục tiêu bản thân mà chọn trường có khóa học phù hợp.
Họ nên chọn nơi có nhiều năm kinh nghiệm, cung cấp dịch vụ cộng thêm, thông tin càng chi tiết càng tốt để có nguồn tham chiếu kỹ lưỡng. Bởi nếu người tư vấn không hiểu về trường, phóng đại sự thật, ban đầu học viên có thể thích thú qua học, nhưng qua rồi thì nản, muốn trở về.
Ông Husky, chủ tịch BESA (bìa trái), trao đổi về dạy tiếng Anh cho người Việt Nam - Ảnh: B.M.
Giỏi, dở cũng tùy người học
Lúc đi học về, có người hỏi tôi: "Nay giỏi tiếng Anh lắm rồi đúng không?". Câu trả lời là tốt hơn, tự tin hơn trước đó, chứ vài tháng khó mà giỏi vùn vụt. Học bài tập nghe và đọc hiểu, tôi thường làm trước, lên lớp có nhiều thời gian nói chuyện hơn.
Ngoài ra, tôi học bằng cách vẽ vị trí cấu âm, tưởng tượng hình ảnh. Tôi dùng Google giọng nói, ELSA để kiểm tra phát âm.
Tôi từng thử với nhiều giáo viên Philippines dạy mình, họ được ELSA chấm trên 95% giống người bản ngữ. Giáo viên thường nói tiếng Anh tốt hơn nhiều người dân khác. Hai ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, tôi đều đi ra ngoài để áp dụng tiếng Anh vào cuộc sống và khám phá văn hóa.
Học ở Philippines hay bất kỳ đâu mà về không rèn luyện thì khó phát triển. Do đó về Việt Nam, nhiều bạn cần tiếp tục tự học hoặc học khóa online 1:1. Cùng phương pháp, chương trình, nhưng có bạn tiến bộ chậm, có bạn lại giỏi rất nhanh.
Ở trường, mỗi tuần chúng tôi lại hồi hộp tới bảng tin coi điểm IELTS. Xếp hạng cao xuống thấp, tên mình được gọi gắn liền với quốc gia, nên khi Phan Thanh Nhã (Will, 19 tuổi) xếp hạng 1, nhóm Việt Nam tự hào lắm. Chúng tôi sẽ cùng xúm lại, hát vui vẻ "Việt Nam giờ có Will".
Chưa từng học IELTS, từ 2.5 sau 12 tuần Nhã đạt 6.0 IELTS. Là sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM, tạm dừng để qua Philippines học với dự định lấy học bổng du học ngành kỹ thuật hàng không ở Mỹ, Nhã nói muốn học tốt phải nỗ lực, chủ động, có chiến lược. Khi học IELTS, Nhã học dựa theo tiêu chí chấm thi để đáp ứng, dễ kiểm soát.
Cũng học tại Philippines, Huỳnh Như Nguyễn (28 tuổi, quán quân Micro vàng 2017) hào hứng nói kinh nghiệm để Nguyễn học tốt ở Philippines là... chơi! Cuối tuần, Nguyễn lại ra ngoài khám phá, có lần tham gia lễ hội, có lần bơi cùng cá mập voi.
Nguyễn vui vẻ: "Thảy vào môi trường nói tiếng Anh 24/24. Ăn, học, chơi, suy nghĩ và ngay cả mơ cũng bằng tiếng Anh. Mình phản xạ tiếng Anh, không nghĩ tiếng Việt rồi dịch qua tiếng Anh như trước hay ngược lại. Trước khi đi nhiều người cản, nghi hoặc, nhưng học rồi mới thấy đúng đắn vì vừa vui vừa nói tiếng Anh tự tin hơn".
Khuya, Nguyễn nói "nhớ Phil lắm rồi" và nhắn tin rủ tôi đi cùng. Nguyễn đã đặt vé, tuần sau bay...
Tiếng Anh trong giáo dục ở Phil
Philippines bị Tây Ban Nha xâm chiếm hơn 300 năm. Sau đó, người Mỹ giải phóng đất nước này khỏi Tây Ban Nha và đặt giáo dục làm nhiệm vụ quan trọng. Tiếng Anh trở thành phương tiện giảng dạy.
Thầy cô giáo Mỹ chỉ nói tiếng Anh. Filipino lại có quá nhiều phương ngữ, người ta tin tiếng Anh giúp thống nhất Filipino lại. Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giảng dạy chính thức.
Philippines giành độc lập vào năm 1945, các trường học vẫn giữ tiếng Anh làm phương tiện giảng dạy, nhưng chính phủ cho phép sử dụng tiếng địa phương cho giáo dục song ngữ thử nghiệm.
Các nhà văn Philippines vẫn được khuyến khích viết bằng tiếng Anh cho độc giả Philippines.
Năm 1953, nghiên cứu của UNESCO tái khẳng định lợi ích của việc sử dụng tiếng mẹ đẻ. Chương trình giáo dục Philippines sửa đổi (PREP) được giới thiệu năm 1957.
Hai lớp đầu của tiểu học dạy bằng tiếng địa phương, tiếng Anh là môn học. Từ lớp 3 đến đại học, tiếng Anh trở thành phương tiện giảng dạy, tiếng địa phương giữ vai trò phụ trợ...
---------------------------------------
Nhiều người âm thầm bảo vệ môi trường sống trong khi những hành động phá rừng, xả rác thải độc hại gây ô nhiễm, khai thác cát bừa bãi... vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng.
Đối xử tệ bạc với môi trường sống là tự sát, vì vậy Liên Hiệp Quốc đã lập ra "Ngày môi trường sống thế giới" (ngày 7-10) nhằm nhắc nhở trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường sống của chính mình hôm nay và của thế hệ tương lai.
Mời đọc hồ sơ: Thủ phạm hủy diệt sự sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận